TAI NẠN                 images

NGHỀ NGHIỆP

 

 

Bất cứ nghề nào cũng có cái sướng và cái khổ của riêng nghề ấy và thường chỉ người trong nghề mới hiểu rõ. Nghề thông ngôn cũng không ngoài thông lệ này. Lúc làm việc tại các bệnh viện, tình cờ, người viết bài này đã chứng kiến được những cái khổ của bác sĩ, cái khổ của các cô y tá, nhưng không biết có ai biết cái khổ của nghề thông ngôn không?

Những năm vàng son sống dưới chế độ Cộng Hòa, chỉ biết ăn rồi đi học, dù học bên ngoài hay học ở Trường Kinh Thánh, giấc ngủ trưa vẫn có đầy đủ, những giấc ngủ thiên thần trong bầu không khí nóng bức của miền Nam. Nhưng sang đến đất khách quê người rồi, giấc ngủ trưa biến mất, chỉ còn có những cơn buồn ngủ sau giờ ăn trưa mỗi ngày, và những cơn buồn ngủ này chỉ được giải quyết hoặc bằng một cốc cà phê, hoặc bằng một biến cố nào đó.

Còn nhớ khi được gọi đến giường bệnh nhân ngày hôm ấy, người thông ngôn còn buồn ngủ lắm vì sau giờ ăn trưa, ăn ít thì buồn ngủ ít, ăn nhiều thì buồn ngủ nhiều. Bệnh nhân là một người đàn ông chỉ khoảng tuổi trung niên, gầy, xanh xao, ngồi trên giường chứ không nằm như những bệnh nhân khác, với nhiều vẻ bồn chồn, căng thẳng, lo âu. Người thông ngôn và bệnh nhân nhìn nhau mà không biết nói gì. Khi bác sĩ đến, người thông ngôn tỉnh ngủ ngay, nhất là khi ông mở miệng ra nói. Bác sĩ còn rất trẻ nhưng lại là bác sĩ mổ tim, cao, rất rất cao so với người thông ngôn và nói Anh ngữ với giọng của con dân nữ hoàng Elisabeth II, lại trắng xanh xao, thật gầy như một người quá lao tâm, lao lực. Người thông ngôn thường rất cẩn thận với những người nói giọng British vì đã bị định kiến họ là những người khó tính, lạnh lùng, cực kỳ nguyên tắc.

Cuộc nói chuyện bắt đầu. Bác sĩ cho bệnh nhân biết ngày mai sẽ mổ tim cho ông, vì các mạch tim của ông bị nghẹt trầm trọng. Bác sĩ có giải thích trường hợp của ông, thay vì để vào một “stent,” dụng cụ để nong mạch máu nghẽn, bác sĩ phải giải phẩu chân trái để lấy gân máu trong chân dùng thay cho mạch máu nghẽn trong tim ông. Bác sĩ cẩn thận đến độ cầm chân trái của bệnh nhân chỉ cho xem gân máu ở chỗ nào, sẽ cắt từ đâu để lấy gân máu và sẽ đem gân máu ấy để vào tim. Sau khi giải thích xong, đúng mốt “Ăng lê”, bác sĩ bảo bệnh nhân nhắc lại cho bác sĩ xem nảy giờ bác sĩ nói gì, cuộc giải phẩu ngày mai nhằm mục đích gì, diễn tiến ra sao.Thật ra đây không phải là lần đầu bác sĩ bảo bệnh nhân lập lại lời giải thích của họ. Một số bác sĩ có thói quen này. Và có lẽ lời yêu cầu này khiến bệnh nhân sững sờ, kinh ngạc. Cú “shock” này quá lớn, bệnh nhân như bước vào cơn hôn mê, không còn biết ngày hay đêm gì cả. Cố gắng định tỉnh, sau khi đã tằng hắng nhiều lần, bệnh nhân nói trong ngập ngừng, từng chữ một. “Ngày mai bác sĩ sẽ mổ tui.” Bác sĩ hỏi ngay mổ gì? Làm gì? Bệnh nhân cố sức nhớ lại, một hồi lâu sau, ông giơ chân trái lên và nói “Bác sĩ sẽ cắt bỏ chưn này.” Bác sĩ vốn đã xanh xao, sau khi nghe câu trả lời càng xanh xao hơn nữa. Quắc mắt nhìn người thông ngôn, bác sĩ gằn giọng: “I did not say that.” Người thông ngôn còn nhớ lúc bấy giờ cũng lâm vào tình trạnh như bệnh nhân, không còn biết ngày đêm gì nữa cả, chỉ như cái máy, ai nói gì thì lập lại bằng ngôn ngữ kia. Để trả lời cho câu nói “I did not say that” của bác sĩ, bệnh nhân chỉ tay vào thông ngôn mà dõng dạc: “Cô nói chứ ai. Trời ơi, bộ tui đặt ra câu chuyện này được sao?” Bác sĩ Ăng lê này quá giận, đứng im xanh mặt một hồi lâu, lúc thì nhìn bệnh nhân, lúc nhìn người thông ngôn, phân vân không biết giữa hai người này, ta nên giết người nào. Người thông ngôn cũng đứng im, không một lời giải thích. Cả ba người trong căn phòng ấy đều có những nguyên tắc khác nhau. Trong cơn kinh hoàng, người thông ngôn theo đúng nguyên tắc của mình, nếu nói thì trả dịch, không thì thôi. Có ai nói gì đâu mà “dịch.” Bác sĩ nghiêm sắc mặt, nói với bệnh nhân lời cuối trước khi bỏ đi: “See you tomorrow.”

Chiều hôm ấy, trên đường về, người thông ngôn rất bùi ngùi, không biết có nên kể cho gia đình nghe biến cố trưa nay hay đợi đến lúc bị mất việc rồi sẽ kể. Người thông ngôn nghĩ đến giây phút bị xếp mời vào văn phòng để nói chuyện. Bị một bác sĩ gọi về trung tâm để “mét” là dịch bậy là án tử hình, không còn đường nào chạy. Chỉ có ba người có mặt trong câu chuyện và người thông ngôn không có ai làm chứng dùm rằng mình không dịch bậy. Người thông ngôn miên man suy nghĩ không biết lúc nào sẽ bị gọi vào văn phòng, ngày mai, hay vài ngày nữa, hay tuần tới... Người thông ngôn còn đủ bình tỉnh để suy nghĩ đến việc tìm một “job” khác, xin đi bán bánh mì hay chạy bàn tại các nhà hàng Việt Nam có nhiều khách ngoại quốc vì thông ngôn có kinh nghiệm chạy bàn, vì suốt năm 1978 đã chạy bàn tại một nhà hàng Việt Nam vùng Glebe. Thời gian qua, qua mãi không ngừng, và cú điện thoại “mét” chắc là không có vì ngườithông ngôn chưa bao giờ bị chất vấn về biến cố đó.

X

                                                        X         X

Vào những năm ấy người thông ngôn phải “trực” ở y viện khám thai mỗi tuần một buổi sáng, từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa, và một buổi chiều trong tuần, từ 1giờ trưa đến 5 giờ chiều tại y viện khám bệnh phụ nữ. Người đàn bà đặc biệt mà người thông ngôn gặp buổi chiều hôm ấy còn trẻ và có nhan sắc, cô chỉ có nét hơi buồn. Vừa gặp nhau, cô nói “Chào cô ...”. Người thông ngôn giật mình “Sao chị biết tên em?”. Cô nhẹ cười: “Tôi còn biết ông xã của cô là ai nữa.” Sau khi xong thủ tục hành chánh, lúc ngồi đợi bác sĩ, cô vừa trao cho người thông ngôn một tờ giấy viết đầy chữ và nói: “Hôm nay tôi biết gặp cô vì nhiều người quen nói với tôi rằng nếu đi khám bệnh phụ nữ tại bệnh viện này sẽ gặp cô. Tôi rất mừng được gặp cô. Tôi có việc này nhờ cô. Chồng tôi là người Đại Hàn, không biết một chữ tiếng Việt, còn tôi người Việt, không biết một chữ tiếng Anh.” Vừa đến đây, người thông ngôn chen vào hỏi, vì những năm ấy, người thông ngôn còn trẻ, còn trong tình trạng mà Anh ngữ hoặc gọi là “naive” theo lịch sự hoặc “stupid” theo cách nói thông thường: “Vậy anh chị nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?” Cô mĩm cười: “Không tiếng gì cả cô ạ. Chúng tôi chỉ cười thôi. Cho nên hôm nay tôi nhờ cô giúp tôi việc này. Tôi có những điều muốn nói với anh ấy mà không nói được, nên biết chiều nay sẽ gặp cô, tôi viết thư này cho anh ấy, nhờ cô dịch dùm, tôi sẽ trao cho anh ấy tối nay.”

Đây là một tâm thư nói lên nỗi lòng của người vợ trong chốn phòng the, những điều cô đã phải cắn răng chịu đựng mà không nói nên lời, vì không biết nói. Cô là người biết trình bày, sắp đặt theo thứ tự, không phải là người kém văn hóa, cô chỉ bị trở ngại vì ngôn ngữ mà thôi. Cô trình bày hai phần rõ rệt trong bức tâm thư ấy, phần đầu là những yêu cầu anh ấy đừng làm, được kể rõ từ điểm số một cho đến số mười. Phần thứ nhì ngắn hơn, đơn giản hơn, kể rõ những điểm anh ấy nên làm. Thư bắt đầu bằng chữ “Anh yêu dấu.”

Sau khi đã xin được một tờ giấy trắng từ cô thư ký phòng khám, người thông ngôn tìm cách ngồi cạnh cô ấy, và bắt đầu dịch: “My darling”. Đến nay người thông ngôn vẫn chưa rõ điều gì đã khiến người thông ngôn dừng ngay tức khắc. Không thể được. Không thể được. Mình không thể viết lá thư này được. Như có một ánh sáng nào đó soi rọi trong đêm tăm tối, như có một bàn tay ngăn cản, như có luồng điện nhẹ chạm vào người, người thông ngôn tỉnh hẳn người và nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: “Chị ơi, xin chị thông cảm, em không viết được. Em chỉ là interpreter, em không phải là translator.” Bệnh nhân hỏi với nét buồn: “Cô không biết viết?” Thông ngôn trả lời: “Em biết viết nhưng xin chị thông cảm em không viết lá thư này được.” Và thông ngôn vội nói thêm cho bệnh nhân bớt lo lắng: “Em sẵn sàng dịch cho chị, chị biết chiều thứ ba nào em cũng có mặt ở đây, chị mang anh đến đây, em nói dùm cho.” “Ổng không chịu đến đây đâu.” “Chị và anh muốn hẹn em nơi nào khác cũng được, em sẽ dịch cho chị.” Vừa nói “Để tôi xem” cô vừa xếp lá thư lại. Nan đề mỗi ngày của cô vẫn còn đó, không biết làm sao giải quyết. Người thông ngôn thông cảm và ngậm ngùi cho cô, nhưng khi nghĩ đến việc nếu lá thư này lọt vào tay ai đó và được tung ra, chữ viết của mình trên trang giấy trắng, làm sao nói mình không phải là tác giả? Người thông ngôn vẫn biết lịch sử không thiếu những anh hùng vô danh chết oan trên máy chém, người thông ngôn chẳng bao giờ ao ước được là một anh hùng vô danh tương tự. Thỉnh thoảng cũng nhớ đến bệnh nhân này và nan đề thực tế của cô, và người thông ngôn cũng tin tưởng rằng cô sẽ tìm được giải pháp. Trong một vài đêm đặc biệt khi được thưởng thức ánh trăng ngà treo bên trên Harbour Bridge đang khi đưa du khách đi dạo, người thông ngôn chợt nghĩ rằng những con thuyền trên bến tương tư sẽ càng tình hơn, ánh trăng ngà trên bến tương tư sẽ sáng hơn nếu thuyền tình của đôi ta nói cùng ngôn ngữ.

X

                                                        X        X

Khi được gọi đến giường một bệnh nhân, thường người thông ngôn chỉ biết họ của người bệnh, số phòng và số giường, tên người bác sĩ muốn gặp, ngoài ra không có chi tiết nào khác. Nên buổi trưa hôm ấy, khi đến phòng của một nữ bệnh nhân tại một bệnh viện lớn, người thông ngôn không rõ việc gì mà người trong gia đình kéo đến rất đông. Có lẽ bác sĩ đã căn dặn muốn nói chuyện với cả gia đình. Nữ bệnh nhân nằm im lặng trên giường, dù gia đình đứng bên cạnh rất đông nhưng bà không nói một lời gì cả. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, nữ bệnh nhân này gầy ốm, xanh xao, lặng lẽ, người như không còn hơi sức. Người chồng của bệnh nhân thấy người thông ngôn đứng chờ bác sĩ ngay cạnh giường, ra dấu muốn gặp riêng người thông ngôn bên ngoài. Vừa đứng yên, anh hỏi ngay:

-       “Cô là thông ngôn?”

-        “Dạ vâng.”

-        “Cho tôi yêu cầu điều này. May lắm là bác sĩ chưa đến. Lúc bác sĩ đến rồi, tôi không cần biết bác sĩ nói gì, nhưng tôi yêu cầu cô không được dùng chữ “ung thư” khi nói chuyện với nhà tôi.”

-        “Xin ông hiểu rằng nghề của tôi là dịch chính xác điều bác sĩ và bệnh nhân nói với nhau, không được thêm, không được bớt. Nếu bác sĩ dùng chữ “ung thư”, tôi sẽ phải dùng chữ “ung thư”. Tôi không có quyền bỏ chữ ấy. May là bác sĩ chưa đến. Nếu ông không muốn bác sĩ dùng chữ đó, ông nên gặp trước bác sĩ để yêu cầu.”

Người chồng có vẻ giận:

-        “Cô nói là nghề nghiệp của cô không cho phép thêm bớt. Hay quá nhỉ. Thôi được. Nếu bác sĩ dùng chữ “ung thư,” tôi đồng ý cô dùng chữ “ung thư” khi nói chuyện với vợ tôi. Nhưng cô phải dùng chữ ấy cách nào cho nhà tôi không buồn, không lo lắng, để nhà tôi cứ tự nhiên vui vẻ như thường.”

Nhiều năm đã trôi qua trong nghề, người thông ngôn đã tập để không phản ứng với bệnh nhân hay gia đình họ. Nên trong giây phút này, người thông ngôn biết mình phải cẩn thận trong câu trả lời mặc dù cơn giận đang dâng lên trước sự đòi hỏi quá đáng:

-       “Thưa ông, I am not God. Người bệnh nào khi được biết mình bị ung thư cũng buồn cả, trừ phi God giúp họ không buồn and I am not God.”

May sao vừa lúc ấy bác sĩ đến và cuộc đối thoại bên ngoài phòng bệnh chấm dứt. Người chồng nói lên điều ông yêu cầu và vị bác sĩ đã khéo léo trình bày căn bệnh của bệnh nhân ngay trước sự hiện diện của gia đình mà không hề dùng chữ “ung thư.”

X

                                                        X        X

Buổi chiều thứ ba hôm ấy cũng như những buổi chiều thứ ba khác, người thông ngôn trực tại phòng khám bệnh phụ nữ cho tất cả những nữ bệnh nhân cần gặp bác sĩ.  Người thông ngôn còn nhớ chiều ấy rất đông khách, bệnh nhân cả Việt lẫn Úc phải chờ rất lâu. Trong số những cô người Việt ngồi chờ bác sĩ, có một người đặc biệt. Cô mặc áo nâu, trùm khăn trắng trên đầu, trông có vẻ mệt mõi. Vì không có ai cùng ngồi với cô nên cô có vẻ thu kín, trầm ngâm, không nói một lời, khác với những bệnh nhân Việt trong phòng, khi có dịp thì trò chuyện tự nhiên, vui vẻ với nhau và với người thông ngôn.

Năm giờ chiều, hết giờ làm việc, mọi người đều thu xếp để ra về. Trong phòng đợi không còn một bóng người. Người thông ngôn cũng đang thu xếp để ra về, suy nghĩ đến chiều nay không biết nên nấu món gì cho gia đình. Bỗng nhiên, một người đàn ông Việt Nam hớt hãi chạy vào:

-       Cô là thông ngôn phải không?

-       Dạ thưa phải.

-       Cô có thông ngôn cho Nguyễn thị Ba không?

-       Dạ thưa chiều nay đông quá, tôi không biết và không nhớ người nào là Nguyễn thị Ba.

-       Nguyễn thị Ba là người mặc áu nâu, đội khăn màu trắng đó. Nguyễn thị Ba đã về lâu chưa, sao tôi đợi hoài mà không thấy?

-       “À! Tôi biết rồi. Nguyễn thị Ba mới vừa xong, mới bước ra ngoài. Tôi thấy má anh đi ra cửa này này,” vừa nói người thông ngôn vừa chỉ ra cửa bên hông.

-       Vậy sao, vậy sao? Cám ơn cô.

Chạy ra đến cửa rồi, bỗng người đàn ông dừng lại, quay lại nhìn thẳng vào mắt người thông ngôn:

-       Nguyễn thị Ba là vợ của tôi.

Người xưa vẫn nói đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, nhưng có những linh hồn có ngôn ngữ đặc biệt người thông ngôn không hiểu thấu, điển hình là đôi mắt của người đàn ông đang nhìn người thông ngôn trong giây phút này. Có phải anh ấy đang giận? Có phải anh ấy đang buồn? Có phải anh ấy đang muốn giết người để trả thù? Có phải anh ấy có những uất ức không nói ra được? Có phải anh ấy thông cảm cho người vừa phạm một lỗi chết người? Có phải anh ấy là mẫu người giải quyết cơn giận ngay tại chỗ trong vùng đất của bệnh viện, đầy thất lợi cho anh, nhưng có lợi cho người thông ngôn vì có thể xin compo sau khi bị đánh, hay anh ấy là mẫu người dằn được cơn giận, chờ nạn nhân bước ra bên ngoài bệnh viện sẽ giải quyết? Vì không đọc được tư tưởng của người chồng, nên người thông ngôn chần chờ một lúc lâu mới bước ra khỏi bệnh viện. Trời quang mây tạnh, người thông ngôn ra về bình an với gia đình và nhớ ơn người không lấy ác trả ác.

X

                                                         X       X

Cũng lại một buổi chiều, cũng tại một phòng khám bệnh phụ nữ, nhưng lần này khác hơn những lần trước. Đây là một cuộc hẹn cá nhân, không phải cho cả một danh sách bệnh nhân trong cùng một y viện và giờ hẹn là 3 giờ 30 phút chiều. Những cuộc hẹn sau 3 giờ chiều mang những dễ chịu và khó khăn của riêng nó. Nếu xong việc sớm trước giờ ra về là 5 giờ chiều, người thông ngôn vẫn phải hoặc cố gắng trở về văn phòng, nếu đang ở gần đó và phải báo cáo cho văn phòng là mình đã xong việc và đang availabe để khi cần, văn phòng bảo người thông ngôn dịch qua điện thoại, vì gần hết giờ, không thể đi đến một nơi khác được.

Nói gần nói xa, không qua nói thiệt. Người thông ngôn có nhận thấy rằng, dần dần, con người ở Úc càng lúc càng mất lòng kiên nhẫn, chờ đợi. Những năm đầu trong nghề, lúc người tỵ nạn mới sang Úc, ai nấy yêu mến, kính nể bác sĩ và rất thân thiện với người thông ngôn. Nhưng dần dần về sau, chờ đợi là điều họ không muốn nữa, nên sau khi xong thủ tục giấy tờ trước khi gặp bác sĩ, họ hỏi “Chờ bao lâu cô?” Câu trả lời vẫn là: “Khó biết lắm, tùy hôm nay đông hay ít bệnh nhân, có bao nhiêu bác sĩ khám bệnh và những bệnh nhân khám trước mình có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì mình chờ “mút mùa.”

Buổi hẹn chiều nay cũng không ngoài thông lệ. Người ngồi chờ đông, bác sĩ ít, thân nhân của bệnh nhân đứng ngồi không yên, tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Người chồng đến hỏi thẳng thông ngôn:

-       Chờ bao lâu nữa cô?

-       Dạ thưa tôi không biết.

-       Cô phải nói với người ta chứ.

-       Dạ thưa nói gì?

-       Tôi đã gặp rất nhiều người thông ngôn rồi, không phải chỉ mình cô. Tôi thấy mấy người kia người ta khôn lắm, người ta nói với nhân viên ở đây là họ bận việc, phải đi gấp, người ta thu xếp cho mình vô ngay, không chờ đợi gì cả.

Trong Cơ Đốc Giáo, thật thà luôn đẹp lòng Chúa, nhưng chưa chắc gì đẹp lòng người. Nên buổi chiều hôm ấy, người thông ngôn phải đáp lời trong tủi sầu, đau đớn:

-       Thưa ông, chiều nay, từ giờ này cho đến năm giờ chiều ra về, tôi không có cái hẹn nào khác, làm sao tôi nói dối với nhân viên ở đây được?

Năm giờ chiều hôm ấy, cũng như những ngày khác, người thông ngôn ra về. Bầu trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, làn gió nhẹ hiu hiu như an ủi lòng người vừa nhận được một nhận xét cuối trong ngày. Nhận xét này dù đúng hay sai vẫn là một nhận xét của một người, dù ngoại cuộc, nhưng biết dùng óc thông minh sắc bén để quan sát và nhận định tình hình.

Cũng như mọi ngày, trên con đường đông người và tấp nập xe hướng về ga xe lửa Newtown, người thông ngôn nhanh chân bước chung với đám đông. Cũng như nhiều ngày khác, mỗi ngày trong nghề thông ngôn khác nhau, không phải ngày nào cũng như ngày nào. Mỗi ngày trong nghề mang theo những vui buồn lẫn lộn và ta không đoán trước được. Nhưng dù vui hay buồn, những biến cố này mang lại cho người thông ngôn những kinh nghiệm về cuộc sống và những va chạm có thể xảy ra, những kinh nghiệm tiền không mua được. Cuộc đời của chúng ta được kết bằng rất nhiều màu sắc qua những biến cố trong đời, và những màu sắc ấy khiến cho mỗi cá nhân là một cá nhân độc đáo.

 

Đoàn Thu Cúc