Làm việc là một phước hạnh đầu tiên mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người. Nhưng vì tội lỗi của loài người đã đánh mất sự vinh hiển Chúa ban cho, nên phải vất vả, “sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất….” (Sáng-Thế-Ký 3:19). Đó là hậu quả của sự bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Làm việc, không gì thấm thía hơn khi nghĩ đến những ngày biết bao gia đình vào vùng kháng chiến theo chồng, theo cha. Tại những nơi đó, để có vài bát cơm giống như bo bo, một vài quả cà, ít con cá khô ướp muối, các bà mẹ đã phải làm việc cơ cực ra sao, hầu có bữa ăn đạm bạc. Tôi còn nhớ, bà ngoại tôi và mẹ tôi phải gánh những gánh hàng gồm đậu đỏ, đậu xanh, gạo, rau thơm, rau muống, tạp nham, đi bán rong từ sáng sớm tinh mơ cho đến lúc mặt trời gần lặn, để có đủ tiền mua đồ ăn cho chúng tôi, sáu đứa con nhỏ. Nhìn sự mệt nhọc của bà ngoại và mẹ tôi, mặc dầu hồi đó anh em tôi còn nhỏ cả, nhưng chúng tôi đã biết thế nào là lo và buồn. Khi quần áo của chúng tôi đã cũ mà còn rách, bà ngoại tôi phải cặm cụi vá, chằng chịt, mất khá nhiều thì giờ trong những đêm với ánh đèn dầu mờ ảo, và tôi đã nghe được những tiếng thở dài. Nhà tạm trú hầu hết mái dạ, vách đất, hễ trời mưa, có bao chậu thau, nồi niêu là dùng hết để hứng nước rột từ mái rơm. Trên những con đường đi tản cư, tôi đã nhìn thấy nhiều mảnh đời cơ cực ngoài sự tưởng tượng. Hiện nay tại quê hương Việt Nam, hầu hết các nước Á Châu, và Phi Châu, nhu cầu của thân xác con người quả là một điều nhức nhối cho những người có một tấm long vị tha. Đó, thân xác của những người thiếu may mắn, dẫu làm việc cực khổ tới giới han về sức khỏe, thân xác cũng chỉ có được một tiêu chuẩn “sống” thật thấp. Vì ai đây ? Lý do là gì đây?

Là con cái Chúa, qua Kinh Thánh chúng ta biết được rằng, sau khi tổ phụ loài người trái mạng lệnh Đức Chúa Trời qua hành động “ăn” (Sáng-thế-ký 3:6) để rồi lãnh án quyết của Đức Chúa Trời “ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn (nhu cầu của thân xác)” (Sáng-thế-ký 3:19). Kèm theo đó con người vì ích kỷ, và lòng họ luôn luôn tìm cách sống hơn người, nhất là trên phương diện vật chất, nên một số đã không từ một phương tiện, không loại bỏ một thủ đoạn tàn nhẫn nào, gây ra chiến tranh, phá hoại môi trường sống, tìm cách bóc lột người khác, đồng loại, họ đã bất tuân những lẽ phải tự nhiên của Đấng Tạo Hóa, đạo đức sống của loài người. Vì vậy, từ lúc lớn lên, nếu may mắn, người ta “Tay làm hàm nhai, Tay quai miệng trễ”, “có làm có ăn, không làm nhịn đói”, còn thiếu may mắn thì “có làm cũng ăn, nhưng không được no, còn không làm thì chắc chắn chết đói”.

Ở xã hội loài người, chẳng cần gì phải đi tìm ý kiến của những ông triết gia lỗi lạc, chúng ta đều nhận thấy có làm việc chúng ta mới cảm thấy mình đang sống, thấy mình là một cá thể trong xã hội, có khả năng để làm việc hầu “trả nợ” cho chi phí của nhu cầu thân xác. Khi hồi hưu mà không có một công việc gì khác, hoặc không đi làm nữa, hoặc thất nghiệp, sự yên lặng tràn ngập tâm hồn như bãi xa mạc, ngày dài ngắn bất thường. Người lữ khách cứ lặng lẽ thất thểu đi cho qua ngày đoạn tháng. Vậy ý nghĩa của “làm việc" là chi nhỉ ?

Cám ơn Chúa, khi là con cái Ngài, chúng ta biết “làm việc là một phước hạnh đầu tiên” mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người. Kinh Thánh đã cho biết, sau khi Đức Chúa Trời tạo dựng trời đất và các sinh vật, cuối cùng Ngài tạo dựng loài người và : “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Sáng-thế-ký 1:28).

Khi Đức Chúa Trời đặt tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen phước hạnh, đầy hoa thơm, quả ngọt, Ngài cũng đã ban cho ông bà một việc làm, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn” (Sáng-thế-ký 2:15). Như vậy đáng lẽ loài người được dựng nên trong sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, phải được làm việc trong vui vẻ, thoải mái hợp với khả năng Chúa ban cho để có đủ vật thực hàng ngày. Thay vào đó vì tội lỗi của loài người đã đánh mất sự vinh hiển Chúa ban cho, nên phải vất vả, “sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-Thế-Ký 3:19). Đó là hậu quả của sự bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Từ đó chúng ta phải chấp nhận “làm đổ mồ hôi” để không cảm thấy trống vắng, thưà thãi trong xã hội, hay nói khác hơn, đó là một nhu cầu, những kết quả của “làm việc” cũng cho phép chúng ta hoàn trả chi phí cho những nhu cầu của thân xác hay một phần nhu cầu của thân xác.

Một khía cạnh khác của “làm việc” chúng ta cũng hay nghe bè bạn nói : ”việc này chán phèo”, “việc kia tàm tạm thú vị” hay “việc tôi đang làm hứng thú lắm”. Đúng vậy, nếu bước chân đến nơi làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào chung quanh, mà chỉ biết : “tôi có mặt ở đây để kiếm sống” , người này sẽ cảm thấy thời gian làm việc sẽ trôi đi chậm chạp, như rùa bò, lợi trước mắt không làm chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng trong giờ làm việc, chán phèo. Nếu quan niệm “tôi có mặt ở đây vì có công việc tôi phải làm và làm được”, người này sẽ cảm thấy chút tàm tạm thú vị trong khi làm xong bổn phận, không cảm thấy mệt mỏi. Nếu ai đó tích cực nghĩ “tôi đến đây để cùng các bạn đồng nghiệp hoàn tất một công trình cho hãng, sở tôi”, thì người này cảm thấy mình đang dự phần vào một cái gì to lớn, và có cùng một mục đích với những đồng nghiệp, hứng thú.

Phước hạnh thay cho những con cái Chúa có việc làm hứng thú và được sự dư giả do kết quả của công việc mình hoàn thành. Ngoài sự cảm tạ Chúa, ước mong nhũng con cái Chúa đó có tấm lòng thương yêu của Chúa ban cho, muốn chia sẻ với những người cần sự giúp đỡ, để Danh Chúa được sáng trên thế gian.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Lời Ngài sau đây dạy chúng ta điều chi? “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Ma-thi-ơ 22:37-40). Phải chăng lời Chúa nhắc nhở chúng ta qua điều răn thứ nhì, trong tình yêu thương người lân cận, bằng lòng giúp những người lân cận khốn khó qua việc làm lành ? Rồi qua đó nhiều người chưa hề muốn biết tới Đấng Tạo Hóa, sẽ nhận ra ánh sáng của thương yêu trong Ngài, rồi biết đến Ngài, và với cả tấm lòng, họ tin nhận Ngài ?

Sau cùng, chúng ta nhận thấy con người làm việc với những mục đích sau đây :

- Làm việc vì sự sống thân xác - cơm no áo ấm cho gia đình mình.

- Làm việc vì quyền lực – có quyền ắt hẳn có nhiều thứ, muốn gì có nấy,    trong đó có cả vật chất.

- Làm việc vì danh – “phải có danh gì với núi sông” cho hơn người, thỏa mãn tự ái.

Cả ba đều mang tính chất vị kỷ. Tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta mong muốn hơn thế.

- Làm việc vì tha nhân, không sợ hiểm nguy, và đôi khi ngay cả sự sống. Đây là người có tấm lòng vị tha, hiếm thấy và cao quý. “họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành” (Rô-ma 5:7).

- “…. vì nước Đức Chúa Trời mà làm việc,….” (Cô-lô-se 4:11). Đó là loại làm việc để “…Ý Cha được nên, ở đất như trời! “ (Ma-thi-ơ 6:10), làm việc để “… cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4). Làm việc này có một mục đích chính là đem con người trở về cùng Đức Chúa Trời qua sự tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, giúp con người sống đẹp lòng và vinh hiển Chúa, và là nguồn phước cho thế gian. Thánh Phao-lô đã khuyên các Cơ-đốc nhân “…hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ước mong chúng ta, con cái Chúa tự nguyện :

- “vì nước Đức Chúa Trời mà làm việc” (Cô-lô-se 4:11)

- “phải làm hết sức mình” (II Phi-e-rơ 3:14)

(Hay ít ra cũng phải làm việc để sống, và luôn luôn nhớ tới tha nhân.)

Và không luận lý theo kiểu “không làm gì vì” :

- Lúc trẻ viện cớ thiếu kinh nghiệm

- Khi đi làm viện cớ quá bn rộn

- Khi lớn tuổi viện cớ quá nhiều điều khổ sở, lo lắng

- Khi đau ốm sơ sơ viện cớ quá mệt mỏi

- Khi già viện cớ quá già lẫm cẫm.

- Và đến khi chết thì đã quá trễ.