RỪNG NÀO CỌP NẤY  Description: images

 

 

Quốc lộ 1 của Việt Nam chạy dài qua rất nhiều tỉnh, nhiều thành phố lớn và một trong những nơi ấy là tỉnh nhỏ này, một tỉnh nhỏ của miền Trung xa xôi nhưng đầy sức sống. Chàng thanh niên đứng bên ven lộ, nổi bật trong rừng người tóc đen, lẽ ra phải gây sự chú ý cho rất nhiều người. Nhưng trên đời có nhiều việc lạ ta không giải thích được, như trường hợp thanh niên này, chẳng ai màng đến chàng cả.

Phải nhìn nhận rằng “chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt,” chỉ tạm gát bút nghiên đi du lịch một vòng vài nước Á Châu để được thấy tận mắt điều mình chỉ biết qua sách vở. Đã tốt nghiệp đại học về kinh tế, chàng quyết định không vội tìm việc làm, du lịch một vòng để trút một phần nào mệt nhọc của những năm đèn sách. Những người ngoại quốc da trắng du lịch Việt Nam chỉ với túi xách to đeo trên lưng được người bản xứ gọi là “Tây Ba-lô”, chàng biết điều đó, nhưng chàng nào phải là Tây, chàng là “Mỹ Ba-lô.”

Cuộc chiến giữa người Mỹ và người Việt Nam là chuyện của thế hệ trước, của thời cha mẹ, ông bà, chàng chỉ biết sơ qua về những năm xung khắc ấy qua các cuộn phim tài liệu cũ. Bây giờ, chàng đang đứng nơi đây, chỉ là một khách du lịch Mỹ ba-lô, vì túi tiền giới hạn.

Dù đã xem những quyển cẩm nang dành cho người du lịch ba-lô, dù biết tìm những nhà trọ rẻ tiền, biết những món ăn đặc sản của ba miền Nam, Trung, Bắc, biết trị giá của đô la Mỹ khi đổi ra tiền địa phương, biết phải cẩn trọng trước nạn móc túi, cướp giựt… nhưng khí hậu nóng chỉ được đề cập là “nóng” vì đây là xứ nhiệt đới, và khí hậu nóng hôm nay chàng kinh nghiệm trọn vẹn.

Vâng! Còn một điều quan trọng nữa. Không ai chỉ dẫn chàng cách băng qua quốc lộ 1. Chàng đã đứng nơi ven lộ này khá lâu, mái tóc vàng được gọi là “sandy hair” ướt nhẹp, dán vào da đầu, giống như chàng vừa bước ra khỏi phòng tắm. Mồ hôi đổ ròng trên trán, rơi xuống chân mày và mắt, chàng phải lấy tay quệt. Làn da trắng bây giờ đã ửng đỏ, như một con tôm luộc. Chiếc áo sơ-mi ngắn tay, bông hoa rực rỡ đang dính sát vào làn da đẩm mồ hôi khiến chàng thêm khó chịu. Chiếc quần ngắn chỉ đến nửa đùi, giơ làn da trắng ra trước ánh mặt trời để hút thêm khí nóng, phơi bày những sợi lông vàng quăn quăn giống những sợi lông trên cánh tay khiến chàng càng nổi bật giữa đám đông da vàng, tóc đen, tay chân nhẵn nhụi. Sao không ai chú ý đến chàng? Sao không ai ân cần đến nắm tay dắt Mỹ Ba-lô qua đường? Chàng không hiểu và cũng chẳng có câu trả lời. Chàng ao ước một cơn gió thổi đến để giúp chàng bớt nóng phần nào và biết đâu sẽ mang lại một ân nhân chàng đang cần.

Không! Chàng không biết đâu. Chàng không biết điều chàng không biết sắp xảy ra. Chàng không biết tại Việt Nam có những trận gió thu khiến lá vàng rơi rụng, lá từ hàng xóm có thể bay sang nhà ta, và trong những việc tình cờ như thế, chuyện “Hờ hững ai xui thiếp gặp chàng” có thể xảy ra.

Bà già xuất hiện thật bất ngờ và thình lình. Không biết bà đến từ đâu và bao giờ, nhưng bà đang đ̣ứng cạnh chàng. Chàng không đoán được tuổi bà vì chàng không đoán được tuổi người Á Châu, họ trông trẻ nhưng lại lớn tuổi trong khi người Tây phương trông già nhưng tuổi còn trẻ. Da mặt bà mang nét phong sương của người đã bao năm dầm sương dải nắng, nhăn và đen và khô và xấu. Bộ quần áo nâu trên người với chiếc khăn nâu vấn ngang tóc cũng cũ và xấu như làn da. Miệng bà trông như móm, có thể không phải vì bẩm sinh móm nhưng vì bao năm không gìn giữ răng, hàm răng không còn một chiếc nào nên trông móm. Bà già đang gánh một gánh bún, bún riêu hay bún gì làm sao chàng biết được. Một đòn gánh dài vắt ngang vai, hai bên đầu gánh mang những món khác nhau, một bên là một nồi nước nhỏ đang nóng, vì chàng thấy khói bốc lên từ nồi ấy, đúng như lòng ngạc nhiên của chàng là dân xứ nhiệt đới ăn cay và ăn nóng. Dường như khí hậu nóng này chưa đủ cho họ sợ hoặc khí nóng đã kích thích họ cách nào đó khiến họ càng thích nóng hơn. Bên kia đầu gánh là một thúng với một số tô nho nhỏ, một số đũa và muỗng. Có một chiếc khăn lông nằm hững hờ trên những chiếc tô ấy, dường như khăn trước đây màu trắng, sau bao phong trần đã trở thành màu xám tro đậm. Chàng thật sự không biết khăn này dùng để làm gì, để bà già lau mồ hôi trên trán hay để lau chân cho bớt bụi đường sau một ngày dài mệt mỏi. Trí chàng chưa đủ kinh nghiệm sống tại Á Châu để có thể hiểu rằng khăn lông nhỏ ấy dùng để lau tô, đũa và muỗng vì người bán không có thau nước.

Dù có rất nhiều điều chàng không hiểu về bà già, chàng biết chắc một điều là bà sắp băng qua quốc lộ 1. Bà nhìn thẳng phía trước, đôi thúng thẳng theo chiều thẳng của đòn gánh, chuẩn bị bước tới. Dường như con đường đầy xe đò, xe vận tải, xe nhà, xe gắn máy, xe đạp, xe ba bánh… với tiếng còi xe inh ỏi, đinh tai điếc óc, bụi mù tốc lên ngập trời không làm chùn bước người đàn bà có kinh nghiệm sống gần quốc lộ 1. Trên đường không có lằn vạch trắng, không có đèn lưu thông, cũng không có nơi dành riêng cho người đi bộ muốn qua đường. Đoàn người chạy xe trên đường dường như chẳng theo luật chi cả, mạnh ai nấy chạy, ai cũng xông tới trước, chẳng nhường bước ai, vừa chạy vừa bấm còi dù biết rằng chẳng ai chú ý đến tiếng còi của mình cũng như mình chẳng chú ý đến tiếng còi của người khác. Vậy mà bà già bước xuống đường và bắt đầu băng qua. Chàng chỉ có nửa giây đồng hồ để quyết định: một là bước theo bà già, hai là đứng tại chỗ thêm một thời gian nữa. Dĩ nhiên, chàng biết điều mình phải làm và cần làm: chàng phải băng qua quốc lộ 1.

Không kịp xin phép, chàng vội vàng đứng ngay sau chiếc thúng thứ hai, ngay sau lưng bà già, chiều cao của bà chỉ đến vai chàng, mái tóc vàng và ướt đẩm mồ hôi của chàng vươn cao lên bên trên mái tóc đen, với mái tóc đen đi trước, mái tóc vàng theo sau, đôi mắt của người tóc đen thản nhiên theo những bước chân thoăn thoắt, đôi mắt người tóc vàng mở trừng to trong sợ hãi. Điều không thể giải thích được là bàn chân bà già bước đến đâu, dường như xe trên đường tránh để không đụng bà. Xe vẫn chạy tấp nập, không trật tự, không lớp lang, người qua đường và người chạy xe chẳng ai nhìn ai, nhưng cả đôi bên đồng đạt được mục đích, người chạy xe vẫn cứ chạy và người băng qua đường cũng đã sang được bên kia lộ. Trong phút chốc, bà già đã sang đến bên kia đường, dẫn theo chàng Mỹ ba-lô một cách bất đắc dĩ.

Trước khi bà già biến mất theo đám đông bên kia đường, chàng vội vàng đến trước mặt bà, mở ví tiền, rút ra một tờ giấy bạc, không rõ là đô Mỹ hay tiền Việt Nam, trân trọng trao cho ân nhân với lời “Thank you, thank you” rối rít. Bà già ngạc nhiên, nhoẻn miệng cười duyên dáng, nhận tiền, nhét vào túi rồi biến mất theo đám đông. Chàng hoàn hồn, bước đi đến nơi hẹn, vui mừng vì đã băng qua được quốc lộ 1. Một kinh nghiệm mới trong một ngày mới tại Việt Nam.