Ý tưởng vững vàng trong cuộc sống con người là điều tất yếu ở mọi lãnh vực. Thiếu vững vàng là dễ suy sụp.

Niềm tin vững vàng không thuộc loại mê tín, nhận biết là không đúng hoặc chẳng cần biết đúng hay sai, cứ tin vì đã coi như tin hay trót tin. Người nhận biết niềm tin mình không đúng như lòng mong ước, thay đổi niềm tin, thường bị đồng đạo phê phán là bị dụ dỗ “thấy mới, nới cũ”, người bất nhất.

Suy nghĩ một chút chuyện thực tế trong đời, nếu ta tin rằng có một loại thuốc làm “tăng cường thể lực” rất tốt, rồi mua loại thuốc này để uống. Nhưng uống lâu ngày mà thể lực không tăng lại thấy mình yếu vẫn hoàn yếu, thì chắc chắn cái tin của ta vào thuốc đó lung lay. Ta sẽ khó ngồi yên mà không tìm phương thuốc khác. Ước mong quý anh chị tin đại hay trót tin vào một tôn giáo nào đó không đem lại những điều mình mong ước, một niềm vui, sự bình an trong lúc sống trên đất và một niềm hy vọng khi qua đời, thì chúng tôi xin mời đến với Tin Lành. Quý anh chị sẽ thấy đó là đường tốt đẹp nhất cho quý anh chị.

Đức tin của Cơ Đốc nhân bao giờ cũng có đối tượng niềm tin của mình vào Ba Ngôi Đức Chúa Trời, “Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Ê-phê-sô 1:3), Cơ Đốc nhân là “con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12), Đức Chúa Jêsus là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6) của Cơ Đốc nhân, và Cơ Đốc nhân “ấn chứng bằng Đức Thánh Linh” (Ê-phê-sô : 1-13). Đức tin khiến Cơ Đốc nhân “bước đi theo Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:16).

Đức tin của Cơ Đốc nhân hay con cái Chúa chúng ta vững vàng khi chúng ta “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận” (I Ti-mô-thê 1:15) biết rằng “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15).

Niềm tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho con cái Chúa chỉ là giai đoạn đầu của “đức tin”. “Đức tin” sau đó phải được tăng trưởng, vững mạnh để hành sử hay “làm” như lời Kinh Thánh khẳng định : “ Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:8-10).

Làm việc lành” là làm theo Ý Đức Chúa Trời, là làm những việc Chúa Jêsus đã làm khi Ngài ở trần thế như Lời Ngài phán : “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa” (Giăng 14:12).

Trong thời Chúa Jêsus tại thế, sứ đồ Phi-e-rơ muốn làm như Chúa Jêsus làm, là xin Chúa khiến ông cũng đi trên mặt nước để đến cùng Chúa, như Ngài đang đi bộ trên mặt biển. Chuyện được ghi lại trong Kinh Thánh như sau. Trong một đêm tối trời, các môn đồ theo lệnh Chúa đi bờ biển bên kia :

Kế đó, Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia, trong khi Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi. Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình. Bấy giờ, thuyền đã ra giữa biển rồi, vì gió ngược, nên bị sóng vỗ. Song đến canh tư đêm ấy, Đức Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ. Khi thấy Ngài đi bộ trên mặt biển, thì môn đồ bối rối mà nói rằng: Ấy là một con ma; rồi sợ hãi mà la lên. Nhưng Đức Chúa Jêsus liền phán rằng: Các ngươi hãy yên lòng; ấy là ta đây, đừng sợ! Phi-e-rơ bèn thưa rằng: Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” (Ma-thi-ơ 14:22-28). Phi-e-rơ muốn “đi trên mặt nước” như Chúa Jêsus để “đến cùng Chúa” vì kính mến Ngài tin cậy Ngài. Chúa chấp nhận kỳ vọng của Phi-e-rơ, “ Ngài phán rằng: Hãy lại đây!” (Ma-thi-ơ 19:29). Phi-e-rơ nhìn Chúa “đi bộ trên mặt biển” an toàn, nên ông rất vui thỏa “đi bộ trên mặt nước” giống Chúa và để chứng tỏ “ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy” (I Giăng 4:17). “Song khi thấy gió thổi” (Ma-thi-ơ 4:30), thì Phi-e-rơ nghĩ ngay đến con người mình làm sao có thể vượt qua được định luật thiên nhiên, thế là đức tin lung lay, trở về con người bình thường, Phi-e-rơ “sợ hãi, hòng sụp xuống nước”. Chắc hẳn tại thời điểm đó ông nghĩ rằng không “đi bộ trên mặt nước” vẫn có thể bơi “trên mặt nước” trở lại thuyền hay đến cùng Chúa an toàn.

Phi-e-rơ đã cảm thấy thất bại khi bị “sụp xuống nước” nhiều lần, Phi-e-rơ “bèn la lên rằng: Chúa ơn, xin cứu lấy tôi! ” (Ma-thi-ơ 14:30).

Phi-e-rơ không thể hoàn tất ý định “đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” (Ma-thi-ơ 14:28), tức thì “Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy? ” (Ma-thi-ơ 14:31).

Qua Kinh Thánh chúng ta biết “đức tin” của Phi-e-rơ rất lớn. Nhưng đối với Chúa, mới “thấy gió thổi” Phi-e-rơ đã chao đảo, không tin trọn vẹn vào Chúa là còn “ít đức tin”. Bằng cớ “ít đức tin” là “sợ hãi”. Từ bài học này, Phi-e-rơ chẳng còn “sợ hãi” trong mọi cảnh ngộ nguy khốn và có đức tin vững vàng thật sự.

Sau khi Chúa Jêsus sống lại về Trời, Phi-e-rơ mạnh dạn giảng Tin Lành Cứu Rỗi đến mọi người. Vua Hê-rốt đã “dùng gươm giết Gia-cơ là anh của Giăng” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:1) và  “bắt Phi-e-rơ” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:1) cầm tù. Phi-e-rơ biết chắc mình chẳng thể thoát chết. Đây là cơn bão trong cuộc đời của Phi-e-rơ. Thế mà Phi-e-rơ không “sợ hãi”, “người đang mang hai xiềng, ngủ (ngon lành) giữa hai tên lính, và trước cửa có quân canh giữ ngục” (Công-vụ các Sứ-đồ 12:6).

Vua Đa-vít biểu lộ đức tin vững vàng của mình bằng câu : “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi-thiên 23:4).

Cách đây gần 20 năm qua, tại Hội Thánh Chúa Kingsgrove, nơi người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa, bà Phạm Văn Tâm với đức tin vững vàng, một tháng trước khi qua đời, đã làm chứng cảm tạ Chúa đặt để trong cơ thể bà chứng bệnh nan y, cho phép bà trải nghiệm một cuộc sống nhiều thử thách, đau đớn, nhưng bà đã vững niềm tin chờ ngày về với Ngài. Nước mắt của nhiều người đã chẩy vì thương bà cùng học được một bài học về đức tin vững vàng nơi bà.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ-đốc nhân chân chính có sự tin cậy hay “đức tin” vững vàng nên bình an trong mọi cảnh ngộ khó khăn.

Cơ-đốc nhân chân chính chẳng những không “sợ hãi” mà còn “được vui mừng quá bội ở giữa mọi sự khó khăn” (II Cô-rinh-tô 7:4), “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên” (II Cô-rinh-tô 4:17).

Cơ-đốc nhân chân chính không thuộc loại “điếc không sợ súng”, nhưng có đức tin rõ ràng vào lời Chúa Jêsus phán : “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Cơ-đốc nhân chân chính trong hoàn cảnh khó khăn, nguy khốn vẫn vững tin rằng : “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28).

Nghĩ gì về nội dung một vài bài giảng gần đây

Tôi một con cái Chúa già, tin rằng nội dung một vài bài giảng gần đây chỉ trưng dẫn một hai câu Kinh Thánh, tiếp theo là cứ lập đi lập lại với những dẫn chứng bằng hết chuyện trần tục này đến chuyện trần tục khác, kết luận, rồi lại lập lại cùng một câu Kinh Thánh với những dẫn chứng nơi trần thế và cứ nói cho dài mà con cái Chúa già chẳng học thêm được những đoạn Kinh Thánh khác trong Lời Chúa. Thậm những câu chuyện trần thế đôi khi mang tính chất “hề”, khôi hài hơn là có thật. Nghi vấn của tôi là : Có phải với loại nội dung như thế chỉ có thể là câu chuyện phiếm không ???. Làm ơn trong các bài giảng luận, quý mục sư hãy lấy lời Kinh Thánh để dẫn giải câu gốc của Kinh Thánh. Còn thí dụ trần thế cho một hay hai là quá đủ. Đó là niềm tin, ý nghĩ của một con cái Chúa già về một vài bài giảng gần đây.