NHÀ CHA

House

 

 

 

Màu cây xanh ngọt ngào, tươi mát  hay tiếng lá xào xạt nhẹ nhàng, hai nét đẹp quyến rũ của núi rừng, không biết nét đẹp nào đã chiếm hồn anh và từ lúc nào anh cũng không rõ. Anh không ngờ mình đã bị thu hút bởi núi rừng. Là người của đô thị, của đám đông, của ồn ào, của náo nhiệt, vì công tác, chánh quyền đã gởi anh đến chốn núi rừng này, với tư cách của một kỹ sư thủy điện, anh có công tác đặc biệt của chánh quyền. Anh không có ý định dừng chân nơi đây, chỉ mong sao công tác hoàn thành, anh sẽ trở về với phồn hoa đô hội.

Có người giới thiệu anh với một nhóm tín hữu Tin Lành, một nhóm thật bé nhỏ, cũng như anh, vì công việc họ phải đến chốn này. Gặp nhau mỗi sáng Chúa Nhật trong rừng, cùng hát thuộc lòng vài bài thánh ca và họ mời anh chia xẻ Kinh Thánh. Trong một thời gian ngắn ngủi, anh trở thành người lãnh đạo của nhóm nhỏ này. Cho đến một ngày kia, một người trong nhóm mời anh đến cầu nguyện đặc biệt cho một người đàn bà đặc biệt.

Giữa chốn núi rừng, nơi người ta ở trong chòi che lá, có một căn nhà khang trang là chuyện hiếm có, mà căn nhà khang trang này lại rộng rãi là chuyện hiếm có hơn nữa. Vậy mà người đàn bà chủ nhà này lại dời cả gia đình mình sang sống trong một cái chòi ngay bên cạnh  căn nhà khang trang này. Bà chủ nhà và hai con trai rất sợ căn nhà khang trang này vì họ tin rằng đây là nhà quỷ. Từ lúc lấy chồng và bước vào căn nhà này, không biết bao chuyện đau buồn đã xảy ra cho gia đình. Sanh được hai con trai mà cả hai con lại mù từ lúc còn nhỏ, chồng chẳng bao lâu sau lại mất, bà sống trong căn nhà này để nuôi hai con trong những năm tháng trải trường của cuộc đời cô đơn, nhọc nhằn và đau khổ. Tình cờ nghe nói có một người của “Chúa” cầu nguyện cho ai cần Chúa, bà đã nhờ người mời đến. Sau khi anh cầu nguyện xong, bà hỏi anh nhà này còn quỷ không, anh trả lời không, khi Chúa ngự vào nhà này, quỷ phải ra đi. Bà trả lời ngay không phải suy nghĩ lâu “nếu Chúa ở đây và nhà này không còn quỷ nữa thì tôi cho Chúa căn nhà này luôn.” Kể từ giây phút ấy, căn nhà từng được gọi là nhà quỷ trở thành nhà nguyện Tin Lành.

Núi rừng là nơi tuy khó sống nhưng lại mang những nét đẹp độc đáo mà thành thị không có được. Người sống nơi đây phải làm đổ mồ hôi mới có miếng cơm, những buổi cơm thật đạm bạc, đơn sơ, chỉ với rau rừng và nếu có khách quý thì dọn một chút thịt chuột nhồi với muối để trong ống tre cho đến thúi. Đó là đặc sản của rừng xanh. Gia đình nào có nuôi được một đàn gà thì sướng không tả được. Vậy mà một làng kia, tất cà gà trong làng đều bị bệnh dịch chết hết, chỉ trừ một gia đình, một gia đình anh đã cầu nguyện cho họ tin nhận Chúa trong  thời gian qua. Họ mời anh trở lại nhà để cầu nguyện cám ơn Chúa. Đường đi rất xa, gần hai ngày đường mới tới vì phải đi bộ theo những đường mòn trong rừng, và cũng phải có người dẫn đi nếu không muốn bị lạc. Đến nơi, ông xã trưởng nghe nói gia đình này có khách nên cũng tìm tới, và khi nhìn thấy đàn gà, ông thèm chảy nước miếng, vì đã lâu không ăn được một miếng gà. Ông xin chủ nhà để mua. Giá gà theo năm ấy là 100.000 đồng một con, giá cắt cổ, không ai sống trong núi rừng lại xuất một số khổng lồ để chỉ mua một con gà. Xã trưởng nhìn con gà thèm thuồng nhưng không biết phải nói sao. Chủ gia đình Tin lành ấy đề nghị nếu xã trưởng trước khi ăn gà nói “Cảm ơn Chúa’ thì anh sẽ bán cho với giá 50.000 đồng một con. Xã trưởng từ chối với lý do rằng tôi không tin Chúa anh, làm sao nói “Cảm ơn Chúa.” Chủ gia đình giải thích: anh nói “Cảm ơn Chúa” vì nhờ Chúa mà gà tôi còn sống, cho nên anh mới có gà để ăn. Không biết đã bao lâu xã trưởng không được ăn gà, nhưng ông đã cương quyết nói rằng “Thôi được, tôi sẽ nói “Cảm ơn Chúa.” Và ông ôm một con gà về nhà. Không ai đi theo để xem lúc ông ăn gà có nói “Cảm ơn Chúa” không, nhưng nơi rừng núi này, muốn tìm một người mánh mung, gian dối không phải dễ.

 Núi rừng xanh tươi đẹp muôn màu với cuộc sống đơn sơ, đạm bạc trong những căn chòi đơn sơ, những buổi cơm đạm bạc, nghèo nàn so với chốn thị thành, nhưng về bệnh tật thì cũng giống như đời sống ở nơi phồn hoa, đô hội, không ai tránh được. Ngày kia một người bệnh nặng gần qua đời cho người quen mời anh đến cầu nguyện để khi chết, ông được về trời ở với Chúa. Anh cùng với vài người ra đi, không biết kết quả sẽ như thế nào, nhưng một người xin cầu nguyện, anh không thể chối từ. Những con đường mòn trong rừng không phải dễ đi và đêm về rất nguy hiểm. Nhưng những năm ấy, anh đã cảm nhận tiếng kêu gọi của Đức Chúa Trời, chỉ muốn làm con lừa cho Chúa cỡi như lúc Ngài vào thành Jerusalem. Con lừa được dùng trong lúc Chúa cần để đem lại sự vinh hiển cho Ngài. Anh bằng lòng làm con lừa để mang Chúa đến với người.

Bệnh nhân là một người đàn ông đã có tuổi, đang nằm trên một tấm ván gỗ. Bụng anh sưng chướng lên, mắt anh nhắm ghiền, hơi thở mệt nhọc, nặng nề, đúng là một người đang chờ chết. Vợ con đang đứng bên cạnh, chực chờ trong giây phút cuối cùng. Anh quỳ bên giường, nhân danh Cứu-Chúa của anh để cầu thay cho người bệnh, tha thiết nài xin sự thương xót của Chúa trên người bệnh và trên toàn thể gia đình. Anh cúi xin Chúa vì Danh vinh hiển của Ngài, thăm viếng gia đình này để qua người bệnh được lành, toàn thể gia đình sẽ nhận biết Danh Ngài. Trong lúc xúc động trước hoàn cảnh của gia đình này, anh đã quên rằng họ chỉ nhờ anh cầu nguyện cho chủ nhà được lên trời ở với Chúa chứ không nhờ cầu nguyện chữa bệnh. Vừa cầu nguyện xong, công an đã đứng ở cửa, mời anh về đồn làm việc vì giảng đạo trái phép, chưa được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Anh bị dẫn ra đi với công an cầm súng theo sau trước sự chứng kiến của gia đình và xóm giềng. Trong những ngày dài bị đưa đi và chịu thẩm vấn rất căng, anh đã quên đi người bệnh. Một tuần lễ sau được tha về, anh được người cho biết rằng bệnh nhân đã ói mữa sau khi anh ra về, và dường như mọi độc chất trong người đã theo cơn ói ấy để xuất ra khỏi cơ thể, và bụng không còn sưng chướng. Bệnh nhân đã hồi phục, ăn uống sinh hoạt bình thường như xưa. Cả gia đình cầu nguyện tin Chúa, hiểu rằng bệnh nhân không lên trời ở với Chúa ngay hôm ấy vì Chúa còn cho bệnh nhân và gia đình những ngày hạnh phúc bên nhau trên đất. Con lừa bé nhỏ đã rưng rưng nước mắt khi cầu nguyện cảm tạ ơn Chúa vì đã vui lòng dùng một chú lừa con để mang đến phép lạ của Đức Chúa Trời.

Ngàn cây rừng đứng san sát nhau trong nét đẹp quyến rũ tuyệt vời như dang tay cản đường, chận lối người để không thể ra đi. Ai ban cho hoa dại trong rừng nét đẹp thu hút độc đáo ? Ai ban cho người tiếng chim hót trên cành như tiếng nhạc du dương trong rừng không nhạc sĩ nào có thể so sánh được ? Ai ban cho người tiếng suối chảy với dòng nước trong sạch, tươi mát cho cả cơ thể lẫn tâm hồn ? Anh đã lạc lối về. Nhiều năm sống cùng dân sự của Đức Chúa Trời chốn núi rừng khiến anh mất dần lòng yêu chốn phồn hoa đô hội. Anh đã trở thành người chăn chiên của Đức Chúa Trời nơi núi rừng trong con mắt của người khác, nhưng đối với riêng cá nhân, anh mãi mãi muốn là con lừa cho Chúa cỡi đi khắp nơi trong chốn núi rừng để lòng những người đơn sơ, chân thành nơi đây gặp được người Chăn Hiền Lành, Chân Thật, vì chiên mình đã phó sự sống mình. Nhà thờ của anh càng lúc càng đông người, Tin Lành càng lúc càng được đồn ra với đầy tiếng tốt. Chân lý của Chúa hướng dẫn người của núi rừng một lối sống mới: không hút thuốc, không uống rượu và không nói tục. Làng Tin Lành không uống rượu, không hút thuốc, không nói tục và người cán bộ nào vào làng để thi hành công tác được yêu cầu không uống rượu trong những ngày công tác tại làng. Kỷ lục này chưa bao giờ có làng xã nào trên toàn nước Việt Nam có được. Người sống trong núi rừng cũng mê tín dị đoan, cũng sợ ma quỹ như người sống nơi đô thị. Người ấy cũng phải đối diện với nan đề của miếng cơm, manh áo, với tiếng gọi cám dỗ của thế giới bên ngoài, với sức mạnh của thế giới của sự tối tăm và với chính mình. Đôi khi chiến thắng thế giới bên ngoài dễ hơn là chiến thắng chính mình. Nên Chúa giúp anh hướng dẫn những con dân Ngài đang sống nơi đây chiến thắng chính mình trước nhất.

Một người con gái trong làng Tin lành lần kia quyết định lấy chồng phương xa, tại một bộ lạc khác. Người chồng chưa biết đến Chúa. Cô ra đi không một lời từ giã vì mặc cảm lấy chồng phương xa chưa biết Chúa. Bộ lạc của chồng cô trọng vai trò cùa người nam hơn bất cứ bộ lạc nào của vùng rừng núi này. Vậy mà lấy chồng đã năm năm, cô lại không có con. Gánh nặng này đè nặng trong tâm hồn và sau cùng cô đã phải quyết định. Sau một buổi thờ phượng tại nhà thờ, anh ngạc nhiên gặp cô và chồng tại tư thất với lời nài xin giúp đỡ. Họ chỉ xin anh cầu nguyện xin cho họ có con. Họ biết rằng sau năm năm lấy chồng mà không con, chỉ có Chúa mới giúp được. Anh đã cầu nguyện xin Chúa ban cho họ điều chân chính lòng họ ước ao. Rồi họ ra về, trở về với thôn làng xa xôi của họ. Cuối năm ấy, trong một buổi truyền giảng nhân dịp lễ Giáng Sinh, dù rất bận rộn trong chương trình, đứng trên bục giảng, anh nhìn thấy một đôi vợ chồng vừa bước vào cửa, và người vợ đang mang thai, bụng lớn. Nhận ra được đôi vợ chồng đã nhờ anh xin Chúa ban cho họ con cái, anh mời họ bước lên bục giảng, kể lại câu chuyện họ xin Chúa và xin điều gì. Bài làm chứng sống trong lúc bất ngờ này mang lại kết quả cho Đức Chúa Trời. Nhiều người giơ tay lên xin tin Chúa trong đêm ấy. Núi rừng trong đêm nay chứng kiến giây phút nhiệm mầu thần linh của Chúa ngự trong lòng người đơn sơ của núi rừng để hướng dẫn họ đến cùng Đấng Tạo Hóa mình.

Anh đã từ bỏ thành phố xa hoa với mọi ánh đèn màu từ lúc nào anh cũng không nhớ. Sau khi đã xong công tác của chánh phủ, anh tiếp tục ở lại với đàn chiên của Đức Chúa Trời, chăm sóc, hướng dẫn họ không sống theo lý luận của trần gian  cũng không theo dị đoan mê tín nhưng theo chân lý của Kinh Thánh. Công tác mới này đòi hỏi nhiều nhẫn nại với thời gian và anh đã quyết định chọn núi rừng.

Song song với công tác của tâm linh, anh hướng dẫn dân sự đời sống vệ sinh căn bản giữa núi rừng: nơi chốn vệ sinh cần có, nơi đổ rác cần có. Các học sinh tiểu học được giấy ban khen của trường là những học sinh xuất sắc nhưng những học sinh xuất sắc này không biết đọc. Anh là nhịp cầu mang những thanh niên Tin Lành tại thành phố, muốn hầu việc Chúa một cách thực tế, có thể đến đây để dạy các em tiểu học đọc và viết. Tiếng đọc của các em tiểu học vang lên giữa núi rừng đem lại cho núi rừng một sức sống mới, một bầu không khí mới, một niềm vui mới, một hạnh phúc mới. Trong bầu không khí thân mật, thương yêu như trong một mái gia đình, các thanh niên mang lại cho các em một cánh cửa mới: nếu không thích, các em không bị bắt buộc phải làm nông như cha mẹ.

Giải quyết vấn đề đọc và viết cho trẻ con nhanh và dễ hơn hướng dẫn người nam nơi núi rừng thương yêu, giúp đỡ và đối xử với vợ một cách khác. Người đàn bà trong phong tục của núi rừng có những kinh nghiệm rất khác người của thành phố. Khi gả con gái, các gia đình nơi đây đòi sính lễ đến độ họ có thể trở nên giàu có nhờ sính lễ. Và họ không nghĩ đến hậu quả trên cuộc đời con gái họ. Người con dâu về sống với nhà chồng phải làm lụng cực khổ suốt đời để gia đình chồng lấy lại được số tiền ấy. Mang thai đến ngày sinh nở, họ phải tự ra bên suối, ngoài khe, tự sinh con, tự cắt nhau, tự nuôi con bên khe suối và bảy ngày sau mới được bế con trở về với gia đình. Sống giữa lòng con dân Chúa với một phong tục rất khác, bởi tình thương của Đức Chúa Trời, anh phải cẩn thận, dần dần hướng dẫn họ yêu mến và giúp đỡ người vợ, người mẹ trong gia đình. Sự yêu mến và giúp đỡ đó phải được bày tỏ bằng những hành động cụ thể, thực tế như chia xẻ việc nhà với họ. Theo thời gian, anh đã hướng dẫn được con dân của Chúa một thói quen mới: vợ chồng ngủ chung giường với nhau, dù là trên những tấm ván gỗ đơn sơ, tầm thường. Sự chiến thắng thế gian và ma quỷ bắt đầu bằng sự chiến thắng chính mình trong khung cảnh êm ấm của gia đình.

Người sống nơi núi rừng hiểu một điều căn bản quan trọng mà đôi khi người thành phố xem thường. Dù người làm nông phải lao khổ nhọc nhằn, cày sâu cuốc bẩm, nhưng kết quả của hoa mùa nằm trong tay Đấng Tối Cao. Chỉ có Trời ban cho họ mưa thuận gió hòa. Nên một ngày nọ, một nhóm tín hữu mời anh đến cầu nguyện xin mưa. Đã ba tháng rồi không mưa, các cây lúa đều khô và bị chuột ăn hết. Họ đang đối diện với những ngày đen tối, những tháng trước mắt không thực phẩm. Họ nhớ đến người của Chúa và cầu cứu. Anh còn nhớ mình đã đến để làm cho đúng bổn phận. Sau khi đã lặn lội một ngày đường, anh đến nơi. Ruộng đồng khô cháy, đất nứt nẻ. Lòng con dân Chúa đau đớn, khô hạn như ruộng đồng. Họ đang chờ một cơn mưa cứu rỗi, họ đang chờ cơn mưa cứu rỗi cho cánh đồng. Anh tổ chức ngay một buổi cầu nguyện. Một số con dân Chúa đến với anh và cùng nhau họ cúi đầu cầu nguyện. Anh trình dâng lên Chúa nan đề của họ, tha thiết xin Ngài đổ một cơn mưa như lòng con dân Ngài đang mong đợi. Sau khi cầu nguyện và ca hát xong thì trời đã bắt đầu chiều. Anh phải ở lại qua đêm và con dân Chúa chuẩn bị cơm chiều bằng những củ khoai mì ăn với đường cục. Nghĩ rằng sáng sớm mai sau khi anh ra về, chắc cũng phải ít nhất vài ngày nữa mới có mưa. Nên khi khoai mì được dọn ra, thấy trời đất bỗng tối sầm lại, anh ngạc nhiên trong kinh hoàng. Tay còn cầm củ khoai mì thì cơn mưa đã tới. Một cơn mưa lớn, nước tràn trề chan chứa khắp nơi. Anh kinh ngạc đến nỗi không nói nên lời trong khi con dân Chúa nói cười liên miệng. Đức Chúa Trời của núi rừng đã ban cho con dân của Ngài một cơn mưa theo lòng tin của họ. Cơn mưa nhiệm mầu này không những là cơn mưa cứu rỗi ruộng đồng nhưng còn là cơn mưa làm tươi thắm tâm hồn của những người đang trông đợi Chúa. Sau lần cầu nguyện ấy, trên đường trở về, anh quặn thắt đớn đau trước thái độ thờ ơ của mình khi đối diện với nan đề thực tế nhất của con dân Chúa và đối với chính Chúa nữa. Khi gặp hạn hán cầu nguyện xin mưa thì cũng phải chờ đôi ba ngày, làm sao có mưa ngay được ? Người cầu thay cho con dân của Đức Chúa Trời đã không nghĩ rằng Ngài sẽ trả lời ngay nhưng Đức Chúa Trời đã trả lời ngay cho những con dân đơn sơ của Ngài trong chốn núi rừng. Đức Chúa Trời không cần phải chờ năm ba ngày nữa mới đổ mưa nhưng ban cho họ điều họ cần trong giây phút ấy. Con lừa của Chúa trở về với gia đình mình, thêm một hiểu biết mới, một kinh nghiệm mới về Chúa của núi rừng. 

Mỗi buổi bình minh trong rừng là một kinh nghiệm mới: “Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín của Ngài lớn lắm.” Phải ! Sự thành tín của Ngài lớn lắm. Trời là của Cha. Đất thuộc về Cha. Biển sâu sông rộng hay núi rừng bao la cũng thuộc về Cha. Nên dù ở giữa nơi đô hội hay giữa chốn núi rừng, anh cảm nhận rõ ràng mình thuộc về Cha, Đấng đã lập và nuôi con dân Ngài dù nơi đô thị hay giữa núi rừng bằng một lương thực thiêng liêng, trường tồn bất diệt, là tình yêu và chân lý của Cha. Ánh sáng của tình yêu và chân lý ấy chỉ có thể tìm được trong Cha. Nơi nào có Cha ngự trị, nơi đó trở thành vương quốc của Cha, hay nói theo ngôn ngữ bình dân của người trong chốn núi rừng, nơi đó được gọi là nhà Cha.

 

Đoàn Thu Cúc