Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta thường nghĩ tới nhau và trao “quà tặng” cho nhau. Trong ngày Giáng Sinh, con cái Chúa chúng ta cũng thường nghĩ tới Chúa Jêsus, và dâng “lễ vật” lên Chúa, chứ không gọi là trao “quà tặng”.
Chúa Jêsus không nhận được “lễ vật” nào trong đêm Ngài sinh ra. “Lễ vật” Ngài nhận được khi Ngài được hai tuổi do các nhà thông thái từ các nước đến dâng lên Ngài.
Kinh Thánh không cho biết có bao nhiêu nhà thông thái ở Đông Phương theo “ngôi sao Ngài” đi tìm Đấng Cứu Thế Jêsus. Kinh Thánh chỉ ghi như sau : “Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ (thông thái) ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài” (Ma-thi-ơ 2:1-2). “Thầy thông thái” theo nguyên văn tiếng Hy Lạp là “Magoi” có thể dịch là thuật sĩ (magician), pháp sư (sorcerer) hay người thông thái (wise man), là người có sự khôn ngoan giải nghĩa các vì sao hay giải mộng - chiêm tinh gia (astrologer).
“Mấy thầy thông thái” này ở Đông Phương, dân ngoại, không thuộc tuyển dân của Đức Chúa Trời. Song “mấy thầy thông thái” này đã nghiên cứu Kinh Thánh, biết lời tiên tri Ba-la-am nói về một vua thuộc tuyển dân của Đức Chúa Trời ra đời và được báo hiệu bằng một ngôi sao. “Tôi thấy Người, nhưng chẳng phải bây giờ; Tôi xem Người, nhưng chẳng phải ở gần; Một ngôi sao hiện ra từ Gia-cốp, Một cây phủ việt trồi lên từ Y-sơ-ra-ên; Người sẽ đâm lủng Mô-áp từ đầu nầy tới đầu kia, Hủy diệt dân hay dấy giặc nầy”(Dân số ký 24:17). Các “thầy thông thái” có lòng tìm Đấng Cứu Thế nên Đức Chúa Trời đã cho họ nhận biết “ngôi sao Ngài”, dấu hiệu Đấng Cứu Thế được sinh ra. Ai có lòng tìm kiếm Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Trời biết, Ngài phán : “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng” (Giê-rê-mi 29:13).
Trong trần thế, người được kể là khôn ngoan, là người biết tìm những chân giá trị ở đời này. Ngặt một nỗi, chân giá trị không được chỉ định minh bạch. Đối với người này tiền bạc là chân giá trị, nên ngửi thấy hơi “đồng” (đô la) là mê, coi đó là cái đem đến hạnh phúc cho mình, là chân giá trị ở đời này. Đối với người khác, quyền bính, danh vọng mới là chân giá trị, nên dám bỏ tiền để có chức phận, có chút quyền. Cũng lại có người coi đạo đức là chân giá trị, nên vui sống trong “an bần lạc đạo”. v.v. Nhưng tất cả chỉ là chân giá trị trong cuộc sống đời này mà thôi. Nhắm mắt xuôi tay là .. hết.
Những “thầy thông thái” này không coi học thức họ có là chân giá trị, không coi quyền cao chức trọng là chân giá trị, và chắc chắn không coi vật chất, tiền của, châu báu trên đời này là chân giá trị. Khi nhận biết “ngôi sao Ngài” thì họ bằng lòng bỏ tất cả mọi sự để đi tìm Đấng Cứu Thế. Tất nhiên họ không tìm Đấng Cứu Thế để trau dồi thêm kiến thức. Tất nhiên họ không tìm Đấng Cứu Thế để làm bực thang leo lên đài danh vọng. Tất nhiên họ không tìm Đấng Cứu Thế để theo một đạo mới. Họ tìm Đấng Cứu Thế chỉ có một mục đích duy nhất là “thờ lạy Ngài”.
Sự “thông thái” đã giúp họ hiểu biết đời này chỉ là tạm. Sự “thông thái” đã giúp họ nhận biết tri thức của họ có thể vượt qua những trở ngại trong tâm hồn, nhưng về tội lỗi sâu kín trong tâm linh thì họ vô phương giải quyết. Sự “thông thái” giúp họ biết qua cánh cửa sự chết, nếu không có Đấng Cứu Thế thì linh hồn họ sẽ đi về đâu ? Sự “thông thái” cho họ biết chân giá trị thực hữu đời đời là Đấng Cứu Thế trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời. Thế là sự “thông thái” của họ đưa họ đến một quyết định : Phải tìm cho bằng được Đấng Cứu Thế để “thờ lạy Ngài”.
“Thờ lạy Ngài” là suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế của mình, là tin nhận chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời.
Ngày nay, nhân loại có phước hơn các “thầy thông thái”. Chúng ta không cần tìm Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế là “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). Đấng Cứu Thế Jêsus đã làm xong chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân là người đã tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Trước khi Chúa Jêsus về trời, Ngài phán với mọi người thuộc về Ngài rằng : “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt” (Mác 16:15-16).
Thưa quý độc giả chưa phải là Cơ Đốc nhân,
Nếu quý vị đang đọc những bài chia sẻ niềm tin ở trang Niềm Tin này, là chúng tôi đang nói về Tin Lành hay “giảng Tin Lành” hướng về quý vị. Mong quý vị cũng giống như những “thầy thông thái” tin nhận Đấng Cứu Thế Jêsus để được cứu rỗi trong những ngày tới, để quý vị sẽ cảm nhận được ý nghĩa của Mùa Giáng Sinh.
Các “thầy thông thái” đã tìm gặp Đấng Cứu Thế Jêsus. Sau khi “thờ lạy Ngài”, các “thầy thông thái” lấy báu vật “dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược” (Ma-thi-ơ 2:11).
Các “thầy thông thái” đã đem những báu vật của sứ mình để “dâng cho Ngài”. Nhờ sự soi dẫn của Thần Linh Chúa, họ đã “dâng cho Ngài” chẳng những là báu vật mà còn là những “lễ vật” bày tỏ thánh ý của Đức Chúa Trời trên Đấng Cứu Thế Jêsus. Các “thầy thông thái” dâng cho Ngài : “Vàng, nhũ hương, và một dược”.
“Vàng” (gold) biểu tượng Ngài là vua. Ngài là “Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa” (Khải-huyền 19:16).
“Nhũ hương” (frankincense) biểu tượng Ngài là Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước, người ta dâng hương trong nghi thức thờ phương Đức Chúa Trời.
“Một dược” (myrrh) một loại dược phẩm có hương thơm nhẹ nhàng dùng tẩm liệm người chết. “Một dược” hòa với rượu uống thì giảm được con đau : “Họ cho Ngài uống rượu hòa với một dược; song Ngài không uống” (Mác 15:23). “Một dược” biểu tượng cho sự chết của Chúa Jêsus.
“Lễ vật” ngày nay Cơ Đốc nhân dâng lên Chúa không đợi đến lễ Giáng Sinh, nhưng hàng ngày, và dâng lên Ngài ba “lễ vật” :
Trước hết “Anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12:1). “Thân thể mình làm của lễ sống và thánh” là sống trong “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).
Thứ hai là “dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15), là nói về Đấng Cứu Thế cho mọi người, hầu cho nhiều người biết đến, mà nhận được sự cứu rỗi.
Thứ ba là “Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16), là việc lành trong trái Thánh Linh “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22), lòng sẵn sàng “bố thí”, “trung tín” trong việc “dâng hiến” tiền bạc, tài vật mình có, để lo truyền giảng Tin Lành.
Thưa quý anh chị con cái Chúa,
Trong các mùa Giáng Sinh sẽ tới, người đời chắc chắn cũng sẽ mua “quà Giáng Sinh” như tập tục. Còn chúng ta, những con cái Chúa cũng sẽ không quên thực thi ba điều : 1. “Dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ” (Rô-ma 12:1). 2. “Dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra” (Hê-bơ-rơ 13:15). 3. “Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16).