Tác hại của tội lỗi

Tội lỗi nơi loài người được quy định là điều trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Tác hại của tội lỗi bao giờ cũng khủng khiếp. Người ta linh cảm về sự khủng khiếp đó do tác hại tội lỗi gây ra, nên đã cố gắng tu cho bớt tội. Vì bớt tội chứ không phải hết tội thì làm sao vô hiệu hóa được tác hại của tội lỗi. Chung kết tác hại của tội lỗi là sự chết. Lời Kinh Thánh khẳng định “tiền công (giá phải trả) của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Phải nói rằng thế giới ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ thật nhanh ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng người ta tận dụng sự tiến bộ đó để diệt đối phương trên thương trường cũng như trong tương quan “mạnh được yếu thua” của các quốc gia. Phương châm “cạnh tranh gian manh mới sinh tồn” thời nào cũng có và được đồng ý ngầm như chẳng có gì lạ. Trong mọi lãnh vực - “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” bao giờ cũng được mọi giới chấp nhận dưới khẩu hiệu “chuyện người người lo, chuyện mình mình lo”. Những phim ảnh bạo hành, tội ác, đồi trụy, tục tữu vẫn phát triển mạnh mẽ để đáp ứng sự đòi hỏi của đa số quần chúng. Kinh tế phát triển một phần lệ thuộc vào giới ăn chơi, tội lỗi.

Tội lỗi ngày càng gia tăng chỉ vì lợi do tội lỗi đem lại quá nhiều. Tội lỗi ngày càng gia tăng chỉ vì lợi do tội lỗi “nhãn tiền”, có ngay trước mắt.

Có những việc làm tội lỗi như việc phản bội, chưa phải ra tay đã hưởng được một số đặc ân nào đó. Biết bao người phản bội tổ quốc chỉ vì được kẻ thù tặng một số tiền cả đời mong ước.

Lại cũng có những việc làm tội lỗi như gian lận tiền an sinh xã hội (chuyện này rất phổ biến trong giới di dân), gian lận tiền bồi hoàn của các hãng bảo hiểm y tế tư, gian lận tiền bồi hoàn của cơ quan Medicare (chuyện này khá phổ biến trong giới bác sĩ, nha sĩ), gian lận tiền thuế lợi tức (chuyện này cũng khá phổ biến trong thành phần đi làm có thu nhập cao hay trung bình), ấn hành các loại sách báo phim ảnh tục tửu, điều hành các sòng bạc, các ổ mãi dâm có giấy phép, hoặc buôn lậu ma túy, thuốc ảo giác thường thu lợi được những số tiền lớn.

Không có người nào phạm tội lại suy nghĩ đến cái hại do tội lỗi gây nên một cách nghiêm chỉnh, song chỉ còn nghĩ đến cái lợi do tội lỗi đem lại.

Ngoài cái lợi hấp dẫn, con người phạm tội luôn tin tưởng tài năng “ăn vụng chùi mép” của mình, nên chẳng dại gì không phạm tội.

Hơn thế nữa, nếu tội lỗi lại được một số nhà trí thức, triết gia, hoặc nhất là một số nhà tôn giáo biện minh, chấp nhận thì tội lỗi lại được “sơn son thếp vàng” khiến người phạm tội lại có phần hãnh diện. Trong thời Chúa Jêsus, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo lo việc tại một đền thờ tôn nghiêm cho phép người buôn bán bồ câu và người đổi bạc làm ăn tại đó, để đáp ứng nhu cầu cho người đến thờ phượng. Việc này là tội, vì đền thờ là nhà Chúa, nhà cầu nguyện, nên Chúa Jêsus đã gọi đền thờ tôn nghiêm đã bị biến thành nơi buôn bán này, là “ổ trộm cướp ” (Ma-thi-ơ 21:13).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy trở về với Kinh Thánh để thấy tổ phụ loài người, A-đam và Ê-va, phạm tội cách nào.

Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài ban cho loài người sự tự do lựa chọn. Ngài sắm sẵn một vườn đầy hoa thơm quả ngọt cho A-đam và Ê-va sinh sống. Ngài phán dặn : “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng-thế-ký 2:16-17). Trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời được kể là tội và tác hại của tội lỗi là “chết”.

Lời Kinh Thánh ghi lại, làm thế nào Sa-tan cám dỗ tổ phụ loài người phạm tội, ăn trái cây Đức Chúa Trời cấm. Để dụ dỗ A-đam và Ê-va phạm tội, trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời, Sa-tan đưa ra “lợi” trước mắt. Nó nói : “Hai ngươi chẳng chết đâu (tội lỗi không tác hại nhãn tiền); nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng-thế-ký 3:4-5). Có hai cái lợi trước mắt mà chẳng tốn công sức là “sẽ như Đức Chúa Trời” - Tạo vật mà bằng Đấng Tạo Hóa thì thật là dịp may hiếm có, và “biết” nhiều hơn mà không cần học hỏi “biết điều thiện và điều ác”. Hơn thế nữa “biết điều thiện” không biết có gì hấp dẫn không, nhưng “biết điều ác” thì chắc là hấp dẫn hơn.

Hai cái lợi hấp dẫn này khiến cho A-đam và Ê-va không còn nghĩ đến cái tác hại của tội lỗi là “chắc sẽ chết”. Mặc dầu lúc ấy A-đam và Ê-va không hiểu thế nào là “chết”, nhưng biết chắc “chết” là cái gì ghê gớm, khủng khiếp lắm phải gánh chịu nếu trái mạng lệnh Chúa - ăn trái cấm.

Trải qua các đời, chúng ta dễ phạm tội vì hưởng được cái lợi trước mắt, dầu là cái lợi nhất thời, còn cái hại có khi là lâu dài, là triền miên, nhưng thường “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.

Tội lỗi nơi loài người được quy định là điều trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Tác hại của tội lỗi bao giờ cũng khủng khiếp. Người ta linh cảm về sự khủng khiếp đó do tác hại tội lỗi gây ra, nên đã cố gắng tu cho bớt tội. Vì bớt tội chứ không phải hết tội thì làm sao vô hiệu hóa được tác hại của tội lỗi. Chung kết tác hại của tội lỗi là sự chết. Lời Kinh Thánh khẳng định “tiền công (giá phải trả) của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cho phép tôi tin rằng chúng ta những con cái Chúa đã và đang cậy ơn Chúa tránh xa tội lỗi, đi theo đường lối Chúa làm thành ý định của Ngài trên trần thế. Chúng ta biết chúng ta không thể vừa là con cái Chúa vừa là bạn của tội lỗi. Chúa Jêsus đã phán dạy môn đồ Ngài về việc phạm tội như sau : “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43). Cho phép tôi tin rằng chúng ta không là bạn với tội lỗi trên bước đường theo Chúa, và nếu chúng ta lỡ phạm tội thì chúng ta phải ăn năn theo nghĩa là đoạn tuyệt với chúng, để hưởng trọn vẹn được sự cứu rỗi của Chúa chúng ta.

Vài lời chú giải

Trước đây khoảng trên 3 năm, tôi vẫn tin rằng tất cả sự cứu rỗi nằm trong lời Chúa Jêsus phán :

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).

Có những con cái Chúa sống bê bối, liệu những người đó sẽ mất sự cứu rỗi không ? Trong con cái Chúa chúng ta, thường nghĩ không mất. Những người nghĩ không mất sự cứu rỗi, trong đó có người đang chia sẻ niềm tin với quý vị, dựa trên câu Kinh Thánh nêu trên và được xác quyết rằng người Cơ-đốc đã “trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12), cũng như được Chúa Jesus xác nhận : Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha.” (Giăng 10:28-29).

Khoảng đầu tháng 9 năm 2014, khi đọc các câu Kinh Thánh sau đây tôi cảm nhận có điều gì đó tôi phải học Kinh Thánh kỹ để tránh hiểu sai Lời Chúa, một điều hết sức tai hại:

Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.  Sự cuối cùng của họ là hư mất ( Bản Tiếng Anh là destruction có nghĩa là hủy hoại); họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18-19)

Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh,  nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã (bản tiếng Anh là fallen away có nghĩa là xa ngã), thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời.  Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt (bản tiếng Anh là being burned)” (Hê-bơ-rơ 6:4-8).

Tôi tin rằng hai cụm từ “Hư mất” và “phải bị đốt” trong hai phân đoạn Kinh Thánh trên đã cho thấy có thể là nếu :

-Ăn ở như là thù nghịch với thập tự gia của Đấng Christ, lấy bụng mình làm Chúa, lấy sự xấu hổ làm vinh hiển, và chỉ nghĩ đến các việc thế gian mà thôi, tôi cảm nhận được cách rõ ràng những người này không còn đức tin, hay có “đức tin chết”, nên không còn là Cơ-đốc nhân, nên họ bị “hư mất”, không được cứu rỗi.

- Những người đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã (xa ngã hoàn toàn) và chẳng ăn năn, thì tôi tin rằng người này lại đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa. Những vị này đã hoàn toàn vứt bỏ đức tin, hoặc mang đức tin trá hình, không còn nhận biết mình thật là người Cơ-đốc, nên không được cứu rỗi và cuối cùng bị đốt.

Quý anh chị nghĩ sao, xin quý anh chị chia sẻ niềm tin của mình với mọi người. Cám ơn quý anh chi.

Giới thiệu thơ của thi sĩ Tường Lưu, một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Tính tới tính lui thất bại hoài        Cả đời chẳng có một lần may

Số mình là số long đong thật        Tay trắng bao giờ cũng trắng tay.

Trắng tay nên càng tính đường xoay Nợ đời phải trả chẳng hề vay

Dầu có bề gì mình vẫn vậy           Vẫn là một gã trắng hai tay.

Hai tay trắng hết thế mà hay        Có lỡ thua ư! Một ván bài

Thất bại keo này bày keo khác     Dẫu cho thua cả cuộc đời này.

Chung cuộc như nhau..                 Người được người thua cũng trắng tay

chiếc quan tài

Đi…nhớ đem theo tờ ấn chứng*  Rằng ta không thuộc thế gian này.

* Ê-phê-sô 1:13