Chữ “tranh đấu” nguyên bản tiếng Hi-lạp (Greek) là “eris”, có thể dịch là tranh đấu hay sung đột, tranh cạnh hay cãi cọ, tranh biện đưa đến bất hòa.

Con cái Chúa tại Hội Thánh Cô-rinh-tô ở thế kỷ thứ nhất đã sống theo bản tính “xác thịt”. Thánh Phao-lô viết thư cho họ và khuyến cáo họ về tình trạng “xác thịt” của những người Cơ Đốc này như sau “Tôi còn e rằng trong các anh em có những điều rầy rà, ghen ghét, nóng giận, bất hòa (eris) ….”  (II Cô-rinh-tô 12:20).

Trong tập sách bồi linh xuất bản ở Hoa Kỳ, một vị Mục Sư đã viết như sau ““Cơ Đốc nhân không cần khoe. Quý vị cười tôi phải không. Mục Sư cũng khoe đấy chứ. Viết được cuốn sách nào, ai khen là đăng ngay lời khen lên tờ Á. S. trong mục Nhận Định, trong mục Tâm Tình. Như vậy không khoe là gì? (Vị Mục Sư trả lời) Đăng lời Nhận Định, đăng lời Tâm Tình không khoe nhưng có chút “hãnh diện” trong đó. “Hãnh diện” vì “ công khó… chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58). Khoe khoang thường ồn ào, hãnh diện thường trầm lặng. Khoe khoang mong người biết, hãnh diện tự mình biết.””. Tới đây tôi tin rằng có thể vị Mục Sư đưa ra câu trả lời đứng đắn, mặc dầu nó không thể hoàn toàn thuyết phục người viết lời chỉ trích theo kiểu thế tục.

Sau đó vị Mục Sư này còn viết ý kiến mình về một số Mục Sư có liên hệ tới việc về Việt Nam truyền giảng để “đáp lễ” một số Mục Sư nào đó đã chỉ trích mình như sau : ““Một số quý vị “đầy tớ Chúa” về Việt Nam với một số tiền quyên góp của con cái Chúa. “Đầy tớ Chúa” rất “hãnh diện” thấy mình “đầy ơn”, “đầy tiền” được một vài Hội Thánh đón mời nồng nhiệt. Máy chụp hình bấm lia, máy quay phim chạy mệt nghỉ, đem về Mỹ “khoe”  công tác, quyên góp cho chuyến tới. Còn “bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28), thì chẳng có gì để “khoe” nói chi đến hãnh diện””. Với những dòng chữ đầu mỉa mai, khích bác, vị Mục Sư này không cần biết mục đích của truyền giáo đến các Hội Thánh ở Việt Nam cũng cần thiết như việc “chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời” sở tại. Chẳng hiểu sự việc không tốt đẹp này bắt nguồn từ đâu, nhưng trong niềm tin của một con cái Chúa cao niên, tôi tin rằng đó là sự tranh cạnh hay cãi cọ, tranh biện đưa đến “bất hòa” giữa những Hội Thánh Chúa. Điều này chắc chắn không làm đẹp lòng Chúa, nhất là sự tranh cãi đó do chính một vài Mục Sư có trách nhiệm dẫn dắt Hội Thánh Chúa chủ động gây ra. Mong rằng sự việc không tốt lành này đã được giải tỏa để những tác động xấu đến Tin Lành được giới hạn tại đó.

Cộng đồng con cái Chúa tuy thờ cùng một Đấng, cùng lấy Kinh Thánh làm nền tảng cho đức tin, nhưng không phải vì vậy mà có sự hiệp nhất. Trong cộng đồng những người theo Chúa, gồm cả quý Mục Sư, thường có những bất đồng ý kiến về một số Lời Chúa trong Kinh Thánh trong một vấn đề, mà bản tính “xác thịt” dễ nổi lên khiến “bất hòa” vì “sung đột” xẩy ra. Bản tính “xác thịt” càng mạnh, thì sự “sung đột” càng quyết liệt, lý lẽ vương đạo không xong thì dùng mưu mô bá đạo là chuyện có thể xẩy ra. Đó là một tội lỗi làm Hội Thánh Chúa bị phân hóa, suy nhược và làm mất đi sự tin tưởng của những người đang đi tìm niềm tin, những người chưa phải là người Cơ Đốc. Tai hại hơn cả là những người vô thần có chứng cớ để bôi nhọ Hội Thánh Chúa và niềm tin của con cái Chúa. Hậu quả của việc thản nhiên phạm tội này, kèm theo việc không có sự ăn năn chân thật là “không được hưởng nước Đức Chúa Trời”, như Lời Chúa trong Kinh Thánh ghi : “Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.” (Ga-la-ti 5 : 19-21).

Con cái Chúa chân chính phải coi như chết về “tranh đấu”. Chết vì “tranh đấu” không có nghĩa là bỏ qua cho yên chuyện.

Người chết về “tranh đấu” thường là người hiểu biết, đồng thời có sự hiểu biết, đồng thời có sự thông cảm với người trái ý kiến với mình, trái ý đi đến “tranh đấu” đôi khi chỉ vì tình trạng ấu trĩ thuộc linh của họ. “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về tranh đấu” (I Cô-rinh-tô 13:11), người trưởng thành ít khi “tranh đấu” vì đã có kinh nghiệm đủ về thời “tranh đấu”, cái thời “dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi” (Ga-la-ti 6:3), cái thời “có tư tưởng cao quá lẽ” (Rô-ma 12:3).

Một số người có mặc cảm hoặc sự hiểu biết chẳng bao nhiêu thường hay “tranh đấu” để tỏ ra cái giá trị ta đây. Họ luôn có ý kiến ngược lại để tỏ ra với sự hiểu biết của người khác mà không cần lý cớ, vì những vị này thường tưởng rằng, ý kiến đó mình sẽ được nể vì hơn, trọng vọng hơn, và cũng với ý kiến đó mình sẽ vươn lên cho tỏ mặt với đời.

Người chết về “tranh đấu” thường là người “khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Người trưởng thành thuộc linh phải chết về “tranh đấu”, có tấm lòng độ lượng, khoan dung, học nơi Chúa tâm tình : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34).

Tranh đấu” nào cũng đưa đến cái kết cuộc chia rẽ.

Cơ Đốc nhân chân chính muốn trưởng thành phải chết về “tranh đấu”. Cho phép tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta phải cùng nhau thực hành theo lời Kinh Thánh dậy, mỗi chúng ta “phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:2-3).

Muốn chết về “tranh đấu” phải biết lắng nghe, chiều nhau. “Chiều” là tạm thời hiểu rằng có ý kiến không hợp ý mình, rồi tìm cơ hội giúp người trái ý mình nhận ra cái sai của họ, “lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1).

Con cái Chúa chết về “tranh đấu” với người thì thường biết “tranh đấu” với chính mình. “Tranh đấu” với tự ái vặt, thể diện rởm, quyền lợi vật chất hay tinh thần không chính đáng để bằng lòng chịu đựng, để “nhịn nhục”, “tranh đấu” cả với tri thức thuộc linh của mình để chấp nhận những người cùng trong Hội Thánh “Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi”, nhưng vẫn ở trong tình trạng “sơ học của lời Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 5:12). “Tranh đấu” với chính mình, “ đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục” (I Cô-rinh-tô 9:27) để hoàn thành mọi công tác Chúa giao phó.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chân chính chúng ta phải học biết chết vì “tranh đấu”, tranh cạnh, bất hòa, tranh biện cãi cọ. Chúng ta cùng nhau luôn tâm niệm : “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh” (Phi-líp 2:3). Muốn “tranh đấu”, hãy “tranh đấu” với mình để chết về “tranh đấu” với người, nhất là với anh chị em trong Chúa, cùng Hội Thánh Chúa hay khác Hội Thánh Chúa.