Mỗi chúng ta đều biết bổn phận của mình. Đời sống trong gia đình, trong xã hội đòi hỏi bổn phận của mỗi người phải chu toàn. Bổn phận thường được quy định một cách rõ ràng và kèm theo quyền lợi, nhưng về trách nhiệm thì không rõ ràng. Trách nhiệm có khi được chia cho, được giao phó, có khi tự nhận.

Trách nhiệm là tâm trí ý thức được cái việc ấy là phần mà chính mình phải gánh vác lấy, chính mình phải chu toàn. Những người có trách nhiệm không phải lúc nào cũng có thể hoàn tất cái phần việc của mình. Dù là bậc anh hùng cái thế, trên đường đời muôn vạn chông gai, trở lực cũng phải gặt lấy những thất bại nặng nề vì trước hoàn cảnh, vì khiếm khuyết tài trí, vì ác ý vô tình của người đời, vì tiên liệu về tương lai không chính xác. Nhưng người có trách nhiệm dám làm và dám nhận sự thất bại cũng như thành công. Mỗi khi thất bại không đổ thừa tại xã hội, tại hoàn cảnh, tại số mệnh, tại thời vận hoặc có thể viện dẫn tại một hay nhiều trong trăm ngàn nguyên nhân ngoại giới khác, ngoại trừ chính mình. Đi trên đường vấp té, ta không bào chữa tại hòn đá vô tri không chịu né tránh bước chân ta. Mỗi khi thành công, người trách nhiệm cũng không mầu mè khiêm nhường từ chối thành quả, nhưng hãnh diện tuyên bố : “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30) như Chúa Jêsus, hay “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta” (II Ti-mô-thê 4:7-8) như Thánh Phao-lô.

Tinh thần trách nhiệm không cho phép ta làm việc tùy hứng, nhưng tìm hứng khởi trong công việc. Tinh thần trách nhiệm vượt quá tinh thần bổn phận, vượt quá tinh thần làm theo lượng giá công lao. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã ý thức trách nhiệm người trai :

Vũ trụ chi gian giai phận sự         Nam nhi đáo thử thị hào hùng.

(Việc đời biết bỏ cho ai                Ra công gánh vác là trai anh hùng)

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã dùng chữ “nợ” để nói lên ý chí phấn đấu làm tròn trách nhiệm : “Nợ tang bồng quyết trả cho xong”, để rồi ngày nào đó mỉm cười : “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi thơ túi rượu bầu (khi hưu hạ)”.

Nhà thơ Nguyễn Quý Tân cũng dùng chữ “nợ” để chỉ trách nhiệm “Nợ phong trần chót đã ăn vay, Phải trang trải mới là tay chí khí”.

Thánh Phao-lô đã kể trách nhiệm giảng Tin Lành cho mọi người là món nợ, ông nói : “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người giã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt” (Rô-ma 1:14).

Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã tạo nên bao nhà cách mạng từ chối an nhàn, lìa bỏ phú quý, chịu cảnh cơ hàn để nung đúc mầm mống dân tộc, chờ ngày quật khởi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã khiến Thánh Phao-lô “chẳng kể sự sống mình là quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus, để mà làm chứng về Tin Lành của ơn Đức Chúa Trời” (Công-vụ các sứ-đồ 20:24).

Mỗi chúng ta cũng phải nhận định về trách nhiệm của mình trong công việc nhà Chúa. Chúng ta có trách nhiệm lãnh “nợ” cho cái “duyên” trên bước đường theo Chúa. Đúng là “duyên nợ” đấy.

Mỗi khi thành công, người trách nhiệm cũng không mầu mè khiêm nhường từ chối thành quả, nhưng hãnh diện với sự hoàn tất trách nhiệm của mình. Hãnh diện và khoe khoang chỉ khác nhau một chút.

Khoe khoang là một hành động phô diễn (show off) cho người khác biết cái thích thú, cái hãnh diện của mình, và muốn tỏ ta đây hơn người. Khoe khoang thường mong người biết. Quý vị có dịp gặp người bạn, mới mua được ngôi nhà khang trang, mới tậu được cái xe mới đắt giá, hình như chợt nhìn thấy chủ nhà muốn khoe khoang khá thú vị. Họ chỉ ngôi nhà cho quý vị xem. Họ dắt quý vị đi hết buồng này sang buồng khác. Họ chỉ cái xe mới, họ giảng giải họ diễn tả. Thay vì quý vị nhìn nhà, nhìn xe, quý vị thử nhìn gương mặt của chủ nhân. Quý vị sẽ ghi nhận được nhiều cái lý thú hơn là nhìn cái nhà, cái xe vô tri.

Hãnh diện chỉ có mình biết. Cơ Đốc nhân không cần khoe, ơn Chúa ban cho bao nhiêu không cần ai biết, mình biết đủ rồi và rất hãnh diện vì “ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy” (I Cô-rinh-tô 15:10).

Trong cuộc sống gia đình, thay vì kể công, khoe khoang, một vài điểm tự hào, hãnh diện ta nhận ra sẽ làm ta vui trong cuộc sống.

Chính những điểm nhận định xâu xa cho ta một nguyên tắc sống trên bước đường theo Chúa, một nguyên tắc mà ta có thể hãnh diện.