THÔNG NGÔN CHO MỸ       U.S. officials say 7 killed in Kabul airport evacuation chaos

 

Anh không tưởng tượng nổi cảnh mình đang thấy trước mắt. Một rừng người tràn ngập phi trường quốc tế Kabul, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ chen chúc nhau tìm cách để vào cổng. Làm sao trong một ngày mà tưởng như cả quốc gia, cả dân số Afghanistan lại có thể cùng đứng trước cổng phi trường? Chuyện không tưởng lại có thể xảy ra. Giữa rừng người đó, anh lại đứng vào vòng gần như bên ngoài, nên chuyện anh có thể vượt qua rừng người để tiến đến cổng là chuyện khó có thể xảy ra. Và tiến đến cổng để làm gì ? Cổng đã đóng lại và quân nhân ngoại quốc cầm súng gác cổng, Họ được lịnh bắn bất cứ người nào không tuân lệnh  họ và có thái độ bạo động.

Năm nay anh vừa tròn 29 tuổi. Sanh ra đời tại Afghanistan, một trong những quốc gia được xem là nghèo nhất thế giới, một quốc gia với nhiều đồi núi chập chùng, những dãy núi dài như bất tận, những vùng đất khô cằn với 38 triệu dân sống trong chiến tranh bạo động cả đời, chưa hưởng được một ngày thanh bình, hạnh phúc.  Vậy mà trong số những người ấy, anh được vô cùng may mắn. Dù cũng gầy, cũng đen, cũng đôi mắt sâu, cũng chiếc áo khoác rộng thùng thình để bảo vệ cơ thể trước cái nóng của núi đồi, cũng nhanh nhẹn như những anh em cùng quê hương, anh được cha mẹ cố sức lo cho con ăn học, còn được vinh dự học Anh Ngữ trong khi các bạn đồng tuổi phải giúp gia đình việc chăn nuôi, mùa màng, đồng ruộng rất sớm, ít ai học được đến nơi đến chốn. Khi còn bé, anh không biết sự hy sinh của cha mẹ, chỉ nhớ rằng trong những năm đầu trung học, anh được học Anh ngữ ráo riết, rất nhiều giờ trong một tuần. Cũng may là anh thích học ngoại ngữ nên không xem công tác này là một cực hình.

Năm 25 tuổi anh được trúng tuyển trong kỳ thi chọn thông ngôn cho quân đội ngoại quốc. Một cuộc đời mới bắt đầu. Một công việc khác hẳn với công việc của đa số người dân sống với chăn nuôi và đồng ruộng. Anh theo những toán quân ngoại quốc đi khắp nơi trên quê hương khói lửa trong công tác của họ là tìm những du kích Taliban đang ẩn núp khắp nơi để ngăn ngừa việc họ gây bạo động, phá phách, giết chóc, với tham vọng là nắm chính quyền tại quê hương anh. Công việc này mang lại cho anh nhiều vinh dự, nhiều ưu đãi... như tiền lương nhận từ cơ quan ngoại quốc rất cao so với lợi tức của anh em đồng quê đang chăn nuôi hay làm ruộng. Anh lại được đi xe khắp nơi với những toán quân này, được hưởng thực phẩm đầy đủ, kể cả thực phẩm ngoại quốc. Trong những năm làm việc với họ, anh chưa biết đói một ngày nào. Anh được họ đối xử thân mật, tử tế. Anh được cơ hội ngàn vàng để nghe và học Anh ngữ theo giọng Mỹ, giọng Úc và giọng của người Anh, vì tuy Anh ngữ là ngôn ngữ chung của họ, ba quốc gia này nói Anh ngữ theo giọng khác nhau. Anh được họ kể cho nghe chuyện cuộc đời của những chàng trai trẻ tại những cường quốc, những chuyện vui, chuyện buồn độc đáo của những chàng da trắng, mắt xanh. Họ cho anh xem hình của cha mẹ, của gia đình, của người yêu đang chờ đợi ngày họ về, của căn nhà sang trọng nhiều phòng ngủ, nhiều phòng tắm... và anh phải ngạc nhiên tại sao họ có thể tạm rời bỏ cuộc đời an toàn đó để đặt chân nơi đây. Họ chắc phải có một lý tưởng nào đó mà anh chưa thấu hiểu.

Có lẽ nghề nghiệp nào trên đời cũng có khía cạnh đẹp và khía cạnh tiêu cực. Vì đi theo những toán quân này, những nguy hiểm họ phải chịu nơi chiến trường, anh cũng phải chịu. Mỗi ngày, mỗi đêm ra đi hành quân với họ, anh không biết mình sẽ trở về hay không. Trong con mắt của người dân lành, có phải thông ngôn là người nối giáo cho kẻ ngoại quốc?  Trong những cuộc thẩm vấn tù nhân, anh vẫn phải tự hỏi, khi tù nhân được xét là vô tội, được trả tự do, nếu tình cờ gặp lại người thông ngôn trong cuộc thẩm vấn, tù nhân sẽ có thái độ thân thiện với anh? Còn nếu gặp Taliban thì không cần phải thắc mắc. Các thông ngôn vẫn nhắc nhở nhau rằng từ năm 2001 cho đến nay, Taliban đã giết 300 thông ngôn và gia đình họ. Đây là giá anh phải trả khi chấp nhận làm thông ngôn cho quân đội ngoại quốc, một giá kinh hoàng, một giá quá đắt. Những quân nhân anh thông ngôn cho họ, nếu sa vào tay Taliban, họ phải chết, nhưng gia đình họ ở nơi phương xa nào đó vẫn được an toàn. Tại vùng đất Afghanistan này, thông ngôn như anh không được vinh dự đó.

Phi trường quốc tế tại thủ đô Kabul chỉ có một phi đạo, và phi đạo duy nhất này là đường chia hai khu vực khác nhau: khu quân sự và khu dân sự. Phía bắc của phi đạo thuộc khu quân sự, chỉ có một cổng vào, mọi dân sự bị tuyệt đối cấm vào. Nhưng phía nam của phi đạo có đến 5 cổng vào. Và hiện nay, cả 5 cổng vào đều bị tràn ngập bởi biển người. Một rừng người chen lấn, chà đạp nhau để được đến gần cổng, không ai nể ai, không ai nhường bước ai, trong giờ phút nguy kịch này, cá nhân mình, mạng sống mình đứng hàng thứ nhất. Hai vợ chồng anh nắm chặt tay nhau, nhìn nhau, không nói một lời nhưng đồng hiểu rằng vợ chồng anh không tiến gần đến cổng được. Tiếng kêu thét, tiếng gào, tiếng la rú của một rừng người tạo nên một âm thanh khủng khiếp. Đàn bà, trẻ con bị đạp chết dưới chân người và không ai dừng lại để mang xác họ ra bên ngoài. Vợ chồng anh nhìn nhau lần nữa, tấn thối lưỡng nan, tiến lên thì không được mà rút lui có nghĩa là chấp nhận cái chết thảm trong tay quân khủng bố cuồng tín khát máu Taliban. Những lời báo cáo bay về từ những nơi Taliban đã chiếm đóng, họ đi lục xét từng nhà, bàn tay tàn bạo của nhóm người này bắt đầu đẫm máu của những người đã phục vụ trong chính quyền đương thời, những người cộng tác với quân đội Đồng Minh và những người nằm trong lực lượng an ninh của cảnh sát và quân đội. Những cái chết thảm khốc xảy ra, ngay trước mắt công chúng, những người chịu án tử hình chẳng do một phiên tòa nào cả, họ bị treo cổ, bị chặt đầu...và họ có biết mình đã phạm tội gì không? Là một thông ngôn cho Mỹ, anh biết mình nằm trong danh sách này, và bây giờ, anh không đến gần được cổng phi trường.

Anh được biết Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chương trình rút lui cho quân đội Hoa Kỳ từ lâu nhưng mãi đến 8.7.2021 ông mới lên tiếng chính thức. Vị sĩ quan các thông ngôn làm việc dưới quyền đã báo cho các thông ngôn chương trình rút lui của quân đội Đồng Minh rất sớm. Anh hiểu rồi. Anh rùng mình trước tương lai đen tối. Anh sợ chết và anh muốn tránh cái chết. Anh hiểu hai mươi năm là một quãng đường dài, quá mệt mỏi, hao tốn tiền bạc, sức lực và sinh mạng cho lực lượng Đồng Minh. Anh được nghe bản tường trình rằng cuộc chiến tại quê hương anh đã khiến 3500 quân nhân Đồng Minh mất mạng, trong số đó có 41 quân nhân người Úc. Người Mỹ đã đổ ra hàng tỷ tỷ đô-la trong một cuộc chiến 20 năm và bây giờ họ muốn rút lui. Họ đổi ý. Mỗi lần Hoa Kỳ có cuộc bầu cử Tổng Thống thì những người đang được Hoa Kỳ giúp đỡ không biết số phận mình sau cuộc bầu cử sẽ ra sao, vì một vị tân Tổng Thống có thể có cái nhìn khác, quan niệm khác. Afghanistan của anh nằm trong trường hợp này và có phải đây là điều ta gọi là “định mệnh?

Từ đầu năm 2021 anh đã nộp hồ sơ xin visa đi Mỹ với tất cả thư giới thiệu từ giới chức có thẩm quyền nơi anh làm việc, và hồ sơ của anh đến nay vẫn nằm đó. Vì anh cũng đã có nhiều cơ hội thông ngôn cho những toán quân người Anh, người Úc, nên anh nộp hồ sơ xin đi tỵ nạn tại hai quốc gia ấy. Nước Anh, Mỹ, Úc, nơi nào nhận cũng được cả, anh chỉ muốn thoát khỏi địa ngục trần gian này, thoát khỏi cái chết thãm khốc cho anh và gia đình. Những tháng ngày nhẫn nại, van xin, cầu cứu với cả ba quốc gia trên thoạt đầu, mang lại cho anh một chút hy vọng. Mãi đến tháng 8.2021 anh nhận được email của chánh phủ Úc, một email mang lại đầy hy vọng, như ánh sáng đang lộ ra cuối đường hầm. Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Peter Dutton xác nhận hồ sơ của anh chánh thức nằm trong diện những nhân viên được quyền tỵ nạn tại nước Úc vì những nguy hiểm họ phải chịu khi quân đội Đồng Minh rút đi. Đã được chấp nhận là người tỵ nạn, nhưng hồ sơ anh vẫn nằm đó, vẫn đợi chờ. Việc xin tỵ nạn cho cả hai vợ chồng trở nên cực kỳ phức tạp vì vợ anh, tuy đang mang thai sáu tháng, nhưng trên người không có giấy tờ gì cả. Passport và giấy khai sinh của vợ anh nằm tại văn phòng hành chánh của chính quyền thủ đô Kabul và những ngày hôm nay, thủ đô Kabul nằm trong tay Taliban. Vợ chồng anh không thể trở về để lấy giấy tờ.

Anh chợt nhớ đến tòa đại sứ Anh và xem đây như giải pháp cuối cùng. Cơ quan này đặt văn phòng tạm thời ngay tại Baron Hotel, chỉ cách phi trường quốc tế Kabul khoảng 1.5 km. Một người bạn người Anh đã hứa rằng có thể giúp anh nhận được visa của Anh và giúp anh di tản, nhưng anh phải tìm cách vào bên trong tòa đại sứ. Khi đến nơi, nhìn làn sóng người vây quanh cổng vào tòa đại sứ, anh muốn bật khóc. Làm sao anh có thể vượt qua được làn sóng người này? Chưa hết. Ai muốn vào tòa đại sứ, phải vượt qua ba trạm gác của Taliban. Những người vừa đến trạm gác đầu đã bị đánh đập tàn nhẫn với những lời chưởi mắng thậm tệ “Mầy muốn đi đâu? Mầy muốn trốn đi ngoại quốc à? Chúng tao đã vì những thằng như chúng mày mà chịu khổ sở 20 năm rồi, bây giờ được tự do, mầy muốn trốn đi ngoại quốc à? Đồ phản quốc!” Chỉ những người cầm trên tay visa của Anh quốc mới được Taliban cho vào cổng, những người còn lại phải chịu một trận đòn rồi mang tấm thân đẫm máu ra về. Vợ chồng anh có thể chịu nỗi ba trận đòn tại ba trạm gác không? Và rồi cũng phải ra về. Nên vợ chồng anh nắm tay nhau ra về.

Từ khi được sinh ra đời cho đến hôm nay, anh mới biết chiều sâu của tuyệt vọng. Trời Kabul nắng gắt chang chang nhưng sao anh chỉ thấy một màn đen tối. Đã theo chân đoàn quân viễn chinh ngoại quốc đi khắp nơi trên chính quê hương mình, anh đã chứng kiến rất nhiều cảnh vui cũng như cảnh buồn, những cảnh khiến anh có thể mỉm cười và những cảnh khiến anh rưng rưng nước mắt. Nhưng trong những cảnh ấy, anh không phải là nhân vật chính. Luôn luôn người khác là nhân vật chính. Quốc gia nghèo đói thân yêu của anh nhờ viện trợ quốc tế rất nhiều để người dân nghèo có thể sống qua ngày. Tiếng kêu đau thương của người nghèo, người đang gặp hoạn nạn được nhiều cơ quan nhân đạo quốc tế đáp ứng. Bây giờ, ngay chính hôm nay, ngay chính giây phút này, anh, người thông ngôn cho những người đã được giúp đỡ, tiếng kêu đau thương của anh không được những quốc gia anh đã làm việc cho họ đáp ứng. Họ chắc nghe tiếng cầu cứu trong tuyệt vọng của anh, họ chắc cũng đã có những cố gắng nào đó, nhưng anh vẫn đứng đây, bên ngoài cổng vào phi trường quốc tế Kabul, không có visa của ba quốc gia ngoại quốc anh đã từng làm việc cho họ.

Trong vòng những người thông ngôn cho quân đội ngoại quốc, đã có những người lập tức thay đổi chiều hướng, thái độ, ngay sau khi được tin quân đội ngoại quốc sẽ rút khỏi Afghanistan. Đó là những người chọn “gió thổi theo chiều nào thì ta theo chiều đó” và “gặp thời thế, thế thời phải thế.” Anh không trách họ, hiểu rằng họ phải vì mạng sống của chính họ và của gia đình mà đi đến quyết định đó. Còn chính anh thì sao? Con đường đi ra ngoại quốc của anh như đã bế tắc. Anh sẽ mau mau quay đầu cộng tác với Taliban, sẽ mau mau tường trình báo cáo mọi hoạt động của đoàn quân ngoại quốc trong những ngày anh làm việc với họ? Không ! Đây là quyết định của anh và anh phải trả giá. Peter Khalil, người Úc cố vấn đặc biệt cho Mỹ và Úc trong những năm chiến đấu với lực lượng al-Qaeda tại Baghdad đã báo cáo rằng thông ngôn của ông bị chặt đầu trước công chúng, sau khi người Mỹ và Úc rút khỏi Iraq. Những câu chuyện thật này vẫn lưu hành trong dân chúng và nhất là trong giới thông ngôn. Khi nhận làm việc cho quân đội ngoại quốc, anh có nghĩ đến hậu quả của nghề nghiệp này không? Có chứ. Nghề này cũng mang những nguy hiểm như nhiều nghề khác: cảnh sát, quân đội, an ninh, viên chức cao cấp... sẽ thoát được tay của Taliban không? Anh chỉ không ngờ rằng sau 20 năm trợ giúp quê hương anh chống Taliban quân khủng bố khát máu, người Mỹ quyết định ra đi. Tổng Thống của anh Ashraf Ghani đã trốn ra ngoại quốc bằng phi cơ cùng với cả gia đình. Vậy mà đã có tin đồn rằng Tổng Thống của anh phải cùng chung cộng tác với Taliban và hai bên sẽ cùng chung cai trị. Taliban không chia quyền cai trị với ai.

Hình ảnh của biển người tràn ngập tại phi trường quốc tế Kabul đi vào lòng, tâm trí của mọi người trên thế giới đang theo dõi tình hình Afghanistan, những người dân lành muốn thoát địa ngục trần gian. Trong số biển người đang đứng trước sân phi trường, liều mạng sống mình trước súng đạn, có anh và có những thông ngôn khác nữa. Anh không biết rằng ông Peter Khalil, ngày nay đang là nghị viên của Hạ nghị viện Úc, đã và đang kêu gọi người Úc giúp đỡ cho những thông ngôn đã từng làm việc với quân đội Úc, đưa họ ra khỏi Afghanistan và cho họ định cư tại Úc, vì đó là món nợ của lương tâm. Anh không biết rằng tại Mỹ, đã có 50 Thượng nghị sĩ cùng viết thư cho Tổng Thống Biden, yêu cầu Tổng Thống giữ lời hứa của Hoa Kỳ, giúp đỡ cho những người đã từng cộng tác với Hoa Kỳ trong 20 năm chiến đấu tại quê hương họ.

Điều không tưởng được lại xảy ra. Ngày thứ sáu 27.8.2021(giờ Úc châu) quân khủng bố Islamic State Khorasan cho người mang bom tự sát tại phi trường Kabul. Giữa rừng người ấy, có 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng cùng với 95 thường dân đang tìm cách vào phi trường và một số đông bị thương tích trầm trọng. Tình hình trở nên khẩn trương hơn và mọi người được khuyên phải về, không nên tụ tập tại phi trường Kabul vì quân khủng bố có thể lập lại biến cố trên.

Anh hiểu rằng trong những ngày cuối cùng của lực lượng Đồng Minh trên đất Afghanistan, họ đã cố gắng giúp di tản vài ngàn người. Nhưng rồi ngày cuối cùng 31.8. 2021 cũng đến. Họ phải rút quân. Họ phải ra đi. Họ đã lập lại lỗi lầm họ đã phạm bao nhiêu năm trước, không phải chỉ ở quê hương anh, nhưng cũng tại nhiều nơi khác nữa, Việt Nam là trường hợp điển hình, họ giúp một thời gian, nhưng rồi họ sẽ ra đi. Kẻ ở lại, kẻ bị bỏ rơi phải chịu hậu quả của việc rút lui này. Hai mươi năm được sống bình an, hạnh phúc nhờ sự giúp đỡ của quân đội Đồng Minh trôi qua thật nhanh như một giấc mộng. Anh đã được hứa sẽ được di tản với đoàn quân ngoại quốc, nhưng bây giờ anh đứng đây, giữa trời đất rộng thênh thang, giữa đồi núi chập chùng, ngay trên quê hương của chính mình, trước mắt là ngõ cụt, sau lưng là tiếng gọi của tử thần, với tâm trạng kinh hoàng, lạc lõng, bơ vơ, không nơi nương tựa, tâm trạng của người  biết mình đã bị bỏ rơi.

 

Đoàn thu Cúc