Người Việt mình cho rằng người có gan (Hán tự - can) to mật (Hán tự - đảm) lớn là người can đảm. Không biết có đúng không. Giới y học chưa xác định điều này. Nhưng chúng ta thấy ai can đảm đều cho người đó thuộc loại “to gan lớn mật”.

Người ta định nghĩa can đảm (courage) là sự chịu đựng ngoan cường (fortitude), là khả năng đương đầu với sợ hãi (fear), đau đớn (pain), nguy hiểm (danger) và ngay cả sự hăm dọa (intimidation) nào đó.

Có nhà tâm lý học đã khẳng định mọi đức tính của con người đều cần sự can đảm hỗ trợ. Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill trong thời đệ nhị thế chiến đã gọi can đảm là : “the first of human qualities…because it guarantees all others” – là phẩm chất đầu tiên của con người … vì nó bảo đảm mọi đức tính khác. Ngay trong tình yêu cũng đòi hỏi can đảm mới “dám yêu”.

Can đảm cũng được chia làm hai loại :

- Can đảm thể chất (physical courage) khi đối diện với đau đớn thể xác (physical pain), sự gian khổ (hardship) và đe dọa về sự chết (threat of death).

- Can đảm tinh thần (moral courage) khi đối diện với sự nhục nhã, bị phỉ báng, thóa mạ và cả sự ngã lòng.

Can đảm về thể chất có phần dễ hơn can đảm về tinh thần.

Bước vào quân trường, người quân nhân được huấn luyện can đảm tinh thần trước can đảm thể chất. Huấn luyện can đảm tinh thần bằng mấy tuần lễ đầu “huấn nhục”. Sau đó là thời gian huấn luyện can đảm thể chất, ở “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.

Bước vào trường đời, chúng ta thường lưu tâm đến can đảm thể chất trước, lo sao cho thân thể mạnh khỏe, lo hơn thì luyện tập cho thân thể cường tráng để đương đầu với ô nhiễm, với bệnh tật, với sức ép của công việc tại sở làm việc, tại nhà hầu có một cuộc sống như ý đầy đủ, rồi mạnh tay “năng nhặt chặt bị” và mạnh tay dùng tiền bạc như một “chưởng” đẩy lui lo âu, thần chết về một phía.

Bước vào trường đời, chúng ta không mấy lưu tâm đến can can đảm tinh thần. Hầu hết vợ chồng thừa can đảm thể chất để xây dựng một gia đình khá giả. Nhưng hầu hết vợ chồng đứt gánh giữa đường không thiếu can đảm thể chất, song thiếu can đảm tinh thần. Quyết định ly dị ly thân chỉ vì thiếu can đảm tinh thần – “chịu hết nổi nhau”.

Trong một cuộc tranh luận giữa hai anh chàng “đô” con, một anh múa tay, lớn tiếng nạt nộ đối phương, chắc chắn phải là người can đảm thể chất. Anh kia lại ngồi làm thinh, sắc mặt không thay đổi thì quả can đảm tinh thần có thừa. Người bàng quang chứng kiến chỉ thấy chàng ngồi im lặng thuộc loại “to xác” mà hèn. Cái can đảm tinh thần khó lộ diện, một loại can đảm “Cắn chặt răng để chịu thiệt, Đứng vững gót để làm người”.

Người can đảm tinh thần bình tĩnh nhận sự phê bình, mỉm cười trước đám dốt thiếu tri thức muốn làm thầy đời, lắng nghe kỹ trước lời phê phán khắt khe của những người giầu kiến thức có cặp mắt tinh đời.

Người can đảm tinh thần không ngại ngần nhận lỗi lầm, không một lời bào chữa, chấp nhận “mất mặt” và sẵn sàng sửa sai, bằng lòng chấp nhận những hậu quả của lầm lỗi mình gây nên.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện của người thâu thuế giàu có Xa-chê, một con người can đảm tinh thần và tâm linh, đã không ngần ngại nhận lỗi lầm tội lỗi về gian lận tiền thu thuế, bằng lòng chịu đựng những hậu quả, tại chính thời điểm ông xin tin nhận Chúa Jêsus như sau : “ Đức Chúa Jêsus vào thành Giê-ri-cô, đi ngang qua phố. Tại đó, có một người tên là Xa-chê, làm đầu bọn thâu thuế, và giàu có. Người đó tìm xem Đức Chúa Jêsus là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp. Vậy, Xa-chê chạy trước, trèo lên cây sung, để ngó thấy Đức Chúa Jêsus, vì Ngài phải đi qua đó. Đức Chúa Jêsus đến chỗ ấy, ngước mắt lên mà phán rằng: Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi. Xa-chê vội vàng xuống và mừng rước Ngài. Ai nấy thấy vậy, đều lằm bằm rằng: Người nầy vào nhà kẻ có tội (Chúa biết Xa-chê có tội, Xa-chê cũng biết điều này) mà trọ! Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư (Xa-chê ăn năn, xin đền tội và nguyện không trở lại đường cũ, Chúa biết Xa-chê có sự ăn năn chân thật). Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham. Bởi Con người (Chúa Jêsus) đã đến tìm và cứu kẻ bị mất. (Chúa bằng lòng sự tin nhận Ngài của Xa-chê)” (Lu-ca 19:2-9). Trong trần thế ngày nay, tôi chưa tìm được một gương sáng nào tương tự. Con cái Chúa chúng ta nếu lỡ phạm tội tham lam, gian lận, đừng gian lận tiếp hoặc nghĩ lòng vòng tìm cách không vứt bỏ tội lỗi mà không mất gì. Đừng làm chuyện này nữa. Vì chúng ta sẽ mất sự sống đời đời và sẽ “sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43) hay “bị quăng vào lửa địa ngục” ( Ma-thi-ơ 18:9), sau khi qua đời.

Kinh Thánh cũng ghi lại sự chịu đựng trong vui mừng của Thánh Phao-lô trước sự bắt bớ mù quáng của nhà cầm quyền. Phao-lô đã cho con cái Chúa chúng ta thấy gương can đảm thể chất, can đảm tinh thần, một niềm tin sắt đá, cùng sự khôn ngoan trong ông.

 “Một ngày kia, chúng ta đi cầu nguyện, gặp một đứa đầy tớ gái bị quỉ Phi-tôn ám vào, hay bói khoa, làm lợi lớn cho chủ nó. Nó theo Phao-lô và chúng ta, mà kêu la rằng: Những người đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, rao truyền cho các ngươi đạo cứu rỗi. Trong nhiều ngày nó cứ làm vậy, nhưng Phao-lô lấy làm cực lòng, xây lại nói cùng quỉ rằng: Ta nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ mà truyền mầy ra khỏi người đàn bà nầy. Chính giờ đó, quỉ liền ra khỏi. Song le các chủ nàng thấy mình chẳng còn trông được lợi lộc nữa, bèn bắt Phao-lô và Si-la, kéo đến nơi công sở, trước mặt các quan, rồi điệu đến các thượng quan, mà thưa rằng: Những người nầy làm rối loạn thành ta; ấy là người Giu-đa, dạy dỗ các thói tục mà chúng ta chẳng nên nhận lấy, hoặc vâng theo, vì chúng ta là người Rô-ma. Đoàn dân cũng nổi lên nghịch cùng hai người, và khi các thượng quan khiến xé áo hai người ra rồi, bèn truyền đánh đòn. Sau khi người ta đánh nhiều đòn rồi, thì bỏ vào ngục, dặn người đề lao phải canh giờ cho nghiêm nhặt. Được lịnh đó, đề lao bỏ hai người vào ngục tối và tra chân vào cùm. Lối nữa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả. Người đề lao giựt mình thức dậy, thấy các cửa ngục đều mở, tưởng tù đã trốn hết, bèn rút gươm, toan giết mình. Nhưng Phao-lô kêu người lớn tiếng rằng: Chớ làm hại mình; chúng ta đều còn cả đây. Người đề lao bèn kêu lấy đèn, chạy lại, run sợ lắm, gieo mình nơi chân Phao-lô và Si-la. Đoạn, đưa hai người ra ngoài, mà hỏi rằng: Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi? Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa. Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho; rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-tem. Đoạn, người đề lao mời hai người lên nhà mình, đặt bàn, và người với cả nhà mình đều mừng rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời. Đến sáng, thượng quan sai lính nói cùng người đề lao rằng: Hãy thả các người ấy đi. Người trình lời đó cùng Phao-lô rằng: Các thượng quan đã khiến truyền cho tôi thả các ông; vậy, hãy ra, và xin đi cho bình yên. Nhưng Phao-lô nói cùng lính rằng: Chúng ta vốn là quốc dân Rô-ma, khi chưa định tội, họ đã đánh đòn chúng ta giữa thiên hạ, rồi bỏ vào ngục; nay họ lại thả lén chúng ta ư! Điều đó không được. Chính các quan phải tới đây mà thả chúng ta mới phải! (khôn ngoan  bắt nhà cầm quyền xin lỗi). Các thượng quan nghe lính trình lại bấy nhiêu lời, biết hai người đó là người Rô-ma, thì sợ hãi. Họ bèn đến nói với hai người, thả đi, và xin lìa khỏi thành.” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:16-40).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Can đảm thể chất chúng ta cần tập luyện mới có. Can đảm tinh thần cũng phải tập luyện. Nhưng con cái Chúa chân chính dễ có can đảm tinh thần hơn khi biết “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng” (Hê-bơ-rơ 12:2-3), và cũng nhờ đó mà thêm can đảm. Con cái Chúa chúng ta cũng cần ghi lòng tạc dạ Lời Chúa Jêsus phán cùng môn đồ “ Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình (can đảm), vác thập tự giá (chịu đựng sự nhọc nhằn, cực khổ) mình mà theo ta.” (Ma-thi-ơ 16:24).

Cầu nguyện cho đại dịch đang Covid-19 chóng qua

Cảnh khổ đau của nhân loại trong đại dịch Covid-19, chúng ta không tránh được sự lo âu, khắc khoải. Mong rằng chúng ta đồng lòng cầu nguyện xin Chúa cho đại dịch chóng qua, cũng như xin Chúa ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta sống theo Ý Ngài.