Tiếng Việt mình có hai danh từ kép đồng nghĩa : nhân đức và nhân từ. Kinh Thánh dạy Cơ Đốc nhân : “phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức” (II Phi-e-rơ 1:5). Người có “đức tin” chính đáng, vững vàng thì phải “thêm…nhân đức” đối với tha nhân.

Trong mọi sinh vật, chỉ con người mới có nhân đức, vì con người được Đức Chúa Trời “hà sanh khí” (Sáng-thế ký 2:7) của Ngài vào thân xác con người, và nhân đức là một trong những mỹ đức của Đức Chúa Trời, nên con người có nhân đức.

Đức Chúa Trời được Kinh Thánh bầy tỏ Ngài là “Đức Chúa Trời nhân từ (hay nhân đức), thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6), và “sự nhân từ” của Ngài là “sự nhân từ lạ lùng” (Thi-thiên 31:21).

Đức Chúa Trời đã bầy tỏ sự “nhân từ lạ lùng” của Ngài qua Đức Chúa Jêsus, “Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho (bản New American Standard Bible towards-dành cho) chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Ê-phê-sô 2:7).

Từ khi loài người phạm tội, sự “nhân từ” trong con người ngày càng kiệt quệ, đôi khi chúng ta có cảm nghĩ như vua Đa-vít. Vua Đa-vít thưa với Chúa : “Đức Giê-hô-va ôi! xin cứu chúng tôi, vì người nhân đức không còn nữa, Và kẻ thành tín đã mất khỏi giữa con loài người. Chúng đều dùng lời dối trá mà nói lẫn nhau, Lấy môi dua nịnh và hai lòng, Mà trò chuyện nhau” (Thi-thiên 12:1-2).

Chúng ta gặp người “nhân đức” chân chính thì ít, nhưng loại người “bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó” (II Ti-mô-thê 3:5) là “chối bỏ” việc làm bày tỏ “nhân đức” như đáng có. Người “nhân đức” kiểu này thì hơi nhiều.

Nhân đức” chỉ thể hiện chân thật qua hành động khi lòng thương sót trong ta sinh động, như “nhân đức” được diễn tả qua Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi (1380-1442) ở phần “thương người” :

Thương người tất tả ngược xuôi

Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ

Thương người ôm dắt trẻ thơ

Thương người tuổi tác già nua bần hàn

Thương người quan quả cô đơn

Thương người lỡ bước lầm than bên đường

Thấy ai đói rách thì thương

Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn

Thương người như thể thương thân.

Ý nghĩa chữ “thương” trong phần này là “thương xót”. Người thiếu lòng thương xót khó bày tỏ nhân đức. Thương yêu và thương xót thường mang ý gần giống nhau. Nhưng thương xót (mercy) có ý nghĩa của thương hại cùng với tội nghiệp mà không còn sự đoán xét khi cảm nhận rằng người đó cần sự ban cho vô điều kiện, như Kinh Thánh có ghi : “nhưng sự thương xót thắng sự đoán xét” (Gia-cơ 2:13).

Theo thuyết “nghiệp chướng” của Phật Giáo, một người bình thường khó có lòng “thương xót” vì tin rằng người gặp hoạn nạn, khốn khổ chẳng qua là giá phải trả cho những tội ác từ “kiếp trước” hoặc “kiếp này”. Có chăng là một chút thương hại chốc lát.

Chúng ta an tâm khi có “lòng thương xót” nhưng thiếu “nhân đức” đáp ứng, chỉ vì “lực bất tòng tâm”.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Quý vị đừng lấy làm lạ khi thấy một người theo Chúa giới thiệu Chúa Cứu Thế Jêsus với quý vị. Người đó không phải đi ra “dụ” quý vị đi theo “đaọ” của mình. Nhưng vì “lòng thương xót” thấy quý vị đang ở dưới “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36) và cuối cùng đời quý vị sẽ “bị ném xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:15).

Thấy tha nhân chết mà không cứu là bất nhân, nhẫn tâm. Con cái Chúa được Lời Kinh Thánh dạy dỗ phải “nhân đức”, mong quý vị nhận biết Cứu Chúa Jêsus và tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình hầu “không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Kinh Thánh cũng dạy Cơ Đốc nhân : “Ai nấy khá lấy sự nhơn từ, thương xót đối với anh em mình” (Xa-cha-ri 7:9). Chúng ta là những Cơ Đốc nhân, thấy anh em mình ăn ở, “sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:8), chúng ta không thể làm ngơ, “hồn ai nấy giữ”, song phải cảm thấy “thương xót đối với anh em mình”, dùng đủ mọi cách nhắc nhở anh em mình rằng họ : “có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ” (Phi-líp 3:18).

Đôi khi “sự nhơn từ, thương xót đối với anh em mình” không được anh em chấp nhận mà còn bị “hất đi”.

Nhớ lại những ngày mới trở về nhà Chúa cùng HT Kingsgrove được ít lâu, tôi qua Hoa Kỳ thăm bố mẹ. Bè bạn thủa du học tổ chức một bữa tiệc mừng tái ngộ. Khi anh trưởng ban tổ chức xin mọi người nâng ly rượu mừng, tôi xin một ly nước soda. Mọi người cười ồ lên. Trong lúc ăn uống tôi được biết có vài cậu đàn em đã tin nhận Chúa, nhưng nhìn quanh, thấy những cậu này cũng có vẻ say sưa như số đông. Trước khi ra về, tôi có đứng lên cảm ơn tấm lòng ân hậu của các bè bạn tại California có mặt. Trước khi rời buổi tiệc, tôi cũng nói riêng với một cậu đàn em lời nhắn nhủ tới những cậu theo Chúa : “Là con cái Chúa, chúng ta phải tránh xa tội lỗi, mà “say sưa” là tội”.

Sau khi về lại Sydney, cậu đàn em và cũng là người anh em trong Chúa đã cho tôi biết sự tình qua một điện thư : “Chuyện anh nhờ thất bại hoàn toàn. Hầu hết chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Có hai người nói thẳng rằng không cần nghe mấy lời đó. Riêng đàn em tin lời anh nói. Cầu xin Chúa thêm sức để anh tiếp tục giữ được đức tin và trung tín trên đường theo Ngài. Cảm ơn anh””. Không được anh em trong Chúa chấp nhận sự “thương xót” của mình mà còn bị hất đi. Tôi cũng cảm ơn người đàn em trong Chúa đã dùng những lời “ân hậu” (Cô-lô-se 4:6) để an ủi và khích lệ tôi.

Lời Chúa trong Kinh Thánh có đề cập nhiều lần tới sự “nhân từ” (nhân đức) của Đức Chúa Trời ban cho loài người, trong đó có sự “nhân từ” Ngài ban cho Hội Thánh Lao-đi-xê. Hội thánh Lao-đi-xê là Hội Thánh Lao-đi-xê nằm ở thành phố Lao-đi-xê, một thành phố giàu có nằm trên con đường buôn bán chính. Nó nổi tiếng về ngành công nghiệp sản xuất len, ngân hàng (dự trữ rất nhiều vàng), và một trường y khoa sản xuất thuốc xoa mắt. Sự giàu có làm cho những cư dân trở nên tự mãn, làm ăn buôn bán tới mức Đức Chúa Trời cho biết “Nó là người buôn bán cầm những cân dối trá trong tay mình; nó ưa gian lận” (Ô-sê 12:8), và Ngài đã phán cùng Thánh Giăng  Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Lao-đi-xê rằng: Nầy là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành tín chân thật, Đấng làm đầu cội rễ cuộc sáng thế của Đức Chúa Trời: Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta. Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ.” (Khải-Huyền 3:14-17). Hội Thánh Lao-đi-xê đã đẩy Chúa ra ngoài. Song sự “nhân từ” Ngài không hề thay đổi, “Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi” (Ê-sai 54:10). Bởi lòng “nhân từ”, Ngài đứng bên ngoài cửa và nhắn nhủ : “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta” (Khải-huyền 3:20).

Thí dụ Chúa phán về nhân đức qua câu chuyện Người Sa-ma-ri Nhân Lành, “Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi. Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả” (Lu-ca 10:30-35). Người Sa-ma-ri gặp người Giu-đa “lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết”. Người Giu-đa thường khinh miệt người Sa-ma-ri. Nhưng người Sa-ma-ri nhìn thấy người Giu-đa “nửa sống nửa chết … thì động lòng thương xót”, và cứu giúp ngay, bởi “nhân đức” mình có.

Người “nhân đức” dễ “động lòng thương xót”.