Khi nhân loại bắt đầu tạo thần ra mà thờ thì thường suy nghĩ về bản thể của vị thần, tính tình của vị thần và cả ý muốn của vị thần, hầu dâng tế lễ cho hợp ý thần để thần đẹp lòng, hầu được thần ban phước mà không giáng họa.

Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời hẳn cũng có cùng một quan điểm căn bản với trần thế. Chúng ta phải hiểu biết đặc tính bất biến của Ngài (the unchanged attributes of God) hầu thờ phượng cách xứng hiệp. Chúng ta không thể biết đặc tính bất biến của Đức Chúa Trời qua sự suy tưởng của mình như người trần thế. Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ đặc tính bất biến của Đức Chúa Trời.

- Đức Chúa Trời Thánh Quyền oai nghiêm và Thánh Thiện. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là Đấng Thánh (Holy), và một đặc tính căn bản của Đấng Thánh là Thánh Quyền Thánh Thiện hay Toàn Thiện như được định nghĩa bởi Hội Nghiên Cứu Kinh Thánh (1*) (Holiness - God's holiness is his defining characteristic. It's a term used in the Bible to describe both his holy goodness and his power. It is completely unique and utterly all-powerful, radiating from God like an energy) chính là Thánh Quyền (power) và Thánh thiện (holy goodness).

1. Thánh Quyền - Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là Đấng Thánh như Kinh Thánh khẳng định : “Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng, danh Ngài là Thánh, có phán như vầy: Ta ngự trong nơi cao và thánh” (Ê-sai 57:15), “Danh Ngài là Thánh” (Thi-thiên 111:9).

Và nơi Ngài ngự có đầy sự cao trọng vinh hiển, như Lời tiên tri Ê-sai đã ghi lại : “Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài!” (Ê-sai 6:3). Sứ đồ Giăng đã thấy trước ngôi Ngài “Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt; ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến!” (Khải-huyền 4:8). Ngài là Đấng có Thánh Quyền trên vũ trụ và muôn loài do Ngài dựng nên.

2. Thánh thiện - Vì Ngài là Đấng Thánh nên có sự Thánh Thiện hay Toàn Thiện. Tất cả những điều gì không hiệp với sự thánh thiện của Ngài đều được định danh “tội lỗi”. Đức Chúa Jêsus cầu nguyện với Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là “Cha Thánh” (Giăng 17:11). Chúa Jêsus dạy các môn đệ cầu nguyện bắt đầu bằng ba sở nguyện về Đức Chúa Trời :

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;

Danh Cha được tôn thánh;

Nước Cha được đến;

Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:9-10).

Điều tối thượng vẫn là “Danh Cha được tôn thánh”. Khi Chúa Jêsus gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại trên thân thể Ngài, chịu chết trên thập giá, Đức Chúa Trời, “Cha Thánh” đã từ bỏ Ngài, một sự kiện chưa bao giờ xẩy ra từ trước vô cùng. Đức Chúa Jêsus đã thống thiết : “kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46).

Chúng ta hãy tìm hiểu Kinh Thánh đã dạy ta điều về sự Thánh Thiện của Đấng Thánh. Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là Đấng Thánh Thiện, nên dẫu Ngài yêu nhân loại vô cùng, nhưng Ngài không sao chấp nhận nhân loại tội lỗi. Trong chương trình cứu chuộc loài người, vật thọ tạo của Ngài, Đức Chúa Trời vẫn đặt căn bản trên đặc tính thánh thiện của Ngài. Sự thánh thiện của Ngài đòi hỏi Ngài hình phạt tội nhân. Chúa Jêsus là Đấng vô tội đã thay nhân loại chịu hình phạt của Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) trên thập tự giá, là một giá trả đủ cho bất cứ người nào bằng lòng tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1). Dẫu chúng ta được ra khỏi “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36), chúng ta chưa có “thánh” để Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) Thánh Thiện tiếp nhận. Đức Chúa Trời phải lấy quyền phép “tái sanh” chúng ta. Qua “tái sanh” chúng ta được hối thúc hướng đến một đời sống mới thánh thiện, và lúc đó chúng ta “trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Con cái Chúa chân chính là “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12). Toàn thể con cái Chúa chân chính là : “dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9). Cơ Đốc nhân hiệp lại thành “Hội Thánh”. Lời Chúa phán cùng con cái Ngài : “Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh” (Lê-vi ký 19:2). Cơ Đốc nhân là “người thánh”. Lời Kinh Thánh nhắc nhở Cơ Đốc nhân : “Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?... Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là Thánh, mà chính anh em là đền thờ” (I Cô-rinh-tô 3:16-17). Vậy, “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình” (I Phi-e-rơ 1:15), “Chớ để tội lỗi cai trị … và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác” (Rô-ma 6:12), và hãy “tìm theo sự nên thánh” (Hê-bơ-rơ 12:14).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đây là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, Đấng Thánh, truyền cho Cơ Đốc nhân, người thánh : “Hãy nên thánh, vì ta là Thánh” (I Phi-e-rơ 1:16).

Đức Chúa Trời có bản tính bất biến thánh thiện (holy goodness) hay nhân lành trong đó có hai yếu tố nhân từ và thương xót.

Chính Đức Chúa Trời đã phán cùng Mô-se : “Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót (bản Anh ngữ New American Standard Bible - compasionate, gracious : thương xót, nhân từ), chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6-7).

Những điều “nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” đều gồm tóm trong sự thánh thiện của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã được một người xưng tụng : “Thưa Thầy Nhân Lành (bản Anh ngữ New American Standard Bible - Good Teacher)” (Mác 10:17), Đức Chúa Jêsus phán rằng : “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành, là Đức Chúa Trời” (Mác 10:18). Người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa cảm thấy khó khăn để hiểu câu Kinh Thánh này. Sau một số ngày tra cứu tài liệu Kinh Thánh, thì câu trả lời như sau.

Trong thời Chúa Jêsus, cả người Do Thái và người Hy Lạp không gọi một người nào trong trần thế là “Thầy Nhân Lành”. “Thầy Nhân Lành” chỉ dùng để gọi Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) : “Ha-lê-lu-gia! Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài là Thiện (hay Nhân Lành - bản Anh ngữ New American Standard Bible - Good - có nghĩa là Thiện, Nhân Lành)” (Thi-thiên 106:1), nên Chúa Jêsus đã có câu trả lời trên. Nhưng Đức Chúa Jêsus tỏ ra mình là Đức Chúa Trời (Ngôi Hai) một cách gián tiếp khi Ngài phán : “Ta với Cha là một” (Giăng 10:33), hay khi Ngài tuyên bố : “Con người ở thế gian có quyền tha tội” (Mác 2:10). Chúa Jêsus muốn cho mọi người biết Đức Chúa Trời (Đức Chúa Cha) là “Đấng Nhân Lành” duy nhất, là cội nguồn của “sự sống đời đời”. Còn Ngài trong vị thế Cứu Chúa, Ngài “chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:6-7) và Ngài chỉ là “Ta là người chăn hiền lành (good shepherd - người chăn chiên thiện, nhân lành”) (Giăng 10:11).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sự thánh thiện (holy goodness) có hai yếu tố nhân từ (gracious) và thương xót (compassionate). Ngài thương xót loài người do Ngài dựng nên, mọi dân tộc, gồm cả những người lành và kẻ dữ độc ác.

Kinh Thánh đã ghi lại sự thương xót của Đức Chúa Trời như sau :

Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi” (II Cô-rinh-tô 1:3).

Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma-thi-ơ 5:45).

Trong các đời trước đây, Ngài để cho mọi dân theo đường riêng mình, dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16-17).

Sự nhân từ của Ngài cứ tiếp với ước mong mọi người ăn năn tội lỗi, trở lại cùng Ngài qua Cứu Chúa Jêsus. Ai chưa chịu quay về với Đức Chúa Trời nhân từ, hãy lắng nghe lời Kinh Thánh cảnh cáo : “Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao? Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm” (Rô-ma 2:4-6).

Chúng ta là con cái Chúa chân chính, chúng ta phải tiếp tục học và hành xử sao cho càng giống Chúa càng hơn những bản tính thánh sạch, thương xót, nhân từ. Từ đó mà chúng ta càng biết làm nhiều điều lành hơn, tránh nhiều điều dữ hay tội lỗi hơn, và đem người chưa tin về đầu phục Chúa.

Giới thiệu Thánh Ca

Mời quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa thưởng thức một số bản Thánh Ca sau đây trong CHRISTIAN HYMNS Prayer & Worship - 51 Instrumental Piano & Guitar Music, links :

https://www.youtube.com/watch?v=vI6veF9JtaY

 

(1*) Trích từ kết nối (links) :

https://www.google.com/search?q=what+is+the+meaning+of+holiness+in+the+bible&oq=&aqs=chrome.0.35i39i362l8.586295125j0j15&sourceid=chrome&ie=UTF-8