Mỗi chúng ta đều muốn sống. Nhưng nếu chỉ mong muốn sống với ý nghĩa là sinh động thân xác có hưởng thụ vật chất đầy đủ thì thật chưa sống trọn vẹn, chưa có sự sống trọn vẹn như phải có, đó là một cuộc sống bình an có tình yêu thương, có niềm vui trong lúc còn ở trần thế, và có một sự thỏa lòng vĩnh cửu trong cõi đời đời, mà Đấng Sống, Đấng Ban Sự Sống chính là Chúa Jêsus.

Người Á Châu trong đó có người Việt ta thường cầu mong ba điều, đó là Phúc, Lộc, Thọ. Không hiểu tại sao người ta lại xếp Thọ sau Phúc và Lộc. Trong thiên Hồng-Phạm của Thư Kinh bên Trung Quốc chép năm điều người ta cầu mong là : Thọ, Phú, Khang ninh, Du hiếu Đức, Khảo chung mệnh. Đa số trong chúng ta nghĩ rằng thọ đặt trước là đúng. Vì có sống thì ta mới có dịp hưởng được phú quý, mới tạo được sức khỏe, làm được điều lành, rồi mong cuối cùng chết bình yên.

Sự sống là gì nhỉ ? Ông Romain Rolland, sử học gia và cũng là văn sĩ người Pháp, người đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1915, đã viết : Sự sống không phải là lý trí lạnh lẽo hay cái gì chúng ta thấy được. Nhưng sự sống là cái gì chúng ta mơ tưởng. Các nhà khoa học có thể giải thích sự cấu tạo của các vật thể, nhưng về sự sống thì bất khả thuyết minh.

Sự sống con người quý lắm. Vị lương y không bao giờ dám rút ngắn cơn hấp hối của bệnh nhân. Và hình phạt nặng nề nhất đối với phạm nhân là án tử hình, cắt đứt sự sống.

Trong một cuộc triển lãm điêu khắc, một nhà điêu khắc đã chập chờn với giấc ngủ liên tục mấy đêm liền chỉ vì chỉ nghe được một lời nói của một nhà phê bình trứ danh khi ông ngắm pho tượng kiệt tác : Chỉ còn thiếu một điều. Cuối cùng nhà điêu khắc tài ba đành xin gặp nhà phê bình cho ra cái thiếu sót của mình. Anh ngẩn người khi nghe nhà phê bình trả lời : Chỉ còn thiếu sự sống thôi thì trọn vẹn. Sự sống làm sao tạo được.

Sự sống, ai cũng nhận thức được, nhưng không ai hiểu được. Đó là lẽ đương nhiên, vì sự sống không thuộc về trần giới mà thuộc về linh giới. Sự sống không phát sinh từ vật chất mà đến từ Thần Linh từ Đức Chúa Trời Hằng Sống. Nên chỉ có Đức Chúa Trời mới giãi bầy cho chúng ta biết được, nhờ Lời Đức Chúa Trời – Kinh Thánh để hiểu rõ. Kinh Thánh ghi rằng : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 2:7). Như vậy sự sống là sanh khí của Đức Chúa Trời. Chúng ta gặp chữ “chết” đầu tiên trong Lời của Đức Chúa Trời khi Ngài phán dặn tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va rằng “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng-thế-ký 2:16-17). Sau đó Ê-va bị ma quỷ cám dỗ hái trái cấm ăn và trao cho chồng ăn nữa. Ăn xong cả hai đều không chết, chết theo cách chúng ta hiểu như ngã lăn ra dẫy đành đạch như ngộ độc rồi tắt thở. A-đam và Ê-va vẫn sống, sống theo cách chúng ta hiểu là vẫn thở, vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng Kinh Thánh chép sau khi A-đam và Ê-va ăn rồi thì “biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng-thế-ký 3:7), kể từ giờ phút đó, sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người bị đổ vỡ. Kinh Thánh chép : “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng-thế-ký 3:8). Như vậy, khi Đức Chúa Trời phán : “Ngươi chắc sẽ chết” là nói về sự mất tương giao với  Đức Chúa Trời.

Như vậy, sống là hơi thở của Đức Chúa Trời truyền vào thân xác con người, là sự liên kết toàn bích giữa Đức Chúa Trời và con người. Khi tổ phụ loài người phạm tội, sự liên kết bị đổ gẫy, sự tương giao bị ngăn cách. Khi ấy sự liên kết toàn bích mà con người có đã chết trong hình thức con người sống. Tai điếc của người sống, đó là cặp tai chết. Dầu tai vẫn còn, âm thanh vẫn có, nhưng âm thanh không còn tác dụng với tai. Tai đã điếc hay tai đã chết. Người mù tuy cặp mắt vẫn còn, mầu sắc và ánh sáng vẫn có, nhưng mầu sắc, ánh sáng và mắt không còn liên lạc được với nhau như phải có. Mắt đã mù hay đã chết. Con người, một loài sanh linh hiện hữu, vốn có sự giao thông mật thiết với Đức Chúa Trời, nhưng tội lỗi đã phá vỡ sự tương giao mật thiết đó. Đức Chúa Trời vẫn hằng hữu, con người vẫn hiện hữu, nhưng giữa Đức Chúa Trời và con người đã mất sự tương giao. Con người đã chết trong tương giao với Chúa. Con người với một hình thức sống trong thực chất chết nên đã không thật sự sống.

Nhà văn người Pháp, ông Romain Rolland nhận xét có phần đúng : Sự sống là cái gì mơ tưởng. Người ta đã mơ tưởng, định khuôn cho cuộc sống đáng gọi là sống. Nhà viết sách người Pháp gốc Do Thái André Maurois đã đề ra nghệ thuật sống trong cuốn “Un Art De Vivre” : sống sao cho có ý nghĩa là cả môt nghệ thuật. Học giả Lâm Ngữ Đường cũng đề ra phương thức sống trong cuốn “The Importance of Living”, và chê triết gia Lão Tử chí ngu vì không biết sống.

Thi hào Nguyễn Công Trứ sau bao năm thăng trầm trong cuộc sống, đã coi cuộc sống là “như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”, ngẫm lại chỉ thấy “nực cười” và mơ ước “làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Thà sống với bản năng, theo một chu kỳ trật tự đơn thuần trong vũ trụ có lẽ còn hơn cái sống luẩn quẩn của con người.

Kịch sĩ Shakespeare nghi ngờ mọi khuôn mẫu sống. Trong vở kịch Hamlet, kịch gia đã để cho nhân vật chính trong vở kịch là chàng Hamlet nói một câu bất hủ để đời : To be or not to be, that is the question. – Nên sống hay không nên sống, đó là một vấn đề.

Nhà thơ Tô Thùy Yên đã có lúc chán ngán cuộc sống tới mức độ : “Tôi sống để quên, quên để sống”, và nhà thơ Đoàn Như Khuê lại thảm hơn : Bể thảm mênh mông sóng lụt trời!

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi,

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,

Coi lại cùng trong bể thảm thôi.

Con người với cuộc sống, khác nào người lữ hành trong sa mạc, khô khan nóng bỏng. Sự thèm khát tột độ đã cho người lữ hành ảo ảnh của hạnh phúc trong một sự sống “đích thực” đang chập chờn ngay trước mắt để người lữ hành cứ hăm hở bước tới mà chẳng bao giờ gặp được.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đây là ý nghĩa của sự sống đích thực khi Cứu Chúa Jêsus phán : “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống;” (Giăng 14:6), bởi Chúa Jêsus, trong Chúa Jêsus, con người lại được sống, có nghĩa là được nối lại sự tương giao với Đức Chúa Trời. Đó là ý nghĩa lời chứng của Giăng Báp-tít nói về Chúa Jêsus : “Ai tin Con (Chúa Jêsus), thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Thánh Giăng quả quyết : “Ai có Đức Chúa Con (Chúa Jêsus) thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (I Giăng 5:12).

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Mỗi chúng ta đều muốn sống. Nhưng nếu chỉ mong muốn sống với ý nghĩa là sinh động thân xác có hưởng thụ vật chất đầy đủ thì thật chưa sống trọn vẹn, chưa có sự sống trọn vẹn như phải có, đó là một cuộc sống bình an có tình yêu thương, có niềm vui trong lúc còn ở trần thế, và có một sự thỏa lòng vĩnh cửu trong cõi đời đời, mà Đấng Sống, Đấng Ban Sự Sống chính là Chúa Jêsus. Điều mong ước của con cái Chúa chúng tôi là quý vị tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình, ngay trong ngày hôm nay, để có cuộc sống đích thật trên trần thế và trong cõi đời đời.

 

Vài lời tâm tình

Hôm nay, ngày học Kinh Thánh của nhóm nhỏ, thứ sáu 29/4. Trước khi học, mở e-mail xem thì được biết MS Chánh (người giảng dạy của nhóm) không khỏe, nên nhóm không có buổi học. Trong lòng có một nỗi buồn khó tả. Tôi cảm tạ Chúa cho tôi có nhóm nhỏ này, cũng như có MS phụ trách, nhưng hôm nay thì một nỗi trống vắng lang thang trong lòng con cái Chúa già. Cầu xin Chúa ban sức khỏe cho MS, và mong sẽ lại có những buổi học Kinh Thánh như trong thời gian qua. Tôi cũng không quên cầu xin Chúa, Đấng Thương Xót, gìn giữ những con cái Chúa già vượt qua được những khổ sở, đau đớn do bệnh tật gây ra, giữ được sự bình an và vui mừng trong cuộc sống đích thực trong Chúa.