Trong tất cả các sinh vật, chỉ con người biết nói. Bộ phận chính để nói là cái miệng và cái lưỡi, thanh quản và làn hơi. Nhưng chủ động nói không phải bởi miệng, lưỡi, thanh quản và làn hơi, mà là ý tưởng hay tư tưởng. Cái miệng và cái lưỡi cùng cả bộ phận phát ra âm kỳ diệu để diễn tả tư tưởng. Lời nói là âm thanh của tơ lòng.

Thiếu ý tưởng thì chẳng biết nói gì, có nói chỉ nói sàm, nói suông.

Trong tiếng Hebrew, ngôn ngữ viết phần Cựu Ước trong Kinh Thánh, chữ “lưỡi” là “peh” được dịch ra tiếng Anh là “edge” - bề lưỡi của con dao sắc bén. Năng lực của “lưỡi” như dao sắc bén nên con người cần cai trị cái lưỡi cùng những ý tưởng trong đầu, thiếu cai trị thì “Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Lời nói có thể nguy hiểm hơn dao : “Dao đâm có lúc thương tích lành. Lời nói đâm nhau hận suốt đời”.

Kinh Thánh luân đến cái lưỡi có sức mạnh và rất nguy hiểm như sau : “Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy mặc lòng, và bị gió mạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cùng đủ cạy bát nó, tùy theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy” (Gia-cơ 3:4-6).

Kinh Thánh cho chúng ta biết một số người xử dụng “lưỡi” mình như sau : “Chúng nó mài nhọn lưỡi mình như rắn, Có nọc độc rắn hổ trong môi mình” (Thi-thiên 140:3).

Không biết nhân loại hiện nay có bao nhiêu người đứng trong hàng ngũ mà Kinh Thánh phán quyết : “Lưỡi ngươi toan sự tà ác và làm điều giả dối, Khác nào dao-cạo bén. Ngươi chuộng điều dữ hơn là điều lành, Thích sự nói dối hơn là nói sự công bình. Hỡi lưỡi dối trá, Ngươi ưa mến các lời tàn hại” (Thi-thiên 52:2-4).

Dối trá” thiên hình vạn trạng. Các nhà nghiên cứu trong môn Tâm Lý Học cho biết trong những lời “dối trá” như sau.

- Khoảng 41% là lời “dối trá” chỉ cốt che đậy sai trái của mình.

- Khoảng 14% là lời “dối trá” trắng, vô hại, chỉ vì tế nhị trong xã giao. Hai bà gặp nhau, khen nhau trẻ đẹp…như xưa, thế là cùng cười thoải mái.

- Cò lại 45% là lời “dối trá” khoe khoang , khoác loác để người ta nể phục, dùng “dối trá” để bóp méo sự thật, hay thêu dệt một vấn đề cho hấp dẫn hay tạo thêm một giá trị tài vật nào đó cho mình như Lời Kinh Thánh cho biết : “Tài vật nhờ dùng lưỡi dối gạt mà được” (Châm-ngôn 21:6).

Người dối trá” giỏi có niềm tự tin vững mạnh, tự hào về thông minh và lanh lợi của mình. Càng qua mắt được nhiều người, càng lừa dối được số đông, là càng chứng tỏ được bản lãnh “dối trá” của mình.

Các nhà tâm lý rất quan tâm đến sự “dối trá”, và đã nhận ra “dối trá để sinh tồn” và đôi khi “dối trá để thành công” là hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống ở thời đại này. “Dối trá” đã trở nên cái gì hiện hữu tự nhiên trong đời. Ngày nay chúng ta đã thấy nhan nhản những vụ :

Dối thiên dối địa dối vô cùng       Dối giấy dối tờ dối tứ tung

Dối từ đất Âu sang đất Á              Dối từ xuân hạ đến thu đông

Dối phỉnh dân mù có hóa không   Dối mãi dối hoài không hết dối

Dối thiên dối địa dối vô cùng       Tác giả : vô danh

Bởi nhu cầu “dối trá” mà sự thật không còn cần thiết. Người ta sợ sự thật, “nói thật mất lòng”, và “sự thật phũ phàng” là vậy.

Chỉ có sự “dối trá” để vinh danh người thân vừa nằm xuống là chẳng ai nỡ phiền hà, xoi bói, bới móc. Thi sĩ Vương Đức Lệ nhắn nhủ người thân chớ “dối trá” trong tang lễ của ông :

Điếu văn chớ đọc lời gian dối      Dưới huyệt xâu tôi sẽ bật cười.

Con người sống dối, nói dối, làm dối, đến cười cũng dối luôn, chỉ vì con người đang ở dưới sự hướng dẫn của các ý tưởng Sa tan, ma quỉ. Bản tính của Sa tan và ma quỉ là “dối trá”, “Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44).

Hai lãnh vực “dối trá” chuyên nghiệp là quảng cáo và tuyên truyền. Hai lãnh vực này không “dối trá” hoàn toàn, trong đó có “một một nửa sự thật” (half truths). Một nửa cái bánh vẫn là bánh, nhưng một nửa sự thật không còn là thật mà là dối.

Trong thời gian trước khi bầu cử diễn ra, các ứng viên “hứa” rất nhiều nhưng sau khi đắc cử, các ứng viên tài ba đều có thể giải thích hợp lý tại sao “hứa” mà không thể làm.

Trong lãnh vực tâm linh, tôn giáo, “dối trá” cũng chẳng từ. “Dối trá” tạo nên những tên “buôn thần bán thánh”.

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã phán về bọn tiên tri giả như sau : “Đức Giê-hô-va lại phán cùng tôi rằng: Ấy là những lời nói dối, mà các tiên tri đó nhân danh ta truyền ra. Ta chẳng từng sai họ đi, chẳng từng truyền lịnh và chẳng từng phán cùng họ. Họ nói tiên tri đó là theo những sự hiện thấy giả dối, sự bói khoa, sự hư không, và sự lừa gạt bởi lòng riêng mình” (Giê-rê-mi 14:14).

Chúa Jêsus đã nói đến sự “dối trá” của các vị trong tôn giáo thời Ngài là “thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình” (Ma-thi-ơ 23:13). “Giả hình” là “dối trá”, không thật vì “họ nói mà không làm” (Ma-thi-ơ 23:3). Lời Kinh Thánh cũng cho biết trong thời kỳ cuối cùng, trong Cơ Đốc giáo không thiếu “mục sư giả”, là “tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại” (II Phi-e-rơ 2:1). Loại giả này rất sảo quyệt như “chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (II Cô-rinh-tô 11:14).

Kinh Thánh đã nói đến loại “dối trá” này : “Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh (dối trá) dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô-ma 16:18). Con cái Chúa chúng ta hãy thận trọng “đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ anh em” (Ê-phê-sô 5:6). Con cái Chúa hãy chăm chỉ đọc và suy gẫm Lời Kinh Thánh : “để xét lời giảng (của các vị rao giảng Kinh Thánh) có thật chăng” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11), có hiệp vớ Kinh Thánh không.

Cơ Đốc nhân, con cái Chúa phải tự giữ miệng lưỡi mình mà “từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá”(I Phi-e-rơ 2:1). Các mục sư ngay lành trung tín hẳn sẽ đồng lòng với Thánh Phao-lô : “Chúng tôi chẳng theo sự dối gạt, và chẳng giả mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ bày lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng” (II Cô-rinh-tô 4:2), “vì sự giảng đạo của chúng tôi chẳng phải bởi sự sai lầm, hoặc ý không thanh sạch, cũng chẳng dùng điều gian dối. Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi” (Tê-sa-lô-ni-ca 2:3-4). Lời “dối trá” thường làm “đẹp lòng loài người” nhưng người “giảng Tin Lành” thì phải lòng thành và nói thật.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính cần phải nhớ : “Môi miệng nói dối giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 12:22). Vậy : “phải chừa sự nói dối” (Ê-phê-sô 4:2), và cũng “Chớ tự dối mình” (I Cô-rinh-tô 6:10).

Con người chẳng những “dối trá” với người đã đành, nhưng tệ hại hơn là “dối trá” với mình. Người thuộc loại này không nhìn nhận “chân tướng” mình. Thân hình lở loét không lo chữa, nhưng tìm quần áo thật đẹp, thật sang để mặc, tạo nên một thứ “dối trá” cao sang nơi con người “ghê tởm, bệnh hoạn”. Hãy nhớ “Chúa biết hết mọi việc” (Giăng 21:17). Vậy, thay vì nói “dối trá” “hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Điều này làm dẹp lòng Chúa.