hotel

 

Lữ Quán Sương Mù

 

 

                                                                                                        

Hồ Đắc Luật

 

 

 

 

         Ai đã đi qua con đường dài bảy mươi cây số từ thị trấn Bắc Sơn đến tỉnh lỵ An Bình cũng đều nhìn thấy, phía trái con đường, cạnh một rừng thông già, Lữ Quán Sương Mù.

 

         Vào mười giờ đêm 24-12-1801, lữ quán tiếp ba người khách lạ. Đó là nam tước Lữ Bình, mục sư An Tôn và gã giang hồ Hoàng Long.  Cả ba đều đã mệt nhoài sau khi trãi qua gần sáu mươi cây số đường từ thị trấn Bắc Sơn.  Dọc đường họ luôn đối đầu với gió tuyết lạnh buốt, với đường xá gập ghềnh, nguy hiểm.  Đến đây người, ngựa vừa mệt nhoài thì lại bị một vừng sương mù vây khổn. Trời sực tối, cả ba đang bối rối thì may thay vừa đến Lữ Quán Sương Mù. Chủ nhân lữ quán là một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, đẹp diễm lệ nhưng hơi lẵng lơ. Nàng nở nụ cười khiêu gợi, khẽ nghiêng mình kiểu cách:

-       Kính chào quý vị, tôi là Mỹ Vân, chủ nhân Lữ Quán Sương Mù. Hân hạnh đón tiếp qúy vị. 

Nam tước Lữ Bình vội vàng nhảy xuống ngựa, sửa lại cổ áo, vuốt nhẹ chòm râu chạnh trê, chào thật thấp:

-       Hân hạnh vô cùng được hội kiến mỹ nhân. Tôi là nam tước Lữ Bình.  Đang ngồi trên ngựa là hai bạn của tôi, mụcAn Tôn và lãng tử Hoàng Long.

Mỹ Vân cười thật tươi.

-       Ồ, rất vui mừng được đón tiếp những khách hào hoa khét tiếng ở Bắc Sơn. Đêm nay, đêm Giáng Sinh, đêm vui nhất trần thế, thật quý hóa vô cùng cho lữ quán được đón tiếp cả một vị mục sư. Như thế là tuyệt diệu, “đủ bộ” rồi.  Mời vào… Mời vào.

 

Chủ nhân vui vẻ lăng xăng tới lui phục vụ khách. Vẻ dịu dàng cộng với khuôn mặt tươi vui rạng rỡ làm cho ba người khách như quên hẳn đi sự mệt nhọc của cuộc hành trình. Trước một bàn rộng có bốn chân được chạm trổ khéo léo phủ bằng chiếc khăn thêu tuyệt đẹp, ba người khách thoải mái ngồi dựa lưng ngắm nhìn người đẹp. Mỹ Vân đem ra ba chiếc ly bằng pha lê màu đỏ. Nàng nói:

-       Những chiếc ly này đặc biệt dành cho khách quý và sang trọng như quý vị, nhất là trong dịp trọng đại như hôm naỵ

Gã Hoàng Long tự nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:

-       Phải đem ra bốn chiếc chứ Mỹ Vân. Đêm nay anh hùng hội ngộ với giai nhân. Nàng chung vui với chúng tôi nhé.

Mỹ Vân háy mắt cười tình.

-       Cám ơn, có ngay. Tôi sẽ chung vui với quý vị. 

Nói xong nàng trở vô lấy thêm ly. Hoàng Long khều nhẹ Lữ Bình.

-       Ê, nam tước, trông được chứ.

-       Khá lắm. Nhưng sao nãy giờ ta chỉ thấy có mình nàng?

Phút chốc Mỹ Vân đem thêm ly ra. Lữ Bình lên tiếng hỏi:

-       Này người đẹp, chỉ có nàng với chúng tôi hay sao? Ông chủ đâu rồi?

Mỹ Vân nhún vai thở dài.

-       Nhà tôi mất lâu rồi. Tôi sống với con Thiên Nga, em chồng.  Ôi…thứ em chồng mất nết ấy mà! Làm việc không lo làm việc; hễ có hơi trai là “dọt” mất tiêu. Hồi chiều thằng tình nhân lại rước đi rồi. Tảng sáng mới về.

Nói xong, nàng lắc đầu ra vẻ chán nãn lắm. An Tôn nói:

-       Tôi đề nghị chúng ta giúp Mỹ Vân một tay.

Nam tước Lữ Bình đứng mạnh dậy.

-       Phải lắm, Mục sư nói đúng. Không nên để một đóa hoa đẹp bận rộn nhiều vì chúng ta. Nào, tất cả đứng dậy. Đêm nay tôi đãi hết. Quý vị muốn uống bao nhiêu tùy ý.

 

Thế là cả ba người vui vẻ phụ giúp Mỹ Vân trang hoàng bàn tiệc. Hai cây nến màu trắng thật lớn được cắm ngay ngắn hai đầu bàn. Những bình rượu quý tồn trữ từ lâu được Mỹ Vân đem ra, những cái bánh thật lớn đặt trên những dĩa tráng men bóng loáng, những con gà quay béo mỡ, một đùi thịt trừu non vàng ngấy được phết bơ thơm ngát.

 

         Chuông đồng hồ đúng mười hai tiếng, Mục An Tôn xin vài phút cầu nguyện. Sau đó mọi người đứng dậy bắt tay chúc mừng nhau. Lữ Bình trịnh trọng khui chai rượu quý nổ “Bốp …Bốp”. Và tiệc vui Giáng Sinh bắt đầu. 

 

         Lữ Bình ngồi cạnh Mỹ Vân. Hai người có vẻ ân cần và tương đắc với nhau lắm. An Tôn không quen dùng rượu nên chỉ nhấm nháp một cốc rượu vang nhẹ. Hoàng Long thì uống như hũ chìm, cười nói huyên thuyên. Gã lôi ra đâu ở góc nhà một cây đàn banjo khảy nhộn nhịp điệu Flamenco. Mỹ Vân cao hứng đứng dậy nhảy theo cung đàn, mặt nàng đỏ bừng vì rượu, thân hình nàng uyển chuyển nhịp nhàng, nhịp chân nàng lộc cộc trên sàn gỗ, hòa lẫn tiếng nhạc nghe thật vui tai. Cuộc vui cứ thế kéo dài. Khoảng hai giờ sáng, An Tôn cáo lỗi xin đi nghỉ sớm vì mỏi mệt; Hoàng Long và Lữ Bình tiếp tục vui say. Lát sau, Hoàng Long ngã lăn quay ra sàn nhà nằm ngáy khò khò. Còn lại Lữ Bình và Mỹ Vân ngồi dựa vai nhau tỉ tê tâm sự. Hai ngọn nến trên bàn bắt đầu tàn dần. Lữ quán Sương Mù chìm dần trong bóng đêm mờ ảo. Ánh sáng đã nhường bước cho tối tăm và tội lỗi.

 

         Tám giờ sáng hôm sau, trong khi mọi người còn đang ngáy ngủ thì bên ngoài có tiếng gõ cửa. An Tôn tỉnh giấc trước nhất, ông nghe giọng đàn bà gọi nheo nhéo phía ngoài nhưng vẫn không thấy ai ra mở cửa. An Tôn ngồi dậy lấy áo choàng mặc vào, ra mở cửa. Một người con gái còn trẻ tuổi, son phấn nhòe nhoẹt, lách mình vào quán và liếng thoắng hỏi An Tôn:

-       Ông là ai thế? Khách trọ à? Tôi là Thiên Nga, người nhà ở đây. Bà chị tôi đâu? Còn ngủ? Gớm, chắc hôm qua du dương lắm nhỉ?

 

Nàng xổ một hơi dài như vậy, chưa kịp nghe An Tôn trả lời đã quây quẩy đi vào phía trong. An Tôn nhún vai, lắc đầu cười và trở về phòng. Nhưng vừa bước được vài bước thì An Tôn bỗng nghe một tiếng rú thất thanh, vội chạy ngược lại. Một cảnh tượng kinh khiếp trước mắt: Thiên Nga đang đứng ôm mắt khóc nức nỡ; trước mặt nàng, phía trong cửa phòng Mỹ Vân, giường chiếu xô lệch ngã nghiêng, xác chết nàng nằm dài trên sàn nhà, một giòng máu đỏ rỉ ra bên khóe miệng đã khô cứng. Lữ Bình và Hoàng Long cũng vừa rời phòng chạy đến. Mọi người như bất động, lồng ngực muốn vỡ tan trước cảnh hãi hùng. Thiên Nga bỗng thét lên một tiếng nữa rồi lao đầu chạy ra khỏi quán. Vừa chạy nàng vừa hô to “sát nhân…sát nhân…” Khách qua đường kéo đến mỗi lúc mỗi đông. Cả ba khách trọ đều bị bắt.

 

      ********

 

         Thị trưởng Lê Hoàng là một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần nổi tiếng liêm chính và đức độ xưa nay. Dân chúng mọi tầng lớp đều quý mến và nể sợ ông. Là thị trưởng, ông còn kiêm luôn chức thẩm phán tối cao và điều khiển ngành hành pháp của tỉnh lỵ một cách công minh suốt hai mươi năm qua.  Ông chưa bao giờ đầu hàng trước vụ án nào. Tuy nhiên vụ án Lữ Quán Sương Mù đã làm ông bối rối ít nhiều.

 

         Thứ nhất, Lữ Bình là chỗ bạn bè thâm giao với ông và cùng trong hàng ngũ quý tộc. Thứ hai, An Tôn là một nhân vật đạo đức mà ông từng nghe tiếng và khâm phục từ lâu. Còn Hoàng Long thì ông chưa biết. Ông không muốn tình riêng xen vào nghĩa công và luật pháp trong vụ này. Hiện tại họ đang ngồi trước mặt ông, sau lưng họ là một toán lính đang canh giữ. Trên bàn làm việc của thị trưởng Lê Hoàng là một chồng hồ sơ dầy cộm về vụ án do những thám tử ông làm việc hai ngày qua. Thị trưởng gọi Lữ Bình trước:

-       Này anh Lữ Bình, anh là người có dính líu nghiêm trọng đến vụ án, anh hãy giúp tôi làm sáng tỏ vấn đề. Theo những chi tiết được báo cáo chính xác thì Mỹ Vân đã bị giết vào khoảng ba giờ sáng, hung thủ đã bóp cổ nàng đến chết và sau đó lấy mất đi số tiền bốn mươi ngàn trong tủ. Thủ phạm không để lại dấu vết gì. Thám tử chỉ tìm thấy trên đầu giường Mỹ Vân một tẩu thuốc lá nạm vàng có khắc tên Nam Tước Lữ Bình. Như thế là sao vậy? Cái đó có phải của bạn không?

Lữ Bình toát mồ hôi trán, khuôn mặt béo phệ của ông run run từng thớ thịt.  Ông nói một cách khẩn thiết với thị trưởng:

-       Bạn Lê Hoàng, tôi oan lắm, tôi không biết gì cả về cái chết của Mỹ Vân. Bạn cũng biết đó, ngày xưa khi còn bé chơi chung với nhau, bạn đã nghịch bỏ một con dế vào túi áo tôi. Lần đó tôi muốn chết điếng người luôn. Con dế mà tôi còn sợ như vậy thì làm sao tôi đủ can đảm để bóp cổ đến chết một người đàn bà! Giết người đàn bà chính là hai gã kia chứ không phải tôi đâu. Xin thề có trời đất chứng minh.

-       Được rồi, được rồi….thế còn cái tẩu thuốc lá vì sao lại nằm trên giường nàng?

Lữ Bình ấp úng chưa trả lời được, khuôn mặt đỏ gay e thẹn. Thị trưởng Lê Hoàng tiếp:

-       Tôi hứa sẽ giữ kín vụ này cho anh. Hãy nói thật. Còn ngược lại tôi không thể giúp anh được. 

-       Thực ra thì… đêm ấy … sau cuộc vui tôi có về phòng nàng, chúng tôi tâm sự… chút chút. Sau đó tôi về lại phòng tôi, có lẽ tôi bỏ quên cái tẩu thuốc trên giường nàng.

Thị trưởng Lê Hoàng hí hoáy ghi lại chi tiết này vào hồ sơ, xong ông mời Lữ Bình về chỗ.  Ông gọi tiếp:

-       Mục Sư An Tôn.

-       Thưa Thị Trưởng, có tôi.

-       Theo lời khai của Thiên Nga, em chồng của nạn nhân, nạn nhân bị lấy mất số tiền bốn mươi ngàn đồng. Sau đó khám xét người của quý ông thì lại chính ông có sồ tiền trong người.

-       Thưa Thị Trưởng, số tiền ấy chính là của tôi. Tôi dành dụm suốt mười năm qua. Mục đích chuyến đi của tôi là đem số tiền ấy tặng cô nhi viện An Bình nhân dịp Giáng Sinh.

Thị truởng Lê Hoàng trầm ngâm giây lát, ông nhìn sâu vào mặt An Tôn.

-       Có ai biết số tiền ấy không?  Chẳng hạn như vợ ông, bạn bè, tín hữu, bà con…

-       Không, chỉ có mình tôi biết thôi.

-       Ông có báo cho cô nhi viện An Bình là sẽ tặng số tiền đó trong dịp Giáng Sinh không?

-       Tôi muốn dành cho họ một sự ngạc nhiên.

Thị trưởng Lê Hoàng bóp trán, cau mày nghĩ ngợi giây lát rồi tiếp:

-       Luật pháp không cấm ông có số tiền y như số tiền nạn nhân mất. Tuy nhiên, nếu đây là trường hợp ngẫu nhiên thì có lẽ ngoài sự ước đoán của dư luận. Sau cái chết của Mỹ Vân, cửa nẻo trong nhà vẫn còn đóng kín và then cài bên trong. Ông có ý kiến gì về vụ này?... Chẳng hạn như ông có nghi ai….

An Tôn nhìn thẳng thị trưởng Lê Hoàng giọng chậm rãi:

-       Thưa Thị Trưởng, tôi không có quyền nghi ngờ và phán xét ai cả. Việc đó của Chúa Jesus, không có gì có thể qua khỏi Ngài được.

-       Đàn chiên của Chúa vẫn có những con chiên ghẻ. Tôi tớ của Chúa cũng có kẻ phản Chúa. Từ lâu, tôi vẫn kính trọng tư cách của Mục Sư. Tuy nhiên việc này có tầm quan trọng. Thôi, Mục Sư về chỗ đi.

-       Anh Hoàng Long.

Hoàng Long đến chiếc ghế mà An Tôn mới rời, ngồi xuống. Thị trưởng Lê Hoàng mở tập hồ sơ ra hỏi.

-       Anh là Hoàng Long?

-       Chính tôi.

-       Năm 1780, anh bị năm năm tù vì tội ngộ sát trong khi say rượu. Sau này khi ra khỏi tù, anh lang thang vô nghề nghiệp cho đến năm 1789, vào tháng sáu, lại bị bắt vì tình nghi cướp có võ trang ở hạt Bắc Sơn.  Đến năm 1800, anh được phóng thích nhân dịp Vua Thập Lục đăng quang. Từ đó đến nay anh làm gì? Anh có một vết trầy chảy máu sau cổ đúng y như vết cào cấu của móng tay nhọn đàn bà. Y sĩ khám nghiệm thi thể nạn nhân thấy trên tay nàng có vết máu. Anh trả lời cho tôi nghe rõ về việc này.

-       Ông Thị Trưởng ơi, cái đó chưa phải là bằng chứng để ông kết tội tôi đâu. Vết trầy đó do tôi cưỡi ngựa vướng phải gai khi đến gần Lữ Quán Sương Mù

-       Có ai biết anh bị trầy lúc đó không?

-       Chèn đét ơi, không lẽ mỗi lần bị trầy như vậy tôi “quảng cáo” lên cho mọi người biết!

Thị trưởng Lê Hoàng nghe nói vậy khẽ nhìn hắn mĩm cười.

-       Anh có tiền án nặng quá, những kẻ đã phạm tội một lần rồi thường dễ phạm tội lần nữa…

Thị trưởng Lê Hoàng chưa nói xong thì Hoàng Long đã đứng dậy hét lớn.

-       Ông nói gì?  Thế mà người ta đồn là thông minh sáng suốt. Những kẻ đã giết người “kinh nghiệm” như tôi thì đâu có dại ở lại đó để bị người ta bắt. Tôi dám đoan chắc với ông là hai gã kia chính là thủ phạm. Ôi dưới cái lớp áo giàu sang đạo đức thường hay tàng ẩn những tội lỗi xấu xa!

Thị trưởng Lê Hoàng không tỏ vẻ tức giận trước vẻ ngang tàng của Hoàng Long.  Ôn tồn ông bảo:

-       Anh ngồi xuống đi, mọi việc rồi cũng sẽ ra ánh sáng tất cả. Bây giờ anh và nam tước Lữ Bình cùng mục sư An Tôn sẽ bị tạm giam để điều tra thêm.

Lữ Bình đứng dậy hét lớn:

-       Tôi phản đối việc này. Anh không có quyền giam kẻ vô tội, như thế là trái với luật pháp của Hoàng Gia. 

-       Bạn Lữ Bình ơi, hiện tại tôi là thị trưởng. Tôi đang thi hành luật pháp, mà luật pháp của Hoàng Gia điều 17 chương dòng 3 cho phép tôi có quyền tước đoạt tự do của những ai xét ra có liên quan đến những án có tầm vóc “chết người”.

-       Đồ phản bạn.

Mặc cho Lữ Bình và Hoàng Long kháng cự, toán lính ngự lâm vẫn áp đảo tất cả ra xe đem về phòng giam.

 

********

 

         Tai tiếng vụ án Lữ Quán Sương Mù mới đó mà đã truyền lan khắp tỉnh lỵ An Bình. Dư luận quần chúng đã bắt đầu xôn xao. Từ xưa đến nay, đúng với cái tên An Bình, tỉnh lỵ này chưa hề xảy ra một chuyện xấu xa ghê tởm như vậy. Người dân ở đây hiền hòa chất phát nhưng lại dễ bị lôi cuốn. Họ chia ra làm ba nhóm rõ rệt, mỗi nhóm yêu cầu treo cổ một người. Có kẻ quá khích lại yêu cầu treo cổ cả ba. Họ ùn ùn kéo hàng trăm người đến yêu cầu gặp thị trưởng Lê Hoàng đưa yêu sách treo cổ gấp thủ phạm. Trước trình trạng khẩn trương đó, thị trưởng phải cho tăng cường lính ngự lâm để bảo vệ nhà tù và phòng ngừa báo động. Ông xuất hiện trước quần chúng dùng lời lẽ trấn an, hứa sẽ treo cổ thủ phạm ngay sau khi tìm ra. Tuy nhiên, ông khuyến cáo là mỗi người phải thật bình tỉnh và sáng suốt để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc. Dân chúng, nghe theo lời ông, lần lượt kéo về nhưng vẫn còn ấm ức.

 

         Chưa bao giờ thị trưởng Lê Hoàng lại gặp phải một nan đề khó giải quyết như vậy. Vì suy nghĩ quá nhiều, mới có vài ngày mà trông ông già đi, tóc ông như bạc thêm nhiều. Ông khổ vì ông tốt và chính chắn trong đường lối làm việc. Đối với thị trưởng, kết tội oan một người thì sự ân hận sẽ đến ngàn đời. Cuối cùng, thị trưởng đi đến một quyết định mà ông cho là sáng suốt nhất. Ông thảo một công văn kèm theo hồ sơ và chi tiết vụ án Lữ Quán Sương Mù, rồi sai tùy viên mang thẻ bài hỏa tốc cỡi ngựa ngay đêm đến gặp triều đình để nhờ Hội Đồng Nguyên Lão Thượng Viện cứu xét.

 

         Một trăm bảy mươi vị Nguyên Lão nhóm một phiên họp kéo dài đến sáu tiếng đồng hồ, cuối cùng đồng ý cho ra một án lệnh như sau:

Điều thứ nhất: Xét rằng An Bình là một tỉnh lỵ có truyền thống tốt lành cả về phong tục cũng như đạo đức;

Điều thứ hai: Xét rằng cần phải ngăn ngừa trình trạng bạo động của dân chúng, cũng như những tệ đoan khác có thể xảy ra;

Điều thứ ba: Xét rằng cả ba đương sự trong vụ án đều có bằng chứng phạm pháp;

Điều thứ tư: Xét rằng cả ba đương sự trong vụ án không có bằng chứng chứng minh vô tội.

         Toàn thể Nguyên Lão Thượng Viện nay phán quyết: Nam tước Lữ Bình, Mục An Tôn và Hoàng Long phải bị tống giam vô hạn định cho đến khi tìm ra thủ phạm.

 

         Thị trưởng Lê Hoàng tiếp nhận án lệnh bằng một tâm trạng chua xót bàng hoàng. Tâm tư ông man mác hiểu rằng bản án này hơi khắc khe và oan ức cho một ai đó trong nội vụ. Tuy nhiên, là một công bộc trung thành của triều đình, ông chỉ biết thi hành tuyệt đối án lệnh mà thôi. Ông cảm thấy mình hơi bất lực trước nỗi bi thương nghiệt ngã của cuộc đời. Trước một nền công lý bị uốn cong bởi điều luật, trước một thảm cảnh nghiệt oan và trước tội lỗi của xã hội loài người, nhiều khi ông tự hỏi “Ta có còn là ta nữa hay không? Hay là ta đã đánh mất đi cái nhân bản khi đời sống bị đánh chìm trong uy quyền và quy luật?” Ông khẽ thốt lên: “Chúa ơi, xin giúp con”, rồi sai lính đưa ông đi đến khám đường.

 

         Trong một căn phòng hơi tối tăm của ngục thất An Bình, ba cặp mắt đang nhìn ông như chờ đợi một điều gì khác lạ. Nhìn họ bằng cặp mắt buồn buồn, ông khẽ nói:

-       Tôi rất đau lòng báo tin các anh rằng bản án cho các anh đã được định đoạt. Theo thủ tục, tôi đến đây để đọc án lệnh cho mỗi người nghe rõ.  Án lệnh này hàm chứa lệnh giam đến chung thân cho cả ba anh; cho đến khi nào thủ phạm của vụ án thú nhận tội lỗi của mình thì các anh mới được phóng thích. Tôi xin đọc:

 

Thị trưởng Lê Hoàng đứng nghiêm chỉnh đọc bản án lệnh của Nguyên Lão Thượng Viện cho ba người nghe. Án lệnh vừa đọc xong thì Hoàng Long là người có phản ứng trước nhất. Gã nhảy lên, lồng lộn như một con thú dữ.  Gã nắm hai tay trên song sắt cửa rung ầm ầm và nguyền rủa đủ thứ. Gã chửi tất cả, chửi ông thị trưởng, chửi công lý pháp luật, chửi cả Đức Vua. Gã văng loạn xà ngầu những lời lẽ hầm hồ, thô tục nhất của loài người. Lữ Bình thì ôm mặt khóc hu hu, ông than thân trách phận, sỉ vả thị trưởng không giúp đỡ bạn bè. An Tôn thì trầm tĩnh hơn, hình như ông đang lâm râm cầu nguyện. Đợi mọi người bớt xúc động, thị trưởng Lê Hoàng nói tiếp:

-       Ngày mai tôi sẽ cho chuyển các anh qua ngục thất dành riêng cho phạm nhân chung thân cấm cố. Nhưng tôi không nghĩ rằng sự việc đến đây đã kết thúc. Lần cuối cùng tôi kêu gọi các anh, tôi kêu gọi cái nhất điểm lương tâm còn sót lại trong các anh. Ai là người trong các anh phạm tội thì hãy tự đầu thú đi. Hãy xót thương những kẻ bị hàm oan vì mình.  Hãy nghĩ đến gia đình, giòng họ của những kẻ khốn khổ ấy. Đừng để kẻ khác vì mình mà mang nặng bản án chung thân. Dù trót phạm tội nhưng tôi nghĩ rằng Chúa Jesus sẽ không khước từ những kẻ biết ăn năn hối cải. Hãy suy nghĩ kỹ đi các anh. Suy nghĩ… suy nghĩ thật chính chắn…

 

      Giọng thị trưởng Lê Hoàng trầm lại, như thiết tha, như ấm áp, như thỏ thẻ, nhẹ nhàng từ từ đi vào yên lặng. Ông đã làm cho mọi người xúc động thực sự.  Ngục thất bỗng chốc chìm sâu trong yên lặng não nề. Thời gian như dừng lại, thoang thoảng đâu đây có tiếng muỗi vo ve. Ba tội phạm đứng yên bất động, cặp mắt họ nhìn về phía xa xăm nào đó, tâm hồn họ hình như có một sự đấu tranh mãnh liệt, một sự kêu gào thông thiết giữa danh dự và tình người. Rồi bỗng một trong ba người bước ra nhỏ nhẹ nói:

-       Thưa Thị Trưởng, chính tôi là kẻ đã giết Mỹ Vân và lấy bốn mươi ngàn đồng.

 

********

 

         Hôm nay là ngày hành quyết mục sư An Tôn. Một bãi cỏ trống trước khám đường An Bình được chọn làm pháp trường. Mới tờ mờ sáng mà dân chúng đã kéo đến thật đông, tiếng cười nói rộn rịp vang dậy cả một góc trời.  Trong cái rừng người muôn màu muôn sắc ấy, người ta thấy Hoàng Long.  Hôm nay gã ăn mặc thật đẹp, hàm râu quay nón được tĩa thật khéo léo, chân mang đôi ủng cao trông thật oai vệ. Người ta cũng thấy có cả nam tước Lữ Bình nữa. Lữ Bình bận áo nhung đỏ, đội mũ xanh, khuôn mặt ông ta trông rạng rỡ lắm. Đứng cạnh nam tước Lữ Bình là cậu con trai khôi ngô, sắp đỗ tiến sĩ luật khoa, Lữ Liên. Hai cha con trông thật sang trọng.

 

         Một con đường dài khoảng trăm thước được dọn sẵn từ cổng khám đường đến nơi hành quyết. Hai bên lối đi là rừng người rộn rịp, ai cũng muốn chen lên phía trước để nhìn thấy tử tội.

 

         Đúng tám giờ sáng, cổng ngục thất từ từ mở. Mục sư An Tôn trong chiếc áo choàng đen, thân hình cao nổi bật giữa bốn người lính ngự lâm. Đi sau là thị trưởng Lê Hoàng với khuôn mặt buồn ảo não. Dân chúng bắt đầu xôn xao la hét, họ ném đá và chửi rủa An Tôn. Bốn người lính ngự lâm cố gắng dùng mộc che chở cho An Tôn nhưng không xuể. Một vài hòn đá trúng vào người ông. Người ta thấy ông đưa tay lau giòng máu đang chảy trên trán.  Trong ánh nắng ban mai, một vài cơn gió hắt hiu thổi đến. Chiếc áo choàng rộng thênh thang của ông lất phất tung bay, từ xa trông chẳng khác nào một dũng sĩ hiên ngang đang lao đầu vào cái chết. Dân chúng vẫn còn la hét rầm rộ:

-       Treo cổ kẻ phản Chúa lên.

-       Ném đá nó đi.

 

  Đoàn người đã đến nơi hành quyết. Ở đó một sợi dây thòng lọng màu hổ phách đòng đưa nhè nhẹ, chiếc trụ gỗ thẳng đứng trên cái bực đá rộng lớn.  An Tôn được hai người lính đưa lên bực. Thị trưởng Lê Hoàng cũng bước theo lên. Thị Trưởng mở cuộn giấy trắng cầm nơi tay đọc to lên bản án của An Tôn. Đọc bản án xong, ông buồn bã hỏi An Tôn có cần điều gì trước khi thọ án không. Mục An Tôn chỉ xin vài phút để cầu nguyện.

 

         Bầu trời dường như u ám trước giờ thiêng liêng ấy. Dân chúng bỗng nhiên im lặng như tờ, một vài tia nắng vàng yếu ớt rọi trên khuôn mặt khắc khổ của An Tôn. Mục sư quỳ xuống ngước mắt nhìn lên trời. Vài khóm mây trắng lãng đãng trôi qua. Gió vẫn hiu hiu nhè nhẹ. Giọng An Tôn trầm buồn tha thiết. Chúa Jesus ơi, đến giờ phút này con mới hiểu được nỗi xót xa đau đớn của Chúa khi Chúa bị khổ hình trên thập tự giá vì tội lỗi của chính con.  Con đã tiếp nhận Chúa làm Chúa của đời con nên giờ phút này, Chúa ơi, con cảm ơn Chúa là con sắp được về với Chúa. Lạy Chúa, nếu con đường đến với Ngài lúc nào cũng trải bằng sự đau khổ thì xin Chúa cho con uống cạn chén đắng này. Vì con tin rằng “tất cả mọi sự hiệp lại làm lợi cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.

 

         Dân chúng chung quanh pháp trường vẫn nín lặng. Có một vài kẻ lấy khăn tay lau nước mắt. Dường như lúc này tất cả đều quên rằng An Tôn là tử tội. Người ta chỉ thấy một con người khốn khổ với một khuôn mặt hiền từ, đau đớn đang quì cầu nguyện nơi pháp trường với giòng nước mắt tuôn rơi.  Phút giây cầu nguyện đã xong, người ta dìu An Tôn đến sợi dây thòng lọng, nới rộng hơn chút để tròng vào cổ ông.

         Bỗng nhiên từ trong đám đông có kẻ hét lớn lên:

-       Dừng lại, dừng lại, đừng giết mục sư An Tôn.

Một thanh niên cao lớn, ăn mặc sang trọng, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, dạt đám đông sang hai bên chạy thẳng đến nơi hành quyết. Thanh niên đó là Lữ Liên, con trai Lữ Bình.

         Lữ Liên đến gần mục sư An Tôn, quì xuống ôm hôn chân ông. Rồi chàng đứng dậy, quay sang thị trưởng Lê Hoàng.

-       Thị trưởng ơi, chính tôi đây mới là người có tội. Tôi đã giết Mỹ Vân, chủ nhân Lữ Quán Sương Mù.

Nói xong, Lữ Liên quay sang mục sư An Tôn gục vào vai ông nức nở.

-       Mục ơi, ánh sáng tình thương và sự hy sinh cao cả của ông đã thức tỉnh lòng tôi. Mục và ông thị trưởng hãy nghe tôi kể đây:

   

    Cách đây vài tháng, nhân một cuộc đi săn, tôi có ghé lại dùng một bữa cơm ở Lữ Quán Sương Mù. Trước sắc đẹp quyến rũ của Mỹ Vân, tôi đã mến yêu và trở thành tình nhân của nàng. Có một cánh cửa bí mật sau phòng Mỹ Vân mà chỉ có tôi và nàng biết thôi. Tôi thường dùng cửa ấy để đến với nàng vào những lúc giữa khuya. Vào bốn giờ sáng đêm Giáng Sinh vừa qua, tôi có đến thăm nàng. Sau một lúc chuyện trò, tôi có bắt gặp được một tẩu thuốc lá nạm vàng có khắc tên Nam Tước Lữ Bình là cha tôi. Tôi hỏi, nàng mới nói đó là người tình mới của nàng. Mỹ Vân còn bảo là đã chán tôi rồi vì tôi không cung cấp cho nàng đầy đủ. Tôi tức giận bỏ ra về, nhưng nàng kéo lại hăm dọa sẽ tố cáo tôi trước dư luận. Thưa ông thị trưởng, nàng là một quả phụ không đứng đắn, còn tôi là con một nam tước giòng dòi quý tộc. Tôi sắp thi tiến sĩ luật khoa và vì thế rất sợ dư luận có ảnh hưởng xấu đến tương lai và danh dự giòng họ. Vì lẽ đó, tôi giết nàng. Sau khi nàng chết, tôi lấy lại tất cả số tiền tôi đã cung cấp cho nàng trong thời gian qua. Tất cả được bốn mươi ngàn đồng.  Đó là sự thật từ lâu còn nằm trong bóng tối. Xin hãy treo cổ tôi.

 

 

*******