TÌM NHAU

  

Đêm nay là đêm rất đặc biệt, 24 tháng 12 năm 1977, đêm thế giới mừng Chúa ra đời. Tiếng hát của ai vẳng lên từ một nhà thờ nhỏ “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa”  vẫn không đủ để quyến rũ chị bước vào. Lần cuối chị bước vào một nhà thờ là năm nào, chị không nhớ, nhưng chị vẫn nhớ câu chuyện Giáng Sinh mẹ kể cho nghe vào những năm còn bé : Chúa vào đời nơi máng cỏ chuồng chiên để tìm người, những con người tội lỗi, như chị, như mẹ. Không bước vào nhưng nhà thờ nhỏ này nhắc chị một điều, một điều hàng triệu người vẫn làm khi đến với Chúa:  đêm nay, chị cần xin một điều đặc biệt.

Nhân gian đã nói và chắc phải là một nhận xét đúng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” và vợ chồng chị vẫn hãnh diện về nhận xét này. Anh là sĩ quan cao cấp trong quân đội và chị trúng thầu đổ rác cho các cơ quan Mỹ tại Sài Gòn. Với những xe chở rác, trên là rác, dưới là hàng ăn cắp của Mỹ, tiền vào như nước, vợ chồng cùng vui hưởng và hãnh diện vì nhau, chị đã quên đi điều mẹ dạy từ lúc tuổi thơ rằng Chúa vào đời tìm người tội lỗi. Cuộc sống bon chen, tranh đấu với đời khiến chị quên dần đi trong cuộc sống ngắn hạn này, ngày vui có thể ít nhưng ngày buồn có thể nhiều, trời sáng nhưng rồi đêm sẽ đến, sau những ngày quang mây tạnh, trời sẽ đổ mưa. Cơn mưa bão đã đến thình lình vào cuối tháng tư của năm định mệnh ấy.

Trong cùng một ngày, vừa mất lợi tức của “vợ chợ đông” và “chồng giữa chốn ba quân”, lại mất cả tự do, hạnh phúc, chỉ tám miệng ăn trong gia đình vẫn còn nguyên vẹn, chị mới học được chữ “hư không,” mọi sự đều là hư không, theo luồng gió thổi. Có  bài học nào trong đời đến đúng lúc không ? Không phải chỉ mất lợi tức nhưng còn mất chồng, anh bị đưa đi nơi nào chị không biết. Và hai năm sau, lá thư anh gởi về từ Bắc Thái. Và trong đêm nay, chị dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt bên ngoài cửa nhà thờ.

Sài Gòn-Nha Trang cách nhau bao trăm cây số chị không biết, nhưng khi xe lửa đến Nha Trang thì trời đã tối. Xe đò đi Bắc Bình để đến vĩ tuyến thứ 17  khởi hành vào đúng lúc nửa đêm, con đường này dài bao cây số chị không biết cũng như chị không biết bao nhiêu người vừa ngồi vừa đứng trên xe đò, kể cả ngồi trên mui xe và có phải vì quá tải, xe chạy không nổi nên từ nửa đêm đến 9 giờ sáng hôm sau mới đến được địa điểm.

Hôm nay chắc chắn phải là một ngày đặc biệt, vì lời chị cầu xin Chúa cho tìm được chồng trên đất Bắc đang thành sự thật, và cùng với lời cầu xin đó, những điều chị không nghĩ đến, không ước mơ lại đang xảy ra trước mắt. Khi chị đến nơi gọi là vĩ tuyến thứ 17, cây cầu lịch sử ấy hiện ra trước mắt: cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải. Sông Bến Hải rất dài, bao nhiêu cây số chị không biết, nhưng cầu Hiền Lương không dài lắm, có phải khoảng chừng 500 mét không? Cầu được chia làm hai phần song song nhau, bên phải và bên trái và chị và những người muốn sang bên kia phải xuất trình giấy, chịu sự kiểm soát chặc chẽ của công an trước khi được bước lên bên phải của cây cầu. Tất cả người muốn sang cầu phải đi bộ. Cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải cũng giống như hàng ngàn cây cầu bắc ngang sông của miền Nam và miền Bắc, có khác chăng là chỗ đứng trong lịch sử của Việt Nam, cây cầu và giòng sông chia đôi Nam Bắc. Ôm mấy ký lô quà trên tay, vừa muối ớt, vừa cá khô vừa thuốc cho chồng, chị bước trên cầu Hiền Lương không nước mắt. Chị bước đi như xác chết không hồn, nửa mơ nửa tỉnh, chỉ dám nhìn trước mắt, không dám suy nghĩ đến quá khứ, lại càng không dám nghĩ đến tương lai, chỉ nhớ rằng ngay trong giây phút này, chị cần đạt được mục tiêu duy nhất.  Biến cố thay đổi giòng lịch sử của Việt Nam cũng là biến cố thay đổi hàng triệu cuộc đời: những người tìm đường thoát thân ra nước ngoài, những người chết trên biển cả, những người phải đi kinh tế mới, những người chịu cảnh lao tù, những người không chịu nổi sự thay đổi bất ngờ phải ôm cầm bước sang thuyền khác, và những người như chị, lần đầu tiên bước chân trên cầu Hiền Lương, sông Bến Hải để tìm chồng trên đất Bắc.

Nhờ người địa phương chỉ dẫn, chị biết mình muốn đến “Ngã ba đường” thì phải chờ xe đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau, nên không còn cách nào hơn là mướn ghế bố ngủ ngoài chợ, quần áo mang theo dùng để gối đầu, chân gát lên trên quà của chồng để không bị mất. Giấc ngủ trong mệt mõi, chập chờn không mộng đẹp dù bầu trời Bắc Việt có khác gì với bầu trời của miền Nam đâu. Và đúng như lời, sáng hôm sau, 5 giờ 30 phút sáng thì xe chạy. Mãi đến 11 giờ sáng, chị đến đúng địa điểm “Ngã ba đường.” Chị chỉ biết rằng nơi đây rất sâu trong rừng, chung quanh chỉ một màu xanh ngát của cây rừng -  ai đã so sánh màu xanh của ngàn dâu với nỗi sầu của một đôi vợ chồng đang xa cách ? Địa điểm đã đến rồi, nhưng vì quá nhiều trại, mỗi trại mang một tên, một chữ khác nhau A B C D .... nên lại phải nhờ nhân viên chỉ dẫn đến cho đúng trại. Xe lôi, nghĩa là người đạp xe đạp, chở chị đi thêm hai tiếng đồng hồ nữa mới dừng lại đúng trại của chồng. Lúc bấy giờ khoảng ba giờ chiều, nên sau khi xuất trình thư của chồng và giấy lý lịch của chính mình, chị được bảo phải chờ đến sáng mai mới được gặp. Được đưa vào một căn phòng vuông vức bốn mét chiều ngang, bốn mét chiều dài với một chiếc giường tre nho nhỏ đủ cho hai người, chị nằm trên giường chờ trời sáng. Sắp sửa gặp nhau mà chị lại khóc sưng mắt suốt đêm. Tiếng chó rừng hú trong đêm trường ghê rợn.

Sáng sớm hôm sau, nhân viên của trại mang đến cho chị một chén cháo với hai hột muối hột đen. Chị đứng lên cám ơn họ rối rít. Và rồi giây phút mong chờ đã đến.

Ngày xưa, lúc còn bé, khi mẹ kể chị nghe câu chuyện những người chăn chiên được thiên sứ báo tin lúc họ đang ở ngoài đồng chăn chiên, họ cùng rủ nhau đến Bết-lê-hem và gặp Hài Nhi Giê-xu nằm trong máng cỏ, mẹ không kể chị nghe thái độ họ như thế nào lúc gặp người họ ước mơ, tìm kiếm. Mẹ cũng không nói từ ngoài đồng tìm đến máng cỏ là bao xa, một cây số, hai cây số, ba cây số… có thể vì mẹ không biết hoặc không chú ý đến những chi tiết này.  Nhưng hôm nay, sau ba ngày tìm kiếm, với hai đêm trong cảnh chiếu đất màng trời, hai vợ chồng được gặp nhau trong buổi sáng hôm ấy, cả hai chỉ biết ôm nhau, còn chị chỉ biết khóc. Tiếng khóc của người đàn bà tuy là một ngôn ngữ đặc biệt nhưng rất dễ hiểu, khi họ không còn phải biết diễn tả nỗi lòng bằng cách nào hơn, khi ngôn ngữ không đủ thì nước mắt là tất cả những gì muốn nói.

Hai tấm thân gầy đụng chạm nhau trong ngỡ ngàng, trong đau thương, trong tình yêu tuyệt vọng. Đôi mắt anh chị nhìn nhau như chỉ có giây phút này, sẽ không còn một dịp nào khác. Anh chị nắm tay nhau như không thể rời, như muốn cùng nhau bước vào một thế giới khác, một thế giới không ngăn cách, không hận thù, không chia rẽ. Anh gầy đi nhiều lắm, gầy đến độ còn bao nhiêu ký lô chị không rõ, chỉ biết anh chỉ còn da bọc xương. Màu da anh đổi sắc, xam xám, vàng vàng, màu da của người đang có nan đề về gan và bụng anh bắt đầu sưng chướng lên. Không biết phải nói bộ quần áo anh đang mặc trên người màu gì, vì trắng không phải trắng, đen không phải đen, nâu không phải nâu và xám không phải xám.

Nhưng chú ý làm gì đến những chi tiết ngoài tầm tay kiểm soát. Hai vợ chồng cứ quấn quít bên nhau, hỏi nhau chuyện gia đình, chuyện sức khỏe, chuyện người thân. Đến giờ ăn, chị mua những gói cơm vắt vợ cán bộ bán cho những người đi thăm gia đình, tuy với giá cắt cổ nhưng có còn hơn không, vì nếu không mua thì ăn chén cháo lõng với hai hột muối hột màu đen. Có phải đây là lần đầu trong đời, trong đời sống vợ chồng, chị cẩn thận kiểm soát từng lời nói, từng câu chuyện kể cho anh nghe mặc dù trong phòng chỉ có hai vợ chồng, không ai khác, cũng chẳng có người rình rập bên ngoài, nhưng nhìn người đối diện, chị biết mình phải lựa lời. Các con có đi học không? Vâng, các con có đi học. Chị không kể cho anh nghe vì vấn đề sổ hộ chiếu của gia đình sau ngày định mệnh ấy, dù trường rất gần nhà, các con không đi học được. Chúng nó thèm đi học nên đến cửa lớp học nhìn vào qua cửa sổ thì bị đuổi đi, bị ném cát vào trong mặt. Các con có khỏe không? Tất cả các con đều khỏe. Chị nói dối không biết ngượng miệng, vì trong bốn con, đứa nhỏ nhất “còn trứng nước thơ ngây” ngày cha nó đi học cải tạo, chẳng bao lâu sau đó, nó bị bệnh nặng, mẹ nó không đủ tiền chạy thuốc nên nó đã chết ở bệnh viện. Để lại xác con trong bệnh viện chỉ một ngày trong khi cần phải về chạy tiền chôn cất, chị không hiểu câu nói của nhân viên rằng bệnh viện nhiều chuột lắm, có muốn để cháu vào phòng lạnh không. Vào phòng lạnh thì phải nộp tiền, mẹ nó không tiền nên nó không vào phòng lạnh. Ngày hôm sau khi trở lại nhận xác con để đem chôn, xác đứa trẻ bị chuột ăn hết cả đôi mắt, ăn cả hai tai và đang ăn đến gò má. Chị khóc con như chưa bao giờ được khóc. Một lần nữa, nước mắt là ngôn ngữ của tâm hồn khi lời nói phải chết ở môi.

Đêm về, tiếng chó rừng vẫn tru ghê rợn. Hai vợ chồng nằm bên nhau trên chiếc giường tre bé nhỏ, chỉ đủ cho hai người bên ngọn đèn dầu nhỏ le lói. Trong ánh sáng thật mờ của ngọn đèn dầu, chị vẫn thấy rõ những đầu ngón tay, ngón chân của anh rỉ máu, vì lạnh và cũng vì thiếu dinh dưỡng, vì tuy miền Nam chỉ mưa nắng hai mùa, nhưng đất Bắc có mùa đông. Hai bàn chân anh sần sùi, nức nẻ vì không có dép giày. Những đêm được gần nhau trong hạnh phúc ngọt ngào, chị có nghĩ đến hậu quả, đến việc mình có thể mang thai, nhưng tư tưởng dừng lại. Hai người chỉ sống cho nhau trong giây phút này, không dám nghĩ đến tương lai. Trong mười ngày, họ được gần nhau trọn vẹn, anh không phải đi lao động trong mười ngày thăm viếng này. Mười ngày trong chăn gối mặn nồng, mười ngày trong yêu đương đau khổ, mười ngày thủ thỉ nói chuyện cùng nhau, chỉ nói đến quá khứ, không nói đến tương lai.

Và rồi mười ngày cũng phải chấm dứt. Buổi sáng từ giã nhau, lúc nhân viên đưa anh trở về với cuộc đời lao động, dĩ nhiên chị khóc. Nhìn theo bước chân chồng, chị không tưởng nỗi có bao giờ hai người sẽ gặp lại. Hình ảnh chồng bước theo nhân viên đưa anh ra khỏi phòng thăm viếng, dù bao năm sau, vẫn còn trong tâm trí. Giây phút từ giã ấy là giây phút đầu tiên trong cuộc đời đã 28 tuổi, chị ý thức sâu xa rằng cuộc đời chỉ là hư không. Sự hư không của cuộc đời là một thực tế không thể phủ nhận được. Một người con gái của Chúa, đã biết đến Chúa từ lúc còn bé, đã nhận Chúa trong tâm, nhưng không đi nhà thờ, không đọc Kinh Thánh, không cầu nguyện cho mình cũng chẳng cầu nguyện cho ai, trong lúc không ngờ, đã ý thức được sự dạy dỗ quan trọng nhất của Kinh Thánh về đời người và áp dụng sự dạy dỗ quan trọng ấy cho chính mình mà không cần phải qua một lớp học Kinh Thánh gì cả.

Vợ các sĩ quan cao cấp thuộc chế độ cũ lại cùng nhau bước lên xe, trở về vĩ tuyến thứ 17, trở lại với cảnh màn trời chiếu đất trong hai ngày, đến ngày thứ ba mới trở lại Sài Gòn, trở lại với cuộc đời không hy vọng, không tương lai, không ngày mai, một cuộc đời chỉ là một con số không rỗng tuếch. Lần đầu tiên bước lên cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, chị như một cái xác không hồn, nhưng lần thứ nhì bước lại trên cầu, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Chị khóc cho cuộc đời của những người bên kia sông Bến Hải, phải để mặc đời trôi theo giòng nước.

Dù Giáng Sinh đã qua rồi nhưng một số nhà thờ vẫn giữ hình ảnh trang hoàng Giáng Sinh trong và ngoài nhà thờ như trước lúc lễ. Chị rất muốn bước vào nhà thờ để tạ ơn Chúa đã lắng nghe lời cầu xin của một con chiên lạc lối. Chúa đã và đang lắng nghe lời cầu xin của những người đáng được nghe và cả những người không đáng được nghe. Hài Nhi nằm trong máng cỏ đơn sơ, nhu mì, trong tinh thần hạ mình của Đấng Tạo Hóa khiêm nhường không ai trên thế gian có thể sánh được, đã vào đời để tìm những con chiên lạc lối, như chị, như mẹ và như tất cả mọi người.

Ngày xưa, trước ngày định mạng ấy, chị bận rộn với cuộc sống bon chen để kiếm tiền, mỗi lúc kiếm nhiều hơn và dường như tiền kiếm bao nhiêu vẫn không đủ. Bây giờ, sau ngày định mạng, chị cũng bận rộn với cuộc sống, vật lộn để kiếm tiền và không bao giờ kiếm đủ tiền để nuôi gia đình. Từ cuộc sống giàu có, lên xe xuống ngựa, có người giúp việc trong gia đình đến cảnh thèm một ly nước mía nhưng không có tiền mua, sự khác biệt này đã dạy chị những bài học vô giá. Những bài học vô giá này đưa chị đến việc nhận định và tìm kiếm những giá trị của cuộc đời không nằm trong bản định giá trị của xã hội. Chị suy nghĩ đến những giá trị thiêng liêng hơn là giá trị vật chất tạm thời và chợt nhớ đến câu chuyện Giáng Sinh mẹ kể cho nghe tự năm nào. Bây giờ, mẹ không còn, cha cũng không còn, chồng đang mắc nạn ở phương xa, bốn con bây giờ chỉ còn ba, nhưng chúng quá nhỏ không giúp được gì, chị thèm được ai kể mình nghe câu chuyện của Chúa, nhưng cơ hội ấy dường như không còn.

Giáng Sinh đã qua rồi, nếu chị có bước vào nhà thờ đi chăng nữa, cũng không nghe được câu chuyện Giáng Sinh đâu. Câu chuyện Giáng Sinh mỗi năm chỉ trở về một lần, vào tháng 12 cuối năm. Nhưng những hình ảnh trang hoàng Giáng Sinh bên ngoài nhà thờ nhắc chị nhớ ý nghĩa ngày đại lễ của toàn thế giới. Cho đến năm nay, cả cuộc đời chị đã đi tìm tiền, hạnh phúc, an vui, nhà cửa, xe cộ, sư ̣ kính nể của người khác, tìm xúc cảm biết mình khôn ngoan, giỏi hơn người... lâu đài trên cát ấy nay đã sụp đổ rồi. Vậy mà chị vẫn phải tiếp tục tìm kiếm, dù biết điều mình tìm kiếm hôm nay chỉ là tạm bợ, ngày kia những điều ấy cũng sẽ trở thành hư ão. Trong những cuộc tìm kiếm trong đời, những ngày tìm chồng trên đất Bắc là cuộc tìm kiếm mà ngày nào còn sống, chị sẽ không quên.

Ngay lúc ấy, chân chị cũng vừa dừng bên kia đường, đối ngang với một nhà thờ. Tiếng hát của ai hôm nào vẫn còn văng vẳng bên tai “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá, nơi máng lừa.” Chị đã biết Chúa sinh ra đời  để tìm người. Cuộc tìm kiếm nào cũng có giá phải trả, nhiều hay ít tùy người ấy tìm kiếm điều gì. Mẹ chỉ kể đơn sơ rằng Chúa từ cõi trời xuống thế làm người để tìm những người đã đi lạc nhà Chúa, có lẽ vì lúc ấy chị còn rất nhỏ nên câu chuyện được trình bày rất ngắn gọn, rất đơn sơ. Không rõ Chúa đã phải trả những giá gì cho cuộc tìm kiếm này, nhưng chắc chắn phải là một giá rất đắc. Và Chúa ơi ! Có phải chỉ chính Ngài mới thấu hiểu giá lớn lao, kinh hoàng, vượt bên trên trí hiểu của loài người Ngài phải trả cho cuộc tìm kiếm này. Riêng cá nhân chị chỉ hiểu một điều: Chúa đã ra đời trên đất Do-Thái, nơi có lẽ có mùa đông. Nhưng tại đây, không mùa đông, nên Chúa ra đời, dù cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt những người đang mang những mùa đông khắc nghiệt của cuộc đời, hiểu và đón nhận Hài Nhi hơn bất cứ người nào khác.

 

Đoàn Thu Cúc