Chân thật trong giao tiếp không phải là loại “ruột để ngoài da”, phô ra bằng hết mới là chân thật. Chân thật đó, nhưng chúng ta không thể nói ra khía cạnh nào của một sự thật mà có thể đưa đến những hậu quả tai hại. Chúng ta cần nhậy cảm để cân nhắc nhanh có nên nói thật hay im lặng  và chờ “khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

Sự hiểu biết kèm theo nhậy cảm có thể coi như là dầu nhớt làm cho guồng máy giao tiếp chạy êm ái.

Lần đầu tiên chúng ta giao tiếp với ai, tự nhiên cái bề ngoài đến với chúng ta trước, rồi lời nói và cách ứng xử cho ta ngay về người đó tích cực hay tiêu cực. Sự nhậy cảm giúp chúng ta nhận thức đúng được tầm quan trọng của vấn đề khó biết rõ ràng trong hành vi cũng như ứng xử của mỗi cá nhân.

Giao tiếp lâu ngày tùy theo mức độ thân sơ, sự nhậy cảm giúp chúng ta nhận biết người chúng ta đang giao tiếp có những vấn đề không muốn ai biết, và không muốn đề cập tới. Bất cứ ai cũng là “người của hoàn cảnh” nên có những vấn đề như vậy.

Cái nhậy cảm giúp chúng ta nhận biết những tình tiết của một hành động tai hại sắp diễn ra, hầu chúng ta biết cách cứu không để việc đó xẩy ra. Nhậy cảm này được hỗ trợ bởi khéo léo để chúng ta.

Án Tử đã nhậy cảm và khéo léo trong việc can gián vua Cảnh Công. Vua Cảnh Công có một con ngựa quí giao cho một người nuôi. Một hôm con ngựa lăn ra chết. Vua giận lắm truyền giết người nuôi ngựa. Án Tử khéo léo tâu rằng : Tên phạm tội này chưa biết rõ tội mà chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua mà kể rõ tội nó. Án Tử bèn kể tội :

- Nhà ngươi có ba đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa quý của vua là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe biết ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua. Ngươi làm chết một con ngựa mà để cho đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng, là ba tội thật đáng chết, ngươi đã biết chưa.

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng :

- Thôi tha cho nó ! Kẻo ta mang tiếng bất nhân.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cái chân thật kèm theo sự khéo léo, bén nhậy cho con cái Chúa chúng ta phương thức ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, với môi trường cụ thể, hầu thi thố việc làm lành tốt đẹp hơn. Thánh Phao-lô đã có sự chân thật này, ông tâm sự : “Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào” (I Cô-rinh-tô 9:22). Nếu Thánh Phao-lô luôn tỏ ra mình là vị “thánh sống” giữa đám người phàm phu tục tử thì còn ai dám lại gần mà giao tiếp. Cái chân thật kèm theo sự khéo léo, bén nhậy để hòa đồng hầu đem người chưa biết Chúa về đầu phục Ngài để được “cứu rỗi”, một việc làm lành, mà con cái Chúa chúng ta mong ước và “gắng hết sức” (II Phi-e-rơ 1:5) thực hiện.

Cái chân thật kèm theo sự khéo léo, bén nhậy trong giao tiếp buộc chúng ta phải có thái độ hòa nhã. Chúng ta dễ hòa nhã khi thuận ý, nhưng khi nghịch ý mà vẫn giữ được hòa nhã không dễ. Giữ được hòa nhã phải là người điềm tĩnh. Cụ Phan Khôi đã tỏ ra hòa nhã, điềm tĩnh qua mấy câu thơ :

Làm sao cũng chẳng làm sao       Dẫu có thế nào cũ chẳng làm chi

Làm chi cũng chẳng làm chi         Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao

Sống hòa thuận vẫn là ước vọng từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhưng trong thời buổi này mấy ai được sống hòa thuận, an hòa từ cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.

Trong gia đình, sống không hòa thuận thì đổ tội cho “khắc khẩu”. Nói với nhau vài câu, bàn với nhau một vấn đề là có chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh khơi ngòi. Tình trạng này xẩy ra chỉ vì thiếu hiểu biết xâu xa về tính tình, và ước mong của nhau, thiếu tinh thần tìm cho được hòa thuận.

Trong xã hội, thời xa xưa, con người có thể “chọn bạn mà chơi”, nhưng thời, nhưng thời nay chúng ta vẫn phải “chơi” hay giao tiếp với những người chúng ta không “chọn”. Có những người chúng ta không thể né tránh tiếp xúc, quan hệ với họ trong công việc, trong các hội đoàn. Đa số sự giao tiếp loại này thường có sự tiềm tàng nghịch ý, chống đối. Sự chống đối được nhận diện bởi nặng lời, bất đồng ý kiến tạo ra ngăn cách, không hợp tác, chê bai, gièm pha và đôi khi xuyên tạc. Thế là bất hòa từ trong tư tưởng đến hành động.

Với những người hay “chống đối” có khi chỉ vì một mặc cảm nào đó hay muốn tỏ ra hơn người mà quên đi thực chất của mình thì chúng ta nên tạm áp dụng “kính nhi viễn chi” - cung kính mà lánh xa. Lánh xa không có nghĩa cắt đứt giao tiếp, nhưng tránh kết nối thường xuyên không cần thiết.

Có người mở miệng là “đốp chát” không giữ ý tứ chỉ vì cái tính “tự cao” nói ngay, nói trắng trợn để “áp đảo” người khác, chúng ta vẫn giữ an hòa khi khéo léo không chấp cái “tự cao” của đối phương.

Chúng ta vẫn chơi được với người “hứa cuội” vì thông cảm cái thói quen “trăm voi không được bát nước sáo”. Chúng ta vẫn giữ được hòa thuận với người luôn thất hứa chỉ vì chúng ta bén nhậy không quan tâm đến lời hứa của những người đó.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta tìm hòa thuận trong giao tiếp với nhau buộc chúng ta phải chân thật với hiểu biết, khéo léo, bén nhậy để sẵn sàng chấp nhận cá tính của nhau. Với những người mà đời cho rằng chẳng ra gì, chúng ta vẫn giữ được hòa thuận an bình trong giao tiếp như lời Kinh Thánh dậy : “anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp anh em” (Rô-ma 15:7). Chúng ta là những con người tội lỗi, thế mà Chúa Jesus - “Đấng Christ” đã bằng lòng tiếp chúng ta với lòng yêu thương không điều kiện. Ngài đem cho chúng ta sự bình an. Chúng ta được đi theo Ngài trong hòa thuận an bình vì Ngài cảm thông con người chúng ta như lời Kinh Thánh xác định : “Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê-bơ-rơ 2:17-18).

Và cái chân thật kèm theo sự khéo léo, bén nhậy cho con cái Chúa chúng ta phương thức ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, với môi trường cụ thể, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị tin chắc rằng chúng ta sẽ có sự hiệp một trong Hội Thánh Chúa trong mọi công việc Chúa giao phó, nhất là đem người chưa tin về đầu phục Ngài và để thi thố việc làm lành tốt đẹp hơn.