Có lẽ nơi con người ý niệm về tự do mạnh mẽ nhất. Điều này được diễn tả bằng hai câu thơ sau :

Đời chỉ tự do là quý nhất     Không tự do còn có ra chi    Vô Danh

Thi sĩ Tản Đà còn mơ tưởng làm chim nhạn để tự do bay lượn trên không:

Kiếp sau xin chớ làm người         Làm con chim nhạn lưng trời mà bay.

Con người không thể sống tự do theo ý mình. Đời sống con người có trăm ngàn thứ ràng buộc, khiến con người thấy mình là tên nô lệ cho chính mình. Những đòi hỏi về cái ăn, cái mặc, các thú vui vật chất lẫn tinh thần như những chùm giây leo phủ trùm lên tuệ giác, quấn chặt lấy tâm hồn, khiến con người liên tục uể oải, bứt rứt. Con người như con tầm tự vương tơ nhốt mình trong kén, rồi liên tục cắn kén thoát thân để tìm tự do.

Con người đã và đang cố gắng vứt bỏ những ràng buộc để được tự do toàn vẹn toàn diện. Có những nhà thơ quyết bỏ niệm luật gò bó ý thơ, tạo ra thơ tự do.

Nhưng lại có những người sống theo súc tính, gạt bỏ luân thường đạo lý, vênh vênh tự đắc sống đời tự do. Thật ra họ đang sống với những ham muốn nhục cảm, nhục dục, họ đang sống đời “luông tuồng” (sensuality).

Có những người chỉ cảm thấy tự do khi dầm mình trong khoái lạc vật chất hay tinh thần, bất kể phải trái, bất chính hay không, thoát ra khỏi sự kiểm soát của lương tri. Sống trắng trợn đến cuồng bạo miễn được thỏa mãn, khước từ tất cả trật tự thiên nhiên, họ cũng đang sống đời “luông tuồng”. Nên chẳng lạ gì có một thời các tiểu thuyết của Sartre, Beauvoir, Francoise Sagan bán chạy như tôm tươi. Kết quả, bác sĩ Pierre Vachet nhận định : “Người ta ăn chơi đến suy nhược, rối loạn, mệt mỏi. Càng mệt mỏi, rối loạn, suy nhược càng ăn chơi”. Tiểu thuyết gia André Malreau lo ngại : “Chúng ta không thể biết mai đây có còn những con người với tư cách là những sinh vật ý thức được thế nào là tự do chân chính hay không ?”.

Những nước văn minh đều có rất nhiều luật lệ để kiềm chế sự “luông tuồng” của con người. Vì vậy ông Montesquieu đã mỉa mai : “Tự do chỉ là quyền được làm tất cả những gì luật pháp cho phép”. Platon định nghĩa ngược lại “Tự do không phải là vấn đề luật pháp hay hiến pháp. Tự do chỉ có cho người nào thực hiện được trật tự thiêng liêng trong nội tâm mình và chấp thuận cho mình những quy luật chính xác làm cho con người có thể tự chế ngự được mình. Nghĩa là con người chỉ được tự do, khi nào đã chịu theo định luật tinh thần gồm có : nhân đạo, lòng trắc ẩn, vị tha và nhiều tính khác không từ ngoài bắt buộc phải có, nhưng mà là do cá nhân mình đã tự do lựa chọn, những đức tính giúp cho loài người có thể sống chung với nhau”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa có Chúa ngự trong lòng thì không thể sống luông tuồng”. Ngay cả luật pháp đời này cho phép làm, luân lý chấp nhận, những con người sống vì cần tiền bạc vui vẻ chiều lòng, nhưng xét ra không thể xứng hiệp với lời Kinh Thánh dạy thì không làm. Người chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị tin rằng chúng ta cần nghiêm chỉnh “tự chế ngự mình” và luôn luôn tâm niệm : “Mọi sự … (dẫu) có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt. Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác” (I Cô-rinh-tô 10:23-24). Một số con cái Chúa không chịu chết về “luông tuồng”, nên sống với “luông tuồng” khiến Chúa đau lòng, các con cái Chúa khác ngỡ ngàng buồn lòng không ít, và hậu quả là  hư mất” như lời Thánh Phao-lô : Tôi lại khóc và nói nữa : Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.  Sự cuối cùng của họ là hư mất ( Bản Tiếng Anh là destruction có nghĩa là hủy hoại); họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18-19).

Gian dâm, ô uế, luông tuồng” thuộc lãnh vực tình dục, có tư tưởng “gian dâm” thì hành động một cách kín đáo, để che giấu. Nhưng khi đã bị bại lộ thì sống luông tuồng”, buông xuôi không cần che đậy, “lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển (oai)”, lại còn khoe về sự “luông tuồng”. Hiện tượng này cũng giống những trường hợp tham lam, gian lận làm giàu một cách bất chính, bẩn thỉu qua các kẽ hở của luật pháp đời này, lại còn khoe về sự “khôn ngoan, giỏi” của mình, mà thực ra đó là “luông tuồng tiền tài, tham lam, gian lận trắng trợn”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa là “người thánh” (Cô-lô-xe 3:12) thì không thể sống “gian dâm, ô uế, luông tuồng”. Thế thì phải coi những điều như chết với mình.