Trong xã hội loài người, sống chung với nhau là đụng chạm tư tưởng quyền lợi. Nhưng nhờ tình yêu mà “chín bỏ làm mười”, “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

Văn hào Leon Tolstoi, một người Nga của thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình",  “Người ta sống bằng gì ?”. Ông đã sống một cuộc đời với nội tâm khắc khoải, dằn vặt, ân hận, băn khoăn, chỉ vì không tìm được ý nghĩa cuộc sống của con người. Đến năm 82 tuổi, mặc cho tuổi già sức yếu, ông đã bỏ nhà ra đi để tìm cho được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Rồi sau đó, ông đã âm thầm qua đời tại một thị trấn nhỏ.

Sau khi đã đọc Kinh Thánh, và dựa vào những ý nghĩa của “Bài Giảng Trên Núi” của Đức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ từ chương 5 đến hết chương 7), ông đã gửi tâm tư ông vào chuyện ngắn “Người ta sống bằng gì ?”, và câu chuyện này đã gây một ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội trưởng giả thời đó.

Cốt chuyện có ba nhân vật chính, bác thợ giầy Simon, vợ Matriona, và đứa trẻ tên Michel. Theo câu chuyện Michel là một Thiên Thần bị Trời đày xuống trần gian mà Simon đã nhặt được bên ngôi nhà nguyện. Trước khi Michel bị đày, Trời đã bảo chàng : Ngươi sẽ hiểu trong con người có gì, con người không được hưởng gì , và cái gì làm sống con người.

Trong sáu năm sống trong nhà bác thợ giày, Michel chỉ có thể cười có ba lần. Nụ cười đến với Michel mỗi lần chàng đã tìm ra một ý nghĩa cho cuộc sống.

-         Nụ cười thứ nhất của Michel khi chàng hiểu trong con người có tình yêu.

-         Nụ cười thứ hai của Michel khi chàng thấy con người ta không nhận biết được những nhu cầu thật sự thiết yếu của thân xác mình.

-         Nụ cười thứ ba của Michel khi chàng cảm nhận được người ta không sống vì những nhu cầu thân xác mà sống vì tình yêu.

Nếu cất bỏ tình yêu ra khỏi con người là người ta đã rút chất mặn ra khỏi muối, chất ngọt ra khỏi mật, còn gì vô vị cho bằng. Lời Kinh Thánh dậy rằng “Chúng ta phải yêu thương lẫn nhau” (I Giăng 3:11) và “tình yêu thương phải cho thành thật” (Rô-ma 12:9).

Thơ, văn, nhạc ca ngợi tình yêu nam nữ đầy dẫy nhưng chẳng bao giờ đủ, còn các loại tình yêu khác hơi hiếm. Mở miệng nói yêu thương là thấy cao thượng ngay. Nhưng hành động bởi yêu thương “thành thật” quá hiếm hoi như bóng mát giữa sa mạc.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nếu con cái Chúa chúng ta muốn nhận định về lòng yêu thương của mình, chúng ta chỉ cần lấy bút và gạch dưới điều chúng ta đã từng “hành động” trong phân đoạn Kinh Thánh nói về yêu thương : “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Nếu thấy số điều chúng ta “hành động” quá khiêm tốn, hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho mình sự thông sáng để chúng ta có “hành động” cho những điều Ngài muốn con cái Ngài làm trọn.

Sự hỗ trợ nhau.

Người Việt mình có câu ca dao : “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Trong Quốc-văn Giáo-khoa thư có câu chuyện một nhà giầu kia tuyên bố không cần ai hết. Một hôm ông nằm mơ thấy mấy người tá điền đem trâu đến trả lại ông và bảo ông cầy ruộng của ông, ông mua sắm gì cũng không ai bán, họ bảo ông tự làm lấy. Chẳng nhờ ai được việc gì cả, cũng chẳng ai thèm giúp ông. Ông hoảng sợ, thét lên một tiếng và tỉnh dậy, mồ hôi đổ ra như tắm. Từ đó ông hết phách lối và tỏ ra biết ơn sự hỗ trợ của mọi người.

Biết bao người thành công trên đường đời là nhờ sự hỗ trợ của người khác. Hỗ trợ về tinh thần cũng như hỗ trợ vật chất. Hỗ trợ ý kiến cũng như hỗ trợ sinh lực. Có mục đích đi tới, chẳng ai âm thầm lặng lẽ bước đi trong cô đơn. Người có mục đích thường tỏ ra cho người quen thân để tìm sự hỗ trợ hầu có thể đạt được điều mình nhắm tới. Người đau yếu muốn lành mạnh phải cậy đến thầy thuốc, dược phẩm, nhưng được bà con, bạn bè thăm viếng là cảm thấy “khỏe” phần nào, và đó cũng là sự hỗ trợ cần thiết để mau bình phục.

Sự hỗ trợ cũng là một nghệ thuật. Bất cứ ai, trong việc làm, trong một mục đích họ đang theo đuổi đều cần sự hỗ trợ từ người chung quanh. Hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ nhất là lời khen, không phải là lời khen xã giao mà là lời khen chân tình. Từ em nhỏ ba tuổi cho đến người già gần trăm tuổi ai cũng vẫn thích lời khen chân tình. Tất nhiên chúng ta khen từ những thành công nho nhỏ để họ cảm thấy giá trị và bước tới những thành công kế tiếp.

Hỏi thăm về công việc bè bạn họ hàng đang theo đuổi cũng là một hỗ trợ đáng kể. Họ rất vui vì có người quan tâm đến công việc và mục đích của họ, và là cơ hội cho họ bầy tỏ ước mong cho công việc được hoàn tất tốt đẹp.

Nếu họ gặp phải khó khăn nào đó mà ta có thể chia sẻ được, hãy làm, đó là hỗ trợ thực tế. Trong cảnh khó khăn, không được bè bạn, người thân hỗ trợ trực tiếp, đôi khi chúng ta cũng cần cảm thông, có thể vì một lý do nào đó như hoàn cảnh không cho phép họ làm nhưng họ vẫn nghĩ đến mình. Trong tình huống đó, hãy học tinh thần Phao-lô. Phao-lô ở tù, không được “thăm nuôi”, ông hiểu và ông viết cho những người thân quen : “anh em vẫn tưởng đến điều đó lắm, nhưng không có dịp tiện” (Phi-líp 4:10). “Không có dịp tiện”, không có phương tiện, hoàn cảnh chưa cho phép, nên chưa hỗ trợ được thì buồn phiền làm chi. Đôi khi chúng ta cũng vậy. Điều cốt lõi của con người nhất là con cái Chúa chúng ta là phải hỗ trợ nhau.

Vài lời tâm tình

Nghĩ đến những ngày đang có đại dịch Covid-19, mọi người ở trong tình trạng cầm tù tại gia (home detention) và không biết con ma coronavirus sẽ tấn công ai ngày mai, lòng không khỏi lo lắng, buồn phiền và sợ hãi. Xin chia sẻ cùng quý anh chị con cái Chúa ba phân đoạn Kinh Thánh sau đây :

-Lúc lo lắng - “Hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” - (I Phi-e-rơ 5:7).

-Lúc buồn phiền - “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:12-13).

-Lúc sợ hãi - “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào”  (Thi-thiên 23:4).

Mời quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa đọc thêm bài sau :

-       Bài 12 - Loài người và sự sợ hãi

-       Bài 20 - Con Cái Chúa và sự bình an

-       Bài 21 - Con Cái Chúa, bình an trong nghịch cảnh

Chân thành cám ơn quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa.