Hình phạt là phương cách đứng đắn ngăn chặn tội lỗi duy nhất. Tất cả sinh vật trong trần thế, chỉ có con người mới có hình phạt. Con người có hình phạt vì con người ý thức về tội lỗi và đối phó với tội lỗi.

Hình phạt cũng là một phương cách giáo dục. Ngay trong tuổi thơ, con cái đã bị phạt khi lỗi lầm. Cha mẹ yêu con phải biết phạt con khi lỗi lầm để con nhớ không phạm lỗi lầm đó nữa. “Yêu cho roi cho vọt” hiệp với lời Kinh Thánh dạy : “Chớ tha sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, Ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ.” (Châm-ngôn 23:13-14), “Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan” (Châm-ngôn 29:15).Ở các xứ tây phương, hãy cẩn thận khi dùng roi “răn phạt” con nhỏ để tránh phạm lỗi “ức hiếp trẻ thơ” (child abuse).

Sống trong xã hội, trong nhà có gia phong, trong gia đình có phép tắc, ra ngoài có pháp luật của quốc gia. Trong gia đình phạm phép tắc, ngoài xã hội phạm pháp luật đều bị khiển trách, sửa trị.

Pháp luật quy định hình phạt cho kẻ phạm pháp. Ở những nước kém văn minh hình phạt tội nhân thường là phương cách làm đau đớn thân thể, và nhục mạ tinh thần. Ở các xứ văn minh, hình phạt cho kẻ phạm pháp bị luật “nhân quyền” hạn chế cách đối xử với phạm nhân. Ngay cả khi bị kết án tử hình, phạm nhân lãnh án cũng được tránh đau đớn thể xác quá đáng, một cái giựt mạnh trên ghế điện, hay hôn mê rồi đi luôn qua mũi chích thuốc độc. Nhờ hình phạt mà con người không dám phạm tội dầu muốn.

Các tôn giáo cũng tạo ra hình phạt linh hồn tội lỗi của người chết. Luật quy định hình phạt tội lỗi của người chết chắc chắn không phải bởi người sống trên dương thế đặt ra, nhưng do người sống trên dương thế tưởng tượng.

Việt Nam ta có chuyện thư sinh Lê Hiếu Chân bị quỷ sứ bắt lầm, thay vì bắt Lê Hiếu Chân đồ tể ở làng Trường Xuân. Vì bị bắt lầm xuống cõi âm nên quỷ sứ cho viếng qua mấy cửa ngục trước khi trở về dương gian. Chàng đành viếng thăm bất đắc dĩ mười cửa ngục do Thập Điện Diêm Vương cai quản. Lần lượt Lê Hiếu Chân đi qua ngục thứ nhất là Ốc tiêu thạch, kế đến ngục Hoạt đại, rồi đến Hắc thang, Đại hợp, Rên xiết, Than khóc, Buồn thảm, Đại nhiệt não, A tì, Chuyển kiếp sở, Uông tử. Ở đây có khu Vọng đài cho những hồn trải qua hình phạt trong ngục được ăn cháo lú để quên hết mọi sự trước khi hóa kiếp đầu thai.

Qua mỗi cửa ngục, chàng được quỷ cho xem tường tận và cắt nghĩa những hình phạt. Ngục thứ ba là Hắc thang, chàng thấy 16 ngục nhỏ : Ngục muối, ngục gông cùm giây gai, ngục đâm thủng gan, ngục cắt môi, ngục cắt mỡ, ngục nạo tim, ngục moi mắt, ngục lột da, ngục chặt chân, ngục tước móng tay, ngục uống máu, ngục treo ngược chân, ngục chặt khớp xương, ngục sâu bọ, ngục đập bể đầu gối, ngục moi tim. Các ngục nhỏ này trừng phạt những kẻ phàn phúc, những người vợ ngoại tình, những đứa con bất hiếu, những con buôn gian lận, những kẻ giả mạo, những nhà giầu bóc lột. Tất cả những ngục khác đều có những ngục nhỏ xử tội nhân một cách dã man không thua gì những ngục của các nước quân chủ với bạo chúa như Tần Thủy Hoàng thời xưa hay các quốc gia có chế độ độc tài chuyên chế thời nay.

Tất cả những chuyện hình phạt linh hồn tội lỗi của người chết được phổ biến qua các tôn giáo đều có mục đích răn đời, một ông ngáo ộp cho người lớn. Hình phạt trong ngục nơi cõi âm chỉ có tính cách giai đoạn, chịu rồi, ăn cháo lú quên hết trước khi trở về dương gian, để rồi nếu may mắn được đầu thai làm kiếp người lại tiếp tục phạm tội, gian ác.

Tất cả những chuyện về hỏa ngục hay địa ngục được các tôn giáo mô tả toàn là “chuyện huyễn”(II Ti-mô-thê 4:4). Hình phạt cho linh hồn tội lỗi chỉ có “chết” mà thôi, như lời Kinh Thánh khẳng định : “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27), sau khi Chúa Jêsus trở lại, linh hồn tội lỗi của người chết bị “phán xét” trước “tòa lớn và trắng” (Khải-huyền 20:11), và kết thúc của sự “phán xét” là bị “ném xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:15), là  chỗ “ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:10). Như vậy tại thời điểm này, hỏa ngục chưa có.

Chính những chuyện huyễn về hình phạt những linh hồn tội lỗi nơi hỏa ngục, mà một số tôn giáo đã đặt ra lễ cầu hồn, cầu siêu cho những linh hồn nơi hỏa ngục. Chính những chuyện huyễn này mà nẩy sinh biết bao phương cách người sống có cơ hội tạo công đức để hồi “hồi báo” cho những linh hồn đang chịu hình phạt, may ra nhẹ bớt hình phạt hay được siêu thoát. Tất cả những phương thức trên tốn tiền không ít mà kết quả chỉ là hy vọng mơ hồ. Vậy làm sao thoát hình phạt tội. Xin mời quý vị đọc Bài 146 Làm sao để sạch tội ? và bài kế tiếp.

Giới thiệu thơ của thi sĩ Tường Lưu, một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Nhắn bạn vài lời

Nhớ khi xưa, ngày tôi tin nhận Chúa

Rất vững tâm, không một thoáng nghi ngờ

Thử hỏi xem trên đất có ai giờ

Đem mạng sống tặng người không xứng đáng.

         Tội xấu xa, tội lỗi nhiều, nhiều lắm

         Lẽ tất nhiên sẽ hư mất đời đời

         Chúa vì tôi, chịu hình phạt thay tôi

         Ân điển ấy lòng tôi ghi nhớ mãi.

Tôi nhắn bạn vài lời thân ái

Cuộc đời này, đời tạm, sẽ qua mau

Rồi đời sau cuộc sống bạn về đâu

Hãy tin nhận, bạn ơi, tin nhận Chúa.