ĐỜI ÊM NHƯ

TIẾNG HÁT CỦA

LỨA ĐÔI

Music notes

 

 

Đặt đứa trẻ đứng vào giữa chiếc thau nhôm cũ đến độ đã đổi màu, không còn hình tròn mà đã méo mó, cô nhẹ nhàng bảo con:

-       Con đứng đây, má đi lấy nước.

Đứa trẻ ngoan ngoãn đứng yên chờ mẹ. Cô đến bên bờ rạch nhỏ sau nhà, múc nước bằng một chiếc gáo cũng cũ mèm như chiếc thau, giòng nước mát lạnh, trong sạch, theo đường rạch nhỏ, chảy ngoằn ngèo theo với thôn làng và là nguồn nước sạch cho cả xóm, trong số ấy có gia đình cô. Tại nơi đây, cô dùng con rạch này cho việc tắm con, giặt quần áo, nước dùng cho việc nấu ăn, rửa chén ... nghĩa là tất cả những việc gì cần đến nước thì con rạch nhỏ thân yêu cung cấp đầy đủ.

Cầm gáo nước xối nhẹ nhàng trên tấm thân trần truồng, ốm tong teo của đứa bé, cô nhoẻn miệng cười khi nghe tiếng cười vang trong khoái trá của con, nó vừa đưa tay chà bụng vừa cười hăng hắc. Buổi chiều nóng nực mà được tắm nước lạnh thật sung sướng làm sao. Sau giấc ngủ trưa và sau lần tắm mát này, đứa bé sẽ đói bụng và cô bị bắt buộc phải nghĩ đến buổi cơm chiều. Còn đang suy nghĩ, hai đứa lớn trong nhà đã chạy đến bên em chúng nó:

-       Má ơi, con đói quá.

-       Ờ! Ờ! Từ từ đã con. Đợi ba về ăn luôn một lượt.

-       Dạ má. Mà chừng nào ba về ?

-       Chiều ba về. Chiều ba về.

Như yên lòng trước câu trả lời của mẹ, hai chị em lại tiếp tục chạy tung tăng, cười giỡn, rượt đuổi nhau trên miếng đất nho nhỏ bên bờ rạch. Giòng nước trong sạch, tươi mát là nguồn nước của gia đình do Chúa cung cấp, tuy nhiều nước nhưng con rạch không sâu, không sợ trẻ con bị chết chìm.

Đứa bé một tuổi, sau khi tắm xong, được đặt ngồi sau nhà nhìn anh chị của bé chạy chơi. Bé vui thích mãi mê nhìn anh chị đùa giỡn và mỗi lần anh chị nó cười rộ lên, dù chẳng hiểu đầu đuôi gì, nó cũng cất tiếng cười trong sung sướng, khoan khoái. Bây giờ, người mẹ bắt đầu chuẩn bị bữa ăn chiều. Chuẩn bị phần ăn chiều cho gia đình gồm năm người một cha, một mẹ, ba con năm tuổi, ba tuổi và một tuổi, tuy đông người nhưng sự chuẩn bị không có gì khó khăn, nhọc nhằn, phức tạp cả. Chắc chắc là mỗi buổi ăn đều có một dĩa rau luộc, những loại rau không ai trồng nhưng mọc ở bờ sông, ven rạch. Trời sanh voi, sanh cỏ. Đức Chúa Trời của gia đình cô đã cung cấp nước sạch không phải trả tiền mà có dùng hàng ngày và rau bên bờ rạch thật nhiều, thật xanh tươi, thật đầy đủ. Chỉ có gạo, cá, thịt thì phải mua thôi. Chiều nay là chiều thứ bảy, trong nhà chỉ còn hai nắm gạo, nên không thể có một nồi cơm, chỉ có thể có một nồi cháo lỏng. Đây chẳng phải là lần đầu tiên gia đình ăn cháo lỏng. Đã một năm qua, từ khi thầy nhận lời của cấp trên đến đây để lo cho đàn chiên của Chúa tại một vùng xa xôi, hẻo lánh, cứ mỗi tuần, gia đình có năm ngày cơm và hai ngày cháo. Từ thứ hai cho đến trưa thứ sáu ăn cơm, sau đó thì ăn cháo cho đến sau buổi nhóm thờ phượng sáng Chúa Nhật. Hôm nay là chiều thứ bảy, ăn cháo.

Nồi cháo vừa xong, cô nghe tiếng hai con lớn reo hò “Ba về, ba về.”

Dựng chiếc xe đạp trước cửa, thầy bước vào nhà. Gọi là nhà vì đây là tư thất dành cho gia đình Truyền Đạo Sinh chịu trách nhiệm lo cho Hội Thánh. Nhà thờ nằm trên ven lộ, cách xa chợ khoảng một cây số. Nếu nhà thờ nền đất, vách ván, lợp lá thì tư thất giống như một căn chòi nằm sau nhà thờ, cũng nền đất, lợp lá và có một chái nấu ăn, ngôn ngữ ngày hôm nay gọi là nhà bếp. Dĩ nhiên không có phòng tắm, nhà vệ sinh. Muốn xử dụng những dịch vụ này thì cứ ra bờ rạch. Phòng khách của tư thất cũng là phòng ngủ của gia đình, cũng là lớp học Trường Chúa Nhật vào mỗi sáng Chúa Nhật, tất cả thầy giáo và học trò trong lớp học đều ngồi dưới đất vì tư thất không hề có đến một cái ghế, dù một cái cũng không. Tư thất chỉ có một bộ ván gỗ đơn sơ, cũ kỹ, vừa đủ cho gia đình năm người này nằm ngủ, nhưng họ phải khéo léo nằm ngang cho đủ chỗ. Nhà thờ đã được con cái Chúa dầy công xây đắp vì trước đây nó chỉ là một miếng đất ruộng. Trên miếng ruộng ấy, một căn nhà thờ lợp lá được dựng lên. Bên trong nhà thờ, bàn ghế thật thô sơ, cũ kỹ. Con cái Chúa dù nghèo, đơn sơ, nhưng đã bày tỏ đức tin và lòng yêu mến Chúa bằng những hành động cụ thể họ có thể làm được. Họ dâng công và dâng tiền phần mười cho Chúa thật trung tín, tính theo lợi tức nhỏ bé của họ. Có những gia đình không chờ đến Chúa Nhật đầu tháng mới dâng phần mười, cứ mỗi sáng Chúa Nhật thì mang phần mười lợi tức đến dâng cho Chúa. Nhờ sự trung tín của con dân Chúa mà gia đình Truyền Đạo Sinh này cứ mỗi sáng Chúa Nhật, cô có tiền đi chợ mua gạo cho con.

Tiếng reo hò của hai đứa trẻ đón cha chúng nó vào nhà. Thầy Truyền Đạo Sinh ốm và cao, làn da sạm nắng nhưng không hề mang nét phong sương vì thầy mang dáng dóc của một nhà giáo. Gương mặt điềm đạm, hiền lành với chiếc mũi cao là điểm đặc biệt của thầy. Chỉ mới học Kinh Thánh được có tám tháng và có kinh nghiệm một năm đi hầu việc Chúa qua việc phụ tay với một Mục Sư chuyên về truyền giảng, thầy biết mình chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để chăm lo cho một Hội Thánh. Nhưng vì vị Truyền Đạo quản nhiệm của Hội Thánh này thình lình nhận lời mời của một Hội Thánh lớn tại thành phố và gia đình này lập tức dời đi nơi mới, Hội Thánh nhỏ bé phải chịu cảnh không người chăn và Ban Trị Sự Tổng Liên bổ nhiệm thầy đến đây thay thế gấp. Vâng lời cấp chỉ đạo, thầy cùng vợ con lên đường, hành lý chỉ là một cái giỏ nho nhỏ trong ấy có vài bộ quần áo cũ vá nát. Vị truyền đạo trước đây là con nhà giàu nên suốt những năm ông quản nhiệm, gia đình gởi tiền trợ giúp đầy đủ. Nên khi gia đình thầy truyền đạo sinh mới đến, nhìn gia cảnh, nhìn giỏ xách của cô, nhìn vào kiến thức Kinh Thánh và kinh nghiệm của thầy, nhiều người lắc đầu và tiên đoán rằng chắc trong một thời gian ngắn nhà thờ sẽ đóng cửa.

Nỗi lo sợ lớn nhất của thầy khi đến nhận Hội Thánh này chỉ có thầy biết, vì thầy không thổ lộ với ai. Thầy không lo sợ vì gia đình một tuần ăn cháo hai ngày, chỉ căn dặn cô đừng than thở, tâm sự cho ai biết việc này. Chúa đã chuẩn bị cho thầy một người tình vâng phục, bảo đâu nghe đó, đồng chung cảnh khổ với chồng. Thầy không lo sợ vì chiếc xe đạp cũ kỹ duy nhất của Hội Thánh đã quá cũ, nhất là cặp vỏ, ruột đã hư nhiều. Có khi đang đi đường, thầy phải dừng lại, cắt những tàu chuối khô buộc tạm để về đến nhà. Nhưng vì vậy, thầy bị mất thì giờ và sức lao động rất nhiều. Cho đến một ngày kia, Hội thánh mở cuộc lạc quyên và góp đủ tiền để mua một cặp vỏ và một cặp ruột mới. Và mái nhà thờ và tư thất lợp bằng lá dừa nước bị mục nát, mưa dột khắp nơi. Lại phải tổ chức một cuộc lạc quyên thật lớn, con dân Chúa vừa nhìn mái nhà thờ dột vừa thò tay vào túi móc tiền dâng cho Chúa.

Không! Nỗi lo sợ của thầy không nằm nơi đây. Vào mỗi sáng Chúa Nhật, ngày thánh của Chúa, thầy run sợ không biết bài giảng của mình như thế nào, có giúp con dân Chúa hiểu gì không, có thêm đức tin cho họ không, có an ủi, giục lòng họ trong cảnh sống khó khăn không, có giúp họ bình an và vui vẻ trong Chúa không, có thêm lòng yêu Chúa và yêu người trong họ không. Hội chúng thấy gì nơi thầy giảng đạo, hội chúng thấy gì nơi gia đình của thầy giảng đạo là một nỗi lo sợ khác.

Hai đứa trẻ chạy ù ra ôm chân cha chúng nó. Rồi cả ba người cùng bước vào nhà. Thầy đói lắm rồi, suốt cả ngày đạp xe đi thăm viếng để khích lệ con cái Chúa. Nhiều người ở rất xa nhà thờ, đạp xe đi thăm họ mà phải mệt. Vậy mà sáng mai, ngày Chúa Nhật, họ phải đi bộ đến nhà thờ. Đức Chúa Trời của chúng con ơi, Ngài là Đấng thấy được lòng người. Nguyện xin Ngài đẹp lòng của lễ của chúng con. Cả gia đình ngồi quây quần trên bộ ván gỗ. Cháo được dọn ra với dĩa rau luộc. Ba chén cháo của ba con là cháo đặc, hai chén cháo của vợ chồng thầy lỏng như nước. Thầy hiểu nên không nói gì. Thầy dâng lời cầu nguyện tạ ơn Chúa thật lớn tiếng, va hai đứa con lớn đồng nói “Amen” với ba mẹ. Cả gia đình bắt đầu húp cháo. Người ta vẫn nói rằng “đầu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon,” nhưng tại đây, không đầu tôm cũng chẳng ruột bầu, hai người lớn húp cháo và nhìn nhau trong yêu thương âu yếm. Thầy chẳng nói gì nhưng có những cái nhìn đã nói lên tất cả. Vợ thầy đã tất tả cả ngày để lo cho con. Thầy biết vợ mình không buồn vì phải nhọc nhằn nhưng cô không đành lòng thấy con một tuần ăn cháo hai ngày. Cô nhìn chồng, không nói gì nhưng thầy hiểu ý. Cả ngày đạp xe đi thăm viếng, chồng của cô nhọc nhằn quá. Vậy mà chiều nay chỉ có chút cháo lỏng cho đỡ lòng. Không biết sáng mai thầy lấy sức đâu mà giảng lớn tiếng cho cả hội chúng, vì nhà thờ không có máy microphone. Lại có những lúc, đang giảng dạy cho hội chúng, thấy có những người lạ đi ngang qua cửa nhà thờ, thầy lại cố giảng lớn tiếng hơn cho người bên ngoài cũng nghe được. Nên có khi sau bài giảng thì mệt nhoài.

Sau buổi cháo chiều, trong nhà nhìn ra, thầy thấy vợ mình lui cui bên bờ rạch để rửa chén và nồi. Năm cái chén với một cái nồi không phải mất thì giờ, vả lại nồi cháo lỏng nên không phải cần cạo nồi cho sạch. Cô đã cẩn thận để lại ba chén cháo lỏng cho bầy trẻ sáng ngày mai, là thức ăn sáng của chúng nó. Vợ chồng cô sáng mai chỉ uống nước, chờ sau giờ thờ phượng, có tiền dâng mới có thể chạy ra chợ. Nhìn người vợ nhỏ bé của mình, thầy bùi ngùi nhớ rằng đây là cô con gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, xuất thân từ nhà giàu, cha mẹ có nhiều ruộng vườn, từ bé đến lớn chỉ mặc quần áo màu trắng, lấn quấn bên mẹ trong bếp, không biết đến đời sống tay lấm chân bùn. Năm cô được 16 tuổi cha mẹ mới rước thầy đến dạy chữ cho cô và cho các tá điền. Thầy bước chân vào nhà cô vào năm thầy 17 tuổi. Đến năm thầy giáo được 18 tuổi, thầy cưới cô học trò 17 tuổi. Cuộc đời sung sướng, nhàn hạ của em gái miền quê chấm dứt từ ngày cô đi lấy chồng. Sự khó khăn này lên đến cao độ khi chồng cô cảm nhận được tiếng kêu gọi của Chúa để dâng mình đi hầu việc Ngài. Đời sống trong chức vụ khó khăn thế nào, cô làm sao biết được vì cô chưa biết thiếu ăn, thiếu mặc, chưa biết chức vụ là gì. Thầy biết trình độ học vấn của vợ mình chỉ đến mức vừa biết đọc, biết viết mà thôi, văn chương chữ nghĩa không là bao, cộng trừ nhân chia không biết đến thế nào, nhưng lòng của người vợ và người mẹ này phải so sánh với biển Thái Bình, bao la khó lường. Ở với nhau từ năm cô 17  tuổi, đến nay cô vừa được 25 mà đã 4 con, đứa con gái đầu lòng đã qua đời chỉ vài ngày sau khi sanh, lúc cha nó đang vắng nhà. Thầy chưa hề nhìn thấy mặt cô con gái đầu lòng. Thầy biết mình làm sao thấu hiểu những bài học đau thương cô con gái nhà giàu này phải nhận, nhưng thầy biết rằng cứ có hai người cùng đồng tâm kết hợp trong một công tác, thì công tác ấy sẽ nhẹ hơn. Theo với thời gian, thầy biết Chúa đã ban cho thầy người vợ và người mẹ mà vì gia đình, dù thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng sang. Thầy biết cô là tặng phẩm của Chúa. Người ngoài nhìn vào có thể vội kết luận rằng cô gái vườn quê nhà giàu không may mắn này,  phải chịu “mệnh trời”, tức là “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Nhưng không! Vợ thầy phải chịu cảnh khó khăn này vì đây là một sự lựa chọn, lựa chọn con đường của Chúa, lựa chọn theo Chúa.

Trời bắt đầu sụp tối. Bên ngọn đèn dầu le lói nhỏ như một quả trứng gà, thầy cố gắng xem lại bài giảng cho sáng ngày mai. Quyển sổ học trò giấy màu vàng, không còn trắng nữa cộng thêm chữ viết bằng bút chì bên ánh đèn dầu rất khó đọc. Rồi cả năm người cùng nằm dọc trên bộ ván gỗ. Thầy thổi tắt đèn. Dầu rất mắc tiền, không thể đốt đèn lâu trong đêm được. Mẹ bầy trẻ hằng đêm kể cho chúng nó nghe những câu chuyện của Kinh Thánh. Hôm nay cô kể chuyện người mẹ tên An-ne đem con trai đầu lòng là Samuên lên đền thờ dâng cho Chúa. Người mẹ này may một chiếc áo mới cho con và để con lại trong đền thờ để hầu việc Chúa luôn. Bé gái năm tuổi của cô chận lời ngay:

-       Má ơi, má đem con lên nhà thờ dâng cho Chúa đi.

-       Ba má dâng con cho Chúa rồi. Và bây giờ con đang ở trong nhà thờ nè.

-       Má ơi, vậy áo mới của con đâu ?

-       Ờ! Ờ! Từ từ rồi má sẽ may cho con.

-       Chừng nào má may áo mới cho con ? Con muốn mặc áo mới trong nhà thờ.

-       Chừng nào má có tiền, má sẽ may áo mới cho con liền.

-       Má ơi, chừng nào má có tiền ?

-       Cái đó Chúa biết, má không biết.

-       Chúa biết mà Chúa có nói với má chưa ?

-       Con hỏi lôi thôi quá. Ngủ đi con. Ngày mai mình còn nhóm thờ phượng Chúa nữa.

Rồi ba mẹ con cùng cất tiếng hát thánh ca theo thói quen trước khi đi ngủ. Chúa ban cho trẻ thơ trí nhớ thật lạ lùng. Trong nhà thờ, dù chưa biết đọc chữ, nghe những bài thánh ca người lớn hát, hai đứa trẻ này hát thuộc lòng theo. “Giê-xu Chúa ta là bạn thật” chúng nó hát hằng đêm. Trong đêm nay, ba mẹ con hát bài “Nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay. Có Giê-xu thì hoá thiên cung ngay.” Thầy phải nhận rằng cô con gái năm tuổi của mình có giọng hát rất hay. Cô bé chẳng hiểu ý nghĩa của bài hát nhưng hát rất có hồn, say sưa trong tiếng hát. Thầy không biết con mình có là cô con gái đặc biệt không, vì cô bé sanh đúng ngày 24 tháng 12, ngày toàn thế giới mừng Chúa ra đời.

Ba đứa trẻ đã ngủ rồi, chỉ còn cha mẹ nó thức. Năm người nằm trên một bộ ván gỗ, đứa bé một tuổi nằm trong cùng sát vách để khỏi té và cũng để ban đêm, lúc bé đái dầm, nước tiểu sẽ không dính quần áo của anh chị, chỉ mẹ nó phải chịu mà thôi. Thầy nằm bên ngoài cùng để con mình không té trong giấc ngủ và cũng vì mỗi tưng tưng sáng, thầy đều thức sớm để đọc Kinh Thánh. Hai vợ chồng nằm cách nhau bởi hai đứa trẻ nên chỉ nhìn nhau và đối thoại bằng cách ra dấu. Cô chỉ tay vào bụng và thầy hiểu ý. Cô đang mang thai. “Năm nào thiếp hãy còn son, năm nay thiếp đã năm con cùng chàng.” Trong năm nay, một em bé nữa sẽ ra đời. Bộ ván sẽ không đủ chỗ cho sáu người, nên thầy phải nghĩ đến cách đóng một giường gỗ nhỏ sau tấm vách ngăn nhà cho mẹ và bé. Một năm đầu bé sẽ bú sữa mẹ nên chưa phải lo một miệng ăn.

Khi cô quay sang nhìn chồng một lần nữa thì thầy đã ngủ. Bốn cha con ngủ say, êm đềm trong giấc mộng nào đó, không biết họ có mơ thấy thức ăn không, nhưng bốn cái bụng xẹp với bốn bộ xương sườn nhô lên qua lớp áo mỏng cô đều thấy rõ. Gương mặt thầy với vầng trán rộng, mũi cao, xương gò má cao lại ốm thỏn khiến thầy càng mang vẻ tri thức. Mà cần gì phải mang vẻ tri thức, chồng cô là người tri thức thật. Đã đậu bằng tiểu học Pháp, thầy nói và viết tiếng Pháp như Tây. Dù không hiểu một chữ nào, nhưng cô rất thích nghe chồng nói tiếng Pháp, nghe thật dòn tan, như một điệu nhạc ru hồn. Gặp các cơ quan công quyền, dù là bên hành chánh hay cảnh sát hay quân đội, dù Việt hay Pháp, thầy đều nói thông thạo. Cũng nhờ vậy mà con dân Chúa khi bị bắt giữ oan ức, gia đình nhờ thầy đến đồn Pháp xin tha, thầy đã có thể giúp được. Người Pháp nể thầy vì thông thạo tiếng Pháp và cũng vì thầy là người giảng Tin Lành. Một lần kia khi vào đồn Pháp, thầy tình cờ nghe hai sĩ quan Pháp nói chuyện với nhau, rằng bên kia bờ đại dương sâu thẩm, thế chiến đang bùng nỗ, nước Pháp tranh chiến với nước Đức. Họ có vẻ lo sợ cho nước Pháp và cho chính thân họ ở nơi đây. Thầy không biết phải nghĩ sao, sự có mặt của người Pháp trên đất nước Việt Nam rồi sẽ như thế nào, nước Pháp sẽ ra sao, Việt Nam sẽ ra sao, gia đình thầy sẽ ra sao trong chiến cuộc. Ai biết được ngày mai, ai dám toan tính chuyện ngày mai trong cuộc chiến. Thầy chỉ biết rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi thì Đức Chúa Trời sẽ cung cấp, ngày mai của gia đình thầy nằm trong tay Đức Chúa Trời.

Sáng mai, hai vợ chồng sẽ uống nước trừ cơm, chờ sau giờ thờ phượng, nhận tiền dâng của hội chúng, cô phải chạy nhanh ra chợ để có thể kịp trở về lo buổi cơm trưa cho gia đình. Cô suy nghĩ đến những món mình cần mua, gạo và một miếng thịt ba rọi bầy nhầy, cô cần khéo léo kho cho ngon và chồng con sẽ có buổi ăn ngon miệng. Có mua được chuối hay không tùy vào số tiền nhận được, và cũng tùy đó mà có dẫn đứa trẻ năm tuổi cùng đi với mẹ hay không, vì mỗi lần thấy chuối, nó đều kêu “Má ơi, con muốn ăn chuối” hoặc thấy bà bán xôi ngồi ở góc, nó kêu mẹ “Má ơi, người ta bán xôi kìa má.” Nên cô đi chợ một mình hay dẫn con theo tùy vào số tiền nằm trong túi.

Tiếng thở đều của năm người nằm trên bộ ván vang nhẹ trong đêm. Cả năm người đều say ngủ. Cửa trước và cửa sau nhà chỉ khép hờ, không cần phải khóa hay đóng chặc vì nhà này chưa hề bị trộm và cũng chẳng hề sợ bị trộm. Sáng mai là Chúa Nhật, là ngày con dân Chúa họp lại để thờ phượng Ngài. Cả gia đình thầy cô sẽ rất bận rộn vào sáng mai. Thầy phải lo giảng dạy, cô trò chuyện cùng quý bà, ba đứa trẻ sẽ lẩn quẩn theo mẹ và cùng ngồi với mẹ khi bắt đầu giờ thờ phượng. Chúng nó sẽ cùng hát thánh ca lớn tiếng với ba mẹ và hội chúng. Tiếng hát của gia đình thầy cô quyện cùng tiếng hát của hội chúng bé nhỏ, đơn sơ sẽ như tiếng hát của một gia đình, gia đình của Đức Chúa Trời trong một thôn làng xa xôi, hẻo lánh của miền Nam nước Việt.

 

Đoàn Thu Cúc