TỪ TÍN ĐỒ ĐẾN MÔN ĐỒ
Gióp 42:1-6
Gióp thưa với Đức Chúa Trời rằng: Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. Kẻ nầy là ai, không hiểu biết gì, lại dám che ám ý chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, Tức các sự lạ lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông biết. Hỡi Chúa, xin hãy nghe, tôi sẽ nói; Tôi sẽ hỏi Chúa, Chúa sẽ chỉ dạy cho tôi. Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.
Dưỡng linh:
Nếu có một gương mẫu đáng cho chúng ta noi theo trong đời sống tin kính, đó chính là Gióp. Gióp được kể là người công bình và có một nếp sống kỷ luật thuộc linh không chỉ đối với chính mình mà cho cả gia đình. Gióp giàu có về của cải, con cái ngoan ngoãn, gia đình gương mẫu; và hơn hết Gióp có lòng tin kính Chúa. Gióp là người kinh nghiệm sự ban phước của Đức Chúa Trời về phương diện thuộc thể. Nếu cuộc đời của Gióp và gia đình ông cứ tiếp tục như thế cho đến chết thì không gì đáng phải nói, và thiết tưởng rằng Kinh Thánh cũng chẳng có gì để ghi lại. Tại thời điểm này, Gióp chỉ mới là người tin Chúa nhưng chưa phải là môn đồ của Ngài. Đức Chúa Trời cần dẫn ông qua một kinh nghiệm để nhận thức về chính mình và nhận biết về Đức Chúa Trời vượt trội hơn sự suy nghĩ tầm thường của ông, để ông trở thành bài học dạy dỗ cho chúng ta. Bởi sự thử nghiệm này, con người của Gióp được phơi bày trần trụi qua những lần ra sức tự bênh vực chính mình khi bị các bạn buộc tội cách thiếu hiểu biết. Thậm chí có lúc ông nghi ngờ Đức Chúa Trời vì chẳng hiểu nỗi ý tưởng và chương trình của Ngài. Đồng thời, chúng ta thấy con người và đức tin của bà Gióp cũng bị phơi bày tận gốc rễ. Đến cuối cùng, Gióp phải thú thật rằng ông là ai mà hiểu được ý tưởng và công việc của Ngài? Ông phải cúi xuống để xin Chúa chỉ dạy ông đường lối của Ngài. Rồi Gióp thốt lên một câu bộc lộ tất cả tiến trình thuộc linh của chính mình: "Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi." Để đạt đến sự thông biết này, Gióp phải trả một giá rất đắt: mất tất cả của cải và những người thân yêu, trầm mình trong đống tro tàn của bịnh tật, bị quăng vào trong ngục tù của cảnh cô đơn và chỉ trích từ sự thiếu hiểu biết của bạn bè, trở thành trò cười của thiên hạ. Ông dường như cảm thấy Đức Chúa Trời quá tàn nhẫn đã ngoảnh mặt khỏi cuộc đời đầy khổ đau của mình chăng? Nhưng cuối con đường hầm của sự thử nghiệm nghiệt ngã này, Đức Chúa Trời đã một lần nữa xuất hiện và ban lại cho Gióp gấp đôi những gì ông có trước đây về phần vật chất. Nhưng điều quan trọng hơn hết là Ngài ban cho Gióp sự hiểu biết mới mẻ về chính ông và chính Ngài. Đức Chúa Trời dùng biến cố này để đưa Gióp từ một người tin Chúa đến chỗ làm môn đồ thật của Ngài: (a) vác thập tự giá mình theo Chúa; (b) từ bỏ mọi sự mình có thể theo Chúa; và (c) yêu Chúa hơn tất cả mọi người thân yêu.
Có hai loại đức tin: (a) đức tin dựa trên sự chúc phước của Đức Chúa Trời về phương diện vật chất; và (b) đức tin xuất phát từ kinh nghiệm sống thật sự với Đức Chúa Trời qua những khổ đau, mất mát, và thăng trầm của cuộc đời đầy nghiệt ngã. Hay nói cách khác, có hai sự nhận thức về Đức Chúa Trời: (a) nghe về Chúa; và (b) kinh nghiệm Chúa. Hay nói cách khác, biết về Chúa (knowing about God) và biết Chúa (knowing God) là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Nghe về Chúa là sự hiểu biết trên bề mặt của niềm tin, nhưng thấy và kinh nghiệm Chúa là sự hiểu biết bề sâu của niềm tin. Sự hiểu biết về Chúa trên bề mặt chạm đến những gì chúng ta sở hữu và chỉ mang lại niếm vui và hạnh phúc tạm bợ. Sự hiểu biết về Chúa ở chiều sâu chạm đến con người bề trong của chúng ta và mang lại hạnh phúc miên viễn. Có người tin Chúa và rồi chết ngã trong đồng vắng như dân Y-sơ-ra-ên. Họ chỉ kinh nghiệm Chúa là Đấng chúc phước cho mình về vật chất và sự ấm êm của gia đình. Chưa một lần nào họ đi với Chúa Jesus vào trong vườn Ghết-sê-ma-nê và lên đồi Gô-gô-tha để kinh nghiệm sự chết của bản ngã, cái tôi, con người cũ; chưa một lần nào họ nhận biết mình là tội nhân cách sâu xa và cần đến ân sủng và lòng thương xót lớn lao của Ngài; và cũng chưa bao giờ họ đồng tình với sứ đồ Phao-lô để thốt lên rằng: "Trong những kẻ có tội, ta là đầu!" (I Ti-mô-thê 2:15). Nhưng ý định của Đức Chúa Trời không muốn chúng ta tiếp tục làm con trẻ nữa mà nên bậc thành nhân ở trong Ngài. Ngài muốn chúng ta đạt đến chỗ "tôi sống không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi" (Ga-la-ti 2:20). Đây gọi là sự thăng tiến thuộc linh. Đi từ sự hiểu biết về Chúa trên bề mặt đến sự hiểu biết về Chúa ở bề sâu. Sự hiểu biết về Chúa bề mặt mang đến sự thay đổi điều kiện hay hoàn cảnh vật chất của cuộc sống. Sự hiểu biết về Chúa ở bề sâu mang đến sự thay đổi chính con người bề trong của chúng ta để trở nên ngày càng giống Chúa Cứu Thế Jesus. Tuy nhiên, không có sự thăng tiến thuộc linh nào mà không phải trả giá bằng nước mắt, sự cô đơn, đau khổ về thể xác lẫn tinh thần. Đó là nguyên tắc của thiên đàng và hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc của trần gian. Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay cần những con người có sự hiểu biết Chúa ở mức độ chiều sâu như Gióp là dường nào! Môn đồ thật của Chúa Jesus là người kinh nghiệm Chúa bề sâu trong tâm linh và con người được biến đổi. Dấu hiệu của môn đồ thật của Ngài: (a) vác thập tự giá mình theo Chúa; (b) từ bỏ mọi sự mình có để theo Chúa; và (c) yêu Chúa hơn tất cả mọi người thân yêu (Lu-ca 14:25-33).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, con không dám cầu xin hay chọn lựa để trải qua sự thử nghiệm như Gióp ngày xưa. Nhưng nếu đó là ý muốn của Ngài trên đời sống của con, xin ban ân sủng và đức tin mạnh mẽ để con có thể đạt đến sự hiểu biết Chúa ở mức độ sâu xa, ngày càng trở nên giống như Chúa Jesus, và qua con nhiều người được biết Ngài. Amen!
Posted by Trần Trọng Nha