Trong thế giới mà chúng ta đang sống, từ những quốc gia văn minh đến các quốc gia lạc hậu, nơi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy lòng sùng kính thần linh nơi dân chúng địa phương. Nơi thần linh ngự trị được sùng kính có nơi là gốc cây đa, gốc cây đề, có nơi là hang là hố, có nơi là am miếu đơn sơ, có nơi là đền đài nguy nga tráng lệ.

Sách khảo luận về tôn giáo trên thế giới đầy dẫy trên các Internet Websites. Thần nào cũng có đủ yếu tố thiêng liêng cho một số người đặt kỳ vọng tin tưởng. “Không thiêng ai gọi là thần” và con người cần thần linh để thờ lạy cầu xin những gì mình mong muốn, hầu đáp ứng nhu cầu tâm linh có sẵn trong con người.

Về nguồn gốc thần linh, phần nhiều không rõ ràng lắm. Các nhà nhân chủng học cho rằng con người thời nguyên thủy sống giữa thiên nhiên với tâm hồn sơ khai và mộc mạc, chưa có tư duy về tôn giáo. Song nhìn những hiện tượng tự nhiên hay đặc biệt trong thiên nhiên, từ cây cối, chim muông đến sấm sét, bão tố, họ cố gắng tìm hiểu, cắt nghĩa những hiện tượng trong thiên nhiên. Họ cảm thấy dường như có một năng lực huyền bí nào đó đang ngự trị những gì hiện hữu biến chuyển trong thiên nhiên. Với bộ óc thô thiển, họ hình dung ra những vị thần khổng lồ với hình dạng cổ quái khác người, luôn luôn gây nên tai họa cho con người. Con người khiếp sợ các vị thần ấy và khởi sự cầu vái “thần” đừng gieo tai họa cho họ nữa. Có khi vừa khấn vái xong, một sự ngẫu nhiên, tai qua nạn khỏi là đủ chứng tỏ hiện diện của thần linh, mà con người cần tin tưởng và nhờ cậy. Con người tự nghĩ ra cách thờ thần. Phần nhiều “suy bụng ta ra bụng thần” mà dâng cho thần lễ vật mà mình ưa thích. Có thần đòi ăn đủ thứ như người phàm, có thần đòi cả trinh nữ một cách thế tục hạng thấp kém.

Có những vị thần xuất thân là người, có những vị thần là “điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:23), có những vị thần nửa người nửa thú. Câu hỏi được đặt ra : Tại sao có nhiều thần như vậy ? Thần nào đáng thờ hoặc phải thờ ? Con người thường thờ để được phước hay cầu để tránh tai họa, thờ vì hợp với suy luận hay thờ vì cha mẹ làm sao thì nay ta làm vậy, hoặc nếu không thờ thì chuyện gì xẩy ra cho ta ? Bình tâm suy nghĩ chúng ta sẽ có rất nhiều câu hỏi về thần linh và phải thờ thần linh sao cho phải lẽ.

Sách xưa có câu “Thiên sinh vạn vật duy nhân tối linh” - Trời sinh ra muôn loài vạn vật, duy  người là vật linh nhất. Sự hiểu biết nguyên tri của con người về thần linh là “Ông Trời”. Ý niệm về Ông Trời là thần linh không thấy được. Các dân tộc Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc dùng chữ Thiên “”, có nét trên cùng là chữ nhất, phía dưới là chữ đại, chữ đại bỏ nét ngang là chữ nhân. Như vậy, Trời là Một Người Lớn Nhất, có liên quan tới người, nên Trời là “thiên thượng”, còn người là “thiên hạ”. Qua ca dao tục ngữ, chúng ta cũng hiểu được phần nào ý niệm về Trời của người Việt chúng ta như “trăm sự nhờ Trời”, “Trời sinh Trời dưỡng”, “Ở sởi lởi Trời gửi cho, ở bo bo trời lấy lại”, “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”. Nhưng hỏi Trời ra sao thì tất cả nhân loại đều không biết. Tuy lý trí không biết, nhưng tâm linh cảm nhận ra Trời, vì con người có “linh” của Đức Chúa Trời. Theo sách Sáng-thế ký trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dựng nên loài người bằng bụi đất. Sau đó, Ngài “hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:7), bởi “sanh linh” mà con người cảm nhận ra Đức Chúa Trời, dầu không có một chút nào hiểu biết về Ngài.

Chúa Jêsus xác quyết “Đức Chúa Trời là thần” (Giăng 4:24). Ngài là Chân Thần duy nhất, vì “Đức Chúa Trời có một và thật” (Giăng 17:3). Tất cả nhân loại “phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:10).

Thế còn những thần khác thì sao ? Thưa quý vị độc giả, Kinh Thánh cho biết những thần khác là tà thần, mà kẻ sản xuất ra tà thần chính là Sa Tan, “vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12). Theo Kinh Thánh,  chủ đích của Sa-tan là làm sao cho nhân loại thờ thần nào cũng được, miễn là không biết đến sự thờ phượng Chân Thần là Đức Chúa Trời, chính ma quỷ cũng đã dụ dỗ Chúa Jêsus thờ lạy nó, “Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy” (Ma-thi-ơ 4:8-9). Ma quỷ thường dùng mưu mẹo quyền năng “cho” một vài điều thuộc vài điều thuộc về vật chất, thuộc về trần thế cho người thờ tà thần hầu giúp người vững tin nơi chúng. Sa-tan và ma quỷ thường không lộ diện, nhưng chúng có thể đã nhập vào tính tình của con người, khiến con người tạo ra những hình thức tôn giáo, với vị thần này đứng đầu, với giáo chủ nọ khởi xướng, và ngay cả tôn “điểu thú, côn trùng” làm thần thánh để người ta thờ lậy.

Suy gẫm điều trên, người chia sẻ niềm tin cùng quý vị không mấy thỏa lòng lắm, vì thời nay, đề cập tới sa-tan, ma quỷ sẽ bị coi như mê tín, dị đoan.

Con người trên trần thế thường chẳng cần để ý đến phân biệt đâu là Chân Thần, đâu là tà thần, miễn là cầu gì được nấy là thờ lậy. Tại Hoa Kỳ, một chị theo Phật Giáo, được người bạn cho biết mình đến tượng Đức Mẹ ở San Diego (?) cầu, thế là con cái có công ăn việc làm tốt, mặc dầu trước đó kiếm việc mãi không được. Thế là chị này vội vã đi mua một bó hoa, đến tượng Đức Mẹ nọ, dâng hoa và cầu nguyện cho con mình đang gặp hoàn cảnh tương tự. Kết quả cũng giống như của chị bạn. Thế là nơi tượng Đức Mẹ đó trở thành nơi được nhiều người đến thờ lậy.

Đối với con cái Chúa chúng ta, Kinh Thánh ghi lại điều răn thứ nhất của Đức Chúa Trời là : “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê díp tô ký 20:3). Ngoài “Đức Chúa Trời có một và thật”, các thần khác đều là tà thần. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng : “Vậy, về sự ăn ở của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác. Thật người ta xưng có các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều Chúa), về phần chúng ta (Cơ Đốc nhân), chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.” (I Cô-rinh-tô 8:4-6).

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Trong niềm tin Cơ Đốc, chỉ có một Chân Thần là Đức Chúa Trời mà chúng ta phải thờ phượng. Chúa Jêsus dạy rằng : “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Ước mong quý vị cùng với chúng tôi thờ phượng Chân Thần là “Đức Chúa Trời có một và thật”.

Xin gửi một vài câu thơ của thi sĩ Tường Lưu, một con cái Chúa ở Hoa Kỳ đến quý độc giả.

                           Dù hiền nhân bước lên cân cũng thiếu

                           Nên hằng ngày hãy tự xét lấy mình

                           Lòng khiêm nhường hướng về Chúa cầu xin

                           Và sửa đổi, trở nên con người mới.