Trong sự hiện diện Ngài, con cái Chúa chúng tôi chỉ còn biết thành tâm : “Nguyện lời nói của miệng tôi, Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi-thiên 19:14), mỗi ngày chúng tôi phải tự “xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10), chúng tôi chỉ mãn nguyện khi “Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phi-líp 1:20), và chúng tôi luôn tâm niệm “hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình” (I Phi-e-rơ 3:15).

Hầu hết các giáo chủ của các tôn giáo đều đứng ở vị thế thầy. Đó là những vị đã tìm ra chân lý, đã đặt ra những quy luật, giáo điều để răn dạy cho những ai muốn nối gót theo mình. Sự liên quan của con cái Chúa đối với vị giáo chủ là sự liên quan của người học trò đối với vị thầy kính yêu. Con cái Chúa cố gắng học hỏi điều thầy dạy để đạt tới sự hiểu biết bằng thầy. Còn trong Phật giáo, Phật-tử cố gắng tu theo phương cách của thầy để đạt được địa vị như thầy. Như vậy sự liên quan đó gồm : Kính phục, tín nhiệm và biết ơn.

Kính phục vì biết thầy mình hơn mình. Tín nhiệm vì tin điều thầy dạy là đúng. Biết ơn vì không có thầy thì làm sao mình hiểu được, biết được.

Trong Phật giáo, Đức Phật Thích Ca là giáo chủ. Ngài là vị hoàng tử Siddhartha ở Ấn Độ. Chân lý Ngài tìm ra là Tứ Thánh Đế hay Tứ Diệu Đế : Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Diệt đế và đạo đế là phương cách Ngài truyền cho môn đệ để những ai muốn đạt tới “Tối Chính Giác” phải cố tự mình cởi bỏ 12 nhân duyên đang trói buộc, đồng thời cố gắng thực thi 8 đường đạo. Người Phật tử phải cố gắng tự mình theo phương cách mà Đức Phật đã chỉ dạy. Ai dũng mạnh, ai tâm lực cương kiện, người ấy đạt được chính quả. Ai yếu đuối thì cứ phải chịu muôn kiếp trầm luân trong bể khổ. Đường tu trọn vẹn của Đức Phật chỉ giúp cho Phật tử nhận ra đường tu của mình thể nào, chứ công nghiệp của Đức Phật không can dự gì tới công nghiệp của Phật tử. Ai riêng phần nấy. Đức Phật đã căn dặn môn đệ yêu quý của Ngài là A-nan-đà rằng : Con hãy cố tìm ở dưới thế này, ánh sáng và nương tựa ở chính con, và không ở chỗ nào khác. Bất cứ tì khưu (tu sĩ) nào, hiện nay hay ngày mai khi ta không còn nữa, nếu biết tìm ở mình chứ không tìm ở chỗ khác, ánh sáng và nương tựa. Những tì khưu say mê và tiến bộ đó được gọi là Đấng Tối Cao.

Trong Cơ Đốc giáo, Chúa Jêsus không phải là giáo chủ. Ngài là Chúa Cứu Thế. Ngài không đi tìm chân lý, vì Ngài là chân lý. Ngài không vạch ra con đường đạo vì chính Ngài là đường đạo. Ngài không cho chúng sinh một viễn tượng thành đạt của cuộc sống, vì Ngài là sự sống hiện hữu và là Đấng Ban Sự Sống. Ngài phán : “Ta là đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14:6). Ngài không phải là vị thầy. Ngài là vị Thần, Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Ngài là Đức Chúa Trời thành nhân và có danh hiệu Em-ma-nu-ên : “nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Ma-thi-ơ 1:23). Sự liên quan giữa Ngài và môn đồ Ngài là sự liên kết đồng hòa như lời Ngài phán : “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4). “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

Chúa ngự nơi nào trong Cơ Đốc nhân ? Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên lập Đền tạm gồm ba phần : Hành lang, nơi thánh và nơi chí thánh “cái hành lang cho đền tạm (cùng) nơi thánh và nơi chí thánh.” (Xuất Ê-díp-tô ký 27:9, 26:33). Đức Chúa Trời ngự ở nơi chí thánh. Con người gồm có 3 phần : Xác, hồn và linh. Sau khi một người tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, phần linh của người tin được tái sinh, tức là nhận được sự sống từ nơi Đức Chúa Trời. Bởi sự tái sinh này, cả con người Cơ-đốc trở thành “đền thờ của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 3:16). Chính Chúa ngự ở phần LINH của Cơ-đốc nhân, là phần chí thánh, là phần không thể phạm tội được, là “người mới”, là phần sinh ra bởi Đức Chúa Trời như lời Kinh Thánh dạy : “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời.” (I Giăng 3:9). Đây là lý do tại sao Cơ-đốc nhân được gọi là người thánh.

Mỗi con cái Chúa chúng ta đều có Chúa ngự trong tâm linh mình, nơi người mới, nơi “bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (II Cô-rinh-tô 4:16). Như vậy thật sự con cái Chúa đang sống với Chúa từng giây, từng phút một. Con cái Chúa chúng ta được gọi là Cơ-đốc nhân “người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơ-rê-tiên (Cơ-rê-tiên (Chrêtien có nghĩa là người theo Đấng Christ)” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:26), là người Christ (Christian), là người có Đấng Christ sống ở trong. Đấng Christ Ngôi Hai Đức Chúa Trời bằng lòng ngự trong con người nhỏ bé của chúng ta.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta há chẳng cảm nhận được sự bình an và sự vui mừng trong lòng sao ? Làm sao chúng ta không cảm thấy bình an và vui mừng khi có Chúa Jêsus ngự trong chúng ta, vì “trong Đấng Christ (Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta) đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).

Có Đấng Christ ở trong chúng ta mới là bắt đầu một sự kiện. Diễn tiến sự hiện diện của Ngài ở trong chúng ta sẽ đưa chúng ta vào sự kính sợ và thuận phục Ngài. Ngài là Chúa tôi! Sự hiện diện của Ngài chiếm cả không gian lẫn thời gian tôi hiện hữu.

Thưa quý vị chưa phải là con cái Chúa,

Trong sự hiện diện Ngài, con cái Chúa trung tín chúng tôi chỉ còn biết thành tâm : “Nguyện lời nói của miệng tôi, Sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài!” (Thi-thiên 19:14), mỗi ngày chúng tôi phải tự “xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10), chúng tôi chỉ mãn nguyện khi “Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phi-líp 1:20), và chúng tôi luôn tâm niệm “hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình” (I Phi-e-rơ 3:15).

Vài lời tâm tình

Trong những ngày tháng qua, những người đi ngược lại Lời Chúa đã xuất hiện trước công chúng, trong những chương trình TV, chương trình radio trực thoại truyền thanh ngày một nhiều. Điều buồn của con cái Chúa là phải giữ thái độ yên lặng để tránh bị phiền toái bởi luật pháp cũng như bị xã hội gạt ra ngoài vì mang đầu óc “cổ hủ”, “kỳ thị” và “đi ngược tiến hóa, luật lệ của xã hội”. Tinh thần của con cái Chúa trung tín luôn bị căng thẳng. Còn đa số con cái Chúa ở VN khổ về đời sống tâm linh, đời sống tinh thần và đời sống vật chất. Chúng ta, con cái Chúa ở Úc châu, làm được gì đây ? Phải chăng ngồi yên, cúi đầu cầu nguyện là đủ ?