Ta cứ thử nghĩ lại, trong Thánh Kinh có viết “Hoạn nạn sanh ra nhịn nhục” (Rô-ma 5:3), thì quả thật, những việc, lời nói không làm ta vừa lòng, không làm ta ưng ý, những xúc phạm đến chúng ta rèn tập kiềm chế tánh giận dữ, học tập tánh nhịn nhục; nơi đây sự thương xót, nhân từ mà Chúa muốn con cái Ngài có sẽ phát hiện trong chúng ta, để chúng ta sẽ là những đứa con yêu của Chúa.

Con người có lắm cái giận. Giận chính mình tại sao có những lầm lẫn, đôi khi ấu trĩ, để rồi bị đời xử ức, giận vợ vì lối hành xử, lời nói thiếu hòa nhã, giận con cái vì chúng khó dạy bảo. Thế rồi bực mình với bè bạn, với đồng nghiệp khó tánh, ngang ngược, phản bội, giận kẻ thù. Trong thời đại siêu vi tính này, đôi khi vào đọc báo, tạp chí, có nhiều bài viết, hình ảnh, giữ kiện với nội dung tục tửu, tự do quá trớn khiến ta giận cái xã hội ô trọc, và giận đời. Có lẽ giận là thứ tình cảm được con người bộc lộ nhiều nhất. Giận ít thì buồn phiền, hờn lẫy. Giận nhiều thì quát tháo, chửi rủa, đập phá, nổi loạn, có khi đi đến giết người nữa.

Biểu lộ mừng, người ta chỉ cần vận dụng cơ thịt môi và mắt. Biểu lộ giận, thì bao nhiêu cơ thịt ở mặt, cổ, ngực, bụng, và chân tay đều bị điều động cả.

Có người giận, mặt mày xanh lè, chân tay run lẩy bẩy. Đó là giận ở thế yếu. Giận quá không làm gì được đối tượng làm mình giận thì quay ra hành hại chính mình. Vò đầu, bứt tai, đấm ngực, có khi còn tự hại mạng sống mình nữa.

Có người giận, mặt mày đỏ gay, cặp mắt trợn ngược, gân cốt nổi lên, tim đập liên hồi, hơi thở phì phò. Đây là giận ở thế mạnh. Và sự tàn hại của cơn giận tùy theo cường độ và tư thế của người tức giận.

Khi tức giận, huyết áp thường tăng cao rất nhanh, vì thế có thể xẩy ra những tai hại cho sức khoẻ, nhưng chứng đột quỵ, tim mạch bị nghẽn.

Dẫu sao, với người để lộ cơn giận, không đáng sợ lắm. Cơn giận đã được nhận ra, chúng ta có thể tìm cách giải độc cơn giận kịp thời. Ngại chăng là người giận đến thâm gan tím ruột, mà mặt vẫn tỉnh bơ, coi như không có gì, có khi còn điểm một nụ cười “nhạt”, đó là con người nham hiểm mà chúng ta khó lường được hậu quả của sự giận dữ.

Lòng giận dữ là bản tính xác thịt của con người. Kinh-thánh chép “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:19-21).

Cơn giận phát lộ đầu tiên của loài người được ghi lại trong Thánh Kinh như sau : “A-đam ăn ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ thai sanh Ca-in và nói rằng: Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người. Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên; A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng. Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt. Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó. Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình. Vả, khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi.” (Sáng-thế-ký 4:1-8) . Ca-in đã tức giận khi thấy của lễ mình không được Đức Chúa Trời nhận, trong khi Đức Chúa Trời lại nhận lễ vật của A-bên em mình. Ca-in đã không còn đủ sáng suốt tìm ra lý do, tại sao Đức Chúa Trời đã có sự lựa chọn như vậy, hoặc phải chăng đây là sự thử thách của Ngài? Kết quả mặc dầu Đức Chúa Trời đã nhìn thấu rõ lòng Ca-in và có ý răn bảo, nhưng tội lỗi của Ca-in đã khiến Ca-in để cho cơn giận hoành hành. Kết quả là “giận cá chém thớt”, Ca-in đã giết chính em mình.

Trong gia đình, để chế ngự và hóa giải cơn giận của chồng hay vợ, chúng ta có một phương pháp khá hiệu nghiệm:

Chồng giận thì vợ làm lành, Thật lòng khẽ hỏi rằng anh giận gì ?

Vợ giận thì chồng làm lành,          Thật lòng khẽ hỏi rằng em giận gì ?

Hỏi lý do xong, nhớ lại, suy nghĩ, giải thích trong lòng thành, sau đó nếu vì mình đã phạm lỗi lầm khiến cho người phối ngẫu tức giận, ta nên thành tâm cầu nguyện trước mặt người phối ngẫu, xin Chúa tha tội cho sự vấp phạm của ta, và nguyện xin Lời Chúa soi dẫn để không vấp phạm nữa, rồi xin lỗi. Còn nếu chẳng qua là sự hiểu lầm, cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn trước, rồi thành tâm giải thích. Đó là cách Kinh Thánh dạy “Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm” (Châm-ngôn 15:1).

Nếu ta ở trong trạng thái tức giận, chế ngự được cơn giận mình mới là nan giải. Cần nghị lực, cần sáng suốt và cần sự yêu thương để dẫn tới vị tha, hiểu biết. Suy gẫm về tình cảm giận, chỉ những người không được bình thường mới không biết giận, dại. Người binh thường, biết giận, nhưng tìm đủ mọi cách không để cho cơn giận hoành hành, khôn. Con người có tình yêu thương, biết chế ngự được cơn giận của mình, tìm ra phương pháp để “không muốn giận”, tìm cách hiểu lý do, cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt để ta khuyên bảo người lầm lỡ trong tình yêu thương, hoặc cảm nhận được mình hiểu lầm để hóa giải tức giận, quả là khôn, làm lành theo “Ý Chúa”.

Trong tinh thần Cơ-đốc, thánh Gia Cơ đã khuyên chúng ta “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Đã bao lần chúng ta hối tiếc vì đã để cơn giận bùng lên chỉ tại nghe chưa thấu, xét chưa tường mà đã tức khí qua sự nhận biết hàm hồ của ta, kết quả tai hại. Ngay cả khi đã nghe đầy đủ và cơn thạnh nộ có kéo tới, xin nhớ lại lời Thánh Phao-lô viết trong thư Ê-phê-sô “Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhân dịp.” (Ê-phê-sô 4:26-27) . Giận vừa thôi, đêm đến thì đừng giận nữa, nếu không sẽ mất ngủ, trong đêm trường vắng lặng những ý nghĩ không tốt, không làm đẹp lòng Chúa sẽ lảng vảng, ám ảnh trong tâm tư, ma quỉ sẽ dẫn đường cho chúng ta thành một Ca-in, thì làm sao thực thi được lời Chúa “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44), hay làm sao có thể cầu nguyện trong an bình “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con” (Trong bài Cầu Nguyện Chung).

Thánh Phao-lô đã giúp chúng ta một phương cách hiệu nghiệm kiềm chế cơn giận “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31) khuyên ta theo cách tiêu cực trước, và sau đó mới kéo ta đến chỗ tích cực “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”, nếu Chúa đã tha thứ cho chúng ta sau khi chúng ta nhận mình là người có tội, qua lời cầu nguyện.

Chẳng hiểu sao, một số con cái Chúa, trong đó có cá nhân tôi, bị người phối ngẫu tố cáo có tính nóng nẩy, hay nóng giận. Ở tuổi già, bệnh tật đeo đuổi, cùng một số nan đề cố hữu, đầu lúc nào cũng cần sự bình an sau những giây phút cầu nguyện cùng Chúa, nhưng bất thình lình có những câu nói của những người trong gia đình, hay bè bạn phê phán, chỉ trích, hoặc trêu trọc, quả khó kiềm chế được con người mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ta cứ thử nghĩ lại trong Thánh Kinh có viết “Hoạn nạn sanh ra nhịn nhục” (Rô-ma 5:3), thì quả thật, những việc, lời nói không làm ta vừa lòng, không làm ta ưng ý, những xúc phạm đến chúng ta rèn tập kiềm chế tánh giận dữ, học tập tánh nhịn nhục; nơi đây sự thương xót, nhân từ mà Chúa muốn con cái Ngài có sẽ phát hiện trong chúng ta, để chúng ta sẽ là những đứa con yêu của Chúa.