Trong vở kịch Hamlet của nhà soạn kịch nổi tiếng Shakespeare, nhân vật chính trong vở kịch là chàng Hamlet đã nói một câu bất hủ : “To be or not to be, that is the question” – Nên sống hay không nên sống, đó là một vấn đề.

Thi sĩ Tản Đà tìm bạn tri âm để hỏi cho ra :

Đời đáng chán hay không đáng chán,

Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm.

Thi sĩ Chiêu Dương nêu lên thắc mắc

         Đời ngán ta hay ta ngán đời ?

Chán ngán hay không chán ngán đều do cảm nghĩ của ta. Ta nghĩ vậy, nhưng mỗi người một hoàn cảnh một tâm tư. Nghĩ như thi hào Victor Hugo, thấy đông tàn ngay trong mùa xuân thì hỏi sao không chán :

         L’année en s’enfuyant par l’année est suivie.

         Encore une qui mort, Encore un pas du temps.

         Encore une limite atteinte dans la vie

         Encore un sombre hiver jeté sur nos trintemps.

Cụ Nam Xuyên dịch :

         Một năm đi rồi một năm đi

         Một bước thời gian chết một thì

         Rồi một lằn ranh ta phải đến

         Xuân tàn, đông vẽ nét sầu bi.

Lời thơ đượm vẻ chán chường, chán cả cái cuộc đời ngắn ngủi mà đông tàn vẫn được ném vào những ngày xuân tươi thắm.

Trong Le Mythe De Sisyphe, Albert Camus đã viết lên trang đầu : “Chỉ có một vấn đề triết học thật sự đứng đắn, đó là tự sát. Vấn đề tự sát là vấn đề được nêu lên trong ham thức đối với quan niệm phi lý.”.

Phải chăng chết là giải phóng cuộc sống chán chường ? Không. Vì con người đã không tìm được ham nghĩa thật sự của cuộc đời.

Ý nghĩa cuộc đời do hai yếu tố đem lại : Lý tưởng hoặc ham muốn mạnh.

Đời người không phải chỉ là một chuỗi ngày tháng với sinh hoạt nhịp nhàng : ăn, làm, chơi, ngủ, nghỉ như loài vật. Con người không thể chỉ thỏa mãn mỉm cười xoa chiếc bụng no tròn chứa đủ thứ cao lương mỹ vị như loài vật nhởn nhơ khi no đủ. Con người mong được no đủ, có thức ăn ngon, nhưng lý tưởng định giá đó là thứ thỏa mãn hạng thấp.

Ai cũng cần có lý tưởng hoặc một ham muốn mạnh.

Đa số người trần thế chỉ có ham muốn đạt được tiền tài, danh vọng, không cần để tâm đến tha nhân. Nếu có cũng chỉ là hành động nho nhỏ để trang điểm cho cuộc sống.Ý muốn mạnh.

Một số thanh niên có lòng với đất nước thường mang nặng trong tâm là sao cho quê hương thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang, thoát khỏi cảnh nghèo đói, và cũng được an bình, thịnh vượng như các quốc gia khác trên thế giới. Đó là lý tưởng vì hàm chứa mục đích cao.

Ai cũng cần một mục đích cao để nhìn nó mà đi tới với nhiệt tâm, hăng hái hầu đạt được ham nghĩa của cuộc đời. Nếu không có lý tưởng hoặc một ham muốn mạnh, con người sẽ mất sức sinh hoạt, sẽ chán nản trong cuộc sống, “What a bore it is, waking up in the morning always the same person” (Logan P. Smith) - “Chán chường thay, chán chường thay, Sáng nào cũng thứ người này mãi sao!”.

Phải có lý tưởng hoặc một ham muốn mạnh, còn đạt được hay không, không sao. Miễn là :

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.

Một nhà sinh học Trung Quốc chia nhân loại làm bốn hạng theo khí chất từ cao xuống thấp : hạng não chất, hạng tỳ chất, hạng cân chất và hạng phế chất. Do đó lý tưởng cao thấp cũng tùy theo khí tạng con người. Hạng não chất có suy hướng khí chất nên lý tưởng cao. Hạng tỳ chất với khí chất thấp, lý tưởng theo lòng ham muốn. Hạng cân  chất vai u, thịt bắp với khí chất thiếu, thì lý tưởng không thể to hơn bắp thịt. Còn hạng phế chất, không còn khí chất, gặp đâu hay đó với ý nghĩ “theo voi ăn bã mía”, thì chẳng lý tưởng gì cả.

Trong cuốn “La Destinée Humaine - Định Mệnh Con Người ” của triết gia Lecomte Du Nouy, ông cho rằng mỗi con người đều có một phận sự để làm, phải làm cho tuyệt xảo, đồng thời phải có một lý tưởng. Nhưng đừng bao giờ đặt một lý tưởng có thể đạt tới. Vì khi đã đạt tới, chúng ta phải tim một lý tưởng mới. Hãy đặt một lý tưởng bất khả đạt để lý tưởng đó hướng dẫn chúng ta theo chiều thẳng tiến.

Cái lý tưởng “bất khả đạt” đó khó cho chúng ta tìm ra. Có lẽ Phật Giáo có lý tưởng “bất khả đạt” đó. Muốn thành Phật, tu ngàn kiếp chưa chắc đạt được. Nguyệt san Y Tế tại Hoa Kỳ tháng 10 năm 2006 có trích đoạn trong cuốn sách “Vén Bức Màn Bên Kia Cõi Chết” của tác giả Lê Bảo Kỳ, chuyện “Con rận trong áo cà sa” :

Một vị Tỳ Kheo viên tịch. Chiếc áo được tặng cho vị Tỳ Kheo khác. Khi ngồi nghe Phật thuyết pháp, Phật nói rằng : “Trong bâu áo cà sa của thầy đang mặc ở phần vai, có con rận trong đó…” Vị Tỳ Kheo mở áo ra coi, quả nhiên thấy con rận.

Phật nói : “Thầy hãy bảo vệ con rận đó được sống cho đến khi nào nó được thoát kiếp”.

Phật nói tiếp : “Con rận đó chính là Tỳ Kheo đã viên tịch hóa sinh thành con rận, do cái tâm còn luyến ái cái áo cà sa mới, nên làm thân con rận để giữ cái áo cà sa”.

Tỳ Kheo đã tu theo Phật cả đời mong diệt dục để thành Phật. Thế mà chỉ “muốn giữ chiếc áo cà sa mình thích (vẫn còn lòng dục)” sau khi tịch, chuyển kiếp thành con rận ở trong áo cà sa.

Vậy thì làm sao có một lý tưởng cao hướng thượng để con người có đời đáng sống đây !

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Hầu hết các lý tưởng “bất khả đạt” và ham muốn vật chất thấp kém, cũng như những triết lý, lý tưởng cao siêu, do con người nghĩ ra, trong đời làm cho người ta “cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không” (Rô-ma 1:21), khiến con người hoang tưởng về đời đáng sống hay không.

Sau khi tin nhận Chúa, con cái Chúa chúng ta đã được Đức Thánh Linh đặt để trong lòng bông trái Thánh Linh như Kinh Thánh ghi : “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Lòng yêu thương là điều quan trọng hơn cả.

Con cái Chúa chân chính thấm nhuần Lời Chúa cảm nhận được tình yêu tha nhân bằng tấm lòng chân thật và hành động nhanh chóng, vì đó là bằng chứng cụ thể chứng tỏ chúng ta phát xuất từ Đức Chúa Trời, Đấng có bản thể là tình yêu, Kinh Thánh ghi : “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:8). Và chính tấm lòng chân thật và hành động nhanh chóng chúng ta đã làm, khiến trong niềm tin của chúng ta có một số yếu tố để làm lành, tránh giữ, vì “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạochẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữchẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Cuộc sống của con cái Chúa chân chính có lòng bình an, sự vui mừng và có niềm hy vọng được cứu rỗi lúc qua đời. Và đó là một đời đáng sống trên bước đường theo Chúa.

Mời nghe nhạc Giáng Sinh

Nhân mùa Giáng Sinh 2020, thân mời quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa nghe những bản nhạc Giáng Sinh dành cho những người tin Chúa. Xin bấm vào link sau đây để bắt đầu nghe :

https://www.youtube.com/watch?v=w5ftBUvToBk

Cám ơn quý vị và quý anh chị con cái Chúa.