LUÔN LUÔN SÁNG        

 

Cậu dựa lưng vào vách đá đang khi lắng nghe bao tiếng chim hót trên cành. Bầu không khí quanh cậu khá lạnh và cảm xúc từ nơi chân đang đạp trên cát, đá, giúp cậu biết mình đang ở nơi nào. Những người chung quanh đều thương mến cậu vì cậu mù từ lúc mới sinh ra. Ngoài tình thương ấy, cậu còn nhiều lợi điểm khác mà người ta không biết. Cậu biết lắng nghe tiếng động của mọi vật bên mình, tiếng chim hót, tiếng gió thổi theo chiều nào, tiếng ngọn cỏ đùa theo làn gió, tiếng cánh chim bồ câu bay xà trên mặt nước đang khi tìm cách uống nước. Cậu biết so sánh mặt phẳng của nhiều bờ đá, biết sức nóng của đá để đoán được khí hậu trong ngày. Cậu thưởng thức được những mùi hương, mùi hoa đồng cỏ nội, mà những người sáng mắt không quan tâm đến.

Năm nay vào tuổi thiếu niên, cả đời cậu chăn dê cho cha mẹ. Hai trăm con dê không phải là số ít. Cậu biết từng con dê trong bầy qua tiếng móng của từng con khi bước trên bờ đá, qua cảm nhận từng cái sừng khác nhau và qua mùi của từng con dê một. Con dê đầu đàn là một con dê trắng- người ta nói với cậu chứ cậu nào biết màu trắng là màu gì - nhưng cậu cảm nhận được nó qua chiều cao, độ dài của bộ lông, mùi đặc biệt và những khía nho nhỏ trên sừng. Chăn dê đối với cậu thật rất dễ. Khi cậu gọi, cả đàn chạy theo. Khi cậu thổi tiêu, tất cả chúng nó đều theo sau lưng. Người chăn và đàn dê cùng nhau đi trên vùng núi này, đôi khi qua những thung lũng, những suối nước nho nhỏ, những cánh đồng xanh cỏ nơi dê được những buổi no nê. Bàn chân cậu quen với mọi lối đi của vùng rừng núi này. Cuộc đời của một thiếu niên mù trong một mái gia đình hạnh phúc giữa chốn núi đồi quen thuộc.

Rồi cậu nghe nói đến chiến tranh. Người Anh đến xâm chiếm quê hương cậu. Dù không muốn nghe nhưng hàng ngày, ban đêm trước giờ ngủ, cả gia đình đều bàn đến chiến tranh. Chiến tranh có nghĩa là chết chóc, có nghĩa là giết nhau, có nghĩa là hận thù, có nghĩa là đau thương, có nghĩa là không đúng. Và ngày chiến tranh ảnh hưởng đến gia đình cậu đã đến. Ngày ấy, sau khi dẫn đàn dê đi vài ngày, cậu trở về ngay lúc cha và anh cả thắng ngựa, yên cương đầy đủ, súng đạn đầy đủ, lên đường gia nhập quân đội để bảo vệ quê hương. Cậu đứng chết lặng người trong tiếng từ giã của cha và anh, bầu không khí im lặng và sự trống rỗng của căn nhà làm cậu muốn nghẹt thở. Bây giờ, việc cậu phải làm là tiếp tục chăn dê trong khi chờ ngày họ trở về, tiếng vó ngựa của hai người cậu sẽ không quên cho đến khi cậu được nghe lại âm thanh ấy.

Cậu đến gần bên mẹ: “Bây giờ mình làm gì đây mẹ?” Câu trả lời của mẹ thật ngắn gọn: “Mình về quê ngoại con ơi.”

Cậu chới với, biết rằng mình sẽ phải lạc vào một thế giới khác, một vùng đất không quen thuộc, những cánh đồng không quen thuộc, những khe nước không quen thuộc. Buổi sáng hôm sau, xe ngựa đã sẵn sàng và hai mẹ con cùng bước lên xe. Cậu mang trên vai khẩu súng của anh để lại, và cảm nhận được sự kinh ngạc của mẹ khi nhìn thấy khẩu súng. Thằng bé mù này mang theo súng để làm gì? Nó định bắn ai? Nó thấy gì mà bắn? Cậu biết mình nợ mẹ một lời giải thích: “Mẹ à, cây súng này của anh con, anh có thể cần mà con cũng có thể cần. Những người bên ngoài gia đình mình đâu biết con mù, họ chỉ thấy đôi mắt to màu xanh của con thôi. Nếu có chuyện gì xảy ra, mẹ cứ đứng cạnh con với khẩu súng trong tay con, ai mà biết.”

Khi hai mẹ con đến nông trại của ông ngoại thì ông đã đi rồi, ông đã gia nhập đoàn quân kháng chiến để chống kẻ xâm lăng. Cậu bắt đầu cuộc đời chăn dê tại một vùng đất mới, trong khoảng thời gian đầu, phải hoàn toàn theo sự hướng dẫn của người chăn dê bản xứ của ông ngoại. Mỗi chiều, khi cậu thổi tiêu để gọi dê về, chỉ có dê của cậu nghe theo, hàng trăm dê khác chẳng buồn chú ý. Hai mẹ con đêm ngày trông ngóng tin cha, anh Hai và ông ngoại, nhưng họ hoàn toàn bặt tin, chẳng biết họ sống chết thế nào. Dần dần, cậu quen với vùng đất nông trại của ngoại, quen với đồng cỏ, khe nước và những con đường ngoằng ngoèo theo ven núi, rất hiểm trở, rất khó đi.

Một lần kia, một nhóm kháng chiến quân trở về. Cậu nhận biết họ là kháng chiến quân nhờ tiếng vó ngựa, mùi hôi của họ và của ngựa, của những con người và con vật quá mệt mỏi với chiến trận. Cậu mau mau hỏi:

-       Các anh có thấy ba tôi hay anh tôi không?

-       Ba của chú và anh chú là ai?

Sau khi cậu kể tên gia đình, họ cho cậu biết rằng hai vị này đang theo nhóm quân của vị chỉ huy đứng đầu đoàn kháng chiến và họ bảo rằng sẽ cho ba và anh cậu biết cậu và mẹ đang sống bình an nơi đất ngoại. Rồi toán quân ra đi. Cậu hướng mắt về họ, cảm nhận được tiếng vó ngựa của những người và vật đang theo đuổi một lý tưởng đẹp tuyệt vời, bằng lòng hy sinh đến cả tính mạng cho lý tưởng cao đẹp ấy. Rồi cậu chạnh lòng khi nghĩ đến mình, một thiếu niên 14 tuổi vô dụng, ngoài chăn dê sẽ làm được trò gì.

Lại tiếng vó ngựa của một toán quân khác, đông hơn, mạnh bạo hơn, đầy sức sống, đầy uy lực, không mệt mỏi như toán quân vừa rồi. Hai toán quân này chỉ cách nhau khoảng 5 hoặc 10 phút. Cậu biết ngay đây là toán quân người Anh đang đuổi theo toán quân vừa chạy thoát. Họ tiến đến thật gần cậu, gần đến độ mũi ngựa chạm vào người cậu và cậu cảm nhận được bụi bốc ngập trời, ngập cả người cậu đến độ khó thở. Một người tiến đến thật gần cậu, hơi thở người ấy phà vào mặt cậu:

-       Ê, mầy có thấy nhóm người nào mới qua đây không?

Cậu trả  lời đúng sự thật: “Dạ, con không thấy nhóm người nào cả. Con ở đây suốt cả ngày mà không thấy ai cả.”

Rồi cậu nghe tiếng họ nói với nhau “Thằng bé này không biết gì đâu. Chắc chắn tụi kia chạy trốn theo đường này và chạy về hướng đồi cao rồi. Chúng ta phải mau mau lên, chúng nó không chạy xa được đâu, chúng nó quá mệt mỏi rồi.”

Toán quân Anh vừa lướt qua, cậu ngồi ngay xuống đất, run rẩy cả người. Toán quân này cả người và ngựa đều mạnh, sung sức. Cậu âm thầm đếm được ít nhất phải lả tiếng của 30 con ngựa, ngoài ra họ mang theo gì, chở gì, cậu không biết. Toán kháng chiến đã tàn hơi. Việc gì đến phải đến. Từ xa, tiếng súng bắt đầu nổ, ban đầu là những phát súng rời rạc, chắc chắn phải từ nhóm kháng chiến, rồi đến những tràng đạn tiểu liên của quân Anh. Cậu nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Cậu khóc cho ai, cho chiến tranh, cho quê hương, cho đoàn quân kháng chiến? Tiếng súng nghe xa dần dần, kẻ chạy người đuổi, họ cùng nhau xa dần nơi cậu đang có mặt.

Lê bước trở về nhà, cậu nghe tiếng mẹ hỏi: “Con có thấy đám quân Anh không?” và câu trả lời trong nước mắt âm thầm của cậu “Có, con có thấy.” Đêm hôm ấy, cậu nằm nhưng không ngủ được. Ông ngoại, cha và anh đang ở chiến trường, cậu - một thiếu niên 14 tuổi - nằm đây, không làm gì được cả. Cậu nhớ mình đã nghẹn ngào hỏi mẹ “Con giúp gì cho họ bây giờ?” Mẹ đọc được và hiểu được nỗi nghẹn ngào của con trai mình nên đã trả lời: “Con ơi, không phải lỗi của con.” Nằm trong bóng tối nhưng dĩ nhiên cậu không biết đó là bóng đêm, ngày đêm cũng như nhau, cậu chỉ phân biệt được là ngày trời ấm hơn và đêm trời lạnh hơn. Đêm nay, không như mọi đêm, cậu không ngủ được. Trận chiến diễn ra trong trí, tiếng đạn bay, tiếng ngựa hí, tiếng người kêu la trong chiến trận. Bỗng cậu ngồi bật dậy. Cậu không thể lầm được. Trong đêm khuya tiếng vó ngựa đang đến gần và càng lúc càng gần. Tiếng ngựa của anh Hai. Không thể lầm được. Cậu chạy sang phòng mẹ “Đưa con cây súng ngay. Anh con về. Anh con về.” Mẹ ngơ ngác “Mẹ đâu nghe thấy gì đâu?

“Không, con biết mà. Anh con về.” Hai mẹ con ra đứng ngay trước cửa, người mẹ cầm cây đèn dầu nho nhỏ vừa đủ soi cho hai mẹ con thấy được trước mắt. Tiếng ngựa đang đến trước cửa, cậu hét lên: “Dừng lại, nếu không tôi bắn.” Rồi cậu nghe tiếng trả lời của người cỡi ngựa: “Anh Hai đây nè em.” Cậu vui mừng hạ súng, biết chắc rằng người cỡi ngựa của anh mình là chính anh Hai. Đến bây giờ hai mẹ con mới hiểu vì sao anh cậu cỡi ngựa như điên trong ban đêm, con ngựa tàn hơi kiệt sức được mẹ đổi cho anh Hai một con ngựa thật khoẻ trong chuồng. Người anh về để mang cậu ra chiến trường, và cậu phải ra đi ngay lập tức, không có thì giờ chuẩn bị. Khi được hỏi tại sao, người anh chỉ trả lời rằng sẽ giải thích cho em trên đường đi.

Giữa đêm khuya, hai anh em cùng cỡi một con ngựa, cậu ôm chặt lưng anh. Trời bắt đầu mưa. Con ngựa thật khoẻ, chạy thật nhanh như cơn mưa không hề ảnh hưởng đến nó. Mặt đường càng lúc càng gồ ghề hơn, khó đi hơn, nhiều đá vụn rào rào trên đường. Cậu không biết hai anh em đang đi về đâu và cậu cần phải làm gì, nhưng bao câu hỏi của cậu theo tiếng mưa bay trong không khí vì anh cậu không trả lời chi cả.

Ngựa dừng lại khi anh cậu nói: “Chúng ta đến nơi rồi.” Hơi lửa ấm tràn đến khiến cậu biết họ đang đốt lửa gần đó. Có người choàng tay ôm cậu rồi tiếng của cha cất lên: “Con làm được không con?” Cậu chẳng hiểu cha hỏi gì cho đến khi người anh trả lời: “Con chưa nói với nó ba ạ. Bây giờ mình gọi chỉ huy của mình đi. Chúng ta không có nhiều thì giờ.”

Cậu cảm nhận có nhiều người tiến đến sát bên cậu, có khi súng của họ chạm vào người cậu. Rồi một bàn tay của một người lớn tuổi nắm lấy tay cậu, bàn tay của người lao lực cả đời nhưng thật ấm và đầy tin tưởng và một giọng nói ân cần cất lên:

-       Cháu à, ở đây có khoảng 100 kháng chiến quân. Quân Anh đang ở vào hướng bắc và muốn chiếm vùng núi này. Một nhóm kháng chiến đang chống trả và dồn chúng về đây. Chúng nó không biết có kháng chiến quân ở đây. Kế hoạch là dồn chúng về đây rồi chúng nó sẽ bị kẹt vào giữa. Cháu có hiểu không?

-       Cháu hiểu rồi. Ông cố giữ núi này cho chúng nó không chiếm được rồi hai nhóm kháng chiến, một nhóm bên dưới núi, một nhóm bên trên sẽ dồn chúng nó vào giữa.

-       Đúng vậy cháu. Nhưng không ngờ. Có một toán quân Anh đã dùng một ngõ khác mà lên núi rồi. Trên đỉnh núi họ có lợi thế. Bên trên họ đánh xuống, toán quân Anh bên dưới đánh lên, kháng chiến quân không cự nỗi đâu cháu. Nên kế hoạch là phải tấn công đoàn quân Anh đang ngủ trên đỉnh núi ngay trong đêm nay. Cái khổ lả phía bên nây, chỉ có một con đường tiến lên đỉnh núi. Độc đạo. Thật nhỏ. Chỉ vừa đủ cho một con dê đi mà thôi. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu, ban ngày rất ít ai dám đi, còn ban đêm đi trên độc đạo này là tự sát. Nên anh của cháu nói rằng cháu là người duy nhất có thể nhận công tác này, dẫn đoàn quân kháng chiến tiến lên đỉnh núi trong đêm nay, tấn công quân Anh trong lúc chúng không ngờ. Cháu nghĩ sao? Cháu có thể làm được không?

-       Được ông ạ. Cháu làm được.

Đoàn người đứng theo hàng một sát bên nhau trên độc đạo, cậu bé mù dẫn đầu, cha cậu ngay phía sau, kế đó là anh cậu, rồi những kháng chiến quân, mỗi người nắm vào một sợi dây thật nhỏ kéo dài từ người đi đầu đến người đi cuối để không lạc nhau. Trong bóng đêm mịt mùng, tối đen như mực, mọi người cầm dây lần bước chầm chậm theo sau cậu bé mù. Đối với cậu, ngày cũng như đêm, bóng tối là gì và ánh sáng là gì, dù vậy, cậu lần bước cẩn thận trên con đường duy nhất, thật nhỏ, chỉ vừa cho một con dê đi. Những hòn đá nhỏ rơi ào ào xuống vực sâu theo bước chân của cậu.  Nghe tiếng rơi của đá, hiểu được chiều sâu của vực, cậu biết mình đang song song bước với tử thần. Cậu đặt từng bước chân thật cẩn thận. Tiếng của ba cậu vang lên ngay sau lưng “Con cẩn thận. Đừng trợt chân con ơi. Ba không ngờ con dám đi lên đến đây. Phải ba biết, ba sẽ cấm con.” Cậu mỉm cười trong bóng tối: “Con không trợt chân đâu ba. Núi này là vùng đất của con mà.” Tất cả mọi người trong đoàn với đôi mắt thấy được phải theo sau lưng của cậu bé mù không thấy được.

Đến sát đỉnh núi, cậu dừng lại, nói với họ:  “Ngay phía trên là đỉnh núi.” Cậu cảm nhận từng người lần lượt bước qua cậu để lên đỉnh, hơi thở họ thật mệt, nặng nề. Quân Anh đang ngủ, không ngờ địch quân có thể lên đỉnh núi trong ban đêm. Vị chỉ huy đoàn kháng chiến thì thầm những lời chỉ dẫn vào tai một số người. Sau cùng, cha đẩy cậu đứng sau một tảng đá lớn, căn dặn: “Con đứng đây. Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, con không được rời khỏi nơi này. Phải chờ ba trở lại.”

Trong phút chốc, cậu nghe những tiếng la hét rợn người, những tiếng gào “tấn công” và “giết nó, giết nó.” Tiếng súng đạn nổ tung trời, tiếng chân người chạy thình thịch trên đỉnh núi. Tiếng người la rú trong kinh hoàng khi bị thương và tiếng người gọi bạn đồng đội. Cậu đứng ôm đầu, chết lặng sau tảng đá, muốn khóc nhưng sao không còn nước mắt để khóc. Một lúc sau cậu nghe tiếng: “Chúng nó chạy rồi” và trong mùi khét của đạn của chiến trường, cậu nghe tiếng ba gọi: “Con còn đó không?” Cậu mau mau trả lời: “Con đây ba.”

Một bàn tay nắm lấy tay cậu, bàn tay quen thuộc của vị chỉ huy quân kháng chiến, đêm nay, bàn tay này ướt vì máu. Cậu la lên: “Ông ơi, ông bị thương rồi.” Tiếng trả lời thật trầm ấm, êm dịu, ngọt ngào tha thiết: “Không có gì đâu cháu. Ông muốn cám ơn con. Ông không nghĩ rằng có thể tấn công đêm nay trên đỉnh núi. Ông không nghĩ rằng mình có thể leo lên núi này trong ban đêm. Đây là người đâu phải dê mà đi được độc đạo này trong ban đêm.” Nhiều người sát đến bên cậu, nhiều bàn tay nắm lấy cậu, những lời cám ơn nghẹn trong cổ: “Cháu ơi, nếu không nhờ cháu ...”

Phải, nếu không nhờ cậu thì không có chiến thắng. Nếu không nhờ cậu, đêm nay sẽ có nhiều xác chết, nhiều em bé trở nên mồ côi cha trong tích tắc. Cậu đã thi hành công tác theo lời yêu cầu của vị chỉ huy. Cậu đã thi hành một công tác cậu biết mình không làm được. Vậy mà cậu đã xong công tác. Một người bỗng lên tiếng: “Cháu ơi, chắc chắn sẽ có người đặt một bài hát về chiến thắng này, để ghi công cháu và cũng để cám ơn Chúa. Thật đây là một phép lạ nhiệm mầu của Chúa, đã dùng một cậu bé mù dẫn đoàn kháng chiến lên đỉnh núi.”

Vâng, đúng rồi. Phép lạ của Chúa. Phép lạ đã dẫn bước chân cậu trên độc đạo cậu chưa bao giờ đặt chân đến trước đây. Dê của cậu chắc đã từng đi lối này, nhưng cậu chưa bao giờ. Đã nghe nói về độc đạo, cậu rất sợ, chưa bao giờ dám đi lối này. Đêm nay là lần đầu tiên cậu đặt chân trên độc đạo.