Làm việc là đặc tính của con người. Các động vật chỉ biết “làm” theo bản năng nhất định ngàn đời như nhau để sinh tồn. Duy con người “làm” để “sống”. Văn sĩ Pháp Albert Camus nhận thức giá trị con người là do công việc làm “Con người phải biết sống đầy đủ, sống hành động, sống hoạt động, vì có hoạt động mới biết mình sống, thấy mình là một thực tại, một khả năng”. Con người “làm” với óc sáng tạo, có kế hoạch, có dự tính và có chủ đích như Đức Chúa Trời.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài dựng nên cả vũ trụ, cùng các sinh vật trên đất và dưới nước. Sau khi Ngài dựng nên loài người, Kinh Thánh ghi : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm (make) nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị (rule over) loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng (subdue), hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng-thế ký 1:26-28).

Làm” và “quản trị” là đặc tính của Đức Chúa Trời và của loài người. Người thuộc về Chúa nhận ra : “Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi-thiên 19:1) và “Quyền năng Ngài, và công việc lạ lùng mà Ngài đã làm” (Thi-thiên 78:4).

Chúng ta vào đời tất phải có công việc để làm. Tùy theo trình độ học vấn, tài năng, sở thích mà chúng ta chọn một việc với cả tấm lòng “yêu nghề”. Nhưng đối với Cơ Đốc nhân, Lời Kinh Thánh cho chúng ta biết : “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10).

Cơ Đốc nhân là “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12), bởi “Ngài làm ra” khi chúng ta tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, thì “Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài” (Giăng 1:12), “để làm việc lành

Việc lành” mà Cơ Đốc nhân “làm” không phải là việc “từ thiện” mà là việc Ngài “đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”. Đồng thời Ngài cũng ban “ơn” xứng với công việc Chúa “sắm sẵn” để chúng ta “làm”. Cơ Đốc nhân “làm việc lành” là “làm việc Chúa” như Lời Chúa Jêsus phán : “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm” (Giăng 14:12). Chúa Jêsus cũng phán quyết lời này để xác định “làm việc Chúa” rất quan trọng : “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:26).

Cơ Đốc nhân “làm việc Chúa” đúng khi tuân lời Chúa “Phải theo ta” và “làm theo” việc Ngài quy định. Và Ngài đã trang bị ba điều cần thiết để Cơ Đốc nhân “làm việc Chúa” hay “làm việc lành” Chúa giao cho cách tốt đẹp.

1. Trang bị ơn. Người Việt chúng ta làm việc gì cũng phải “liệu cơm gắp mắm. Liệu sức làm quan”, phải biết điều mình có và xử sự điều mình có. Người “làm việc Chúa” phải biết “ơn” mình có do Chúa ban. “Ơn” là “sự ban cho thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 12:1), “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11).

Rô-ma 12:3-8 nói đến 7 “ơn”, I Cô-rinh-tô 12:8-10, 28-30 nói đến 13 “ơn”, Ê-phê-sô 4:11 nói đến 5 “ơn”. Tôi đã trình bầy khái quát về những “ơn” đó và trình bày chi tiết về một số “ơn” trong loạt bài từ Bài 39 đến Bài 43. Mời quý độc giả đọc những bài này để biết phần nào “ơn” mình có và biết “công việc nhà Chúa” mình phải làm. Thánh Phao-lô rất “sợ” mình “hầu việc Chúa” không theo “ơn” ban mà là “chạy bá vơ … đánh gió” (I Cô-rinh-tô 9:26). Thánh Phao-lô đã thành công và hãnh diện : “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng (tận dụng) vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (I Cô-rinh-tô 15:10).

Các “ơn” hay “Ân Tứ” đều có giá trị bằng nhau, ân tứ Mục Sư cùng một giá trị như những ân tứ khác. Mục sư là ân tứ Chúa ban cho, tổng hội hay giáo hội “phong” chỉ là cách công nhận người đó có ân tứ. Những năm gần đây, chúng ta có thể thấy đâu đó tổng hội đã “phong” bừa bãi nếu tổng hội thấy “vừa ý” hoặc “cần người” mà quên đi quý vị được “phong” có “ơn” giảng dạy hay không. “Ơn” giảng dạy gồm tri thức về Kinh Thánh, soạn bài giảng sao cho toàn thể nội dung và các câu Kinh Thánh được trưng dẫn ăn khớp với nhau, cách giảng luận trơn tru, khiến con cái Chúa nghe giảng hiểu nhanh và thật sự học hỏi được ý nghĩa của bài giảng luận và biết được điều mình phải làm sau đó.

Người được ban ân tứ “dạy dỗ” có “tài dạy dỗ” (II Ti-mô-thê 2:2) bởi học kỹ, nghiên cứu Kinh Thánh và thường cảm nhận “Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 3:6). Vì cớ đó mà chẳng “khoe” tài. Hơn thế nữa, người “làm việc Chúa” theo “ơn” Ngài ban cho, còn có “sự khôn ngoan được ban cho” (II Phi-e-rơ 3:15). Tuyệt vời !

Vậy, Cơ Đốc nhân chân chính “Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng” (I Ti-mô-thê 4:14) mà không dùng “làm việc Chúa”.

Người “làm việc Chúa” chẳng những cần có “ơn” mà còn cần có “sức”. “Sức” này cả thể xác lẫn tinh thần và tâm linh. Tạ ơn Chúa, Ngài ban cho con cái Ngài những điều cần để con cái Ngài làm việc nhà Ngài. Phân đoạn 1. Trang bị ơn, sau đây là phân đoạn 2 :

2. Trang bị sức. Tiếng Việt mình nói người có “sức” để chỉ người “mạnh khỏe”. “Mạnh” là “sức” thể xác, “khỏe” là “sức” tâm hồn. Chàng lực sĩ thức dậy một ngày mới, cảm thấy chán chường than : Ngày nào cũng mãi thế này hay sao ! Chẳng có gì vui, hấp dẫn. Mọi ngày như mọi ngày. Chàng lực sĩ “mạnh” mà không “khỏe”.

- Mạnh. Cơ Đốc nhân biết “dâng thân thể mình làm của lễ sống” (Rô-ma 12:1) là biết tránh những điều tác hại đến thân thể, biết bồi dưỡng thân thể bằng ăn uống. Món ăn “ngon” mà không “lành” thì không vì “khoái khẩu” mà ăn. “Ngon lành” mới ăn.

Thân thể “mạnh” nhờ dưỡng khí. Tập thở là hít vào thật xâu, nhịn thở khoảng 5-10 giây, rồi thở ra thật dài. Hít vào như đã thu thập điều tốt mình cần có, thở ra như đã tống khứ được những điều xấu trong mình.

Thân thể “mạnh” nhờ tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ nhanh một chút (jogging), đi bơi hay lội dưới nước. Từ năm được 51 tuổi, vì bị chứng frozen shoulder, không tự mặc áo được. Sau khi nghe bác sĩ gia đình khuyên phải tập thể thao vì châm cứu và thuốc chống đau không làm thuyên giảm, tôi bắt đầu đi bơi tuần 2 lần, với 2 cái phao đeo sau lưng, chiều thứ bẩy và chiều Chúa Nhật. Sau hơn hai năm rưỡi, tôi trở lại bình thường trước sự ngạc nhiên của bác sĩ gia đình.

Chúng ta cũng nhờ bác sĩ khám phần nào trong cơ thể yếu và thuốc bổ dưỡng nào, đồ ăn nào cần để làm phần yếu đó tốt và cơ thể “mạnh” lại.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính may mắn còn được Chúa “thêm sức”, nên “ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta” (I Ti-mô-thê 1:12), và “tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13), nhất là có “sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:9).

- Khỏe. “Khỏe” là “sức” mạnh của tinh thần hay tâm hồn. Tinh thần cần “khỏe” thế mà đôi khi chúng ta chẳng quan tâm đến.

Thân xác bình thường tự nó đào thải thức ăn không hợp bằng cách nôn mửa, hay báo động bằng cảm giác khó chịu. Nhưng tinh thần thiếu cái phản ứng cần thiết để bảo vệ cái “khỏe” của tinh thần. Tại sao có tình trạng này ? Chỉ vì trong tâm chúng ta có thể ít nhiều hay “đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót” (Rô-ma 1:29-31). Với tấm lòng “đầy dẫy” tội lỗi, tinh thần chấp nhận độc tố hủy hoại sức khỏe tinh thần, khiến tinh thần bại hoại.

Theo tâm lý học, có 5 cách làm cho tinh thần khỏe” là : chân thật, ngay thẳng, đơn sơ, trung tín, thỏa lòng.

Chân thật - không bị dối trá khuấy động.

Ngay thẳng - khỏi mất công tìm cách lươn lẹo.

Đơn sơ - hỗ trợ cho Chân thật và Ngay thẳng.

Trung tín - là đường thẳng ta đi để giữ chữ tín.

Cơ Đốc nhân “khỏe” là nhờ “mạnh mẽ trong đức tin” (Rô-ma 4:20). Bởi “đức tin” mà Cơ Đốc nhân “khỏe”, “vui mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4). Và “Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng” (Ê-phê-sô 3:16).

Cơ Đốc nhân phải nhớ : “Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ” (II Ti-mô-thê 1:7).

3. Trang bị đích. Cơ Đốc nhân “làm việc Chúa” được trang bị “ơn”, “sức” và còn được trang bị “đích”, đó là “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Cuối tháng 5 năm 1995, nhật báo Washington Post làm một cuộc thăm dò để biết có bao nhiêu phần trăm hối tiếc việc họ làm trong đời. Trong số 1003 người được thăm dò thì có : 21% tỏ ra ân hận về những điều mình đã làm, 61% hối tiếc vì đã không làm một số chuyện, 12% thì không ân hận, không hối tiếc gì cả, 6% trả lời không biết phải tiếc cái gì. Như vậy, con số người tiếc vì không làm một số công việc trong đời là con số đông đảo nhất : 61%. Số đông đảo này không có chủ đích khi làm công việc.

Cơ Đốc nhân chân chính có chủ đích làm việc là :

3.a “Ý cha được nên” (Ma-thi-ơ 6:10). Ngay khi Chúa ban “ơn” cho mỗi Cơ Đốc nhân “theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11), nên mỗi Cơ Đốc nhân phải biết “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2), và làm theo để “Ý cha được nên” trên đời sống mình.

Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời “có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16), Cơ Đốc nhân phải đọc, học, “suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8), bởi đó mà “hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào” (Ê-phê-sô 5:17). Hơn thế nữa, Chúa Thánh Linh là “Thần lẽ thật (Thần Chân Lý)” (Giăng 14:17) đã ở bên Cơ Đốc nhân chính, và “Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật (chân lý)” (Giăng 16:13). Chúa Thánh Linh còn hướng dẫn chúng ta làm theo “ý Cha” cách nào, nên chúng ta phải “bước đi theo Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:16).

Rất tiếc ngày nay một số không ít con cái Chúa “làm việc Chúa” theo ý mình, “làm theo đời này” (Rô-ma 12:1) mà cứ tưởng mình là “làm theo ý Chúa”.

3.b “Vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời”. Khi Đức Chúa Trời dựng nên con người, con người rất vinh hiển, như Kinh Thánh có ghi lại : “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng” (Thi-thiên 8:5). Loài người “thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23) sau khi phạm tội, nên loài người tìm hết cách tạo cho mình sự vinh hiển hư vinh. Công việc ta làm mà vẻ vang, rạng rỡ được người đời khen ngợi, ca tụng là có ngay “vinh hiển” trên đất mang tính hư vinh này.

Cơ Đốc nhân chân chính không “làm việc Chúa” vì “vinh hiển” mình, nhưng “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Chúa Jêsus phán với người thuộc về Ngài như sau : “Các ngươi là sự sáng của thế gian…Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:14,16). Cơ Đốc nhân “làm việc Chúa” là “làm việc lành”, không làm vì “hư vinh” (Phi-líp 2:3), mà làm với chủ đích “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”, đôi khi còn bị người ta khinh chê, sỉ nhục, coi “giống như rác rến của thế gian, cặn bả của loài người” (I Cô-rinh-tô 4:13).

3.c “Yêu người lân cận”. “Làm việc Chúa” liên hệ đến người là nói về đối xử với người lân cận. “Việc lành” đầu tiên của Cơ Đốc nhân phải làm là “làm chứng về ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8) và “giảng Tin Lành” (Mác 15:16). “Làm chứng” là nói cho người ta biết “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). “Giảng Tin Lành” là nói về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua lời phán của Chúa Jêsus : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Cứu Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). “Việc lành” này cần làm vì “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4).

Cơ Đốc nhân chân chính làm “việc lành” nàu với “người lân cận” với cả năng lực tình yêu như điều răn thứ hai Chúa truyền : “yêu người lân cận như mình” (Lu-ca 10:27). “Người lân cận” là người chúng ta có thể lại gần “lân la, trò chuyện”. Thánh Phao-lô còn coi những người đó “thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành cho anh em” (Rô-ma 1:15), với phương cách : “tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:22).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Việc lành” là công việc đẹp nhất nên Cơ Đốc nhân được Chúa “trang bị” đầy đủ. Hãy tận dụng những điều được Chúa “trang bị” và “làm công việc Chúa cách dư dật luôn” (I Cô-rinh-tô 15:58), và “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt” (Ga-la-ti 6:9).