TRIẾT LÝ SỐNG CỦA NGƯỜI KHÔN

Truyền đạo (Ecclessiates) 7:1-5

 Danh tiếng hơn dầu quí giá; ngày chết hơn ngày sanh. Ði đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng. Thà nghe lời quở trách của người khôn ngoan, còn hơn là câu hát của kẻ ngu muội.

 Dưỡng linh:

 Trong Kinh Thánh cho chúng ta thấy vua Sa-lô-môn là người được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan vô cùng đặc biệt. Sự khôn ngoan này không được định nghĩa là có vốn tri thức rộng và cao siêu nhưng là cách biết áp dụng những nguyên tắc sống kính sợ Đức Chúa Trời vào trong đời sống mỗi ngày. Người có kiến thức rộng, văn bằng cao chưa hẳn là người khôn ngoan hay ngược lại. Trong mấy câu Kinh Thánh trên, vua Sa-lô-môn vẽ ra cho chúng ta thấy hai bức tranh đối kháng nhau trong cách sống của người khôn ngoan thật và người thiếu khôn ngoan, nếu không muốn nói là ngu dại.

Người khôn ngoan thật                       Người thiếu khôn ngoan
Coi trọng giá trị đời đời                      Coi trọng giá trị tạm thời
Suy nghĩ đến sự cuối cùng                  Tìm kiếm thú vui tạm bợ
Xem trọng sự đau khổ                        Coi thường sự đau khổ
Để ý đến lời khuyên lơn, quở trách      Thích những lời nịnh bợ, tâng bốc

 Sa-lô-môn cho chúng ta thấy người khôn ngoan coi trọng thanh danh và uy tín của mình, tìm cách sống như thế nào để người khác tôn trọng mình vì giá trị đạo đức và thuộc linh. Người đó sẵn sàng chấp nhận mất mát những gì tạm bợ ở đời này để tìm kiếm giá trị thuộc linh đời đời. Muốn có được những giá trị cao quý này, người đó phải tu thân và giữ mình trong lời nói và việc làm để khi nhắc đến tên của mình thì người khác tôn trọng và muốn học đòi. Nhưng người sống thiếu khôn ngoan thì không quan tâm và coi trọng giá trị đạo đức và thuộc linh, những gì bề trong nhưng lại đi tìm kiếm vẻ hào nhoáng bên ngoài và “tô son trét phấn” sao cho người khác thán phục và khen ngợi mình. Những người xem trọng bề ngoài và tìm kiếm tiếng thơm tạm bợ của dầu và vui hưởng nó; giống như một người ngồi hít cho đầy lồng ngực mùi dầu thơm thoảng qua một chốc rồi lại tan ngay. Có người lại xem tiền bạc hơn tất cả mọi điều, sẵn sàng đánh đổi thanh danh và uy tín của mình để được những đồng tiền dơ bẩn. Đối với họ “tiền là tiên là phật, là sức bật của con người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của ông già” v.v… Hay nói cách khác, đối với họ tiền bạc là tất cả. Cũng có người xem bằng cấp là quan trọng và tưởng rằng vì mình có văn bằng cao thì người khác sẽ kính trọng. Cho nên thay vì học hành cho đàng hoàng thì đi kiếm những văn bằng “dỏm” (degree/diploma mills) không phải tốn công học hành bao nhiêu mà vẫn có bằng cấp như ai! Nhưng khi có việc xảy ra thì bản chất của họ chứng minh rằng sự hiểu biết và lối sống của họ không tương xứng với bằng cấp họ có. Có người lại nghĩ rằng giá trị của mình nằm trong những bộ áo quần đắt tiền, ngôi nhà sang trọng lộng lẫy. Cho nên tìm đủ mọi cách để tìm kiếm và xây dựng cho mình những “tháp ngà,” trong khi đó lại bỏ bê nhân cách, giá trị đạo đức và thuộc linh của mình, không lo tài bồi để cho bị mai một và héo úa theo thời gian. Cuối cùng, con người của họ trở nên cộc cằn, thô bạo, hung tàn, và gian xảo. Có người còn cho rằng giá trị của mình nằm trong chức vụ mình có. Cho nên tìm đủ mọi cách để trèo lên “nấc thang danh vọng.” Nhưng khi không quan tâm đến đức độ thì chính mình đã đào mồ chôn thanh danh và uy tín của mình bởi những lời nói và việc làm sai lầm, thiếu đạo đức, thiếu thuộc linh.

 Người khôn ngoan suy nghĩ đến sự cuối cùng của cuộc đời của mình ra sao. Cho nên, lòng người khôn ngoan chú ý vào trong đám tang hơn là yến tiệc. Khi đến với nhà tang chế, người khôn ngoan thấy được những bài học quý báu rút ra từ cuộc đời của người quá cố cũng như thấy được sự ngắn ngủi của đời sống con người là thể nào. Khi đó, người khôn ngoan sẽ lo chỉnh đốn lại những gì không tốt đẹp trong đời sống của mình, và quyết định sống những ngày còn lại sao cho ích lợi và tốt đẹp cho Chúa và cho mọi người. Người khôn ngoan biết đếm các ngày của đời mình và sẽ không làm những việc điên dại để rồi phải hối tiếc trong những ngày về xế chiều. Nhưng người ngu dại chỉ ham thích sự vui chơi trong các yến tiệc, phung phí cuộc đời của mình vào trong các cuộc mua vui mau qua chóng tàn, rồi để lại trong lương tâm và tấm lòng của mình những nổi buồn man mác. Người ngu dại làm cho thỏa mãn bản tánh xác thịt mà không cần biết hậu quả ra sao đối với linh hồn và thanh danh của mình.

 Người khôn ngoan học được những bài học quý báu qua những kinh nghiệm đau khổ của cuộc đời. Cuộc đời càng gặp nhiều đau khổ, người khôn ngoan càng trở nên dày dạn và trưởng thành trong nhân cách đạo đức và thuộc linh của mình. Trong khi đó, người thiếu khôn ngoan tìm cách trốn chạy sự đau khổ và tìm cách bào chữa cho chính mình về những điều sai phạm. Đau khổ đối với họ là sự rủa sả thay vì sự chúc phước trá hình của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ chẳng học được gì từ nơi sự đau khổ ngoài những nỗi niềm cay đắng và thù hận gặm nhấm trong tâm hồn của họ.

 Người khôn ngoan sẽ sẵn sàng nghe lời khuyên dạy của người khác, ngay cả những lời quở trách đôi khi quá đáng. Những lời này trở thành sự chúc phước và họ xem như sự dạy dỗ Chúa để làm cho mình trở nên người tốt và xứng đáng hơn cho Chúa và cho hội thánh của Ngài. Người khôn ngoan cảm thấy ngọt ngào và biết ơn Chúa về những điều Ngài dùng người khác để quở trách, dạy dỗ và giúp đỡ mình, xem như là những sự tỉa sửa để mình “được sai trái hơn.” Trong khi đó người ngu dại chỉ muốn nghe những lời khen tặng và nịnh hót của người khác. Lòng tự ái và kiêu ngạo của người ngu dại đã khiến cho người đó không còn muốn nghe lời khuyên can hay quở trách của người khác nữa. Trái lại, người ngu dại nghĩ rằng mình biết hết mọi sự vì lớn tuổi hơn người khác, giữ chức vụ quan trọng hơn người khác nên luôn luôn đúng trong mọi việc mình làm và lời mình nói! Nhưng đó chỉ là bước đầu và dấu hiệu của sự sa bại. Như Sa-lô-môn nói: “Một kẻ trẻ tuổi nghèo mà khôn hơn một ông vua già cả mà dại, chẳng còn biết nghe lời khuyên can” (Truyền đạo 4:13).

 Đức Chúa Trời muốn chúng ta là người thuộc về Chúa sống khôn ngoan và tìm kiếm những gía trị bề trong đời đời thay vì những gì bề ngoài tạm bợ của trần gian này. Khi chúng ta bắt đầu tìm kiếm những gía trị vĩnh cửu thì tấm lòng tâm trí của mình được quyền năng của Chúa Thánh Linh biến đổi để mỗi ngày trở nên giống Chúa Jesus càng hơn. Đức Chúa Trời làm cho linh hồn chúng ta ngày càng trở nên chán ngán với những gì của thế gian này nhưng trở nên đói khát chính Ngài và những điều thuộc về cõi đời đời. Người đeo đuổi giá trị vĩnh cửu sẽ có kinh nghiệm chết với thế gian và thế gian chết với mình. Như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!” (Ga-la-ti 6:14).

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa, mỗi ngày xin Ngài đưa con đi sâu vào trong đời sống nhận biết những giá trị thiên thượng đời đời và bị thu hút bởi nó đến nỗi con không còn thấy những gì bề ngoài và hư vinh của thế gian là điều đáng cho con tìm kiếm và đeo đuổi. Xin cho con chết với thế gian và thế gian chết với con, để con có thể sống cách tuyệt đối cho Ngài mà không bị bất cứ quyền lực nào quấy phá. Amen!

 Mục sư Trần Trọng Nha