Con người là sinh vật sống có xã hội, luân lý là những quy luật cho con người trong xã hội sống hài hòa cùng nhau, bởi đó có Luân lý. Định nghĩa về Luân lý đơn giản như sau : Luân lý là một thực chế sinh hoạt theo tâm lý quần chúng trong xã hội. Nó là cái ý thức kết hợp tâm lý quần chúng, mà một ý thức cá nhân chúng ta đều có dự phần. Vì cớ đó mà luân lý thay đổi theo thời đại, theo ý thức đa số quần chúng.
Người không biết sống theo luân lý bị coi là kẻ “vô luân”.
Con người do suy tư mà nẩy ra rất nhiều thắc mắc về đời sống. Bởi thắc mắc này mà sinh ra Triết lý. Người ta đã cố gắng định nghĩa Triết lý, nhưng khó quá. Có người cho Triết lý là môn học để biết cách sống sao cho đáng sống.
Nhờ suy tư, nhờ Triết lý mà nẩy sinh “chân lý”. “Chân lý” là cái gì mà bao nhà hiền triết, nhà đạo đức đã và đang cố gắng tìm cho bằng được. Có người đã tìm ra cái hiệu năng của “chân lý” mà cứ là nguồn cội “chân lý”. Có người đã tìm ra được cái hữu lý lại cứ đinh ninh là “chân lý”.
Vùng trời Á có biết bao vị đi tìm “chân lý”, song chúng ta phần nhiều chỉ biết hai vị danh tiếng nhất là Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng Phu Tử.
Đức Phật Thích Ca đã tìm ra Tứ Diệu Đế gồm có : Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế mà Ngài cho là “chân lý”.
1. Khổ Đế - Đời sống con người người: Sinh, lão, bệnh, tử là khổ. Mọi sự không như ý là khổ; ước vọng không thành là khổ. Và hàng trăm thứ khổ khác tạo thành “bể khổ” mà con người đang ngụp lặn trong đó. Đức Phật đã than: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.
2. Tập đế - Tập là kết hợp - là nguồn gốc của khổ - là ái dục trong con người. Ái dục cho ta ham sống, sợ chết nên cứ luẩn quẩn “sinh tử luân hồi”. Tập đế gồm thập nhị nhân duyên:
1/Vô minh (mê muội) 2/Hành (làm) 3/Thức (biết)
4/Danh sắc (tên và hình của mọi vật)
5/Lục xứ Lục nhập (sáu giác quan tiếp xúc với ngoại vật là tai, mắt,mũi,
lưỡi, thân và ý)
6/Xúc (tiếp xúc âm thanh, hình sắc ngoại vật) 8/Ái (yêu)
7/Thụ (chịu ảnh hưởng ngoại vật) 9/Thủ (nắm giữ)
10/Hữu (có) 11/Sinh (sinh ra) 12/Lão tử (già-chết)
Mười hai nhân duyên này trói buộc chúng sinh vào biển khổ.
3. Diệt đế - là dứt bỏ, là đoạn tuyệt. Phải diệt cái Ái dục.
4. Đạo đế - là con đường phải theo gồm có Bát Chánh Đạo.
1/ Chánh kiến (nhận định đúng) 2/ Chánh tư duy (suy nghĩ đúng)
3/ Chánh ngôn ngữ (lời nói đúng) 4/ Chánh nghiệp (làm đúng)
5/ Chánh mệnh (làm đúng) 6/ Chánh tinh tấn (cố gắng đúng)
7/ Chánh niệm (ý niệm đúng) 8/ Chánh định (Thiền định đúng)
Nhưng Đức Phật không cho biết thế nào là “đúng”. Nên Ngài phán : “mỗi người nên tự mình thắp đuốc mà đi”.
Bất cứ ai theo được Bát Chánh Đạo, qua được Tứ Diệu Đế sẽ nhập Niết Bàn, là chấm dứt nghiệp báo luân hồi, thoát khỏi vòng sinh tử, chẳng còn sinh tử, chẳng còn : Tham, sân, si trong cõi đời này.
Đức Khổng Phu Tử lại cho học hỏi, suy tư là “chân lý”. Học để rút kinh nghiệm của tiền nhân. Suy tư để tìm ra đường lối mới. Trước kia Đức Khổng Phu Tử chỉ lo suy tư. Sau Ngài nói : “Trước đây ta mảng trầm tư mặc tưởng mà trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ. Xét ra sự ấy không mấy ích cho ta bằng học” (Sách Luận Ngữ). Đức Phật A Di Đà cũng vậy, trong khi đi tìm “chân lý”, Ngài cũng đã lầm khi dùng phương pháp “khổ hạnh”. Ngài đã bỏ đường lối “khổ hạnh” mà trở lại với lẽ thông thường, xuống sông tắm gội cho thân thể sạch sẽ nhẹ nhàng, uống bát sữa hòa mật ong của nàng Sujata bố thí. Ngài đến gốc cây bồ đề ngồi suy tư thiền định mà đạt được Tối Chính Giác : “Chân lý” cao cả “Tối thượng”, “Chính đáng” và “Giác ngộ” giải thoát thống khổ.
Những điều Đức Khổng Phu Tử tìm ra được và Ngài cho là “chân lý” :
1/ Biết rằng trong thâm tâm mình có Trời là căn cơ.
2/ Biết rằng con người sinh ra là cốt để thực hiện một định mệnh sáng cả, là sống một cuộc đời toàn thiện, thuận theo Thiên Lý, sống phối hợp với Trời.
3/ Chủ trương con người phải làm bừng sáng ngọn lửa thiện chân, vốn đã tiềm ẩn, đã âm ỉ nơi đáy lòng. Phải tiến mãi trên đường tu đức, tu đạo cho đến chỗ chí thánh, chí thiện (Sách Đại Học).
“Chân lý” của Đức Phật lập căn cơ vào người.
“Chân lý” của Đức Khổng Phu Tử lập căn cơ vào Trời.
Vậy “chân lý” là gì ? Có phải là điều người ta suy tư và tin tưởng ?
“Chân lý” không phải là cái lẽ phải theo luân lý. “Chân lý” không phải là cái hữu lý đã được chứng minh. Ngay cả những định lý bất di, bất dịch trong vũ trụ cũng không phải là “chân lý”. Làm sao chúng ta có thể coi cái đèn điện, cái quạt điện, cái nút điện, sợi dây điện, là điện được. Khi điện truyền vào, nó mới được kích hoạt, nó hoạt động bởi điện, nhưng chắc chắn nó không phải là điện.
Chúng ta tìm được những định luật bất di, bất dịch trong vũ trụ là vũ trụ có chứa đựng “chân lý”. Chúng ta có lẽ phải, có cái hữu lý là chúng ta đã được “chân lý” chi phối. Như vậy, “chân lý” không phải là một sự kiện, mà là một bản thể, không phải là một ý niệm, mà là một Đấng.
Đấng mà ngay câu đầu trong Kinh Thánh đã ghi : “Ban đầu Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 1:1), là Đấng tự chứng rằng : “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:14), “Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga ... Là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng” (Khải-huyền 1:8, 17). Đức Chúa Trời là “Chân lý” dầu “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18).
Ba Ngôi Đức Chúa Trời là “Chân lý”: Ngôi Thứ Nhất Đứ Chúa Cha là “Chân lý”. Ngôi Hai Đức Chúa Trời “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (Chân lý)” (Giăng 1:14), là Chúa Cứu Thế Jêsus, là Đấng tự chứng rằng: “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống” (Giăng 14:6). Ngôi Ba Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh được Chúa Jêsus sai đến, Ngài phán: “Ta sẽ sai Ngài đến... Thần chân lý sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi chân lý” (Giăng 16:7, 13).
Ba Ngôi Đức Chúa Trời là “chân lý”. Mọi ý niệm của Ngài là “chân lý”. Mọi lời nói của Ngài là “chân lý”. “Lời Cha là chân lý” (Giăng 17:17), “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Tội nghiệp, ngày nay nhiều người “bịt tai không nghe chân lý, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:4).
Sự cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời là “chân lý”.Nên “Đạo Chân Lý, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em” (Ê-phê-sô 1:13). Tội nghiệp! Biết bao người cố gắng quên “không chịu nghe đạo lành” (II Ti-mô-thê 4:3) là “Tin Lành Chân Lý” (Cô-lô-se 1:5) trong khi lại cố gắng lần mò tìm “chân lý”. Có một điểm lạ lùng về “chân lý” Tin Lành mà chúng ta không ngờ. Đó là chỉ cần biết đến “chân lý” và tin nhận “chân lý”. Rồi “chân lý” hành động, hành động trong chúng ta bởi chính năng lực của “chân lý” để đem chúng ta đến “chân lý”. Mọi kỳ diệu của “chân lý” gồm tóm trong lời này: “Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32).
Mục đích “chân lý” hành động trong chúng ta là để chúng ta đạt đến hai phương diện của “chân lý” : Sự thánh khiết trọn vẹn như “Đức Chúa Trời là Thánh” (I Cô-rinh-tô 3:17). Thánh khiết là “chân lý”, yêu thương là “chân lý”. Chúng ta há cần thêm “chân lý” nào nữa bổ sung để con người đủ điều kiện phối hiệp với Đấng Chân Lý là Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Thưa quý anh chị con cái Chúa,
Kể từ ngày trở lại thờ phượng Chúa với Hội Thánh Chúa Kingsgrove, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị cảm nhận được mỗi ngày là một ngày mới, học hỏi được một số “chân lý” trong Kinh Thánh, học lại và suy gẫm qua nội dung của các sách bồi linh và tờ Ánh Sáng từ một vị Mục Sư ở Hoa Kỳ mà tôi kính mến, sách bồi linh đã được mua với giá tượng trưng 10 dollars Mỹ một cuốn và tờ Ánh Sáng dưới dạng truyền đạo đơn không phải trả tiền. Tôi chỉ biết cảm tạ Ba Ngôi Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho tôi những ngày mới sống vui, sống khỏe trong “chân lý” của Ngài. Mỗi ngày mới là một ngày tôi sống trong bình an, vui thỏa (khỏe) trong tâm hồn, hạnh phúc với người vợ mà chúng tôi đã chung sống trên 51 năm, gặp anh chị em trong Chúa cảm nhận được tình yêu thương lẫn nhau, có được những nụ cười chân thật dành cho nhau. Mỗi ngày mới tôi đều Tôn Vinh Chúa, Cảm tạ Ngài, biết ơn Ngài tự đáy lòng. Và đó là những ngày mới sống vui, sống khỏe của tôi trong những ngày mới trên đất.