Người trong thế gian, suy nghĩ hai chữ thế gian, người ta chợt nghĩ : người trong trần “thế” đều có gì đó “gian” dối.

Dối trá là một căn bệnh thời đại. Xưa kia, người ta sống chung với nhau trong xóm, trong làng qua nhiều đời, biết rõ nhau thì dối trá hơi khó. Ngày nay, nơi thành thị, kẻ đến kẻ đi chẳng ai biết ai nên dễ dối trá lắm. Ngay trong cộng đồng người Việt, gặp nhau nơi xứ người, chẳng ai biết ai, “lý lịch” ai cũng học cao kinh nghiệm rộng cả.

Dối trá thiên hình vạn trạng. Trong lời nói, các nhà nghiên cứu cho biết :

- Vào khoảng 14%  lời nói “dối trắng” vô hại, chỉ vì tế nhị trong xã giao thân thiết, mong cho người trước mặt được vui. Hai bà lâu ngày gặp nhau, khen nhau trẻ, đẹp…như xưa, là cả hai cùng cười thoải mái. Những lời nói “dối trắng” thường có nhiều trong tình yêu. Bước vào tình yêu, người ta tự dối mình trước hết. Phải biết “bối rối” trưới người đẹp; phải biết e-ấp, thẹn thùng trưới ai đó đang dõi mắt nhìn theo. Nôn nóng gặp mặt người yêu nhưng vấn cố tình nhởn nhơ trễ năm mười phút cho chàng thẫn thờ. Lại còn có vài chàng ngóng chờ nhưng lại lẩm bẩm : “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”, “Trong héo ngoài tươi”. Bước vào đời sống gia đình, vợ chồng chỉ mong thành thật với nhau, nhưng dễ gì. Vợ chồng thường chấp nhận dối “trắng”, không cần đóng kịch đã coi như hạnh phúc.

- Khoảng 41 % lời dối trá chỉ cốt che đậy sự sai trái của mình. Chàng ra khỏi sở, gặp ngay người bạn thân rủ nhau vào quán tâm sự. Bụng no, trễ giờ, vừa về đến nhà thấy bữa cơm đã dọn ra, nàng chưa kịp hỏi lý do về trễ, chàng đã mặt mày nhăn nhó : “Cho anh đi nằm một chút, vừa tan sở, tự nhiên nổi cơn đau bụng lại muốn đi cầu, đi hai ba lần vẫn chưa hết đau, phải chờ bớt đau một chút mới dám lái xe về. Rồi chàng đi thẳng vào phòng nằm nghỉ”, nàng khép cửa phòng, bước về phòng ăn lặng lẽ đợi, chàng mỉm cười tự phục (sự dối trá) mình. Những người dối trá loại này lâu ngày thường có sự tự tin, tự hào về thông minh và lanh lợi của mình. Rồi tiếp theo là cố gắng qua mặt được nhiều người, càng lừa dối được số đông, càng chứng tỏ bản lãnh dối trá che đậy sự sai trái của mình. Tới một thời điểm nào đó, sự dối trá loại này dẫn đến bước tội lỗi không lường được của loại gian dối.

- Còn lại khoảng 45% là khoe khoang, khoác lác để người ta nể phục, nào là bóp méo sự thật hay thêu dệt một vấn đề cho hấp dẫn, hoặc tạo thêm giá trị nào đó, lợi lộc vật chất cho mình : “Tài vật nhờ dùng lưỡi dối gạt mà được” (Châm-ngôn 21:6). Chắc đôi lúc quý vị độc giả chưa phải là Cơ Đốc nhân, và con cái Chúa chúng ta giật mình tự hỏi : Làm sao mà nhiều kịch sĩ làm hại trần gian vậy nhỉ ? Người dối trá giỏi là kịch sĩ tội lỗi.

Các nhà tâm lý rất quan tâm đến sự dối trá và nhận ra : Ở thời đại này, “dối trá để sinh tồn và đôi cần dối trá để thành công”. Dối trá đã trở nên một phần trong cuộc sống.

Trong trần thế, bởi nhu cầu dối trá mà sự thật không còn cần thiết. Đôi lúc người có bệnh nan y “sợ sự thật”, nhân viên sợ “nói thật (về khả năng yếu kém của cấp trên) mất lòng”, vì mất lòng cấp trên thì chưa biết chừng mất viêc, không tăng lương hoặc bị “dìm” lúc nào không hay. “Sự thật mất lòng” là vậy.

Có nhà nghiên cứu về cười ở Hoa Kỳ đã xếp hạng “Smirk-cười giả dối” là loại cười người ta dùng nhiều nhất. Con người thời đại này sống dối, nói dối, làm dối, đến cười cũng dối luôn, chỉ vì sau khi phạm tội, “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa” (Giê-rê-mi 17:9). Con người sống dối, nói dối, làm dối, đến cười cũng dối luôn, chỉ vì con người đang ở dưới sự hướng dẫn của sa-tan và ma quỉ. Đặc tính của Sa-tan và ma quỉ là dối trá, “Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối” (Giăng 8:44). Vậy nên Sa-tan và ma quỉ đang cố gắng kéo nhân loại “đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài chịu (được) dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng khen ngợi đời đời! A-men” (Rô-ma 1:25).

Hai lãnh vực gian dối chuyên nghiệp là quảng cáo và tuyên truyền. Trong trần thế, con người vẫn thường mong ước được sống trong xã hội có “Chân, Thiện, Mỹ - Chân đứng đầu”. Người ta quý chân tình, người ta tìm chân lý. Trong giao tế, chân thật dễ nối kết và chân giá trị được thể hiện. Tất cả “chân” đều đáng quý, đáng trọng, kể cả “chân tu”, duy có một thứ là “chân tướng”, người ta thường dấu kỹ để khỏi lòi sự “gian dối” của mình.

Trong lãnh vực tâm linh, tôn giáo, dối trá cũng chẳng từ. Dối trá đã tạo nên những con người buôn thần, bán thánh.

Tại các quốc gia Á Châu, người ta thấy các ngôi chùa, đền thờ, miếu được sơn sửa thật nguy nga, có tiền vào cửa, tiền cúng giường, tại đây có bán đủ thứ, nào hương, nào trái cây đắt giá, nào bùa, nào lộc để tín đồ mua, rồi cúng vái. Sau đó trái cây đôi khi vứt cho khỉ để mua vui cho khách du lịch. Thậm có những ngôi chùa có các nhà sư giả dạng đứng ngoài cổng chùa, vẫy mời khách đi ngang qua vào chùa. Có những con người lợi dụng gian dối môi trường tôn giáo để làm tiền, hơn là dậy dỗ giáo lý của tôn giáo, còn tín đồ gian dối lợi dụng môi trường tôn giáo để quảng cáo, để làm tiền, thay vì học giáo lý để có suy tư và hành động hướng thượng, làm cho xã hội có “Chân, Thiện, Mỹ”.

Trong đạo Chúa, cũng có hiện tượng này.

Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã phán về những tiên tri giả như sau “Ấy là những lời nói dối, mà các tiên tri đó nhân danh ta truyền ra. Ta chẳng từng sai họ đi, chẳng từng truyền lịnh và chẳng từng phán cùng họ. Họ nói tiên tri đó là theo những sự hiện thấy giả dối, sự bói khoa, sự hư không, và sự lừa gạt bởi lòng riêng mình” (Giê-rê-mi 14:14).

Trong thời Tân Ước, Lời Kinh Thánh cho biết trong thời cuối cùng, sẽ có những tiên tri giả (mục sư giả), giáo sư giả (Chú giải 1) “có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả (Bản Anh Ngữ - false teachers) trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình” (II Phi-e-rơ 2:1).  Chúa Jêsus đã nói đến sự dối trá của những “thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình” (Ma-thi-ơ 23:13). “Giả hình” là không thật, dối trá vì họ “họ nói mà không làm” (Ma-thi-ơ 23:3). Loại giả này rất tinh vi như “chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (II Cô-rinh-tô 11:44).

Kinh Thánh đã nói đến loại “giả” này : “Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh (dối trá) dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô-ma 16:18). Con cái Chúa chúng ta hãy cẩn thận, “đừng để cho ai lấy lời giả trá phỉnh dỗ” (Ê-phê-sô 5:6). Con cái Chúa chúng ta hãy chăm chỉ đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh, “để xét lời giảng (của các vị rao giảng Tin Lành) có thật chăng” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11), có hiệp với Kinh Thánh chăng.

Như vậy tìm đâu ra chân thật và làm sao tạo được tấm lòng chân thật  ? Chân thật trong giao tiếp không thuộc loại “ruột để ngoài da”, phô ra bằng hết mới là chân thật. Chúng ta vẫn biết “thật thà là cha kẻ dại”, tất nhiên chúng ta chẳng phải là “kẻ dại”, song vẫn biết tỏ ra chân thật. Chân thật gồm thái độ mong muốn tìm ra điểm tốt của những người mình giao tiếp. Chân thật cũng gồm thái độ bớt nghĩ xấu,bớt nói xấu người khác, thái độ này đã khiến ta vượn tới tấm lòng chân thật phải có, khiến người mình giao tiếp có thể tin cậy mình được. Với tấm lòng chân thật, chúng ta có thể tiếp nhận thiện chí của người khác.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sự gian dối thường dẫn đến bước tội lỗi không lường được. Cùng nhau con cái Chúa chúng ta với tấm lòng khiêm nhường, với sự cảm thông, nhắn nhủ nhau từ bỏ sự gian dối đưa đến tội lỗi và tìm đến sự chân thật trong sự giao tiếp với nhau.

Với tấm lòng chân thật mà anh chị em trong Chúa dành cho nhau, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị tin chắc rằng chúng ta sẽ hoàn thành những công việc Chúa giao phó một cách trọn vẹn.

Chú giải

Chú giải 1. Giáo sư là người giảng Tin Lành. Vì số tiên tri (apostle), nhà truyền giảng (evangelist), mục sư (pastor), vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cấp bách cứu vớt tội nhân, nên Đức Thánh Linh phải ban ân tứ giáo sư (teacher) cho những con cái Chúa trung tín học, suy gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh, sẵn sàng hết lòng làm tròn phận sự cá nhân chứng đạo giảng giải Tin lành cho nhân thế. Đó là chức năng được Chúa giao phó.

Vài lời tâm tình

Ngày nhớ ơn Cha đã qua được hơn một tháng, ngồi hồi tưởng lại cuộc đời của Cha mình, lòng không khỏi bồi hồi, bâng khuâng. Cha tôi từ thủa thanh niên đến năm 1950, ông đã theo tiếng gọi toàn dân chống thực dân Pháp, chống phát xít Nhật, ra nhập hàng ngũ kháng chiến. Và cứ thế lôi mẹ tôi, chúng tôi các con, di cư từ Hà Nội, qua Ninh Bình, đến Thanh Hóa, trải qua bao gian nan cơ cực. Mẹ tôi đã phải đi kiếm ăn cho các con bằng đủ nghề, y tá chích dạo, buôn gạo, ngũ cốc, và rau trái, thay Cha tôi lo việc học hành của các con. Bà Ngoại tôi chăm sóc việc cơm nước, quần áo cho các cháu. Mẹ tôi đã thay thế cho Cha tôi, lo cho các con. Nhân ngày nhớ ơn Cha, tôi một ông già gần 78, đầu đã bạc mầu, chỉ biết dâng lên Cha mình, Mẹ hiền mình một cành hoa trắng với lòng cảm tạ.

Cha là bóng mát giữa trời            Cha là điểm tựa trên đời của con

Con dù lớn vẫn là con của Mẹ      Suốt giòng đời lòng mẹ vẫn theo con