Nhân loại đang chứng kiến sự tiến bộ khoa học bằng tốc độ chóng mặt, và sự suy đồi đạo đức cũng bằng tốc độ ngộp thở. Trong lãnh vực khoa học và trong lãnh vực đạo đức thế giới đang biến đổi mỗi ngày. Con người năng động không thể đứng yên một chỗ. Dầu vậy không một ai có thể xác quyết chiều hướng thay đổi của loài người. Lạ thay, với chiều hướng nào, tấn tới hay suy vi, con người vẫn tự hào là thế giới đang đổi mới, canh tân.

Với nền khoa học vi điện toán cực thịnh, mọi dữ kiện phải đi đến tổng hợp một cách chính xác. Guồng máy xã hội đã được điện toán hóa. Xã hội phải chạy đều như một cái máy đã được điều hợp và điều chỉnh một cách khéo léo. Theo đó, chỉ còn một cách hủy diệt  cá tính nơi con người. Phải chăng cá nhân đã lỗi thời, và bây giờ là thời đại của tập thể.

Nghĩ vậy có lẽ nhầm. Thời xa xưa câu nói của R. Tagore vẫn còn đúng.

“Người là người, máy là máy và cả hai không bao giờ có thể hợp nhất được”. Tập thể với hình thức “đồng phục” nhưng chẳng bao giờ “đồng thể”. Con người, cá thể vẫn có giá trị hàng đầu của cơ cấu xã hội. Muốn canh tân xã hội, phải canh tân con người trước đã.

Trên thực tế, canh tân kỹ thuật để đem lại tiện nghi cho cuộc sống đã thành công, nhưng canh tân tư tưởng để đem lại một nhân sinh quan đúng đắn cho con người lại thất bại.

Người ta không thể canh tân con người qua khoa học kỹ thuật hay qua tư tưởng. Từ nhiều thế kỷ, con người hy vọng canh tân nhân sinh quan qua tôn giáo.

Một số tôn giáo đổi mới lãnh vực con người, kéo họ ra khỏi nếp sống bình thường trong xã hội bằng cách “xuất gia”, đổi mới hình thức bề ngoài bằng bộ y phục tôn giáo, đổi mới nội tâm bằng cách dùng ý chí “diệt dục” với một ý chí duy nhất đạt đến “cực lạc”. Hay nói khác hơn đổi mới con người bằng phương pháp “tu hành”.

Cái nhà đã cũ trải qua hàng nhiều thập niên, dầu có được cô lập, sơn phết bề ngoài,chỉnh trang bên trong thì vẫn không phải là ngôi nhà mới.

Tu là sửa. Ngày nay với nền khoa học tân tiến, phương pháp chỉnh hình phẫu thuật có thể làm cho thân xác con người trông khác với con người vốn có. Lắm khi thay đổi đến người quen nhìn không ra. Dầu vậy thì cũng đến trông như một người khác chứ không thể là một người mới. Thay tên đổi họ bằng một pháp danh thì cũng vẫn y như cũ.

Tu tâm là sửa tấm lòng thì khoa học kỹ thuật đành chịu. Dầu tri thức có làm thay đổi nhân sinh quan cách mới đi nữa, lòng vẫn không đổi mới. Ngay cả giáo điều cũng chỉ đủ sức răn đe, khuyến cáo hay khích lệ mà thôi, để con cố gắng dẹp bỏ một số điều hầu khỏi phạm giới răn, bao trùm trong việc “lánh dữ”, và cố gắng làm một số điều theo giáo lý quy định gồm tóm trong việc làm “lành” với mục đích “tích đức” để trả nợ tội mình đã trót phạm. Thánh Phao Lô nhận biết : “tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét….  tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Rô-ma 7:15-19). Lực bất tùng tâm là vậy. Dù lực có tùng tâm đi nữa thì tấm lòng vẫn không đổi mới.

Cơ Đốc giáo không dậy người ta tu tâm dưỡng tánh.Kinh Thánh ghi lại lời Đức Chúa Trời khẳng định : “Người Ê-thi-ô-bi (da đen) có thể đổi được da mình (thành trắng), hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23).

Đức Chúa Trời không đòi hỏi con người đổi mới hình dáng bề ngoài. Ngài đòi con người đổi mới tấm lòng, mà điều này lại là điều bất năng đối với loài người.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Tôi kính trọng niềm tin của quý vị và tôn giáo quý vị đang theo. Quý vị có thể đạt được một vài thay đổi, nhưng chắc chắn không phải là sự đổi mới toàn diện con người quý vị. Đạo Tin Lành cũng chẳng đổi mới được ai. Nếu tôn giáo chỉ “giáo” hay dậy dỗ con người thì chẳng đổi mới được con người.

Con người sẽ chẳng đổi mới cho đến khi tấm lòng được đổi mới. Kinh Thánh chép rằng Vua Đa-vít biết nguyên tắc này nên đã cầu xin cùng Đức Chúa Trời, Đấng có quyền năng ban cho một tấm lòng mới : “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi-thiên 51:10). “Dựng nên” (create), nghĩa là Ngài “dựng nên” từ chỗ không có gì, cùng một cách “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế-ký 1:1). Vua Đa-vít không cầu xin Đức Chúa Trời sửa chữa tấm lòng nhưng “dựng nên trong tôi một lòng trong sạch”, là tấm lòng nguyên thủy của loài người trước khi phạm tội. Chỉ có tấm lòng đó con người mới có thể thoát tục, hướng thượng, hiệp với Đức Chúa Trời mà “ham mến các sự ở trên trời” (Cô-lô-se 3:2).

Đức Chúa Trời không có chương trình thay cải thiện con người, thay đổi con người tốt hơn. Nhưng Ngài có chương trình “dựng nên mới” con người, để “mọi sự trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17), bằng cách ban cho con người một tấm lòng mới như lời Ngài phán : “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 36:26). Cảm ơn Chúa.