Chỉ có con người biết cười. Phần nhiều cái cười của chúng ta thuộc loại “buồn cười” do ngoại cảnh đem lại làm cho ý tưởng vui nhộn lung tung không giới hạn của ta được hả hê. Đôi khi có những cái “buồn cười” mang ý nghĩa tinh nghịch qua những câu nói đầy ác tâm, đầy lòng vị kỷ và không tốt lành. Một nhân viên ưu tú của hãng nọ bước bước lên khán đài nhận giải thưởng, liếc mắt nhìn một giai nhân người mẫu của hãng, vấp té, một người nói “nhận giải cô người mẫu chắc thích hơn”. Thế là nhân viên khác thấy “buồn cười”, nên “cười thỏa thích”, “cười ngặt nghẽo”. Chẳng biết cái cười này mang ý nghĩ gì, cười không tốt lành hay cười vui nhộn? Chắc cả hai.
“Vui cười” thì hơi hiếm. Theo Descartes thì người ta “vui cười” khi niềm hân hoan được tăng lên và những ký ức các khổ đau trong quá khứ đã mờ dần. Con người cảm thấy nhẹ nhõm, như đã cất được gánh nặng mà mình đã mang lâu ngày thì “vui cười”. Chàng lực sĩ chạy nước rút vừa phá kỷ lục “vui cười” thích thú vì bao nhiêu công trình khổ luyện bấy lâu nay đã biến dạng trước sự thành công rực rỡ.
“Cười thỏa mãn” thì thật hiếm hoi nhưng rất đơn giản. Kết thúc bài ca dao Thằng Bờm là “bờm cười”, cái “cười thỏa mãn”.
Thằng bờm có cái quạt mo           Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng bờm chẳng lấy trâu      Phú ông xin đổi ao xâu cá mè
Bờm rằng bờm chẳng lấy mè        Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng bờm chẳng lấy lim       Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi      Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười
Ba bò chín trâu - ao xâu cá mè - một bè gỗ lim - đôi chim đồi mồi” đều có giá trị nhưng không đáp ứng ngay cái bụng đang đói hoặc cái thèm ăn của bờm. “Nắm xôi” tầm thường nhưng đáp ứng được cái nhu cầu thiết thực, nên “bờm cười” thỏa mãn chấp nhận ngay.
Càng văn minh nhu cầu của con người ngày càng nhiều. Chính cái nhu cầu của con người là động cơ tạo nên đời sống văn minh. Nhu cầu này vừa được đáp ứng thì nẩy thêm nhu cầu khác cần được đáp ứng. Vì cớ đó, sự thỏa mãn nhu cầu loại này không tạo nên cái “cười thỏa mãn”. Cái nhu cầu tối thiết mà người ta đã cố công tìm kiếm trải qua nhiều đời, đó là giải thoát con người ra khỏi tội lỗi. Bao nhiêu triết thuyết, bao nhiêu tôn giáo, bao nhiêu phương thức tu hành, xét cho cùng đều có một giá trị lớn như “Ba bò chín trâu - ao xâu cá mè - một bè gỗ lim - đôi chim đồi mồi” với nhiều người, nhưng không làm cho con người có “nụ cười thỏa lòng” trong tâm linh khi chấp nhận. Trái lại còn đưa con người vào “khổ” tu, “khổ” hạnh, lo giữ giới, lo lập hạnh, tạo duyên trong bể tội, biển khổ, để rồi mãn cuộc đời trên đất, vẫn mơ hồ mong ước được giải thoát để sớm “phiêu diêu miền cực lạc”. Bất giác, người đang chia sẻ niềm tin với quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa thở dài, bâng khuâng.
Hơn hai ngàn năm nay, một tin lành được loan báo để nhân thế được niềm vui. Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người trong chương trình giải thoát con người ra khỏi tội lỗi. Sự đáp ứng nhu cầu tối cần thiết của nhân loại đã được chính Đức Chúa Trời hoạch định và lập phương cứu rỗi loài người qua Đức Chúa Jêsus. Thánh Phao-lô đã giới thiệu Chúa Jêsus như sau : “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15). Thằng Bờm còn phải đổi cái “quạt mo” để lấy “nắm xôi”, chúng ta chẳng cần đổi gì ngoài việc nhận biết tội lỗi của mình, ăn năn và xin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình, sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, và chúng ta sẽ nhận được sự cứu rỗi. Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện của người thâu thuế giàu có Xa-chê như sau : “ Đức Chúa Jêsus vào thành Giê-ri-cô, đi ngang qua phố. Tại đó, có một người tên là Xa-chê, làm đầu bọn thâu thuế, và giàu có. Người đó tìm xem Đức Chúa Jêsus là ai, nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp. Vậy, Xa-chê chạy trước, trèo lên cây sung, để ngó thấy Đức Chúa Jêsus, vì Ngài phải đi qua đó. Đức Chúa Jêsus đến chỗ ấy, ngước mắt lên mà phán rằng: Hỡi Xa-chê, hãy xuống cho mau, vì hôm nay ta phải ở nhà ngươi. Xa-chê vội vàng xuống và mừng rước Ngài. Ai nấy thấy vậy, đều lằm bằm rằng: Người nầy vào nhà kẻ có tội (Xa-chê cũng biết điều này) mà trọ! Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư (Xa-chê ăn năn, xin đền tội và nguyện không trở lại đường cũ). Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham. Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất. (Chúa bằng lòng sự tin nhận Ngài của Xa-chê)” (Lu-ca 19:1-10). Người thâu thuế giầu có Xa-chê “vội vàng xuống và mừng rước Ngài” khi nhận biết Chúa là Đấng Cứu Thế, đến thế gian để “tìm và cứu kẻ bị mất”, là người bị chết mất trong tội lỗi.
Thưa quý anh chị con cái Chúa,
Chánh khách Hoa Kỳ Daniel Webster, đã có nhận định sau : “Cơ Đốc nhân thường có những nụ cười thỏa lòng an bình trong sáng, vì tin chắc vào sự cứu rỗi”. Một nhận định thật chính xác.
Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,
Hơn hai ngàn năm nay, hàng trăm triệu con cái Chúa chúng tôi đã vui cười trong sáng, “cười thỏa lòng” vì đã được giải thoát khỏi tội lỗi, bởi sự tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Mục Sư mà tôi kính mến, Mục Sư Phan Thanh Bình đã viết một câu chuyện sau, và tôi xin ghi lại để kết thúc tâm tình chia sẻ niềm tin của bài này.
“Tôi nhớ lại ngày tôi giúp thi sĩ lão thành Phan Quảng Nam tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của cụ. Cụ nói với tôi với nụ cười thỏa lòng:
- Mục Sư, tôi đã giải quyết xong vấn đề trọng đại nhất của đời tôi rồi. Tôi thật vui thỏa.
Sự vui thỏa của cụ biểu lộ qua bài thơ, mà mỗi câu thơ là một tiếng “cười thỏa lòng”.
Tâm Hồn Con
Con đến dâng Cha cả tấm lòng
Với niềm yêu kính với chờ mong
Như hoa dưng nở nghiêng về nắng
Như nước dòng xanh đến biển đông.
         Nắng nở hương hoa cánh cánh nồng
         Biển thâu tình nước, nước ngàn song
         Tâm hồn con đấy, hoa và nắng
         Tưởng nhớ quê nhà, cõi thái không.
Thái không nào phải chốn vô hình
         Trong ánh huy hoàng ngự Thánh Linh
         Nước Chúa bao la, người bé nhỏ
         Lòng con nhỏ bé có Thiên Đình.
                  Chúa ngự lòng con, ôi hiển vinh
                  Con trong lòng Chúa hưởng an bình
                  Con nguyền giữ mãi hồn thanh khiết
                  Với đức tin ngời ánh thủy tinh.
         Đức tin hằng sống vạn trời xuân
         Chúa dẫu cao xa, Chúa vẫn gần
         Con ở nơi đâu, Ngài ở đấy
         Ngài ban từ ái với hồng ân.
                  Nỗi mừng con biết lấy chi cân
                  Trút hết sầu tư giữa bụi trần
                  Vườn cũ Ê-đen dù đã mất
                  Ngày mai vườn Chúa nở tường vân.
         Mong thấu cao xanh mấy tiếng long
         Tâm hồn con đấy, nước về đông
         Tâm hồn con đấy, hoa triều năng
         Mang nặng niềm tin Đức Hóa Công.
Hiện nay cụ Phan Quảng Nam đang “cười thỏa lòng” với Cứu Chúa Jêsus trong nước Ngài.”
Mong quý vị sẽ “cười thỏa lòng” ngay ngày hôm nay. Chúng ta chỉ có thể “cười thỏa lòng” khi chúng ta hưởng được sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus, và chúng ta “vui mừng trong Chúa luôn luôn” (Phi-líp 4:4), chúng ta “cười thỏa lòng” “luôn luôn” cho đến ngày gặp Chúa.
Mời nghe Thánh Ca
Mời quý vị độc giả, quý anh chị con cái Chúa bấm vào link sau đây để thưởng thức bản Thánh Ca tựa đề “The Lord’s Prayer” do ca sĩ Andrea Bocelli trình bầy :
https://www.youtube.com/watch?v=aEplqV0scyo&list=RDaEplqV0scyo&index=1