VIÊN ĐẠN ĐỒNG
 
 
 
 
 
        Hồ Đắc Luật
 
Đây là câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1962 tại cao nguyên Trung Phần Việt Nam.  Kẻ viết bài này xin khẳng định là có thật, bởi đã tiếp xúc với nhân vật chính và đi sâu vào vài dữ kiện.  Người viết chỉ xin ghi lại một cách trung thực và vô tư tình tiết của câu chuyện quý vị muốn hiểu thế nào cũng được.  Đây, mời quý vị …
 
Tôi là một kẻ vô tín ngưỡng, ương ngạnh và thô lỗ nhất trên đời.  Đã từ lâu chẳng bao giờ tôi biết tôn ai làm thần tượng. Tôi đã trải qua hơn nửa đời người bằng cái nghiệp giang hồ, buôn lậu đầy nguy hiểm. Đất sống của tôi là vùng biên giới Hạ Lào, Tam Biên trải dài xuống Cao Miên, Thái Lan … Lúc nào tôi cũng lấy làm thích thú trong nỗi bất trắc gian nguy; tôi rất xem thường nỗi đau của kẻ khác và tôi cũng thường giết người một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, dễ dàng như lấy đồ trong túi áo. Cái chết và cái sống chẳng bao giờ còn ngôi thứ ở trong tôi. Bạn bè đồng bọn gọi tôi là “Tư Mặt Sắt. Tôi hãnh diện vô cùng với biệt hiệu của mình mà thành thật và nói, đến đâu tôi cũng được mọi người “nể sợ”. Nếu ai hỏi tôi chân lý của tôi lúc ấy là gì, tôi trả lời: “Tiền”. Bởi, theo tôi có tiền thì cái gì cũng có. Tiền mua được tất cả, mua được mạng sống, tự do và cả hạnh phúc con người. Tôi ghét những ai nói đến lương tâm và Thượng Đế. Đối với tôi, đó chỉ là những ảo ảnh trừu tượng; mà ảo ảnh thì có bao giờ đạt được đâu!!! Tôi chưa gặp người nào từ địa ngục trở về để tả cho tôi nghe cái cảnh khủng khiếp nơi ấy; cũng như chưa có một ai ở thiên đàng cực lạc hiện xuống để ca tụng với tôi hạnh phúc nơi ấy ra làm sao. Thượng Tọa, Linh Mục, Mục Sư, tôi cho là những kẻ chán đời yếm thế. Bởi họ không dám rơi vào cuộc đời nghiêng ngửa nên mới mượn cái chiêu bài tôn giáo mà núp bóng đấy thôi. Tôi chán họ lắm. Nếu thế gian này ai cũng tụng kinh, gõ mõ, cầu nguyện suốt ngày thì đời có gì đáng sống nữa đâu! Chết quách đi sướng hơn.  
 
Năm 1960, nhận thấy mình đã hơi có tuổi và mỏi mệt, tôi quyết định bỏ cái nghề giang hồ bạt mạng đó đây để mang tất cả của cải vốn liếng về an cư tại một miền xa xôi heo hút thuộc Cao Nguyên Lâm Viên. Quyết định đó tôi cho là rất khôn ngoan của những tay giang hồ cự phách muốn sống còn. Tôi thầm nhủ rằng từ nay mình phải từ bỏ nghiệp búa dao để sống nốt quảng đời còn lại một cách bình an. Tôi mua một nông trại nhỏ nằm cạnh một buôn Thượng cách thành phố khoảng sáu mươi cây số. Ở đây rừng núi dường như âm u bất tận và chiến tranh Nam Bắc Việt Nam đã bắt đầu nổi dậy. Bởi thế, đêm đêm tiếng đại bác từ xa vọng lại hòa với những nỗi hoang liêu man dại của núi rừng tạo thành một âm điệu thê lương, cái âm điệu như ầm ỉ chờ ngày bộc phát và nỗi chết chóc kinh hoàng dường như lúc nào cũng phảng phất quanh đây. Tuy thế, tôi vẫn chọn nơi đây làm quê hương thứ hai cho đời tôi. Tôi cảm thấy mảnh đất này, khung trời nhỏ bé này như có điều gì ràng buộc thiêng liêng đời tôi.
 
Đất đai nơi đây thật màu mỡ.  Nông trại tôi nằm trên ngọn đồi thoai thoải lồng trong khung cảnh bát ngát núi rừng trông đẹp lắm. Trước mặt tôi, dưới chân đồi là một buôn Thượng nhỏ mang tên Mbrak với vài mươi nóc nhà sàn giản dị thô sơ. Tôi thường đứng nhìn những làn khói hắt hiu từ những mái nhà nghèo nàn ấy trong những buổi chiều lặng gió. Xa xa là một giòng suối nhỏ êm đềm, lúc nào cũng ngọt ngào tươi mát. Tất cả đã làm nên một bức tranh mộc mạc nên thơ, một bức tranh tuyệt vời nhưng giản dị như cây cỏ suối ngàn mà có lẽ không một họa sĩ nào thực hiện được. Đây chính là miền đất hứa của những tâm hồn thích ẩn dật sau những năm dài mỏi mệt bôn ba…
 
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Tôi thích ứng nhanh với cuộc sống hiện tại một cách dễ dàng. Với bao ân oán giang hồ chất chứa trong quá khứ, tôi cố gắng làm một con tằm nằm trong cái kén chịu đựng một cách âm thầm nhẫn nhục lạnh lùng. Tôi không sợ chết; với tôi nghĩa lý gì chuyện đó.  Nhưng ngược lại tôi cũng chẳng muốn lôi thôi với một dĩ vãng chẳng tốt đẹp gì. Tôi có đủ nghị lực để cam chịu những hoàn cảnh không thể nào thay đổi; cũng như đủ can đảm để thay đổi những hoàn cảnh có thể đổi thay.
 
Niềm vui duy nhất của tôi lúc này là đồng bào Thượng của buôn Mbrak. Từ nông trại của tôi xuống buôn này chỉ độ hai trăm thước dưới chân đồi, một khoảng cách quá gần gũi để tạo tình thân hữu của xóm giềng.  Những lúc nhàn rỗi tôi thường đến thăm họ, la cà trò chuyện với họ, giúp đỡ họ một đôi điều cần thiết. Họ cũng đến nông trại tôi chơi thường xuyên, đôi khi mang biếu ít thịt rừng săn được hoặc nhờ giải quyết hộ một vài thắc mắc khó khăn. Tấm lòng của người Thượng vô cùng giản dị đôn hậu; với họ tôi không bao giờ tìm thấy một mảy may hận thù ghen ghét bon chen. Họ sống thật chất phác vô tư, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Họ có một chân tình mà tôi không thể tìm thấy ở xã hội người Kinh.  Sau bao năm miệt mài lặn ngụp trong tội lỗi giang hồ, về đây lòng tôi như trầm lại và thay đổi ít nhiều.
 
Tôi là một người Kinh duy nhất ở đây, là người mà người Thượng cho là văn minh và đáng kính sợ nhất. Tôi có một khẩu súng thỉnh thoảng đem ra bắn bậy vài phát và một chiếc xe hơi thỉnh thoảng chạy về miền xuôi mua năm ba món lạ mắt đem về biếu họ. Thật tình mà nói tôi tốt với họ lắm, tôi thường cho hơn là nhận bởi tôi có quá đủ. Những yếu tố trên là sợi dây vô hình ràng buộc giữa chúng tôi. Uy quyền, sức mạnh và tình thương của tôi vô hình chúng đã nâng tôi lên cái địa vị cao nhất nơi đây và nó cũng là động lực khơi lại máu anh hùng trong tôi. Thế rồi tôi tự xem tôi như một ông “vua” nhỏ nơi đây. Với cái bản chất độc tôn và sắt máu còn sót lại cộng với cái yếu tố nhân hòa địa lợi, tôi đã tự phong vương cho mình và tôi lấy làm hãnh diện với ngôi cao cả này.  Thỉnh thoảng tôi xách súng đi vòng quanh buôn như đi “kinh lý, tìm một vài khuyết điểm của họ để có cớ quát tháo om sòm ra vẻ “lo cho dân” lắm. Với bản tánh chất phác giản dị, họ răm rắp tuân theo. Vả lại, phần nhiều những gì tôi làm là để xây dựng bản làng họ thôi, dù thờ ơ cách mấy họ cũng nhận thức được điều đó đâu nghĩ đến chuyện truất phế tôi làm chi. Nơi đây rừng sâu nước độc chẳng ai thèm bén mảng đến, từ lâu hoàn toàn như vô chính phủ, vì thế chẳng bao giờ tôi sợ địa vị mình lung lay. Tôi thầm nghĩ nếu có một người Kinh nào đến khuynh đảo và làm mất ảnh hưởng tôi nơi đây thì tôi sẽ tặng hắn một viên đạn vào đầu để hắn biết thế nào là uy quyền của lãnh chúa. 
 
Nhưng cuộc đời không bao giờ giản dị như lòng mình muốn cả.  Điều tôi lo âu đã thành sự thật. Một buổi sáng mùa đông có một người lạ mặt đến nông trại tôi. Hắn, một người Kinh còn trẻ, dựng chiếc xe đạp ngoài cổng và tay xách cặp đi vào. Trông hắn có vẻ ốm yếu gầy còm. Trời lạnh mà hắn chỉ mặc một chiếc quần cộc mỏng dánh, khuôn mặt trông phúc hậu hiền từ. Sự xuất hiện của người lạ nơi đây là một điều tôi không thích; tôi sợ sự xáo trộn mà từ lâu tôi trốn tránh. Tuy nhiên, vẻ mặt hiền hậu của tên này khiến tôi khó có thể cộc cằn được. Hắn tự giới thiệu:
- Chào ông, tôi là Mục Sư Kh.….Tôi được Hội Thánh L. cho phép đến đây để rao giảng Tin Lành của Chúa Jesus. Được biết ông là người Kinh duy nhất nơi đây có ảnh hưởng tốt với dân….
Hắn chưa dứt lời thì tôi khoát tay.
- Thôi thôi được rồi, tôi biết anh sắp nói gì tiếp. Anh ngồi xuống đó đi.  Uống trà nhé.  Chúng ta nói chuyện sau.
Đợi hắn ngồi xong tôi gằng từng tiếng:
- Anh nghe cho rõ nhé: cho phép anh đến đây rao giảng là tôi chứ không có hội thánh nào cả. Anh nên bỏ ý định ấy đi. Thân xác anh gầy còm như vầy mà đạp xe sáu mươi cây số đường rừng để đến nơi rừng xanh nước độc này, nếu anh không bị sốt rét rừng vật ngã thì cũng bị cọp nó ăn mất thây.  
- Thưa ông đìều ấy không là trở ngại chính; nếu có xảy ra thì cũng là thử thách và ý Chúa mà thôi.  
- Anh phải biết thương cái thân của anh trước và nên thực tế một chút.  Cọp nó bắt anh mà anh bảo là ý của Chúa, thế thì Chúa đâu có thương anh.  Dân của tôi ở đây trải qua bao đời có cần Chúa của anh đâu mà cũng sống nhăn, có chết đâu nào?
- Thưa ông, sự chết luôn luôn đến với tất cả mọi người, và con người phải cần có một đức tin vào Chúa Jesus để được cứu rỗi. Phải hướng dẫn mọi người biết nhận được chân giá trị của sự sống đời đời cho linh hồn….
Tôi cướp lời hắn:
- Cứu rỗi, cứu rỗi ở chỗ nào? Từ cha sanh mẹ đẻ đến nay tôi chưa từng thấy Chúa Jesus của anh cứu rỗi một ai cả. Anh chỉ nghe người ta nói lại thôi. Bản thân anh, anh đã thấy điều gì mầu nhiệm chưa? Nghe nói Chúa chết đi ba ngày sau sống lại, anh thấy chưa nào?
- Thưa ông, cách đây vài trăm năm, Kha Luân Bố đã tìm ra Châu Mỹ.  Từ ấy, nhân loại được biết thêm một điều mới lạ về địa cầu. Tuy nhiên, không phải là trước đó không có Châu Mỹ. Ông chưa tin Chúa chứ không phải là không có Chúa. Việc Chúa chết đi ba ngày sau sống lại xảy ra chỉ một lần cách đây gần hai ngàn năm. Nhân chứng là nhiều nhà thông thái và họ đã ghi lại trên sách; sách ấy ngày nay gọi là Kinh Thánh. Không phải ngày nào Chúa cũng chết đi sống lại hoài cho chúng ta xem, vì như thế không khác nào một trò xảo thuật quảng cáo….
 
Và tiếp tục bằng một giọng trầm tĩnh, ấm áp nhưng hùng hồn, hắn nói nhiều lắm mà tôi không nhớ hết. Hắn nhấn mạnh đến tình thương, đức tin và sự hy vọng… Bản tánh tôi vốn nông cạn và thô lỗ nên không làm sao tôi hiểu thấu được những điều hắn nói. Làm sao tôi có thể cãi lý với hắn được khi trình độ hiểu biết về tôn giáo của tôi chỉ là con số không. Hơn nữa tôi nhận thấy nhiều điều hắn nói có lý. Thôi thì tôi thử chơi một nước cờ chót, may ra hắn bỏ ý định đến đây giảng đạo:
- Thôi được, tạm cho là anh có lý đi. Anh muốn đến Mbrak để giảng đạo; tôi đủ khả năng để cấm đoán anh điều đó. Luật pháp và lẽ phải ở đất này là sức mạnh, anh hiểu đấy nhé. Bây giờ tôi cho phép anh đến đây giảng với một điều kiện.
- Thưa ông tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi điều kiện để được ông giúp đỡ.
Đôi mắt hắn sáng rỡ lên với một niềm tin.  Tôi trầm ngâm.
- Điều kiện là thế này: Anh chỉ được giảng đạo ở đây vào mỗi sáng Chúa Nhật từ 8 giờ đến 10 giờ. Nếu đến trước 8 giờ và về sau 10 giờ một phút là anh sẽ biết tay tôi. Còn nữa, mỗi lần đến đây, anh phải trình diện với tôi một cách tề chỉnh đàng hoàng. Ngoài việc giảng đạo ra, anh không được la cà trò chuyện, dụ dỗ, xen vào đời tư của dân. Anh không được vào nhà họ, chỉ giảng ngoài trời dù mưa hay nắng.  Làm được không?
Hắn vồn vập:
- Ồ thưa ông, những điều ấy quá dễ, tôi thực hiện ngay hôm nay và mãi mãi về sau. Tôi sẽ tôn trọng luật lệ ông đưa ra. Cám ơn Chúa đã giúp đỡ tôi.
 
Cha mẹ ơi! muốn làm khó dễ như vậy để nó nản lòng mà đi cho khuất mắt, thế mà tôi không ngờ hắn dễ dãi thuận ngay. Nước cờ tôi đi một đàng lại chạy một nẻo. Tôi là kẻ chiến thắng mà hóa ra chiến bại.  Thôi, làm lớn thì phải giữ lời. Bản chất tôi xưa nay rất trọng lời hứa. Tôi sẽ tìm sơ hở của hắn mà tống khứ hắn sau. Tôi mĩm cười trong ý nghĩ đó và hắn tưởng tôi vui nên cười theo. Tôi bảo hắn: 
- Tốt lắm, hãy cố gắng giữ mình. Tôi miễn cho anh cái khoản đến đây trình diện tôi. Thực ra thì tôi không muốn gặp mặt anh. Chào anh.
 
Từ dạo ấy, mỗi sáng Chúa Nhật Kh. đến buôn Mbrak truyền đạo. Ban đầu thì số người nghe còn thưa thớt nhưng càng ngày họ đến càng đông.  Đứng trên đồi nhìn xuống, tôi thấy hắn như một diễn giả hùng hồn trước đám người Thượng vây quanh. Họ nghe hắn một cách say sưa, thỉnh thoảnh vỗ tay tán thưởng đồng tình. Cảnh ấy như một cái gai nhọn chọc vào mắt tôi khiến tôi thường lánh mặt khi hắn đến. Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng theo dõi hành động hắn từng giờ; tôi như một thợ săn còn hắn như một con mồi. Gần cuối giờ tôi thấy hắn thỉnh thoảng đưa tay xem đồng hồ để rồi khi kim chỉ gần đúng mười giờ là hắn vội vàng thu xếp về ngay. Lúc đến cũng vậy, gò lưng trên chiếc xe đạp cọc cạch, mồ hôi nhễ nhại trông thật thảm thương. Hắn tôn trọng luật lệ của tôi vô cùng làm tôi chẳng có cách gì trừ khử hắn được.
 
Dân tình ở đây, kể từ ngày hắn đến, có vẻ tiến bộ và thương yêu nhau hơn. Không biết hắn dạy hồi nào mà vài người đã bập bẹ đọc chữ Quốc Ngữ. Ảnh hưởng của tôi vẫn không hề bị sức mẻ với buôn làng. Họ lại có phần dễ bảo hơn. Những điều hắn làm tôi thấy cũng tốt và dần dần tôi bớt có ác cảm với hắn.  
 
Một buổi sáng trời lạnh và sương mù, tôi phải về miền xuôi mua ít thực phẩm. Khi vừa lái xe ra khỏi bìa rừng độ một cây số thì tôi gặp hắn. Hắn ngồi dưới một gốc cây lớn để tránh gió. Trông hắn có vẻ yếu lắm. Trời thật lạnh mà hắn chỉ mặc một chiếc áo mỏng ngồi giữa rừng. Không biết hắn làm gì đây, tôi dừng xe lại bên hắn, vặn kính xuống rồi thò đầu ra ngoài hỏi:
- Sao ngồi đây?
Hắn mĩm cười dễ dãi.
- Thưa ông, tôi đến hơi sớm nên phải ngồi nán lại ngoài rừng cho đến đúng tám giờ mới vào để khỏi vi phạm điều luật của ông. 
Hắn vừa thót xong mấy câu thì tôi bỗng nghe một niềm cảm xúc tràn ngập trong lòng. Nhẫn nhục như hắn là tận cùng của đáy sâu tâm hồn rồi. Tôi lấy quyền gì mà hành hạ thân xác hắn đến như vậy? Phải chăng đó là do lòng ích kỷ bảo thủ nhỏ nhen của tôi? Đã từng nằm gai nếm mật, tôi biết thế nào là cái lạnh của cao nguyên ở giữa rừng sâu. Hắn cũng là người như tôi chứ phải gỗ đá chi đâu. Vả lại, việc hắn làm là hoàn toàn hy sinh bất vụ lợi sao tôi không tiếp tay với hắn mà còn gây khó khăn cho hắn thế này? Tôi thấy mình nhỏ nhen vô cùng và hắn mới là người đáng kính. Chắc phải có một cái gì thật và sống động trong niềm tin của hắn mà tôi chưa tìm thấy. Tôi bước xuống xe đến gần hắn, nắm lấy bàn tay gầy gò, lạnh ngắt của hắn:
- Anh lên xe ngồi đi kẻo lạnh. Tôi sẽ quay trở lại đưa anh về buôn.  Tôi làm anh khổ nhiều lắm không?
- Tạ ơn Chúa, thưa ông, tôi biết ông rất tốt. Chẳng qua ông chưa biết việc ông làm đấy thôi.
- Có lẽ vậy.
 
Trên đường về, tôi nói chuyện với hắn vui vẻ huyên thuyên. Tôi cảm thấy hôm nay mình đã có thêm một người bạn mới, một người bạn vong niên có nhiều điều tôi cần phải học hỏi. Hắn chính là một giòng sông; còn tôi, tôi chỉ là một cơn lốc. Cơn lốc chỉ làm cho giòng sông thoảng chốc gợn sóng nhưng giòng sông vẫn trường kỳ lặng lẽ trôi đi, len lỏi mang nguồn tươi mát đến cho mọi nơi, mọi khúc quanh của cuộc đời.
- Từ nay về sau, anh quên đi những chuyện đã qua đi nhé. Hãy xem đây là vùng đất của anh, của chúng ta. Anh cứ tự do đi lại và về cũng như ở lại nơi đây. Tôi không cấm anh nữa. Bậy qúa, tôi không có quyền làm như vậy đối với anh. Anh tha lỗi cho tôi.
Phút chốc về tới buôn Thượng, tôi bắt tay hắn.
- Chúc anh hôm nay truyền đạo có kết quả và cứ tự nhiên nhé, xem như chúng ta đã hiểu nhau rồi.
- Cám ơn anh. Khi nào rảnh, tôi sẽ ghé thăm anh.
Hắn mở cặp lấy ra một quyển sách trao tôi.
- Ở đây hiu quạnh, có lẽ nhiều khi anh cũng cảm thấy cô đơn. Anh giữ quyển Kinh Thánh này. Thỉnh thoảng mang ra đọc vài trang tôi nghĩ sẽ có điều bổ ích và an ủi anh.
Tôi bỏ quyển Kinh Thánh vào túi áo và bắt tay hắn lần nữa, dặn dò thêm:
- Bây giờ tôi có việc lên tỉnh trưa nay mới về. Giảng đạo xong anh cứ ở đây đợi tôi nhé. Mình dùng cơm trưa với nhau.
- Vâng, tôi đợi anh. Chúc anh đi bình an.
 
Hôm ấy lên tỉnh xong tôi về thật sớm. Tôi cũng không quên mua thêm một chai rượu ngon và vài thức ăn đặc biệt để đãi người bạn mới của tôi.  Lòng tôi hôm nay như mở hội. Tôi cảm thấy có một điều gì vui vẻ mới lạ len lỏi trong tâm hồn. Tôi trông mau về đến nơi để lo cho bữa tiệc tri ngộ sáng nay.
 
Xe vừa về đến nhà thì tôi thấy một người đang ngồi đợi sẵn bên cửa.  Từ xa tưởng là Mục Sư Kh. nên tôi vội vã mừng rỡ đến gần. Không ngờ về đến nơi thì tôi dội ngược lại. Vì người trước mặt tôi là Tám Thẹo, một tên giết người khét tiếng ở Tân Châu. Hắn ngồi trên chiếc ghế bành của tôi đặt ở hàng hiên, trên tay lăm lăm khẩu súng P38 nòng sáng chói chỉa thẳng vào ngực tôi. Tôi khựng lại trong giây lát rồi hỏi hắn:
- Mày làm gì thế hả Tám Thẹo? Bỏ súng xuống đi coi nào.
Hắn cười ha hả, cái thẹo dài sâu hóm vắt ngang sóng mũi cũng rung theo.
- Tiên sư bố mày, Tư Mặt Sắt. Tao tìm mày suốt hai năm nay.
- ?
- Ân oán giang hồ có vay có trả. Mày sám hối đi là vừa.
 
Một quá khứ tàn khốc chợt sống lại trong tôi. Trong chuyến buôn lậu cuối cùng, tôi chỉ huy đàn em tải thuốc phiện xuyên qua đèo Tà Kheo ở Cao Miên. Vừa đến lưng chừng đèo, chúng tôi gặp Tám Thẹo và đàn em hắn chận cướp. Nhờ can đảm và khéo điều động, tôi chỉ huy đàn em chống cự rất ư mãnh liệt và hữu hiệu. Sau hai giờ đánh nhau, bọn Tám Thẹo rút lui để lại sáu xác chết. Phía tôi, hai bị thương. Từ dạo ấy, tôi giải nghệ về đây, hy vọng là được sống yên thân, không ngờ thằng Tám Thẹo ác ôn này lại lẽo đẽo đến đây.
 
Tôi nói với Tám Thẹo:
- Chuyện đã lâu rồi, tao giải nghệ từ lúc ấy. Thôi mày bỏ qua đi. Tao còn ít vốn liếng mày muốn bao nhiêu cứ lấy mà đi.
- Bỏ qua cho mày rồi ai bỏ qua cái chết của mấy thằng em tao. Tư Mặt Sắt, tao đến đây hôm nay với mục đích giết mày. Giang hồ ân oán phải phân minh. Mày có điều gì cần nói nữa không? Lẹ lên.
- Tám Thẹo, tao xin mày hãy để tao yên. Tao hứa cho mày tất cả của cải tao đang có.  Tao giết đàm em của mày là để tự vệ thôi. Chính mày cũng biết điều ấy.
- Câm cái mồm mày lại. Đừng đem tiền bạc ra mua chuộc tao. Tao có thừa thứ ấy rồi. Tao chỉ xin cái mạng mày.
 
Thôi, hết rồi! Thằng này nói là nó làm thiệt. Hiện tại nó đang ở trong thế “thượng phong” vì có súng trong tay. Nó lại nổi danh bách phát bách trúng.  Mới bốn mươi tuổi, cuộc đời tôi đến đây là hết sao? Tôi xuống nước với Tám Thẹo và dùng kế hoãn binh, vừa nói vừa thụt lùi với hy vọng tránh được lằn đạn của hắn. Nhưng hắn quát to:
- Đứng yên.
- Mày làm thiệt sao, Tám Thẹo? Chúa ơi!
 
Tôi vừa dứt lời thì một phát súng nổ đoàng lên. Tôi lảo đảo ngã xuống, cảm thấy nóng rang và tê buốt trước lồng ngực. Nhắm mắt lại đón nhận cái chết, tôi nghe tiếng chân Tám Thẹo xa dần về phía cổng nông trại và thoang thoảng bên tai tiếng hát hội của những người Thượng từ dưới đồi vọng lên. Thần trí tôi tuy vậy vẫn tỉnh táo vô cùng. Tôi đưa tay luồn sâu trong làn áo mò mẫm thử vết thương. Vết thương không sâu lắm, khoảng một phân thôi. Trước hết vết thương là một vật gì dầy cồm cộm tựa quyển sách. Tôi lôi nó ra: đó là quyển Kinh Thánh mà Mục Sư Kh. đã tặng tôi khi sáng. Giữa quyển Kinh Thánh là một lỗ nhỏ mà viên đạn Tám Thẹo đã xuyên qua.
 
Tôi còn sống! Quyển Kinh Thánh đã đỡ đạn cho tôi. Chúa đã cứu tôi chăng? Tôi nhớ lại trước khi Tám Thẹo nổ súng, bằng một hành động vô thức tôi đã gọi: “Chúa ơi.”
********