Chữ “ghen ghét” bản tiếng Anh là “envies”, có thể dịch là ghen ghét, đố kị. Đố kị mang ý nghĩa là ghen ghét, tìm cách triệt hạ người mình ghen ghét.

Có lẽ con cái Chúa chúng ta nói đến yêu thương nhiều nhất. Nào yêu Chúa, yêu Hội Thánh, yêu anh chị em trong Chúa, yêu đồng bào, yêu người đang bị hư mất v.v. Nói đến yêu thương ai cũng nói được, nhưng có một vài con cái Chúa đôi khi mạnh miệng phê phán sự yêu thương, cùng các việc làm lành của người khác với cả tấm lòng “ghen ghét”, đôi lúc còn muốn đối tượng biến đi cho khuất mắt, để mình khỏi bận tâm bất ổn.

Ở Việt Nam Nam sau năm 1975, có một vị đã du học tại Nhật Bản, trở về nước để phục vụ quê hương (?) được đàn em kính trọng, nể vì. Vị này là con cái Chúa Công Giáo (Ki-tô Giáo). Sau bao nhiêu năm cư ngụ và làm ăn ở quê nhà, vị này trở nên giàu sang, con cái đều có cơ sở kinh doanh cả, và được nhiều người biết đến như một gia đình thành công. Bỗng trong một Facebook, ông đã bênh vực cho những gì không đạo đức, rằng “phải bỏ đi sự hận thù, ghét bỏ những công chức đang phục vụ quê hương ở trong nước. Họ không có ăn hối lộ, nhưng những người làm ăn đã thông cảm với họ và bằng lòng phân bối lại một phần lợi tức cho họ, để họ đủ sống.”.  Một cậu đàn em đã thẳng thắn đáp lễ trả lời trên Facebook rằng lới nói của vị này không mang tính chất ngay thẳng chín chắn, vì “hối lộ là hối lộ” “tham nhũng là tham nhũng” “bẩn thỉu là bẩn thỉu”, làm gì có chuyện thông cảm và phân bối lại một phần lợi tức qua các thủ tục hành chánh trong thương trường, mà có lẽ ông là một trong những “người làm ăn”. Theo nhận xét của những cậu đàn em thì tại thời điểm đó, ở hải ngoại hay ở trong nước, những người nêu vấn đề tham nhũng chẳng hề mang hận thù, ghét bỏ, chẳng ai có lời nói hay hành động nào tàn độc để hại người công chức, cán bộ, quan chức nhà nước, nhưng chỉ có những lời ngay thẳng yêu cầu bất cứ người phục vụ chuyện công nào đi nữa,  hãy nghĩ tới dân, làm điều chính trực, không tham nhũng, không hối lộ dưới bất cứ hình thức nào, xảo thuật nào, và những vị nào làm chuyện này hãy thức tỉnh, không làm chuyện sai trái nữa. Thế là phe đồng ý với lối suy nghĩ của vị nọ bắt đầu trả đũa phe không đồng ý, gán cho phe không đồng ý là một phần của các thế lực thù nghịch với nhân dân Việt Nam cố tình bôi nhọ quan chức nhà nước Việt Nam, và kết luận bằng một câu : “Coi chừng bọn chúng đó”. Vì bị nhục, lòng bực tức, oán ghét như bốc cháy trong phe bênh vực làm điều sai mà muốn được hiểu và giải thích tốt. Rồi người viết qua, kẻ viết lại, dùng lời lẽ kiểu xỏ xiên có, lời bậy bạ có. Tội nghiệp cho con cháu Lạc Hồng kiểu này, hễ ai không chịu cúi đầu như trừu non trước quyền lực, hoặc làm ngơ trước những sai trái của họ, thì tức khắc bị họ vu khống, bôi nhọ cho bõ “ghét”. Thấy tình thế không gỡ nổi, tôi đành yêu cầu ông owner của facebook “xóa tên” tôi khỏi danh sách những người nhận message từ facebook đó. Đa số người thế tục thường như vậy, học thức cao hay thấp, chắc cũng chẳng khác nhau mấy. Ít lâu sau, cậu đàn em nọ về nước để sống, cùng một số người quen thiết lập một Facebook yêu nước. Cậu đàn em này đã bị ngồi khám vì “tội chống phá nhà nước”. Vị đàn anh này có “thế lực” và đã từng được anh em sinh viên du học Nhật giúp đỡ lúc bị chính phủ Việt Nam Cộng Hòa gọi về đi lính vì vị này ở trong phong trào phản đối quân đội Hoa Kỳ tàn sát dân thường tại Sơn Mỹ, Mỹ Lai. Mặc dầu vậy, vị đàn anh này chẳng thèm “cứu” cậu đàn em, phải chăng vì “ghen ghét, đố kị”, ghen ghét và đố kị vì thấy cậu đàn em đã nổi tiếng, với tính tình ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy, trong giới du học trước năm 1975, mà mình lại đeo tiếng xấu là gió chiều nào theo chiều đó khi đụng tới vật chất, danh vọng, trở thành người dâng hối lộ cho bọn tham nhũng một cách trơ trẽn.

Trong thời Cựu Ước xa xưa, con cái Chúa chúng ta được chứng kiến trong Kinh Thánh có ghi lại chuyện vua Sau-lơ ganh ghét, rồi sinh ra ý định giết Đa-vít như sau.

Vua Sau-lơ đối diện với tướng khổng lồ Gô-li-át trong hàng ngũ quân thù Phi-li-tin, cúi đầu, hổ nhục nghe lời thách thức cao ngạo của Gô-li-át. Đa-vít, chàng trai trẻ anh dũng thề quyết diệt Gô-li-át, rửa nhục cho một dân tộc đã được Đức Chúa Trời chọn làm tuyển dân của Ngài, và nhất là làm sáng danh Chúa. Vua Sau-lơ chắc thở phào mừng rỡ  “Sau-lơ lấy áo chiến mình mặc cho Đa-vít, đội cái mão đồng lên đầu người, và mặc áo giáp cho người. Đa-vít đeo gươm của Sau-lơ ở trên áo chiến”  (I Sa-mu-ên 17:38-39). Vua Sau-lơ yêu thương Đa-vít, võ trang cho Đa-vít với chính khí giới của mình. Thương nhau, giúp nhau, bổ khuyết cho nhau chỉ vì cùng có chung một mục đích, đó là “chiến thắng Gô-li-át, chiến thắng quân Phi-li-tin, giải cứu dân tộc”.

Đa-vít đã thắng Gô-li-át, không bằng võ khí của vua Sau-lơ, song bằng Thần-quyền của Đức Chúa Trời cùng với sở trường của chàng. Chàng : “trở về cùng đạo binh, thì những người nữ của các thành Y-sơ-ra-ên đi ra đón Sau-lơ, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng. Những người múa đối đáp nhau rằng: Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn! Sau-lơ lấy làm giận lắm, và các lời nầy không đẹp lòng người. Người nói: Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi! Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận (vì ghen ghét đố kị)” (I Sa-mu-ên 18:6-9).

Sau khi đã chiến thắng quân Phi-li-tin, vua Sau-lơ bắt đầu nghĩ đến bảo vệ ngôi vua của mình, và lòng ganh ghét đố kị bộc phát, sự tức giận ăn vào tâm của vua Sau-lơ, và vua Sau-lơ đã quên đi ngay cả ý chỉ của Đức Chúa Trời, quyết tâm giết người con trai anh hùng Đa-vít, người thành tâm tin cậy và vâng lời Chúa rửa nhục cho dân tộc đã được Đức Chúa Trời chọn làm tuyển dân của Ngài, đã là làm sáng danh Chúa.

Ghen ghét, đố kị” là hạt giống dại, nhưng rất dễ nẩy nở trong bất cứ môi trường nào. Lắm người dường như có cả một kho “ghen ghét”, sẵn sàng phân phát bất kể lạ quen. Vừa thấy mặt là phát ghét, mới nghe nói là phát ghét, thấy người ta tươi cười cũng phát ghét. Thấy ai giỏi hơn mình, khá hơn mình, may mắn hơn mình thì cảm thấy bất ổn, tình cảm “ghen ghét, đố kị” nẩy sinh trong lòng. Cái xấu xa của người đời hơi có danh là muốn người khác giống mình. Hễ không giống mình, không hòa hợp hình sắc, tư tưởng, thế lợi là ghét. Nhất là người không giống mình có vẻ trội hơn mình, là lòng “ghen ghét, đố kị” biến thành những lời nói chua như giấm, sắc như dao để hủy hoại thanh danh người đó cho bõ ghét.

Mời quý độc giả chọn một người mình ghét cay ghét đắng, giơ tay sỉa sói, chỉ trích, mắng nhiếc. Rồi xin quý vị giữ yên vị thế và bàn tay quý vị. Ngón tay chỏ chỉ người, ba ngón kia chỉ … mình, và ngón cái trỏ đất. Chỉ người một, chỉ mình tớt ba. Chúng ta cũng đáng ghét … tới ba lần.

Con cái Chúa phải chết về “ghen ghét”. Kinh Thánh lên án Cơ Đốc nhân rằng : “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người; anh em biết rằng chẳng một kẻ nào giết người có sự sống đời đời ở trong mình” (I Giăng 3:15). Đức Chúa Jêsus không muốn tương giao với người theo Ngài có lòng “ghen ghét”, Ngài dậy : “Nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24), và Ngài cũng dậy vì “ghen ghét” nẩy sinh lời nói dối : “Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20).

Chúng ta những con cái Chúa chân chính, con cái Đức Chúa Trời đầy lòng yêu thương, chắc chắn chúng ta không muốn là kẻ sát nhân, là người quờ quạng, quay cuồng trong bóng tối, khiến Hội Thánh Chúa không hiệp một. Sự đố kị có lâu thường khiến con cái Chúa trong Hội Thánh biết không đầy đủ, rõ ràng. Thế rồi tiếp tục suy đoán và phóng đại theo ý mình lúc nào không hay. Hậu quả là có sự chia rẽ trong Hội Thánh Chúa, làm suy yếu Hội Thánh Chúa. Tất cả những tác động xấu trên khiến “ghen ghét, đố kị” là một tội lỗi mà con cái Chúa tiếp tục thản nhiên vi phạm, kèm theo việc không có sự ăn năn chân thật, vị này sẽ “không được hưởng nước Đức Chúa Trời”, như Lời Chúa trong Kinh Thánh ghi : “Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét (đố kị), buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.” (Ga-la-ti 5 : 19-21).

Con cái Chúa chúng ta thường đã bị “người đời ghét (ghen ghét, đố kị)” (Giăng 15:18), thế đã quá đủ. Chúng ta không cần “ghen ghét (đố kị)” nhau thêm nữa.

Muốn “ghen ghét”, đừng tìm đối tượng đâu xa. Chính mình đấy. Trong chúng ta có những điều đáng ghét như Pascal nhận định : “Cái tôi đáng ghét”, và đôi khi chúng ta còn “làm điều mình ghét” (Rô-ma 7:15).

Một nhà tâm lý học người Hoa Kỳ đã nói một câu rất phù hợp sự dậy dỗ trong Kinh Thánh : “Chỉ có một thứ thù ghét đem lại sự bình an, đó là thù ghét bản ngã xấu xa của mình”. Chúng ta phải chết về “ghen ghét” với anh em mình rồi hãy nói yêu thương.

Con cái Chúa chân chính chúng ta phải chết về “ghen ghét” với người nhất là anh chị em trong Chúa, nhưng không được chết về “ghét” về những điều Chúa ghét.

Chúa khen các Cơ Đốc nhân ở Hội Thánh Ê-phê-sô vì cái “ghét” của họ đúng và làm đẹp lòng Ngài : “Song các ngươi có điều nầy khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Ni-cô-la, mà ta, ta cũng ghét nữa” (Khải-huyền 2:6).

Cơ-Đốc nhân phải ghét điều Chúa ghét : “Ta gớm ghiếc (ghét) sự kiêu ngạo…” (A-mốt 6:8), “Chúa…ghét điều gian ác” (Hê-bơ-rơ 1:9), và phải nhớ “làm ơn cho kẻ ghét mình” (Lu-ca 6:27).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ghen ghét, đố kị” như cỏ dại ăn hết chất mầu của vườn hoa yêu thương. “Ghen ghét, đố kị” ngược với yêu thương, nó như tấm màn dầy đặc bao phủ những tính tốt khiến chúng ta không làm trọn được những việc lành do Đức Thánh Linh đặt trong lòng chúng ta : “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Con cái Chúa chân chính chúng ta muốn giữ được lòng yêu thương, phải chết về tính xác thịt “ghen ghét”, phải loại bỏ “ghen ghét, đố kị” trong đời sống theo Chúa.