Tội lỗi ngăn cách ta với Chúa và tha nhân

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân, Tội lỗi, bức tường ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời không còn nữa cho những ai tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình như lời Kinh Thánh chép : “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1), “Vậy chúng ta đã được xưng công bình (tội lỗi trong quá khứ được tha thứ hoàn toàn) bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rô-ma 5:1). Quý vị không thể sạch tội bởi “tu thân tích đức”, nhưng chắc chắn quý vị được sạch tội, vì “ Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8) trên thập tự giá đền tội chúng ta rồi, và “huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7).

Phải nói rằng thế giới ngày nay có quá nhiều tội lỗi, có những tội bị ánh sáng công lý phát hiện và bị án phạt, nhưng lại có những tội lại không bị  kết tội vì luật pháp có kẽ hở, hoặc vì các quan chức nhà nước đã thông đồng hay đã nhận hối lộ để kẻ phạm pháp ung dung qua mặt công lý. Lại có những tội mà người ta cứ thản nhiên nghĩ đó không phải là tội. Mọi người, từ lúc sinh ra cho đến một thời điểm nào đó, chắc chắn ai cũng đã phạm một số tội lỗi. Trong niềm tin Cơ Đốc, tội lỗi nơi loài người được quy định là điều trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời, và theo đó mọi người đều có tội.

Người ta dễ nhận ra tội lỗi của mình khi ngôi nhà khang trang đạo đức của ta đột nhiên bị cháy. Khi tội lỗi đươc phơi bầy ra trước bè bạn hoặc ánh sáng công lý, người có tội tự nhiên cảm thấy có cái gì đó ngăn cách mình với những người biết mình có tội, và người biết mình có tội cũng chẳng còn muốn gần gũi, thân tình, trừ khi người đó là vợ con. Nhất là những ai được đời trọng vọng nhận ra “đạo cao đức dầy” hoặc những người có bản tính trọng liêm sỉ, trọng lẽ phải lại càng cố gắng xa cách người tội để bảo vệ sự thánh thiện, tính trong sạch của mình. Mặc dầu vậy, cũng có những người đạo đức giả không biết người khác có phạm tội hay không, mà đã tỏ thái độ đàm tiếu, như trong thời Chúa Jêsus những người Pha-ra-si đạo đức giả cũng đã ngạc nhiên khi thấy Chúa Jêsus “ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết” (Ma-thi-ơ 9:11).

Nhận xét kỹ, chúng ta thấy ngay người Việt khó đoàn kết, vì thường “chín người mười ý” cho một vấn đề. Một sự ngẫu nhiên tổ tiên ta có huyền thoại dân Việt phát xuất từ một bọc trăm trứng của bà Âu Cơ với Lạc Long Quân. “Đồng bào”- người chung một bọc thì phải đoàn kết, chứ sao lại chia rẽ trầm trọng. Có lẽ nguyên nhân là vì trăm trứng nở ra trăm cậu con trai, nhưng cha mẹ khác nòi, khác tính, khác nhu cầu nên chia tay, “ly dị” kiểu ngày xửa ngày xưa, chia đôi trăm cậu con trai, năm mươi theo cha xuống biển, năm mươi theo mẹ lên núi. Phải chăng cái căn tính của dân Việt bắt đầu từ đó. Sau bao ngày tha hương, tiếp xúc với nhiều giống dân, người đang chia sẻ niềm tin với quý vị nhận thấy có dân tộc nào trên thế giới này đoàn kết đâu. Mọi người như nhau, bình thường có ăn chạy tới - đoàn kết. Hoạn nạn mạnh ai nấy chạy - chia rẽ. Nhớ lại cái thời các tướng lãnh đoàn kết lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sau đó, ngồi lại vạch tội của nhau với chiêu bài “chỉnh lý” để chia rẽ.

Con người có nhiều lý do để khó đoàn kết và có nhiều nguyên nhân để dễ chia rẽ. Nhưng nguyên nhân chính để con người khó đoàn kết, dễ chia rẽ là tội lỗi. Vợ chồng khắng khít, keo sơn là thế trong tình nghĩa, thế mà bỗng một ngày, vợ nhận ra chồng lăng nhăng, tự nhiên keo rã hồ lơi. Giữa vợ chồng như có bức tường ngăn cách, không chung giường, ngoảnh mặt nơi khác, vợ không thèm nhìn mặt chồng. Vợ chồng không còn những giờ phút tâm tình, sưởi ấm lòng nhau nữa.

Ngày mới đến Úc năm 1978, trong một bữa ăn tại nhà một người bạn, tôi được làm quen với một cặp vợ người Úc gốc Hòa Lan chồng người Việt. Cặp này trông thật xứng đôi, và có vẻ hạnh phúc. Thời gian qua thật nhanh. Cũng trong một bữa ăn với bè bạn khoảng 25 năm sau đó, năm 2003 tôi gặp lại ông bạn của tôi. Trong câu chuyện hàn huyên, tôi có hỏi thăm cặp vợ chồng Việt Hòa Lan nọ, thì được biết hai người đã chia tay nhau. Ông bạn cho biết chẳng ai biết lý do, và chỉ một sự tình cờ, ông được biết người chồng sau khi thấy hãng ông làm ăn bết bát, lỗ lã đã ngầm tẩu tán hầu hết tài sản ông trước khi nghỉ việc khá lâu. Sau đó ông nhận tiền trợ cấp thất nghiệp rồi đến năm 65 tuổi được trợ cấp tiền già và tiền thuê nhà. Cũng sau thời điểm ông nhận tiền thất nghiệp, vợ ông đang là một giảng viên tại Đại Học, chính thức ly dị ông. Ông bạn tôi tiếp, có lẽ bà vợ, một người trí thức tây phương trọng lẽ phải , bà đã ký giấy ly dị và bà không muốn ly dị giả, vì một việc làm thiếu tự trọng của chồng. Tội lỗi đã đem sự ngăn cách đến với cặp vợ chồng này trong một hoàn cảnh trớ trêu, văn hóa khác nhau. Thật tội cho người vợ. Với bản tính chân thật của một người trọng lẽ phải, chắc bà buồn và không thể chấp nhân sự tham lam thiếu sĩ diện, thiếu tự trọng của ông chồng khác quê hương. Tôi chợt nghĩ, nếu bà là người Việt hay người Hoa, chắc không có vấn đề gì xẩy ra, vì tôi đã chứng kiến một số trường hợp, dân khá giả nhưng vẫn nhiều thứ tiền trợ cấp xã hội.

Từ vợ chồng, thân thích, bè bạn đến xã hội loài người, tội lỗi luôn luôn có năng lực ngăn cách người với người.Đặc tính của tội lỗi là ngăn cách.

Truy nguyên, ngay khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va trái mạng lệnh Đức Chúa Trời, nghe lời ma quỉ ăn trái cây Đức Chúa Trời cấm - phạm tội, lập tức tội lỗi là bức tường ngăn cách giữa vợ chồng A-đam và Đức Chúa Trời như lời Kinh Thánh : “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình” (Sáng-thế ký 3:8-10).

Người Việt cũng như mọi dân tộc trên thế giới đều có linh tính cảm nhận có một Đấng Tối Cao liên quan đến loài người, Đấng có quyền ban phước và giáng họa. Nhưng tuyệt nhiên con người không sao biết được Đấng đó. Con người có tự do tư tưởng và tự do suy diễn Đấng Tối Cao theo quan niệm và quan điểm của mình, đồng thời quảng bá quan niệm và quan điểm của mình hầu mong có nhiều người chấp nhận, dầu rất mơ hồ. Người Việt chúng ta còn có cảm nghĩ Trời Người có một mối tương quan mật thiết, chẳng qua khác biệt cảnh giới mà thôi. Trời là Thiên Thượng, Trời ở trên cao. Người là Thiên Hạ, là Trời ở dưới thấp, và khi qua đời là về “chầu Trời”.

Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết con người tội lỗi không thể giao kết với Đức Chúa Trời, Đấng Tối Cao mà chúng ta cảm nhận. Tội lỗi là bức tường ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời. Chẳng những không được giao tiếp mà còn ở dưới “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36), trong thế “thù nghịch cùng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 5:10).

Con người làm sao hiểu nổi “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” sẽ giáng lên con kẻ “thù nghịch cùng Đức Chúa Trời” vì tội lỗi trong con người. Chúng ta chỉ hiểu được sự sống còn của con người tội lỗi khi nhận biết kế hoạch chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời bởi Cứu Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời giáng thế, và hoàn tất bởi Đức Thánh Linh - Ngôi Ba Đức Chúa Trời.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Tội lỗi, bức tường ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời không còn nữa cho những ai tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình như lời Kinh Thánh chép : “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1), “Vậy chúng ta đã được xưng công bình (tội lỗi trong quá khứ được tha thứ hoàn toàn) bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rô-ma 5:1). Quý vị không thể sạch tội bởi “tu thân tích đức”, nhưng chắc chắn quý vị được sạch tội, vì “ Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8) trên thập tự giá đền tội chúng ta rồi, và “huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7).

Ước mong quý vị ra khỏi “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” vậy hãy rời ngay vị thế thù nghịch cùng Đức Chúa Trời”, hãy “hòa thuận với Đức Chúa Trời”. “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15). Quý vị tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình là tại thời điểm đó, tội lỗi quý vị sẽ được tha, không còn sự ngăn cách với Đức Chúa Trời Chí Thánh. Chẳng những hết ngăn cách mà còn giao hòa khắng khít như Cha con như lời Kinh Thánh xác định “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

Vài lời tâm tình

Nhận được tin buồn từ Nhật Bản, một người bạn xa xưa dân bản xứ, nay đã trở về với cát bụi. Tôi biết ông này là con người ngay thẳng, thương người, thích giúp đỡ tha nhân. Điều ông không phải là người theo Chúa, đã khiến tôi bâng khuâng, khắc khoải. Khi Chúa Jêsus trở lại, ông bạn tôi sẽ đi về đâu?

Xin gửi đến quý vị độc giả một phần của bài thơ Giữ Vẹn Niềm Tin của thi sĩ Linh Cương một con cái Chúa ở Hoa Kỳ.

Giữ vẹn niềm tin,theo Chúa,vai mang thập tự

Trên nẻo đường nguy khốn chẳng nao sờn

Chân mạnh bước vượt muôn trùng gian khổ

Chúa đi cùng đâu cảm thấy cô đơn.

Tôi tin rằng đường theo Chúa thật tâm với đức tin đích thực rất hẹp, đầy thử thách và gian khổ. Con đường này không phải bằng phẳng rộng thênh thang, trên đó ta cầu nguyện xin Chúa điều gì cũng được. Theo Kinh Thánh, tôi tin rằng trung tín trên bước đường theo Chúa, chúng ta chắc chắn nhận được sự bình an, niềm vui thỏa, và sự cứu rỗi trọn vẹn lúc Chúa trở lại.