Cơ Đốc nhân chân chính thường là “người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ (II Ti-mô-thê 2:3) được Chúa trang bị một số khí giới như Lời Kinh Thánh ghi : “Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật (chân lý) làm dây nịt lưng (bao da dày bao quanh lưng của lính tây phương ngày xưa), mặc lấy giáp bằng sự công bình, dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép. Lại phải lấy thêm đức tin làm thuẫn, nhờ đó anh em có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ dữ. Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:14-17).

Bài này sẽ được luận về “Chân lý làm dây nịt lưng”. Người lính Chúa được trang bị “dây nịt lưng” đầu tiên, vì “Giây nịt lưng” rất cần cho sức mạnh. Người đời dùng việc thắt lưng để buộc bụng hầu có sức mạnh. “Giây nịt lưng” để “thắt lưng” - giữ cho xương sống lưng ngay. Xương sống sẽ thẳng, không cong xuống, không siêu vẹo, là mạnh. Thêm vào đó thắt lưng để buộc bụng có thể nén hơi trong bụng, tạo nên sức mạnh.

Buộc bụng” bày tỏ sức mạnh. Các võ sinh Nhu Đạo “giây nịt lưng” trắng. Võ nghệ cao là thay đổi mầu sắc “giây nịt lưng”, cao nhất là “giây nịt lưng” đen. “Giây nịt lưng” ngày nay thường làm bằng da, to bản, chắc chắn, đẹp. Càng đẹp, càng chắc chắn, càng đắt tiền.

Thời Vua Chúa Việt, các quan trong triều đình được vua trao “đai” bằng da, có nạm vàng, châu báu, để thắt nơi lưng.

Ngày nay “giây nịt lưng” vẫn còn được xử dụng cách thông thường với nhiều hình thức. Theo xã hội học, “giây nịt lưng” đầu tiên là luân lý. Con người là sinh vật xã hội, sống có nhau, sống với nhau, sống hợp quần, sống có gia đình, có đoàn thể, có xã hội, có quốc gia. Người người giao dịch với nhau, nương cậy nơi nhau, nên con người có ý thức được về bổn phận, về trách nhiệm. Đó là manh nha của luân lý và luân lý tiến triển theo văn minh. Luân lý trở thành khế ước bất thành văn. Nên người phạm vào việc “trái” với luân lý được coi là hạng “vô luân”.

Do suy tư mà con người có “giây nịt lưng” là triết lý. Ba điều thắc mắc lớn nhất mà con người thắc mắc về chính mình là : Tại sao ta có trên đời ? Ta có trên đời để làm gì ? Và khi ta chết ta đi về đâu ? Tìm giải đáp cho những thắc mắc này mà nảy sinh ra triết lý.

Nhưng triết lý là gì nhỉ ? Người ta đã cố gắng định nghĩa triết lý, nhưng khó quá. Có người cho biết triết lý là môn học để biết cách sống cho đáng sống. Có người lại cho triết lý là biết dùng tư tưởng để tìm hạnh phúc hay vượt thoát con người để thành “thần tiên”. Có người lại quả quyết triết lý là sự trỗi hơn mọi sự hiểu biết, là siêu cường, vừa thể hiện tư tưởng linh động, lại vừa suy tư về tư tưởng linh động ấy. Cuối cùng, do kinh nghiệm bản thân mà mỗi người nhận định được đâu là bản chất triết lý ở đời. Vậy nên, triết lý là đường dẫn con người về trọng tâm, nơi đây họ mới nhận thức được chính họ trong khi dấn thân vào cuộc đời.

Ngày nay Triết Học là môn học về nguyên lý tối hậu giải thích vũ trụ và định mện con người, hay những nguyên chân chính yếu về con người và vũ trụ.  Hai nhà triết học lừng danh là Socrates và Aristotle cho biết : Triết học mang mục đích giúp con người nhận định được chính con người. Vì vậy, triết học thường có sự mâu thuẫn giữa các triết gia.

Như vậy, mục đích của Triết Lý cũng rất mơ hồ vì không tìm ra được “mục đích” để đưa con người tới. Vì vậy mà con người nhận thấy sự “bất lực” của mình đối với vũ trụ và hoàn cảnh phức tạp trong cuộc sống. Thế là con người suy nghĩ đến một Đấng Thiêng Liêng cao cả và chi phối đời sống con người. Suy tư này mà phát Đạo Giáo, và bởi Đạo Giáo mà có Giáo Lý. Các nhà xã hội học nhận định rằng : Sự sáng tạo ra các vị Thần là những công việc tự nhiên, lâu đời, xâu xa, cao cả nhất của con người. Đó là sự tối cao của những kinh nghiệm sâu sắc, kết quả của nhiều tâm hồn hướng thượng kết tụ. Thật ra, theo Kinh Thánh sự kiện này không phát xuất tự tâm hồn, mà phát xuất từ Tâm Linh con người. Thờ phượng là nhu cầu Tâm Linh, Tâm Linh là chất “sinh khí” Đức Chúa Trời “” vào con người khi Ngài dựng nên : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:10).

Đạo dường là một sự chuyển hóa liên tục để thực sự tạo ra những điều kiện làm cho con người có chiều hướng vươn lên với lý tưởng vô cùng tốt đẹp, nhưng lại rất mơ hồ.

Trước Quản Tử, một nhà Đạo Giáo Học trong thời Xuân Thu, dân tộc Trung Hoa quan niệm về Đạo chỉ là công dụng thực tế, dầu Đạo bao quát rộng rãi cách rộng rãi cả tam tài : Thiên, Địa, Nhân, thì mục đích của Đạo là làm sao dung hòa được Thiên Đạo với Địa Đạo để Nhân Đạo được hoàn toàn phát triển. Thiên Hồng Phạm trong Kinh Thư chép : “Vô đảng, vô thiên, vương đạo đãng đãng; Vô phản, vô trắc, vương đạo chính trực” - Không bè đảng, không thiên lệch, cái đạo vương thật bằng phẳng; không tráo trở, không nghiêng ngửa, cái đạo vương thật ngay thẳng. Như vậy Đạo không ra khỏi nhân luân, nhật dụng của đời người.

Sau đó, con người đã tiến bộ hơn về Đạo. Một quan niệm thuần túy về Đạo được khai triển.  Bộ Đạo Đức Kinh mở đầu bằng câu : “Đạo khả Đạo, phi thường Đạo” - Đạo mà có thể nói ra được không phải là Đạo thường. Rồi cũng có câu : “Chi Đạo chi tinh, ảo ảo minh minh; chi Đạo chi cực, hôn hôn mặc mặc” - Cái tinh của chi Đạo ảo ảo minh minh; cái cùng cực của cho Đạo, mờ mờ mịt mịt. Thế là Đạo đã rời khỏi cõi nhân sinh, để bước vào khu vực ảo minh huyền bí.

Chân lý làm giây nịt lưng” rất thực tiễn. “Chân lý” không cần tìm mà được thể hiện qua Lời của Chúa Jêsus. Ngài đã tự giới thiệu về Ngài : “Ta là đường đi, lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6). Ngài là Ngôi Hai Đức Chúa Trời : “đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (chân lý)” (Giăng 1:14). Người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ có Ngài là “chân lý làm giây nịt lưng” (Ê-phê-sô 6:14).

Trong thời Cựu Ước, Vua Đa-vít có sức lực : “Vì Chúa đã thắt lưng tôi bằng sức lực để chiến đấu” (Thi-thiên 18:39). Thời Tân Ước, mỗi Cơ Đốc nhân chân chính là một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ có Chúa Jêsus là “chân lý”, là “được có sức mạnh mọi bề” (Cô-lô-se 1:11).

Chân lý” rất quan trọng đối với người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ. Đức Thánh Linh là “Đấng Yên Ủi”, là “Thần lẽ thật … Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật (chân lý)” (Giăng 16:7,13). Chúa Jêsus phán : “Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (Giăng 16:14), là “mọi lẽ thật (chân lý)”.

Chúa Jêsus là “chân lý”; “Đạo chân thật (Đạo Chân Lý), là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em” (Ê-phê-sô 1:13).

Tội nghiệp, ngày nay biết bao người vẫn “bịt tai không nghe lẽ thật (chân lý), mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:4), “ham nghe những lời êm tai, theo tư dục” (II Ti-mô-thê 4:3). Bởi nhu cầu này mà một số mục đã giảng dạy “chuyện huyễn”, là “Giảng … một Jêsus khác … một Tin Lành khác” (II Cô-rinh-tô 11:4) không đúng với “chân lý” như Kinh Thánh dạy.

Đây là tình trạng Hội Thánh trong thời kỳ sau rốt đã được Kinh Thánh nói đến, là tình trạng Hội Thánh Lao-đi-xê, tự hào “Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa” (Khải-huyền 3:17) vì Hội Thánh phát triển nhân số, tài chính, Hội Thánh đã loại bỏ “chân lý”, quên Chúa Jêsus. Song Ngài không bao giờ “từ bỏ” Hội Thánh. Ngài phán “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt” (Khải-huyền 3:19).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúa đang dùng những mục sư có “chân lý làm dây nịt lưng” “dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình (công chính)” (II Ti-mô-thê 3:16) mong cho con cái Chúa chúng ta “biết lẽ thật (chân lý) và lẽ thật (chân lý) sẽ buông tha” (Giăng 8:32) chúng ta. “Chân lý” còn có năng lực “buông tha” người lính giỏi của Chúa khỏi “những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” mà còn đối “với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:31-32). Sức mạnh của “chân lý” còn đưa chúng ta vào sự “nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 1:4), vì “Ngài là Thánh” (Ê-sai 57:15), vào “yêu thương” vì “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:5). Sức mạnh của “chân lý” chính là “dây nịt lưng” cho “người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ” (II Ti-mô-thê 2:3).