Sợ dư luận, sợ bạo quyền, hay sợ phạm tội cùng Chúa?

Người trong trần thế thường sợ mất những gì có liên hệ tới vật chất, nhưng một số người được đời cho là quân tử sợ mất lẽ phải của xã hội quy định , hay mất đi sự yên tĩnh của tâm hồn.

Vậy phải chăng khi dư luận trong xã hội chê bai, tâm hồn bị xáo trộn ? Pascal đã khẳng định: “Dư luận là chúa tể của thế gian”. Điều này rất đúng trong xã hội loài người. Ngoại trừ một số nhà lãnh đạo của thể chế độc tài, độc đoán tức thuộc hạng người “ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung”, quen tự cao tự đại vì chỉ biết “múa võ góc nhà”, hầu hết ai cũng sợ dư luận cả. Dân gian sợ dư luận hàng xóm, láng giềng, các nguyên thủ quốc gia, các ông chủ tịch, tổng giám đốc của các đại công ty sợ dư luận quốc tế. Ai nấy đều sợ dư luận. Lắng nghe dư luận để tránh những hành động, lời phát ngôn bừa bãi, nghịch lý, vô luân, và đồng thời hướng đến chân, thiện, mỹ, quả là điều tốt lành. Nhưng dư luận chưa hẳn luôn luôn đúng. Vì thế, lắng nghe dư luận xong, cũng cần suy gẫm, để biết chúng ta cần làm gì. Đừng vì sợ dư luận để trở thành người “đành nhắm mắt đưa chân” và hành động theo kiểu “đi với ma mặc áo giấy” “ai sao mình vậy” để khỏi bị chê bai dè bỉu.

Sợ dư luận là muốn được tán dương, sợ bị chế riễu, khinh khi. Tôi đã từng thấy một số sinh viên trong các phong trào phản chiến trong thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa và Đệ Nhị Cộng Hòa, quá trọng dư luận (mang tính cách một chiều),  sợ bị phê phán là “hèn”, “tay sai cho bả vật chất”. Họ đã đạt được một sự vinh quang “bề ngoài” nào đó. Và kế tiếp là việc trùm chăn với cái vinh quang “giả dạng”. Khi cái chăn được kéo lên rồi mới biết mình và đại gia đình chẳng còn gì ngoài kiếp sống bị đọa đầy hay lưu vong.

Phải chăng thành tâm mà suy gẫm về dư luận là chuyện nên.

Thưa quý vị, quý anh chị con cái Chúa,

Nếu ta có cái đáng khinh hay nhầm lẫn, mà thiên hạ vì sợ địa vị ta hoặc vì mù quáng, khen ta, ta cũng nên cúi đầu xấu hổ. Vì chẳng ai hiểu mình hơn mình cả, đừng nên dối gạt mình. Nhưng nếu trong mình có cái đáng trọng mà thiên hạ cố tình chê, ta hãy thanh thản, lấy đó làm quí, hãnh diện. Người quân tử sợ lương tâm mình trách mắng mình hơn sợ dư luận, miệng đời. Vì danh hão mà dư luận, miệng đời tặng cho có phải là cái ta mong ước không ?

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy xem tấm lòng thánh Phao-lô trước dư luận :  Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt;  ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (II Cô-rinh-tô 6:8-10). “Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn.  Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó. Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục;  khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bả của loài người, cho đến ngày nay” (I Cô-rinh-tô 4:10-13).

Thánh Phao-lô đã bình an, thanh thản biết bao nhiêu trước dư luận,  miệng người trần thế ra sao. Vì vậy đến ngày cuối cùng của cuộc đời, thánh Phao-lô quả quyết trong niềm tin vào những gì ông đã dâng cho công việc Chúa phó thác, đáng trọng, và chắc chắn Chúa sẽ dành cho ông những gì tốt lành nhất : “Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.” (II Ti-mô-thê 4:8).

Nếu không bị chê đến nỗi chính mình biết được cái xấu xa tột độ của mình, để rồi bị dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần, thì con người không ai không sợ chết. Ông La Fontaine có bài thơ “Lão tiều phu và thần chết” đại ý như sau : Một lão tiều phu luống tuổi ngồi bên rừng than thở về kiếp sống quá cơ cực không hẹn ngày sáng sủa hơn. Lão chỉ muốn chết cho yên thân. Lão bèn réo Thần Chết đến cất lão đi. Thần chết đến thiệt. Lão bối rối lo sợ và cuối cùng chỉ xin Thần Chết đỡ hộ bó củi lên vai, rồi lão lọm khọm bước đi. Ham sống là lẽ thường tình. Chỉ vì chết là chuyện chưa hề từng trải, chưa hề đi, và khi đi thì lại đi trong một mình, không người thân thích, không còn ai hỏi han trò chuyện. Cô quạnh, bất an, và cái gì xẩy đến mình không biết. Hỏi sao chẳng sợ.

Con cái Chúa có sợ chết dưới tay bạo quyền không ?

Ở thế kỷ thứ nhất, dưới quyền thống trị của đế quốc La Mã, từ thời hoàng đế Neron (54-68) đến thời hoàng đế Domitien, Cơ-đốc nhân bị bắt bớ dữ dội chỉ vì họ không chịu chối bỏ đức tin, quyết tâm chỉ thờ một Đức Chúa Trời, và chỉ xưng một mình Jêsus-Christ là Chúa, mặc cho bạo quyền muốn nói nhăng nói cuội gì thì nói. Trong lúc hoàng đế Domitien tự xưng là thần, là Chúa và bắt tất cả thần dân phải thờ lạy. Họ từ chối. Những Cơ-đốc nhân  này bị tịch thu tài sản, bị tù đầy, bị giết chết. Họ không sợ. Họ đứng chụm vào nhau, hát tôn vinh Đức Chúa Trời, chờ bạo quyền thả sư tử đói vào cắn xé. Họ nắm tay nhau cầu nguyện trước khi bị lôi đi giết tập thể. Họ nhớ lời Chúa phán: “Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa” (Lu-ca 12:4). Sự chết chỉ là con đường đưa Cơ-đốc nhân vào miền vinh hiển, tại đó có Cứu Chúa Jêsus đón chờ. Tinh thần đó, niềm tin đó vẫn tiếp nối trải qua bao thời đại trong mọi cơn bắt bớ.

Trong thời kỳ đó, Thánh Giăng cũng bị bạo quyền đầy ải nơi đảo Bát-mô. Thánh Giăng đã nhiều lúc lo sợ Hội Thánh Chúa sẽ mai một dưới tay bạo quyền, ôi còn gì Danh Chúa Quyền Năng, Nhưng Chúa Jêsus đã hiện đến với Thánh Giăng, cùng với lời trấn an, khẳng định : “Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời” (Khải-huyền 1:17-18).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chắc chắn chúng ta nên học những gương bình tĩnh trước dư luận của người đời và sự hăm dọa, vu oan, ngay cả sự chết từ bạo quyền đến với chúng ta.

Vậy chúng ta con cái Chúa sợ chi đây ? Trong bất cứ cuộc bắt bớ, phá hoại niềm tin, Hội Thánh, bạo quyền trước hết quyết định trừ khử, bôi nhọ những người lãnh đạo Hội Thánh. Những kẻ chống đối đạo Chúa ở các nước tự do đem vật chất chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa lên hàng đầu, họ cũng chỉ chờ dịp phá vỡ được Hội Thánh Chúa bằng cách dùng sự phạm tội, nhầm lẫn của con cái Chúa, các vị lãnh đạo Hội Thánh Chúa, để phá đổ Hội Thánh Chúa. Bạo quyền biết Cơ-đốc nhân thường nhắc nhở nhau : “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31), và kế hoạch của họ sẽ là : Làm cho những người lãnh đạo Hội Thánh, con cái Chúa sa ngã, phạm tội. Và khi những vị lãnh đạo đã phạm tội rồi, họ làm mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, họ mất uy tín, trong việc dẫn dắt Hội Thánh, với con cái Chúa và cả quần chúng nữa. Ngay cả khi các vị lãnh đạo Hội Thánh Chúa, vì một lý do nào đó, bị bôi nhọ oan uổng đi nữa, qua những việc người trần thế làm thì không sao, nhưng một vị lãnh đạo Hội Thánh Chúa không nên làm, vì đó sẽ là gương không tốt có thể khiến các con cái Chúa vấp phạm, không làm vinh hiển Danh Chúa, Hội Thánh Chúa cũng có thể bị suy nhược qua những hành động thiếu khôn ngoan, trong lúc bạo quyền và những kẻ chống đối đạo Chúa mong các vị lãnh đạo Hội Thánh và tín hữu chịu phạm tội.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Điều chúng ta sợ là tội cùng Chúa, sợ mất sự vinh hiển của Chúa trong cuộc sống của mình. Vậy chúng ta cùng nhau tâm niệm rằng “hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10) rồi mới nói hoặc làm.