Hiện nay (cuối tháng 3 năm 2020) thế giới đang sôi bỏng vì đại dịch COVID-19, chính trường căng thẳng, muốn hiểu phần nào tình thế, không chi  bằng mở đài TV hay Radio ra nghe tin tức nghe lời “nhận định” tình hình thật sự trước hoặc mở tờ báo đáng tin cậy ra tìm mục “nhận định” đọc trước.

Các đài TV, Radio lớn và những tờ báo đáng tin cậy tại các nước tây phương đều có những mục nhận định về đủ các lãnh vực chuyên môn. Hàng ngày, thủ tướng Úc, bộ trưởng bộ y tế liên bang, thủ hiến các tiểu bang lãnh thổ, bộ trưởng y tế các tiểu bang, y sĩ trưởng của các tiểu bang đứng trước ống kính của các đài TV, trước micro của các đài phát thanh để cho biết rõ tình hình đại dịch COVID-19 tại Úc và toàn thể những nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề, và sự nhận định trong hiện tại và tương lai. Người soạn thảo phụ trách mục “nhận định” đều có trình độ cao trong lãnh vực chuyên môn, có kinh nghiệm thu thập những dữ kiện, có óc phân tích tinh tường và suy xét cặn kẽ. Thiếu một trong bốn yếu tố trên, thì nhận định thường nông cạn, hời hợt và không chính xác.

Đường đời là một chiến trường, “biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng”. “Biết mình”, nhận định về mình quả thật không dễ.

Đức Khổng Tử hỏi thầy Tử Lộ : “Thế nào là người trí ?”. Thầy Tử Lộ thưa : “Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình.”. Thầy Tử Lộ là người vụ ngoại, chỉ cần cho người ta biết mình, hiểu mình. Đức Khổng Tử khen : “Nhà ngươi nói vậy cũng khá gọi là người có học vấn.”. Đức Khổng Tử đem câu hỏi đó hỏi thầy Tử Cống. Thầy Tử Cống thưa : “Người trí là người hiểu người.”. Thầy Tử Cống là người quên mình mà chỉ nghĩ tới người. Đức Khổng Tử khen : “Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn.”. Đức Khổng Tử đem câu hỏi đó hỏi thầy Nhan Hồi. Thầy Nhan Hồi thưa : “Người trí là người biết mình.”. Thầy Nhan Hồi không phải là người tư kỷ hẹp hòi mà là người biết nhận định sâu xa. Có biết mình mới tu tỉnh, mới lo cải hóa để trở nên người hay, người giỏi. Đức Khổng Tử khen : “Nhà ngươi nói như vậy, đáng gọi là bậc Sĩ Quân Tử, là bậc thượng lưu trong xã hội, có đức hạnh, có học vấn.”.

Khi biết mình, con người gạt bỏ những tư tưởng, những hành động tự dối mình, tự lừa mình. Đứng về một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói không ai hiểu mình bằng mình. Nhưng thật ra trên nhiều bình diện, chúng ta không thể tự biết mình, hoặc có biết chăng, cũng biết lờ mờ, thiếu chính xác và có thể biết trong lầm lạc.

Ta có nhà cửa sang trọng, rộng rãi, chưa hẳn là ta đáng trọng, ta rộng lượng. Ta có một xe hơi tốt, không có nghĩa là ta tốt. Ta diện một bộ đồ đẹp, trông lịch sự, chưa hẳn ta là người tốt đẹp và lịch sự. Ta có một địa vị cao trọng trong xã hội mà lại đinh ninh ta là người cao trọng thì thật chưa biết mình. Tiếc thay, chúng ta thường nhìn mình qua lăng kính tự ái đôi khi kèm thêm cao ngạo, rồi qua lăng kính học thức, đạo đức, địa vị, nghề nghiệp, tiền bạc, thuận hay nghịch cảnh, sở trường cùng sở đoản, nên cái biết về mình nó méo mó, nó lệch lạc.

Ngày nay, nhờ khoa tâm lý học và phân tâm học, người ta có thể biết mình khá hơn. Nhưng mấy người chịu bỏ thì giờ để đọc sách và tìm hiểu nhận định về mình ? Người không biết mình nữa, ở một mức độ nào đó sẽ bị người đời gọi là người điên.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Không một ai có đủ khả năng để biết mình toàn diện vì con người được Đức Chúa Trời dựng nên như lời Ngài phán : “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta” (Sáng-thế ký 1:26) và loài người được dựng nên “giống như hình Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 1:27). Với nền khoa học tân tiến thế nào đi nữa, người ta cũng không thể nhận biết tại sao vài dây thần kinh trong số hàng triệu dây thần kinh không hoạt động bình thường, và hậu quả của nó là bệnh điên loạn và đôi khi ngay cả sự chết. Vậy người ta hiểu được bao nhiêu phần trăm về chính bản thân mình ?

Chúng ta cùng nhau nhận định về những điều chúng ta có cần trong cuộc sống, điều chúng ta cần chung. Chúng ta cần nhau những gì nào ? Cần nhau là mình cần người và người cần mình. Người không có mình là thiếu, mình không có người thì chẳng đủ. Trong niềm tin của một con cái Chúa, một vài cái cần của người và cũng của mình là tình yêu thương nhau, sự hỗ trợ nhau, tâm tình khích lệ nhau, phản ứng khéo trong giao tế, khôn ngoan trong giao tế, kinh nghiệm trong giao tế, tinh thần trách nhiệm với người. Tôi xin được chia sẻ niềm tin của mình về những cái cần trên qua những bài kế tiếp, trong tâm tư của một con cái Chúa.