Người Việt ta có câu “đời là biển khổ”. Ông Gióp nhận định: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, Bị đầy dẫy sự khốn khổ” (Gióp 14:1).

Tình yêu ngọt ngào như vậy, thế mà tình yêu cũng là nguồn đau khổ. Con người chấp nhận đau khổ trong tình yêu. Cái khổ trong tình yêu là “cái thú đau thương”, là “con đường tình sử gập ghềnh mà vui” (Thi sĩ Tường Lưu).

Nguyên nhân cái khổ của con người được Kinh Thánh ghi rõ ràng trong Lời Chúa phán với Ê-va và A-đam sau khi phạm tội : “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn, vậy, đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê (cây gai), và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế ký 3:16-19).

Cái khổ cứ như bám lấy con người từ khi chào đời đến khi lìa đời. Buồn và khổ đi liền với nhau - buồn khổ. Qua khỏi “tuổi thiên thần” vô tư hồn nhiên của tuổi thơ, nỗi buồn len lén xâm nhập tâm tư, rồi đâu đó nằm trong lòng con người. Buồn khổ dường như là một nét đặc thù của con người.

Nguyện ước không tròn - buồn khổ, quá khứ lận đận - buồn khổ, tương lai mù mịt - buồn khổ, và có nhiều duyên cớ khiến người tị nạn buồn khổ.

Chính buồn khổ là một thách thức trong cuộc sống chúng ta. Trong nhiều trường hợp, chúng ta buồn khổ là việc đương nhiên do lỗi lầm chúng ta tạo nên. Nhưng không phải buồn khổ nào cũng do lỗi lầm của chúng ta, mà có thể do lỗi lầm người khác đem lại. Nói chung một lời, chúng ta tự làm khổ mình và làm khổ nhau. Chúng ta không thể lìa bỏ buồn khổ, nhưng chúng ta có thể vượt lên trên buồn khổ, không để buồn khổ chi phối.

Tại Úc Đại Lợi, cũng như bao nước tây phương văn minh khác, chúng ta đôi khi giật mình vì lối nghĩ của các cháu nhỏ  “I am the most important in my life” ( Tôi quan trọng nhất trong đời tôi ). Cũng có một loài hoa là đề tựa cho một bản nhạc thật nhẹ nhàng và lãng mạn trong thập niên 50-60, với “tôi” trong đó, “Forget me not” (Xin đừng quên (tôi) em). Quả không nhầm, không ai không yêu thương mình. Tôi yêu tôi, không ai phủ nhận. Hằng ngày tôi cố gắng hành đông sao cho người chung quanh kính nể, hay ít ra cũng coi mình là người hữu dụng cho xã hội. Có những người thương mình, yêu mình quá, đôi khi quên đi “cái tôi đáng cho mọi người yêu” đúng hay không và tự ái - yêu mình cũng là một nguyên cớ làm con người dễ bị day dứt khổ lòng.

Cầm một tấm hình có một số người chụp chung với mình, con mắt ta tự nhiên đảo tìm hình mình trước tiên, rồi ngắm đi ngắm lại. Nếu hình dáng mình có điểm quá dưới trung bình là day dứt khó chịu.

Những dân tộc dùng Anh Ngữ làm quốn ngữ đã bộc lộ tính “tự ái - yêu mình” rõ hơn ai hết. Chữ “i” là tôi phải được viết hoa “I”. Thật cái tôi đáng yêu, đáng kính là dường nào.

Trong một giờ sử học, giáo sư nhắc lại những ngày tháng quan trọng cần ghi nhớ. Ngày sinh của các vĩ nhân, danh nhân, ngày tháng các biến cuộc quan trọng trên thế giới. Bỗng một học sinh đưa tay lên hỏi giáo sư :

- Thưa thầy, thế còn ngày 16 tháng 3 thì sao? Giáo sư ngẫm nghĩ rồi lắc đầu đáp:

- Ngày đó không có gì quan trọng. Cậu học sinh thưa :

- Ngày đó, con cho là quan trọng, vì là ngày con có mặt trên đời. Trong tiềm thức ai cũng nghĩ tới mình, yêu mình, thương mình.

Một hôm vua Pasenadi của nước Kosala đã hỏi hoàng hậu Mallika rằng :

- Trong đời này có ai đáng thương, đáng yêu hơn chính mình chăng ? Hoàng hậu đáp :

- Không. Nhà vua gật đầu nói :

- Đúng vậy.

Sáng hôm sau, vua và hoàng hậu đến hỏi Đức Phật. Đức Phật dậy :

- Các ngươi nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ cho cùng rồi không thấy ai đáng thương, đáng yêu hơn chính mình cả. Đời này ai cũng thương mình, yêu mình hơn cả.

Tôi..tôi, anh hùng nhân thế, cái rốn của vũ trụ trong ý tưởng “tự ái”, thế mà bị lãng quên thì còn gì buồn khổ cho bằng. Tôi..tôi, dẫu không anh hùng nhân thế, nhưng đâu có thua ai chung quanh mình đâu, thế mà bị đời quên lãng thì còn gì buồn khổ cho bằng. “Tự ái” bị đụng chạm không ít.

Nên cũng chẳng lấy làm lạ, khi có một vài người đã ra tay ám sát tổng thống, những nhân vật nổi tiếng thế giới, biểu tình bạo động, chỉ vì muốn được thế giới biết đến anh ta - “tự ái” được thỏa. Lắm thanh niên, thanh nữ ăn mặc, hành động trái tai gai mắt, ngang ngược, ngổ ngáo, chỉ vì “tự ái”, muốn người lớn đừng quên sự hiện diện của mình. Xã hội điên đầu, rồi cũng phải quen.

Các chính trị gia chuyên nghiệp biết lợi dụng tự ái của con người trong cách xử sự, khích lệ. Những tờ giấy ban khen, những miếng bạc miếng đồng lớn nhỏ đủ cỡ được gọi là huy chương, đủ sức mầu đủ làm con người cảm thấy vinh dự hồ hởi hăng say đi theo công việc đã được khen thưởng của mình, có khi là con đường vào tử địa. Các nhà ngoại giao cũng biết lợi dụng lòng tự ái của con người, chinh phục bằng phương pháp “gãi đúng chỗ ngứa” để đối phương mê mẩn hưởng niềm vui của tự ái được vuốt ve, mà không lưu lâm đến những bẫy dò chung quanh. Biết bao lãnh tụ vì tự ái mà chỉ tụ tập một đám quần thần gia nô lúc nào cũng chỉ biết “vỗ tay vào” để luôn thấy mình là “lãnh tụ anh minh”.

Tự ái làm cho ta nổi giận bắt gặp cặp mắt khinh khi, khi nghe lời gièm pha, chỉ trích. Tự ái làm cho ta mừng rỡ, phởn phơ khi nghe được câu khen ngợi có tính cách quá mang tính nịnh hót. Văn Trung Tử đã nói : “Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho gièm pha. Nghe câu khen ngợi mà vội vui mừng (thỏa mãn) là làm mồi cho người nịnh hót”.

Cứ để tự ái phát triển mạnh mẽ như những loại cỏ hoang, thì hàng rào vị kỷ nới rộng phạm vi. Tự ái càng cao bao nhiêu thì hành động càng thiếu sáng suốt bấy nhiêu. Tự ái là chất bạc sau tấm gương trong, để khi nhìn chỉ còn thấy mình. Voltaire đã cho biết : “L’amour est moin aveugle que l’amour propre”- Tình ái không mù bằng tự ái.

Chính cái loại tự ái trần thế này gây ra những điệu buồn khổ lòng không ít. Cái buồn do loại tự ái trần thế này làm ta buồn khổ. Tự ái giống như nhà tù nhốt mình trong buồn khổ.


Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Hãy quên đi lòng vị kỷ hầu ra khỏi nhà tù buồn khổ. Hãy chú tâm đến tâm tình hướng thượng mà chúng ta đã có trong lòng. Biết yêu Chúa, yêu người là một hình thức tự giải thoát mình trong nhà tù buồn khổ do chính lòng vị kỷ gây ra. Chúa yêu chúng ta, anh chị em trong Chúa thương yêu chúng ta, như lời Kinh Thánh cho biết chúng ta là người rất yêu dấu và những con cái Chúa chân chính yêu mến lẫn nhau : “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (I Giăng 4:7). Con cái Chúa chân chính cùng nhau làm công việc nhà Chúa. Và chúng ta đáng yêu “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Tại thời điểm đó chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui và lòng yêu chính bản thân mình, lòng “tự ái” thật trong sáng hướng về Cha Thiên Thượng.


Vài lời tâm tình

Australia đã có thuốc chích ngừa CoronaVirus. Cám ơn Chúa. Thế là khoảng một tháng nữa sẽ lại được đến với quý anh chị con cái Chúa của Hội Thánh Kingsgrove. Thời gian gần một năm, bị ở nhà theo lời khuyên của bác sĩ gia đình, và con trai, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị cảm thấy nhớ ngôi nhà thờ nhỏ bé, những buổi thờ phượng Chúa, những bài Thánh Ca, những bữa ăn trưa thông công, quý anh chị. Trong lúc có sự trống vắng trong lòng, tôi chỉ biết lấy Kinh Thánh, và tài liệu liên hệ trên Internet ra đọc. Cám ơn Chúa, sau thời gian khó khăn vừa qua tôi lại được gặp lại quý anh chị, cùng các cháu nhỏ.