Tình đời thay trắng đổi đen” nhan nhản từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Tôi được biết một cặp nam nữ quen nhau ở trại tị nạn Thái Lan. Sau khi được nhận vào Hoa Kỳ, hai người đã làm lễ thành hôn hứa với nhau sẽ “yêu nhau trọn đời”, và vợ chồng vui vẻ đi làm lao động kiếm sống. Trong thời gian này, người vợ được bố mẹ giúp đỡ, đi học bán thời ngành điện toán. Ít năm sau tốt nghiệp, người vợ kiếm được một việc làm với chính phủ, lương cao gấp hơn bốn lần so với công việc lao động. Người chồng vẫn đầu tắt mặt tối với đồng lương chẳng được bao nhiêu. Vợ khuyên chồng đi học như mình, nhưng ở Việt Nam chồng chưa học xong đệ tam (lớp 10) tiếng Anh bập bẹ, nên đã bỏ qua lời khuyên của vợ. Trong cuộc sống bắt đầu có lục đục, vì vợ hay nói những câu mỉa mai, khinh mạn chồng. Và kết cuộc, vợ cho biết mình đã có “người khác”, chia tay với ông chồng “tài hèn” và “vứt chồng” chứ không “yêu chồng trọn đời” như đã hứa. “Tình đời thay trắng đổi đen” trong gia đình ở xã hội “vật chất chủ nghĩa” là thế đó.

Con người buồn khổ khi phải sống đơn côi trong xã hội đông đúc chung quanh. Con người cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi sống hòa nhập vào một số người có đồng một mẫu số chung.

Ở đất Australia này, người Việt tị nạn có nhiều mẫu số chung để lập hội. Mẫu số chung Trưng Vương, Đồng Khánh, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Quốc Học Huế, Ex-Ryu Nhật Bản, Y Nha Dược Việt Nam, Quốc Gia Hành Chánh. Mẫu số chung Cựu Quân Nhân, Cựu Sĩ Quan Đà Lạt. Mẫu số chung già, trẻ. Mẫu số chung HO hay Tù Nhân học tập cải tạo v.v.

Càng tham dự các hội đoàn, càng rõ “tình đời thay trắng đổi đen”. Trước “thân” nay “” hay “như xa lạ” là chuyện thường tình, khác hẳn sự thủy chung trước sau như một của một số nhân vật đã qua.

Báo Thế Kỷ 21 số 210, nhà báo Nguyễn Quốc Khải đã nhắc lại tình bạn giữa Tướng Võ Nguyên Giáp và Luật Sư Trần Văn Tuyên trong bài “Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Luật Sư Trần Văn Tuyên” như sau : “Trong lần cuối cùng gặp gỡ nhau nhân hội nghị sơ bộ với Pháp khai mạc vào ngày 19-4-1946 tại trường Yersin, Đà Lạt để chuẩn bị cho hội nghị Fontainebleau, Tướng Giáp thuộc phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Việt Minh) còn kêu gọi Luật Sư Tuyên trở về hợp tác với ông Hồ Chí Minh. Sau khi bị khước từ Tướng Giáp nói vớt Luật Sư Tuyên bằng Pháp ngữ nguyên văn như sau : “Alors, tu restes toujours mon ami” – Dù sao anh cũng sẽ mãi mãi là bạn của tôi”. Luật Sư Tuyên và Tướng Giáp vẫn kính mến nhau mặc dù hai người ở hai chiến tuyến khác nhau”.

Trong các hội đoàn thì sao ? Bạn chỉ cần nói khác ý kiến làm phật ý một nhân vật “nổi” nào đó, hay mình không bằng ai, về tiền bạc, danh vọng là bị dẹp khéo qua một góc sau một thời gian ngắn. Bắt tay nhau, vồn vã chào hỏi nhau thật đầy tình nghĩa đồng môn, trong ngày thành lập hội đoàn. Thế mà chỉ một tình huống nào đó cái tình nghĩa đồng môn, đồng hội tan biến. “Thay lòng đổi dạ” để “tình đời thay trắng đổi đen” là vậy.

Bè bạn ngoài xã hội, đặc biệt trong chính giới, “phản bội” “trở mặt như trở bàn tay” là chuyện không hiếm, khi một cái lợi lớn về “danh vọng”, về “tiền bạc”, về “quyền lực” lởn vởn trước mắt.

Nhớ chuyện cựu Tổng Thống Gorbachew của Nga chút xíu nữa thì khốn nạn vì bè bạn. Sau cuộc đảo chính hụt, Tổng Thống Gorbachew mở cuộc điều tra thì hỡi ơi, trong số hơn 60 vị bộ trưởng và thứ trưởng do đích thân Gorbachew bổ nhiệm, chỉ có 2 vị tỏ ra trung thành, còn tất cả đi theo phe đảo chính. Trong số những người phản bội có cả ông Anatoly Lukyanov, bạn chí thân của Gorbachew từ 40 năm. Người đứng đầu phe nổi loạn là Gennadi Yanaev, là người Gorbachew ca ngợi là “một người mà tôi có thể tin cậy được”. Trước quốc hội, Gorbachew đã gọi những người bạn thân là phường khốn nạn (these bastards). Ca dao ta có câu :

Có gió lung mới biết tùng lá cứng

Có ngọn lửa hừng, mới rõ thức vàng cao

hay   Thì ra mới biết béo gầy

         Đến khi cả gió, biết cây cứng mềm  

Hãy biết cảm ơn “ngọn lửa hừng”, cảm ơn “cả gió, gió lung ” để cho biết bạn của ta thế nào, thực trạng tình nghĩa của bạn ta ra sao, thì sự buồn khổ vì tình đời sẽ vơi đi. Hãy quên nó đi :

Thôi đừng chép miệng, thở dài

Chỉ thêm sầu khổ, nhớ hoài ích chi

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong Kinh Thánh, Vua Đa-vít đã giãi bầy tâm sự buồn khổ của ông về người bạn thiết nghĩa phản bội mình trong Thi-Thiên như sau : “Vì chẳng kẻ thù nghịch sỉ nhục tôi; bằng vậy, tôi có thể chịu được; Cũng chẳng kẻ ghét tôi dấy lên cùng tôi cách kiêu ngạo; Bằng vậy, tôi đã có thể ấn mình khỏi nó. Nhưng chính là ngươi, kẻ bình đẳng cùng tôi, Bậu bạn tôi, thiết hữu tôi. Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu; Chúng tôi đi với đoàn đông đến nhà Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 55:12-14). Tình vậy, nghĩa vậy, đồng tâm vậy, đồng đạo vậy, mà bị phản bội, thì đau buồn biết bao. Vua Đa-vít đã tìm nơi “ấn mình” là “nhà Đức Chúa Trời”, tại đây ông sẽ bình tâm để tìm Ý Đức Chúa Trời trước khi hành xử đáp ứng.

Sự buồn khổ của Chúa Jêsus chắc không nhỏ khi Giu-đa Ích-ra-ri-ốt, một trong mười hai môn đồ phản bội Ngài bằng cái hôn thân yêu.

Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trời tối, Chúa Jêsus cùng ba sứ đồ của Ngài là Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng vào vườn cầu nguyện. Giu-đa Ích-ca-ri-ốt dẫn bọn lính tới bắt Chúa. Để bọn người đến bắt Chúa không thể bắt lầm người khác, Giu-đa đã cẩn thận bằng lòng đi tiên phong và chỉ điểm một cách chính xác. Giu-đa nói bọn người đi bắt Chúa rằng : “Hễ tôi hôn ai, ấy là người đó; hãy bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận” (Mác 14:44). Giu-đa đã dùng cái hôn để phản Chúa. Chữ “hôn” mà Giu-đa dùng để ra ám hiệu theo nguyên văn tiếng Hy-Lạp là “philein” - cái hôn bình thường. Nhưng khi Giu-đa hôn Ngài, cái hôn này theo nguyên văn tiếng Hy-Lạp là “kataphilein” - cái hôn dùng cho người mình yêu mến. Phản bội bằng cái hôn này bầy tỏ sự tệ hại, gớm ghiếc nhất lòng dạ con người. Chúa Jêsus phán cùng Giu-đa rằng : “Bạn ơi! vậy thì vì việc nầy mà ngươi đến đây sao?” (Ma-thi-ơ 26:50), Ngài gọi Giu-đa là “bạn”, chấp nhận “thế thái nhân tình”, không cần oán trách, vì mục đích sau cùng của Chúa Jêsus là vâng phục Đức Chúa Trời, chết trên thập tự giá, đổ huyết để đền tội thay cho loài người.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta đôi lúc cũng bị “tình đời thay trắng đổi đen”, “phản bội”, “thay lòng đổi dạ” của tha nhân làm buồn khổ. Chúng ta hãy chấp nhận “thế thái nhân tình” như Chúa Jêsus, “ấn mình” nơi “nhà Đức Chúa Trời” để tìm Ý Chúa như vua Đa-vít, “nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus” (Giăng 13:25), với lòng tin như lời Kinh Thánh : “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26:3). Từ sự buồn khổ vì tình đời, lòng chúng ta sẽ bình an và “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7), nhờ đó chúng ta mới có thể phục vụ công việc nhà Chúa một cách tốt nhất.

Vài lời tâm tình

Tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc châu và các quốc gia Âu Châu theo đạo Chúa, đồng tính luyến ái, phá thai, ly dị đều đã được công nhận, tôn trọng đến mức độ được cổ súy mạnh mẽ, như thể những sự việc kể trên tốt đẹp đóng góp vào sự hài hòa phồn thịnh kinh tế, và coi đó như một phần của nhân quyền. Đạo Chúa tại các nước kể trên cũng phải tôn trong những sự việc trái với Lời Kinh Thánh dậy dỗ. Phải chăng đạo Chúa tại các quốc gia này đã trở thành tà giáo, bị ma quỷ dẫn vào đường chống Lời Chúa, chống Chúa? Cảm ơn Chúa, Hội Thánh chúng ta chưa mắc vào bẫy ma quỷ, cùng nhau chúng ta tin tưởng rằng điều này sẽ mãi mãi ở trong Hội Thánh Chúa chúng ta.