CÒN MỘT CHÚT GÌ

ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG

Memory

 

 

Hai người bước ra cổng bệnh viện cùng một lúc, một người quẹo bên phải, người kia quẹo bên trái. Bỗng người thông ngôn nghe tiếng gọi ngay sau lưng mình:

-       Em!

Ngạc nhiên quay lại, người thông ngôn thấy bệnh nhân mình vừa gặp đang dừng lại, cười toe toét, tay cầm tờ giấy bạc hai mươi đô la Úc và nói:

-       Qua cho em nè!

 Sững sờ, người thông ngôn chưa biết phải phản ứng ra sao, vì chưa người đàn ông nào cho người thông ngôn tiền và chưa bệnh nhân nam nào gọi thông ngôn là “em,” thường họ gọi là “cô” hay “chị,” và từ ngày xa xứ đến nay, chữ xưng hô “qua” dừng như đã biến mất.

-       Anh cho tôi tiền để làm gì?

-       Qua cho em ăn đồ.

Kỷ niệm ấy có bao giờ bị xóa mờ trong tâm trí, bệnh nhân người Việt gốc Hoa đối với thông ngôn tràn đầy cảm tình, và chính người thông ngôn phải nhìn nhận rằng, trong nghề, mình chưa bao giờ bị một bệnh nhân người Việt gốc Hoa đối xử xấu. Điều duy nhất người thông ngôn không nhớ rõ là có giơ tay nhận hai mươi đô đó không, một số tiền khá lớn vào lúc bấy giờ, có thể mua thức ăn trưa cho cả tuần. Không nhận là ngu mà nhận cũng là ngu, nhưng không nhận thì ngu hơn, dù vậy, vì đã mấy mươi năm trôi qua, người thông ngôn không nhớ đã chọn lối ngu nào. Đường đời muôn lối rẽ, ta còn biết phải rẽ lối nào.

Bệnh viện là nơi có đầy hỷ- nộ- ái- ố- bi- ai- hận- nơi người thông ngôn đã chứng kiến những đôi vợ chồng mà qua thái độ của họ, người bàng quan sẽ hiểu rằng phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì thiếp và chàng cũng xa nhau cỡ đó. Nên một vài đôi nhân tình, nhất là những đôi nhân tình tóc bạc, nắm tay nhau đi trước cửa bệnh viện, khiến thông ngôn muốn khóc. Tình yêu đối với nhau được bày tỏ qua nhiều cách, mà cách chăm sóc là một. Còn nhớ hôm ấy người thông ngôn được gọi vì bác sĩ muốn nói chuyện với một bệnh nhân già để quyết định xem có nên cho ông ra về hay không. Nằm trên giường là một bệnh nhân trên 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, hàm răng được tháo ra, để ngay ngắn trong một cái tô nhỏ gần đầu giường. Gương mặt ông thật hiền lành, nụ cười nhẹ nhàng của một người có tâm nhu mì, thuận phục. Đứng bên cạnh ông, ngay đầu giường là người vợ thật trẻ, trẻ hơn ông chừng 30 tuổi, nhìn thì biết ngay vợ được cưới từ Việt Nam sang trong mối tình ông nội và con cháu. Cô mang đầy vẻ lo lắng, xúc động, quan tâm. Hai tay cô cứ nắm lại, vặn tròn tròn như tâm hồn cô đang bối rối. Bác sĩ nhìn bệnh nhân và bắt đầu:

-       How are you feeling today?

-       Nhà tôi ấy hả? Ông ấy còn mệt và yếu lắm.

-       How was you sleep? Did you sleep well last night?

-       Nhà tôi ấy hả? Ngủ cái gì mà ngủ. Cứ nằm ấy thôi nhưng nào có ngủ. Tôi thức với ông ấy suốt đêm, tôi biết mà.

-       Are you eating all right? Do you enjoy your food?

-       Ông ấy mà ăn uống gì? Không ăn được đâu. Răng đâu mà ăn. Mà nếu có răng cũng chẳng muốn ăn.

-       Are your legs all right? Are you able to stand on your legs?

-       Ông ấy mà đứng cái gì. Chân yếu lắm, đứng không nổi.

-       Excuse me my lady, can you let him speak?

-       Ông ấy mà nói cái gì? Ông ấy biết gì mà nói.

-       Excuse me madame, I would like to hear your husband speak. I would like to hear him speak, not you.

Hai tay người vợ trẻ càng vặn tròn nhiều hơn, cô mở miệng định giải thích, nhưng thấy đôi mắt vị bác sĩ đang nhìn mình trân trân, cô đành phải im lặng.

Có phải vì yêu nhau mà người ta quên đi cả thời gian và không gian? Có phải vì yêu con mà nhiều bà mẹ tin rằng con gái mình là Hằng Nga giáng thế và con trai mình chỉ thông minh kém Albert Einstein? Có phải vì yêu chồng mà bà vợ nghĩ rằng chàng là James Bond của Anh Quốc? Một ngày kia, tại một Trung Tâm khám sức khỏe cho trẻ con, người thông ngôn gặp một người vợ đặc biệt. Các câu hỏi không có gì đặc biệt, cũng như hàng trăm câu hỏi khác của hàng ngàn bà mẹ về sức khoẻ của con mình, người mẹ chưa mở miệng người thông ngôn đã biết trước người ấy sẽ hỏi gì. Chỉ có một câu trả lời khá đặc biệt. Cũng như hàng ngàn bà mẹ khác, cô này than thở sao bé của mình không chịu ăn, nó gầy quá và nhỏ người quá. Sau khi cân đo bé thật cẩn thận và ghi số ấy trên biểu đồ về chiều cao và sức nặng của bé trên bảng đặc biệt dành cho trẻ em Á Châu, cô y tá tại trung tâm an ủi và khích lệ người mẹ bằng câu nói: “Cháu nó cũng nhỏ người như cô mà thôi.” Nhưng cô y tá lại hỏi thêm: “How tall is your husband?” Cô trừng mắt trả lời ngay: “Nhà em cao một mét tám.” Hằng ngày trong công việc, người thông ngôn luôn luôn dặn lòng chớ xen vào chuyện của ai cả, người ta nói gì, làm gì cũng phải lờ đi, vì nào phải là chuyện của mình. Kể cả những lúc có người hỏi ý kiến, người thông ngôn cũng trả lời rằng “Mình không biết. Xin em suy nghĩ kỹ rồi quyết định.” Nhưng! Trên đời có cái chữ “nhưng” quái đản. Có những trường hợp người thông ngôn cũng xen vào và nếu thi hành kỷ luật như trường học ngày xưa, hễ hư thì bị khẽ tay, thì chắc hai bàn tay của thông ngôn phải sưng vù, rướm máu. Lần ấy, người thông ngôn lại phạm lỗi. Chỉ vì một lần kia đã gặp chồng của cô ấy và có đứng gần, thấy anh ấy cao bằng người thông ngôn thì bỗng nhiên đem lòng thương chan chứa, “thương người như thể thương thân.” Nên thông ngôn bỗng vọt miệng: “Đâu có! Ông xã em cao bằng chị mà!” May mắn làm sao một trận khẩu chiến không xảy ra vì cô ấy không nói gì cả.

Vẫn biết rằng có những anh hùng tạo thời thế, nhưng cũng có thời thế tạo anh hùng. Tuy nhiên, lại có những thời thế phô bày những người không thể và không phải là anh hùng trong những lúc thật bất ngờ. Còn nhớ bệnh nhân ấy đang ngồi trên giường, chờ xuất viện. Nhưng trước khi xuất viện, một nhân viên chuyên về bệnh tiểu đường đến tận giường để chỉ dẫn ông những điều phải làm tại nhà, như hàng ngày phải tự thử máu đường nơi đầu ngón tay ngày hai lần, và tự chích thuốc vào bụng ngày hai lần. Khi nhân viên này hướng dẫn bệnh nhân cách bóp lớp mỡ ở bụng cho nhô lên và chích ngay vào đó, vừa không đau vừa hiệu nghiệm, ngay khi thấy cây kim săẵn sàng để đâm vào lớp mỡ bụng, bệnh nhân la lên:

-       Trời ơi! Kim dài quá, nó đâm thấu qua bên kia.

Nhân viên y tế này giải thích thế nào ông cũng không chịu chích thử. Hai bên dằn co, tranh đấu với nhau mà vẫn không tìm được giải pháp. Một lần nữa trong những năm nghề nghiệp, người thông ngôn mở miệng:

-       Ông nói đâm thấu qua bên kia là bên nào?

-       Đâm thấu bụng qua tới lưng chứ bên nào?

-       Cây kim dài chỉ 2 hoặc 3 cm, làm sao đâm thấu lưng được thưa ông?

-       Cái này mà 2, 3 cm hả?

Sau một lúc rất lâu mà vẫn không chích cho bệnh nhân được, nhân viên này đành phải báo cáo cho bác sĩ. Người thông ngôn ra về, không biết bệnh viện phải dùng phương pháp gì để giúp bệnh nhân tiểu đường này. Nhưng hình ảnh nam bệnh nhân oai hùng nạt cô y tá không được chích cho ông vì kim sẽ đâm thấu qua bên kia là hình ảnh khó quên. Cũng lại việc thử máu mà người thông ngôn được gặp gỡ một người đặc biệt khác, trẻ hơn bệnh nhân trên rất nhiều, nhưng “oai hùng” không kém. Người thông ngôn không nhớ rõ anh bị bệnh gì, nhưng đến khi thử máu, thấy cô y tá chuẩn bị đến tám ống, và cô phải bỏ ra khá nhiều thì giờ viết tên và số của anh trên từng ống. Vừa thấy tám ống này, anh la lên:

-       Trời ơi! Lấy tám chai máu, ai mà sống nỗi. Tôi làm gì có đủ máu cho mấy người lấy.

Cô y tá vội trấn an:

-       Anh đừng lo, trong người chúng ta có đến mấy lít máu. Tám ống này chỉ là 80 ml .

-       Tám ống hả? Tám chai đừng nói trớ là tám ống. Tôi không thử máu. Tôi bệnh tôi không chết chứ lấy tám chai này, tôi chết liền tại chỗ.

Và anh đã giữ đúng lời, anh không cho lấy máu.

Đối với những người mà Anh ngữ là ngôn ngữ thứ hai của họ thì việc nói sai Anh ngữ là việc không tránh khỏi. Người thông ngôn một lần kia đã dùng sai một danh từ y tế về một cuộc giải phẩu, Anh ngữ có hai chữ khác nhau, một dùng cho nam bệnh nhân, một dùng cho nữ. Không biết hôm ấy người thông ngôn buồn ngủ hay đang trong một cơn mê chiều, nên nữ bệnh nhân mà người thông ngôn dùng chữ dành cho nam. Nhờ vị bác sĩ trừng mắt và lập lại chữ ấy một cách mĩa mai mà người thông ngôn nhớ chữ này cho đến chết. Đó là trường hợp dùng sai Anh ngữ không hay ho, duyên dáng chút nào. Nhưng cũng có những trường hợp sai Anh ngữ cực kỳ duyên dáng. Buổi sáng hôm ấy, cũng tại một trung tâm khám sức khỏe cho trẻ em, một cặp vợ chồng bế con vào khám. Người chồng biết Anh ngữ nên nói chuyện trực tiếp với cô y tá. Sau khi đã khám và hỏi chuyện xong, cô y tá đặt em bé trên chiếc cân và trở lại bàn, cầm viết sẵn sàng để ghi kết quả. Tại trung tâm này, chiếc cân được đặt cách xa bàn của cô y tá, nên mỗi khi cân một em bé, cô phải đứng lên, đến chiếc cân xem kỹ số kílô rồi lại phải trở lại bàn để ghi con số ấy vào sổ. Vì người chồng biết Anh ngữ, nên cô y tá ngồi tại bàn và hỏi anh:

-       How much does she weigh?

-       She is five thirty.

-       What?

-       She is five thirty.

-       What?

Người thông ngôn lúc bấy giờ mới mở miệng: “Dạ thưa có phải anh muốn nói cháu nặng năm ký rưởi phải không?” “Dạ phải.” “Xin anh nói she is five point five kilos or she is five and a half kilos .”      

Không biết những người thông ngôn khác sợ điều gì nhất trong đời nghề nghiệp của họ, nhưng người thông ngôn sợ nhất là không hiểu điều bệnh nhân nói hoặc hiểu nhưng không biết phải diễn tả thế nào bằng Anh ngữ. Người thông ngôn không sợ những danh từ y tế mà các bác sĩ dùng, vì đã nhiều lần, khi một vị bác sĩ dùng một chữ chuyên môn người thông ngôn không hiểu, cứ nói mình không hiểu và xin họ giải thích, chưa một lần nào bị họ giận vì người thông ngôn không hiểu. Sợ nhất là khi bệnh nhân nói điều mình không hiểu.

Buổi sáng hôm ấy, cũng là một buổi sáng phải trực tại trung tâm khám sức khỏe em bé, từ 9 giờ sáng cho đến 1 giờ trưa, công việc nhàm chán, chẳng có gì hứng thú cả, vì luôn luôn nghe tiếng khóc la của con nít và những lời than thở của các bà mẹ là sao con mình không ăn, không bú, không lớn , không cao như con người ta, tại sao con người ta không khóc mà con mình khóc. Cho đến khi một người cha bế một em bé vào. Với những em bé 18 tháng, các cô y tá rất chú tâm đến phần khả năng ngôn ngữ của các em. Họ luôn luôn hỏi xem đứa bé nói được mấy chữ. Những em bé không nói được chữ nào là có nan đề. Nên trong trường hợp này, cô y tá hỏi người cha:

-       How many single words does she say?

Người cha trả lời ngay:

-       Con này hả chị? Con này từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ nó chỉ nói được “Chết mẹ mầy chưa.”

Trong phòng khám không có tấm gương nào nên người thông ngôn không biết mặt mình xanh hay đỏ, vì đây là trường hợp hiểu rất rõ bệnh nhân nói gì nhưng không biết làm sao diễn tả bằng Anh ngữ. Tiếng cô y tá hỏi lại lần thứ nhì:

-       How many single words does she say?

-       Chị ơi chị, con này nó nói “chết mẹ mầy chưa.”

Bầu không khí vẫn im lặng. Cô y tá hỏi lần thứ ba: “How many single words does she say?” Cha đứa bé nhìn người thông ngôn không hiểu tại sao bà này “á khẩu” nên anh mạnh dạn trả lời trực tiếp:

-       She says “chết mẹ mầy chưa.”

-       Does she say that?

-       Yes, she says that.

Người thông ngôn phải nhìn nhận rằng trên đời có những người mà sự may mắn họ mang trên lưng, quàng trên cổ, đội trên đầu, như người thông ngôn chẳng hạn. Không hiểu vì lý do gì mà cô y tá và người cha của em bé không một lời trách, không một lời thắc mắc tại sao người thông ngôn “ngồi im lặng như đồng.”

Có những cuộc gặp gỡ để lại nhiều bùi ngùi, thương mến mặc dù ngay lúc đầu không có gì đặc sắc cả. Còn nhớ hôm ấy người thông ngôn được gọi vào để giúp cho một bệnh nhân nam đã ở trong bệnh viện nhiều ngày. Anh đang nằm trên giường, trạc tuổi trung niên, gương mặt rất buồn, đầy lo lắng, ưu tư. Sau khi bác sĩ nói chuyện với anh và đã rời khỏi phòng, vì còn đôi ba phút, người thông ngôn nấn ná ở lại, chờ bác sĩ đã đi rồi, mới trao cho anh vài chứng đạo đơn lúc nào thông ngôn cũng mang theo. Nhìn những chứng đạo đơn này, anh cám ơn và hỏi: “Chị có đạo à?” Người thông ngôn trả lời: “Thưa phải, tôi đạo Tin Lành.” Anh hỏi ngay: “ Chị đi nhà thờ nào?” Sau khi nghe người thông ngôn nói tên nhà thờ, anh nói ngay: “Tôi có từng nghe Mục Sư đó giảng.” Người thông ngôn vội vàng kết luận: “Anh nghe chương trình phát thanh Tin Lành?” “Không, tôi không biết chương trình phát thanh Tin Lành nào cả. Tôi vào tận nhà thờ của Mục Sư đó.”  “Vậy sao?” “Tôi vào nhà thờ đó đã bốn lần rồi chị.” Người thông ngôn ngạc nhiên thật và câu hỏi kế tiếp đến với đầy mặc cảm: “Anh vào nhà thờ đó bốn lần rồi? Sao tôi không nhớ đã gặp anh?” “Tôi cũng không nhớ đã gặp chị trong nhà thờ, nhưng tôi đã vào nhà thờ đó bốn lần rồi.” Người thông ngôn mau mau hỏi thêm: “Chắc anh có bạn trong nhà thờ mời anh đi ?” “Không, tôi không có bạn trong nhà thờ.” “Vậy sao anh vào nhà thờ? Anh vào lúc nào vậy anh?” “Tôi vào nhà thờ đó bốn lần rồi. Tôi nghe ông Mục sư đó giảng bốn lần rồi. Tôi làm việc cho nhà quàn Vạn Thọ. Tôi chuyên môn khiêng hòm.”

Phải thành thật nói rằng người thông ngôn “lảo đảo” bước ra khỏi phòng. Lòng thương bệnh nhân ấy và thương cho chính mình là xúc cảm mà bao năm qua rồi, vẫn không quên. Trên đường về người thông ngôn tự hỏi “When will I need your service?” và câu hỏi ấy đến nay vẫn còn. Người thông ngôn có trở lại để tìm anh nhưng anh đã xuất viện và nghe người ta kể lại anh về Việt Nam để trị bệnh. Sau lần gặp gỡ đặc biệt ấy, hai bên không còn dịp để gặp nhau một lần nữa.

Thời gian có thể xóa mờ rất nhiều điều trong ký ức, nhưng có những kỷ niệm  đẹp tuyệt vời, những cuộc gặp gỡ ly kỳ, những câu nói duyên dáng, những cảm tình lâng lâng, lai láng... thời gian không thể xóa mờ.

 

Đoàn Thu Cúc