BÌNH ĐẲNG

   

 

  1. Xã hội nào cũng có giai cấp nhưng bà chưa nghe nói đến một thống kê nào xem Ấn Độ của bà nằm vào hàng thứ mấy trong những quốc gia giai cấp nhất trên thế giới. May mắn thay, là một người Ấn, bà lại được sinh trong một gia đình giàu có. Căn nhà của bà là một biệt thự ba tầng lầu với những cột bằng đá cẩm thạch sang trọng tuyệt vời, có hồ bơi riêng cho gia đình, nằm tại thủ đô Ấn Độ, trong vùng của những người giàu có. Dĩ nhiên, gia đình bà có tôi tớ, người ăn, kẻ ở, gia nhân đầy nhà, bà chẳng phải làm chi động đến móng tay. Những chiếc xe hơi lộng lẫy đưa bà đến những trung tâm thương mại cho những giờ mua sắm suốt ngày. Những chuyến đi ngoại quốc mang bà đến nhiều nơi trên thế giới, mở rộng chân trời hiểu biết và mở rộng kho chứa sản phẩm đặc biệt của quốc ngoại, nhiều đến độ bà không biết có nên cất thêm phòng để chứa quà hay không. Quá bận rộn với cuộc sống, bà chưa từng dừng lại để xem mình thiếu gì.
  2. Người con trai  26 tuổi chung sống với cha mẹ già trong một căn phòng chật hẹp anh được may mắn thuê với một giá rẻ mạt, vì cả hai cha mẹ đều bệnh nên trong nhà chỉ có anh là người có việc làm, còn kiếm ra tiền cho cả gia đình. Căn phòng tối tăm, không cửa sổ, không thoáng khí, nằm trong một hẻm nhỏ và dài, giống như  hàng trăm căn phòng để cho thuê như phòng anh, nên nếu có hỏa hoạn thì chưa biết phải làm sao, vì trước mắt rõ ràng là không lối thoát. Anh không có thì giờ để suy nghĩ đến lối thoát, vì công việc lao động ngày 12 giờ đồng hồ, ra đi từ lúc trời còn tối, đến khi về thì trời cũng đã sụp tối, vội vàng ăn bữa cà-ri chiều với gia đình và nằm xuống nghỉ ngơi, chờ hôm sau sẽ tiếp tục đi làm, một năm 365 ngày không dám nghỉ một ngày nào. Anh vui mừng vì biết mình được may mắn có việc làm, có một căn phòng để ở và có cơm ăn hàng ngày.
  3. Ông là một bác sĩ, cũng giàu có, sống thoải mái như bất cứ bác sĩ nào ở Ấn Độ. Mọi của ngon vật lạ, mọi thú vui của đời, bác sĩ đều đã được hưởng. Thế nhưng vào năm 60 tuổi, ông đã làm một việc khiến gia đình, bạn bè đều kinh hoàng, tưởng như họ đang nằm mơ, một cơn ác mộng ngoài sự hiểu biết của họ. Vị bác sĩ này quyết định chấm dứt việc làm tại bệnh viện và dùng thì giờ, nghề nghiệp, công sức mình để phục vụ cho những người vô gia cư, sống nơi những bãi rác khổng lồ của thành phố. Một tiếng kêu gọi âm thầm trong tâm, một sự thay đổi thái độ, thay đổi nhân sinh quan, thay đổi quan niệm thế nào là hạnh phúc của đời đã đến với ông vào năm 60 tuổi. Ai có thể đếm được con số những người nghèo không nhà cửa, không việc làm tại Ấn Độ? Trong xã hội giai cấp này, họ là thành phần nằm dưới cùng, không ai muốn nhìn đến họ, không ai muốn đến gần thành phần được xem là ruồi bọ, chó ghẻ...đang nằm bên đường hàng ngày, chỉ bới rác kiếm sống và chờ ngày chết. Ông đã quyết định phục vụ cho thành phần này, dùng bàn tay, dùng thuốc men ... để xoa dịu phần nào những đau thương trong đời họ. Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đấy mà đã 10 năm, 10 năm phục vụ không tiền lương nhưng lòng đầy hạnh phúc.
  4. Người công nhân nghèo 34 tuổi sau một cơn bệnh trầm trọng đã được bệnh viện cứu mạng, anh đã hiến máu để có thể chia xẻ, giúp đỡ người khác trong lúc tối cần. Lòng nhớ ơn bệnh viện tràn trề đến độ anh đã hiến máu ba lần, dù thân thể còm cõi, người thiếu ăn và phải lao động vất vả. Anh vẫn tin rằng những việc thiện mình làm ngày nay, trong tương lai, trong lúc không ngờ, mình có thể gặt hái, nhận lại được những bông trái lành đã gieo trong tình thương.
  5. Người con nghèo bế mẹ đặt lên chiếc xe xích-lô đạp và đưa mẹ đến bệnh viện. Mẹ bệnh đã nhiều ngày nay nhưng vì gia đình không biết bị bệnh gì và cũng không tiền thang thuốc nên chờ mãi đến hôm nay, khi không còn có thể chờ được nữa.
  6.  Chiếc xe SUV đã đưa đôi vợ chồng khá giả đi khắp nơi trên đường phố, từ thành phố này sang đến thành phố kia, từ địa điểm du lịch này sang đến địa điểm du lịch nọ, hôm nay, chiếc xe đặc biệt này đưa đôi vợ chồng cùng đến bệnh viện.
  7. Hai mẹ con nhìn nhau và cùng quyết định. Trong những lúc đầu, khi bệnh đang lan tràn, hai mẹ con ẩn trú trong nhà, không bước ra cửa. Đời sống kinh tế thoải mái khiến hai mẹ con không thiếu thốn gì dù không phải bước ra cửa để đi làm việc như hàng triệu gia đình khác. Đến khi hai mẹ con nhận thấy tình hình khả quan hơn rất nhiều, người mẹ quyết định cho sơn sửa lại căn nhà khang trang hai mẹ con đang ở. Họ mướn nhiều người thợ sơn và sửa nhà đến. Khi người mẹ bắt đầu chớm bệnh, bà biết ngay rằng đã bị một trong những người thợ sơn lây bệnh cho.
  8. Cô là một trong những phóng viên lừng danh nhất của Ấn Độ, thường xuất hiện trên truyền hình trong những chương trình thời sự chính trị quan trọng của quốc gia. Cha mẹ cô có nhiều con gái, nhưng cô là người thành công nhất trong các chị em. Nhờ công việc, nhờ giao thiệp rộng, nhờ chỗ đứng trong xã hội, nên khi hữu sự, gia đình chỉ nhờ cô lên tiếng với những người quen biết là mọi việc được giải quyết thỏa đáng.
  9. Hai chị em sinh đôi đã khắng khít với nhau như bóng với hình từ lúc được sinh ra đời. Họ lúc nào cũng có nhau. Từ lúc được sinh ra, nằm cạnh nhau cho đến lúc chập chững bước đi, lúc vào trường, lúc xong bậc tiểu học, rồi trung học...cho đến lúc lớn lên, tìm việc làm giống nhau, ở cùng nhà, ăn cùng mâm, ngủ cùng gường, tưởng chẳng bao giờ có thể xa rời nhau được.

Không biết Covid-19 từ đâu đến và ai là người Ấn đầu tiên mang bệnh này.

Nhưng với dân số đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Trung quốc mà thôi, Covid-19 lan tràn trên nước Ấn với tốc độ khủng khiếp. Đến đầu tháng 5.2021, Ấn Độ đã có 18.3 triệu trường hợp mang bệnh Covid 19 và con số này mỗi lúc mỗi gia tăng. Mỗi ngày trung bình có 320.000 người bị nhiễm bệnh và các cơ quan truyền thông nói rằng con số bệnh nhân trong thực tế cao hơn nhiều và chính quyền không trình bày đúng sự thật.

  1. Bà đã mắc bệnh rồi, không biết từ ai, vì tôi tớ, người ăn kẻ ở trong nhà rất đông, bà không biết ai đã lây cho mình. Tình trạng sức khỏe của bà xuống rất nhanh và không còn thở nỗi nữa. Gia đình biết rằng nếu không vào bệnh viện gấp với bình dưỡng khí thì không có hy vọng sống còn. Nhưng giữa mùa Covid, các bệnh viện tại Ấn Độ không còn giường trống. Con gái của bà phải dùng mọi cách để đưa mẹ vào bệnh viện.  Thường thì người giàu và người quyền thế, quen biết mở được mọi cánh cửa. Cô con gái ngồi bên điện thoại suốt ngày, gọi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bệnh viện nào cũng từ chối, có những bệnh viện không trả lời điện thoại. Cô gọi những những người quen với chức vụ cao cấp, vẫn không hiệu quả. Cô gọi đến người bạn gái chí thân đang học ở New York, con gái của một giám đốc bệnh viện lớn để cầu cứu. Nhưng cô bạn nói rằng người bạn gái thân nhất của cô vừa qua đời vì Covid, trong khi nằm tại sân bệnh viện chờ giường trống. Cô con gái nhìn thấy nỗi hãi hùng trong mắt mẹ khi biết mình sắp đối diện với tử thần. Người đàn bà giàu có nắm tay con gái thều thào: “Con ơi, đừng để mẹ nằm nơi đây. Mẹ cần bình dưỡng khí.” “Con biết rồi mẹ ơi.” Người mẹ qua đời trong căn phòng sang trọng ấm cúng. Trong giây phút cuối cùng của cuộc đời, bà biết mình đang thiếu gì: bà đang thiếu bình dưỡng khí.
  2. Cha của anh chết trong căn phòng nhỏ hẹp, tối tăm, không thoáng khí ấy vì không bệnh viện nào nhận ông cả. Dù người con hết sức van nài nhưng bệnh viện trả lời rằng không có giường thì làm sao bây giờ. Cũng như hàng trăm ngàn bệnh nhân khác, cha anh cần dưỡng khí, chỉ để cầm cự trong lúc chờ giường trống, nhưng bình dưỡng khí anh phải tự mua, và lúc bấy giờ, giữa mùa Covid, không sao mua được bình dưỡng khí.
  3. Bác sĩ quyết định trở về căn nhà khang trang để được chết tại nơi quen thuộc. Sau một thập niên phục vụ những người không nhà, không tài sản, hôm nay, bác sĩ  biết mình bị vướng Covid-19 rất trầm trọng. Nếu có giường của phòng cấp cứu, nếu có bình dưỡng khí thì có thể sống sót, nhưng cũng không có gì bảo đảm. Và trong giây phút cần nhất, bác sĩ không tìm ra một bệnh viện chịu nhận mình và cũng không tìm ra bình dưỡng khí. Bác sĩ hiểu rằng nơi cuối con đường của đời người có thần chết đang đợi. Trong nghề nghiệp, bác sĩ đã chứng kiến cái chết của hàng chục ngàn người, từ giàu đến nghèo, từ can đảm đến không can đảm, nhưng bác sĩ chưa biết khi mình đối diện với tử thần, thái độ mình sẽ ra sao. Hôm nay bác sĩ sẽ biết. Covid-19 đưa bác sĩ đến khám phá cuối cùng và quan trọng nhất.
  4. Cầm ba bằng ban khen và cám ơn của bệnh viện quơ lên trước mắt, anh những tưởng ba tờ giấy khen này sẽ giúp anh tìm được một chỗ nằm trong bệnh viện. Nhưng không. Không có chỗ cho anh. Không có chỗ cho những bệnh nhân Covid 19 đang nằm la liệt tại sân bệnh viện, chờ có ai chết, biết đâu mình sẽ được giường trống của người ấy. Ngày bệnh viện cần anh, anh đã giúp đỡ. Anh đã hiến máu, không phải chỉ một lần, nhưng đến ba lần. Bây giờ, trong giây phút này, anh cần họ, họ không nhận anh, với lý do đơn giản, dễ hiểu là không có giường. Anh chết trong căn nhà nhỏ, tồi tàn, thiếu mọi tiện nghi. Anh chết trong nỗi buồn cũng như nhận thức rằng mình có thể giúp người, nhưng khi mình cần, không chắc gì mình sẽ nhận được sự giúp đỡ báo đáp.
  5. Anh đưa mẹ đến bệnh viện bằng xe xích-lô đạp vào ngày thứ ba và hai mẹ con cứ ngồi chờ trước cửa bệnh viện. Họ đòi hỏi anh phải qua mọi thủ tục giấy tờ khai báo, dù anh đã điền xong mọi giấy tờ, nhưng giờ này qua đến giờ kia mà không ai hỏi đến hai mẹ con cả. Rạng sáng ngày thứ tư, mẹ anh chết ngay trên xe xích-lô dù anh đã cố gắng hết sức xoa bóp tim cho mẹ. Tiếng hét trong đau khổ của anh khiến các phóng viên báo chí đổ xô đến. Để làm gì? Họ chỉ phỏng vấn anh, cho anh cơ hội để trình bày câu chuyện, trút đổ tâm sự và để anh hiểu rằng cái chết của mẹ anh trước cửa bệnh viện mà không ai nhìn đến, hôm nay, chẳng có gì đặc biệt cả. Hàng ngày, tại quốc gia yêu dấu của anh, hàng chục ngàn người chết vì Covid, con số bị nhiễm bệnh có thể lên đến nửa triệu người. Cái chết cô độc, đau đớn của mẹ anh trên chiếc xe xích-lô này chỉ là một hạt cát tại bãi biển.
  6.  Chiếc xe SUV do tài xế lái đưa đôi vợ chồng giàu đến tất cả là 6 bệnh viện. Không nơi nào nhận cả, với lý do rất đơn giản là không có giường. Đôi vợ chồng nhìn nhau, biết rằng mình đang đi đến cuối đường. Hai vợ chồng ai lây bệnh cho ai, hay là ai đã lây bệnh cho họ không còn là vấn đề. Vấn đề là được một bệnh viện nhận để cứu mạng. Bệnh viện cuối họ dừng lại chỉ dẫn họ đến bệnh viện thứ 7 cách đó 850 km. Hiểu rằng đây là giải pháp cuối cùng, họ cố gắng đến. Bệnh viện nhỏ, tại nơi xa xôi này cũng không có giường cho bệnh nhân mới. Họ chỉ nói: “Nếu ông bà đến lúc đầu mùa dịch thì còn có thể có giường, chứ bây giờ thì... Họ trở về nhà, không phải vì chịu thua cuộc, nhưng có giải pháp nào hơn không? Chết tại căn nhà êm ấm của mình với thân nhân bên cạnh hay nằm chết trước sân bệnh viện? Giải pháp hay sự lựa chọn cuối cùng nằm trong tay họ.
  7. Vừa chớm bệnh, người mẹ lập tức xin thử và được xác nhận mình bị Covid-19. Hàng trăm câu hỏi đến cùng một lúc. Làm sao để không lây bệnh cho con? Làm sao để có thể vào được bệnh viện? Nếu cần, làm sao để có được bình dưỡng khí? Vì không thể vào được bệnh viện nên người mẹ phải nằm nhà, đóng cửa phòng, thức ăn được đặt trước cửa. Mỗi ngày qua mang theo những mong chờ, muốn được khoẻ hơn, muốn được hết bệnh, nhưng câu trả lời không có trong tay, mỗi buổi sáng còn mở mắt thì biết mình còn sống.
  8. Cha cô nằm mê man chờ chết dù con gái mình là phóng viên truyền hình danh tiếng tại Ấn Độ, quen biết hầu như tất cả những nhân vật danh tiếng của quốc gia, nhưng lần này, con gái ông không tìm được một giường trống cho cha già. Hai chị em phải van lạy các bệnh viện và một số bệnh viện bảo họ phải mang theo bình dưỡng khí, khi bệnh viện có giường. Sau cùng, người cha già qua đời trong khi các con đang cố gắng vận động để tìm giường tại bệnh viện cho cha.
  9. Hai chị em sinh đôi như bóng với hình, trước mùa Covid vì việc làm nên tạm sống xa nhau. Nhưng nhờ vậy mà chỉ một trong hai người bị nhiễm bệnh. Khi người kia được biết tin thì đã muộn. Cô chỉ kịp đến để đem người em đi thiêu, tình hình lây nhiễm quá khẩn cấp, không thể chần chờ, không có thì giờ để than khóc.

 

Tất cả những người đã chết đều được bọc bằng một bao vải trắng và khiêng đến nhà thiêu. Sân đậu xe và những khu đất trống gần nhà thiêu xác đều được tận dụng. Người chết bọc bao vải trắng được khiêng đến nằm xếp hàng theo thứ tự đến trước sau, không kể tuổi tác, trình độ tri thức, giàu nghèo gì cả. Có những gia đình khiêng thân nhân đến cùng một lúc phải cãi nhau đến gần đánh nhau để giành một chỗ nằm cho người chết của mình trước sân thiêu. Mùi tử khí xông lên nồng nực. Mùi khói thiêu khiến thân nhân phải chạy ra xa, không cần phải ai đuổi. Muốn thi hành lễ tang cũng không được. Muốn dừng lại bên nhau lần cuối để giã từ cũng không được. Hơi nóng rực từ những cụm củi đang thiêu người trên đất khiến mọi thân nhân phải chạy thật xa. Nhà thiêu phải nhận số xác chết 10 lần hơn những ngày bình thường, nhân viên muốn ngã quỵ và đã có nhiều nhân viên bị nhiễm bệnh. Một rừng xác chết được thiêu với khói đen bốc lên khiến bầu không khí càng ô nhiễm trầm trọng là hình ảnh đau thương, hãi hùng của Ấn Độ trước mắt thế giới. Những trang báo đăng tên của người chết, lúc đầu mùa Covid, chỉ chiếm một phần trang, bây giờ danh sách người chết nằm chi chít, chiếm trọn cả trang, cứ theo thứ tự ngày chết mà đăng tin, không kể tuổi tác, không kể giàu nghèo, không kể trình độ, không kể địa vị trong xã hội.

Ai có thể ngờ rằng Covid 19 mang lại sự bình đẳng trong giây phút này, trong thế giới con người, trong những xã hội vô cùng không bình đẳng. Covid-19 đến với mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt giai cấp. Nếu tại xã hội giai cấp của Anh Quốc mà Hoàng tử Charles và Hoàng tử William cùng Thủ Tướng Boris Johnson bị vướng bệnh, thì ai dám nói mình sẽ tránh được? Tại Ấn Độ, những đám tro tàn của những xác chết vì Covid-19 nằm bên cạnh nhau thật bình đẳng, không ai còn có thể phân biệt tro nào của người giàu, tro nào của người nghèo, tro nào của người có học, tro nào của người thất học. Cát bụi trở về cùng cát bụi giống như nhau. Mùi hôi nồng nực từ những đống tro giống như nhau. Nỗi cô đơn phải chết và chịu thiêu một mình, không có thân nhân bên cạnh giống như nhau. Những giọt mưa cuối cùng của một đám mưa, dù là đám mưa lớn hay nhỏ, giống như nhau. Những giọt nắng cuối cùng trong ngày, dù ngày ấy dài và đẹp đến đâu, cũng là những giọt nắng tàn, yếu ớt trước khi tắt hẳn. Sự bình đẳng của con người trước cái chết và trong cái chết thật rất tự nhiên nhưng vô cùng độc đáo. Trong thế giới của người sống, không có sự bình đẳng. Khi đối diện với tử thần, con người được biết đến bình đẳng lần cuối trong đời trước khi bước vào thế giới bình đẳng của Đấng nắm toàn quyền trên vũ trụ. “Khá sửa soạn mà gặp Đấng Tạo Hóa ngươi.”

 

Đoàn thu Cúc