Trong ba bài 188, 194, 195 tôi đã chia sẻ niềm tin của mình đến quý anh chị con cái Chúa, chúng ta phải coi như chết về “gian dâm, ô uế, luông tuồng”, ba điều liên quan đến đời sống tình dục, cái phần mạnh nhất trong cuộc sống. Kế tiếp, con cái Chúa phải coi như chết về những điều xác thịt rất dễ nhầm lẫn phạm phải trong đời sống tin kính : “thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng”, chín điều cả thẩy. Tôi cậy ơn Chúa trình bầy cùng quý anh chị từng điều một theo thứ tự.

Con người là một loài thọ tạo tối linh, khác hẳn muôn loài vật trong vũ trụ vì con người có tâm linh. Tâm linh khiến con người nhận biết Thượng Đế hay thần linh cách nguyên tri. Tâm linh có năng lực thúc đẩy con người tầm đạo, đưa con người vào sự cúng tế, thờ thần linh, nghĩa là đưa con người của thế giới hữu hình vào môi trường gặp gỡ thần linh ở thế giới vô hình. Và sự thờ phượng đã được coi là nghĩa cử của con người.

Bất cứ dưới hình thức nào, sự thờ phượng thần linh cũng có hai phần chính là cúng và tế. Cúng là dâng lễ vật lên thần linh. Tế là vái lậy thần linh, cung kính suy tôn, ngưỡng vọng theo nghi thức long trọng, đôi khi có âm nhạc phụ họa.

Bất cứ với nguyên do nào tạo nên sự thờ phượng, thì sự thờ phượng vẫn nhằm vào hai chủ đích của con người : mong được phước và mong thần linh đẹp lòng. Với hai chủ đích đó, con người sắm sửa vật cúng một cách chu đáo với niềm tin “tốt lễ dễ van”. Con người tự tạo ra nghi thức tế tụng sao cho bộc lộ được lòng chân thành, kính mến, sùng bái, đồng thời thích hợp với ưa muốn của thần linh hầu thần linh đẹp lòng.

Mọi sự thờ phượng đều là nhu cầu đáp ứng tâm linh. Tiếc thay, con người với trí óc giới hạn vào thời gian lẫn không gian và tri thức hầu như không có về thế giới siêu nhiên vô hình, thần linh. Nên chẳng lạ gì khi Chúa Jêsus phán về sự thờ phượng của con người : “Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết” (Giăng 4:22).

Chúng ta “không biết” vì thế giới thần linh vượt quá sự suy tưởng của con người. Nhưng với một tâm hồn có ý thức và tinh thần tự quyết con người đành thánh hóa các vật thọ tạo, “hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:23) làm thần thánh để thờ phượng.

Hầu hết các tôn giáo trong thế gian đều có hình tượng, phần nhiều là hình tượng người. Người Việt chúng ta rất quen với tượng Phật, tượng Chúa. Hình tượng có hình thú rất được dân ta ưa thích là hình rồng. Biểu tượng có khi biến thành hình tượng. Từ con mắt biểu hiệu cho “thiên nhãn” người ta thờ lậy đã đành, đến bộ phận sinh dục nam nữ cũng thành hình tượng cho một số tôn giáo. Thập tự giá biểu tượng cho quyền năng cứu chuộc loài người của Đức Chúa Trời cũng trở thành hình tượng để “con dân Chúa” quỳ trước thập tự giá mà suy niệm và cầu nguyện.

Vào nơi thờ phượng mà có bàn thờ, có đèn, nến lung linh, có lư hương mùi trầm tỏa ngát thì dễ cảm nhận thần linh hiện diện đâu đó. Lại thêm một hay vài hình tượng với nét mặt từ bi, yêu thương, dầu “Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi; Có tay, nhưng không rờ rẫm; Có chân, nào biết bước đi; Cuống họng nó chẳng ra tiếng nào” (Thi-thiên 115:5-7) thì cũng dễ giúp cho thiện nam tín nữ chú tâm vào sự thờ phượng, có đối tượng hình tượng thần linh. Thế mà Đức Chúa Trời lại phán dậy : “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:4-5). Đây là lý do mà con cái Chúa Cơ Đốc Giáo không thờ hình tượng, dầu là hình tượng Chúa Jêsus.

Hình tượng người ta tạo ra. Tiên tri Ê-sai đã nói về cách người ta làm hình tượng như sau : Người ta đốn một cây, “Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cùng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì lạy trước mặt nó. Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no; hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! nầy ta sưởi đây; ta thấy ngọn lửa! Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vị thần, tức là tượng chạm mình; cúi mình trước mặt nó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì Ngài là Thần của tôi” (Ê-sai 44:15-17). Tiên tri Giê-rê-mi thì nói đến hình tượng không sức lực, vô quyền năng : “Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo; rồi lấy bạc vàng mà trang sức; dùng búa mà đóng đinh vào, đặng khỏi lung lay. Các thần ấy tiện như hình cây chà là, không biết nói; không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.” (Giê-rê-mi 10:3-5). Bất cứ hình tượng nào bởi tay người ta làm ra đều vô quyền, dầu là tượng Chúa Quyền Năng.

Trong cuộc hành trình từ Ê-díp-tô đến xứ Ca-na-an, dân Y-sơ-ra-ên đã chống nghịch Chúa nhiều phen. Có lần “dân sự nói nghịch cùng Đức Chúa Trời…. Đức Giê-hô-va sai con rắn lửa đến trong dân sự, cắn dân đó đến đỗi người Y-sơ-ra-ên chết rất nhiều.” (Dân-số ký 21:5-6). Dân Y-sơ-ra-ên ăn năn tội, xin Chúa tha chết. Chúa truyền cho Mô-se làm con rắn bằng đồng, rồi treo nó lên một cây sào, “Nếu ai bị cắn và nhìn nó (con rắn bằng đồng), thì sẽ được sống” (Dân-số ký 21:8). Con rắn bằng đồng chỉ là biểu tượng về phương cách giải cứu của Đức Chúa Trời. Nhưng thời sau đó dân Y-sơ-ra-ên đã coi con rắn bằng đồng là vị thần. Vua Ê-xê-chia “bẻ gãy con rắn đồng mà Môi-se đã làm; bởi vì cho đến khi ấy dân Y-sơ-ra-ên xông hương cho nó” (II Các Vua 18:4).

Ngày nay, không biết bao nhiêu “dân Chúa” đã “vác tượng (Chúa) ấy trên vai, đem đi, đặt vào chỗ nó: thần (Chúa) cứ đứng đó mà không dời khỏi chỗ nó nữa. Nếu có ai kêu cầu, thì thần chẳng trả lời, và không cứu khỏi nạn được” (Ê-sai 46:7).

Rồi đến tiệc thánh Chúa Jêsus thiết lập, “Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một lẽ ấy, sai khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:23-26), bánh và nước nho là “biểu tượng” cho thân và huyết Chúa để khi dự Tiệc Thánh thì con cái Chúa chúng ta nhớ đến Chúa và rao truyền Đạo Chúa cho đến ngày Chúa trở lại. Một số nhà thần học đã đưa bánh và nước nho, “biểu tượng” cho thân và huyết Chúa thành “mình thánh Chúa” để hưởng sinh lực Chúa, thay vì nhớ đến mục đích Chúa chịu chết để đền tội cho cả nhân loại, mà hăng hái nói về Tin Lành Cứu Rỗi cho mọi người hư mất trên đất.

Trong niềm tin của một con cái Chúa, dựa vào chân lý của Kinh Thánh, tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao lại có biết bao giáo đường nguy nga, lộng lẫy với đầy dẫy hình tượng, tại những địa điểm đó người ta tổ chức hành hương, tới đó chiêm ngưỡng, cầu xin thì mới được linh ứng? Tại sao lại có một số “vườn cầu nguyện” với các hình tượng thật tráng lệ, con dân Chúa tới đó cầu nguyện mới được linh ứng? Phải chăng người ta tin hình tượng hơn là tin lời Chúa Jêsus phán ? : “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:19-20).

Cơ Đốc nhân phải coi như chết về hình tượng thấy được lẫn hình tượng không thấy được. Loại hình tượng không thấy được trong đời sống Cơ Đốc nhân không ít, Có thể chúng ta đang thờ hình tượng loại này mà chúng ta không biết, hoặc “cố ý quên”.

Chúa Jêsus dậy : “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa” (Ma-thi-ơ 6:24).

Con cái Chúa chúng ta không thể vừa thờ phượng Chúa vừa thờ Ma-môn. Ma-môn là thần tiền bạc. Con cái Chúa cần tiền bạc cho cuộc sống hằng ngày, Hội Thánh Chúa cần tiền bạc để truyền đạo, rao giảng Tin Lành, làm công việc nhà Chúa. Người xưa nói : Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Trong mọi thời đại, không thiếu gì người coi tiền bạc như ông chủ, để tiền bạc sai khiến mình, làm chuyện tham lam gian lận. Chẳng những vậy thôi, nhiều người nâng tiền bạc lên đến bậc thần tượng mà thờ phượng nó.

Chúng ta thờ phượng Chúa với cả tấm lòng yêu kính Chúa như lời Chúa Jêsus truyền : “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Nhưng khi chúng ta đã “hết lòng, hết tâm trí, hết sức ” mà yêu tiền thì tiền bạc đã thành hình tượng vô hình của chúng ta.

Thần tiền bạc ban cho con cái Chúa những gì ? Lời Kinh Thánh nghiêm dậy : “Kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham (Bản tiếng Anh – love yêu thích) tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:9-10). Con cái Chúa phải chết về hình tượng này và “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi” (Hê-bơ-rơ 13:5).

Bất cứ đối nào ngoài Chúa ra mà con cái Chúa chúng ta “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến” thì đối tượng đó đã trở thành hình tượng của chúng ta. Những người đặt nặng vị kỷ để “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến (yêu thích)” danh vọng và quyền thế, thì danh vọng và quyền thế cũng trở thành hình tượng. Trong Hội Thánh xưa cũng như nay không thiếu gì người như “Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh” (III Giăng 1: 9). Con cái Chúa phải chết về hình tượng này.

Không ít con cái Chúa “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” (II Ti-mô-thê 3:4). “Vui chơi” là một cách lấy lại sức khỏe và làm cho tâm thần thoải mái sau khi làm việc mệt nhọc. Nhưng “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời” thì “sự vui chơi” đã trở thành hình tượng của một số con cái Chúa. “ Kẻ ưa sự vui chơi, thì dẫu sống cũng như chết” (I Ti-mô-thê 5:6) thường vô dụng. Tại Hoa Kỳ, một số Hội Thánh đã tìm cách tìm cách tổ chức những cuộc vui chơi đều đặn, ca nhạc trong nhà thờ để nhiều tín đồ tới, vui chơi sau giờ thờ phượng Chúa hầu thỏa mãn những con cái Chúa “ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời”. Những con cái Chúa này đã thờ hình tượng “vui chơi”. Con cái Chúa chân chính phải chết về hình tượng “vui chơi”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chân chính phải “bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9), bỏ hình tượng thấy được, luôn cả hình tượng không thấy được. Là con cái Chúa chúng ta Phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”  (Phục truyền Luật lệ Ký 6:5), và “phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.