THỜI GIAN    images

 

 

Với những chiếc hoa cài trên mái tóc những người con gái đẹp, những chiếc áo đầy hoa, màu rực rỡ tại các cửa tiệm bán y phục phụ nữ, với bầu không khí ấm dần, với ngàn hoa đang tưng bừng nở ra trên đất, chúng con biết mùa đông đã qua rồi và mùa xuân đang đến trên đất Úc. Tháng 9 năm 2018 đang đến trên cuộc đời của chúng con và đặc biệt là mùa xuân năm nay, chúng con được cơ hội dừng lại để suy nghĩ và kỷ niệm 40 năm được thờ  phượng Chúa trên đất Úc.

Khi Chúa dạy chúng con một ngàn năm trước mắt Chúa cũng như một ngày, một ngày như một ngàn năm, lúc còn trẻ, chúng con chỉ hiểu đại khái rằng thời gian đối với Chúa rất khác đối với chúng con. Nhưng hôm nay, với mái tóc đầy phong sương, chúng con hiểu rõ rằng chúng con, loài thọ tạo, nằm trong quỹ đạo của thời gian, và Chúa của chúng con, Đấng Sáng Tạo, đứng bên ngoài và bên trên thời gian, kiểm soát và cai trị thời gian, và đây chỉ là một trong những điểm khác biệt thật nhỏ bé giữa chúng con và Chúa.

Đã hơn bốn mươi năm qua chúng con sống xa quê hương vì trốn chạy Cộng Sản, trên con đường đi tìm tự do, Chúa đã ở cùng, khiến nhiều quốc gia Tây phương nhân đạo mở cửa đón chúng con. Dù được dừng chân nơi bến bờ bình an này, nhưng tâm hồn chúng con vẫn mãi mãi “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia,” nhớ ơn Chúa và nhớ ơn người đã được Chúa dùng để giúp chúng con trong giờ hoạn nạn. Nơi xứ lạ quê người, chúng con, những người đồng niềm tin, đứng chung nhau, nương dựa nhau và Hội Thánh Tin Lành Sydney được thành hình vào tháng 3 năm 1978.

Đức Chúa Trời của chúng con ơi, nhìn lại những ngày dài trên đất khách, chúng con nhận biết những điều tối quan trọng trong cuộc đời Chúa đã dùng thời gian để dạy chúng con, những điều thay đổi theo thời gian và những điều đã không thay đổi, những điều thời gian đã cướp mất và những điều thời gian để lại.

Những ngày đầu đặt chân trên đất Úc, chúng con sửng sờ thấy năm kílô nho xanh bán giá một đồng (những năm ấy Úc chưa có nho không hột) bây giờ năm đồng một kilô nho, những ngày đầu nhiều người tỵ nạn chúng con đến Úc với hai hoặc ba bộ quần áo dính da, bây giờ trong số những người ấy, có người đã có đến năm, bảy căn nhà. Sự khác biệt trong hoàn cảnh sống đã đưa đến những hình ảnh khác nhau. Sau khi Cộng Sản vào miền Nam, anh em cùng đức tin của chúng con nơi quê nhà kinh nghiệm được đời sống đặt mình trong tay Chúa  để “lửa gươm lao tù không hề lay chuyển.” Còn chúng con nơi đất Úc, đi nhà thờ không hề bị ai hăm dọa hay bắt bỏ tù, nhưng một số trong chúng con sinh ra bệnh “nắng không ưa, mưa không chịu” nên Chúa tìm mãi không thấy chúng con ngồi trong nhà thờ, không biết Chúa nghĩ sao? Nhiều anh em cùng niềm tin với chúng con đổ mồ hôi, nước mắt để chỉ có thể có cơm đủ dùng hằng ngày như tinh thần Chúa dạy chúng con trong bài cầu nguyện chung, còn chúng con nơi đây cũng đổ mồ hôi trong cảnh bị “đô vật,” làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, đến nỗi việc của Chúa phải đành gác lại, gác lại và gác lại, không biết cho đến khi nào.Nhưng Chúa bao giờ cũng dành sẵn một số người giữ lòng chung thủy với Ngài trong mọi cảnh ngộ.

Một ngày của chúng con bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và chấm dứt lúc mặt trời lặn. Một năm của chúng con bắt đầu từ ngày một tháng giêng và chấm dứt ngày 31 tháng 12, được 365 ngày. Bốn mươi năm của chúng con là 14,600 ngày có nghĩa là đã hơn nửa đời người. Và trong khoảng thời gian này, đến khi bừng tỉnh cơn mê, chúng con mới thấy rằng không bao giờ lấy lại được. Với khoảng thời gian ngắn ngủi, không bao giờ lấy lại được đó, chúng con phải trả lời trước sự hiện diện thánh của Ngài là mình đã xử dụng khoảng đời này như thế nào, bao nhiêu cho mình, bao nhiêu cho người và bao nhiêu cho Chúa. Ai trong chúng con là người khôn ngoan thì đã và đang tận dụng khoảng thời gian này cho cõi đời đời.

Chúa của chúng con ơi, dù thời gian không bao giờ lấy lại được, nhưng Chúa đã dùng thời gian để dạy chúng con sự khôn ngoan để sống ở đời, nhất là sống với nhau trong cộng đồng con dân Chúa. Tuy trong một cộng đồng của những người cùng niềm tin, cùng một lòng yêu kính Chúa, nhưng sao sống chung với nhau khó quá, làm việc chung với nhau khó quá. Bao nhiêu đau đớn, bao rạn nứt, bao đổ vỡ, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”... Nhưng cũng trong chính sự khó khăn này, Chúa dạy chúng con “sắt mài nhọn sắt,” thái độ và tâm tính của chúng con được phát triển và trưởng thành theo với thời gian, qua cách sống với những người chung quanh và nhất là với anh em trong cộng đồng con dân Chúa. Trồng thì khó, nhổ thì dễ, gây dựng nhau thì khó, hại nhau, làm đau đớn nhau thì quá dễ. Nhưng cũng trong sự đau đớn này, chúng con học biết tha thứ nhau như Chúa dạy và tìm cầu sự tha thứ của Chúa cho những điều chúng con gây ra, dù vô tình hay cố ý trong cộng đồng của Ngài. Thánh Linh Chúa vẫn hiện diện, vận hành trong Hội Thánh Ngài để chúng con biết tội, biết ăn năn và học biết làm theo ý Cha.

Dù Chúa biết mọi tư tưởng, mọi động cơ, bản chất của từng người, nhưng đối với chúng con, phải qua thời gian chúng con mới hiểu rõ. Thời gian sẽ bày tỏ giá trị thật của mọi hành động và sự thật của những động cơ thúc đẩy. Đâu là thật, đâu là giả, ai là tiên tri thật, ai là tiên tri giả, ai là chiên, ai là dê, ai hầu việc Chúa vì yêu Ngài, ai làm việc vì hám danh, vì vụ lợi... thời gian sẽ bày tỏ. Đường dài mới biết ngựa hay. Cũng như tiền bạc, thời gian là đầy tớ tốt nếu chúng con biết khôn ngoan xử dụng, nhưng sẽ là một ông chủ xấu nếu chúng con để ngày tháng trôi đi mà không mang ích lợi gì cho Chúa cả. Phải! Tóc bạc là mão triều vinh hiển, miễn là sống trong đường công bình.

Ngày nay, nhìn nhau, chúng con có thể đoán được tuổi của nhau vì những vết thời gian để lại trên gương mặt. Dù thời gian không thay đổi, nhưng thời gian thay đổi chúng con. Ngày mới đến đây, chúng con còn trong tuổi đôi mươi, bây giờ đã gần bảy mươi và trong kinh ngạc, chúng con phải nhận rằng thời gian đi nhanh thật. Không phải thời gian chỉ thay đổi thân xác chúng con nhưng cũng thay đổi cả môi trường, hoàn cảnh chúng con đang sinh sống. Hơn 40 năm trước đây, một apartment hai phòng ngủ ở vùng Ryde chỉ có $20.000 đô la, bây giờ trị giá cả triệu đô. Giá sinh hoạt, giá nhà... đều thay đổi. Khi chúng con mới đến Sydney thì nào thấy Ti vi màu và ai biết điện thoại di động là gì. Bây giờ làm sao tìm được Ti vi trắng đen và chỉ những bà già nhà quê mới không có điện thoại di động. Chỉ nhiều năm trước đây, đi làm trong mỗi mùa đông là một cực hình, vì mùa đông nơi đây mưa tầm tả, gió lạnh thấu xương, co ro trong chiếc áo mưa dưới cây dù thật to mà vẫn ướt, và gió mùa đông đã thổi gãy không biết bao nhiêu cây dù. Bây giờ, Úc Châu chúng con đang ở trong những mùa đông khô hạn, người làm nông đang trải qua những khó khăn khiến họ phải bán đất, dời đi nơi khác. Thống kê cho biết rằng trong năm 1975 Úc Châu chỉ có 500 người Việt.  Đến năm 1978 con số này lên đến 5,400 người. Nhưng theo cuộc thăm dò dân số vào năm 2011, số người Việt chúng con sống tại tiểu bang New South Wales thôi đã lên đến 71,838 người. Trong 40 năm qua, chúng con đã chứng khiến sự thay đổi của nhiều chính phủ với tám vị Thủ Tướng khác nhau. Phải! Vật đổi sao dời, lòng người cũng thay đổi Chúa ơi! Nhưng quái đản thật, lại có những điều không bao giờ thay đổi theo thời gian. Có tội lỗi nào bên ngoài thế gian kia đã phạm mà cộng đồng con dân Chúa không phạm? Đức Chúa Trời của chúng con ơi, mọi tội như khai gian với Centre Link, Public Housing, lừa Bộ Di Trú, trốn thuế, làm lậu, gian dâm, ô uế, phá thai, lừa đão nhau, ly dị, hại người, bia rượu, cờ bạc, xem hình ảnh dâm ô... chúng con đều phạm. Chúa đã phán rằng nếu con beo thay đổi được vằn của nó thì chúng con, những kẻ đã quen làm dữ, sẽ thay đổi được bản chất mình. Thời gian thay đổi gương mặt nhưng không thay đổi được bản chất của chúng con. Chúng con vẫn là những con thú dữ nhớ rừng, cứ có cơ hội thì trở lại rừng xanh. NHƯNG, giữa những đau đớn này, giữa những kẻ khốn nạn này, Chúa vẫn không thay đổi. Lòng chúng con yêu Chúa đã và đang tiếp tục thay đổi với thời gian, lúc ít, lúc nhiều, lúc nhạt nhẻo, lúc mặn nồng, nhưng tình yêu Chúa đối với chúng con vẫn y nguyên, như lúc ban đầu, từ buổi sáng thế. Đấng tạo nên thời gian, đứng bên ngoài và bên trên thời gian, cai trị và kiểm soát thời gian không hề bị thời gian chi phối. Nhờ vậy mà dù thời gian qua, chúng con vẫn tiếp tục được sinh tồn.

Đức Chúa Trời của chúng con ơi, Ngài đã dùng thời gian để dạy chúng con sự vô nghĩa của cuộc đời, tiếc rằng ít người trong chúng con ghi nhận bài học này. Thời gian đã cướp đi nơi chúng con những người thân yêu nhất trên đời: ông bà, cha mẹ, anh chị em, người phối ngẫu, con cái, bạn thân, những người là gương sáng cho chúng con, những nhà đạo đức, những anh hùng của thế giới... Đây là những đau đớn không nguôi khi chúng con nhớ đến họ, có còn chăng thì chỉ là những kỷ niệm tuyệt vời của những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trên đất.

Chúa dùng thời gian giúp chúng con trưởng thành. Ngày xưa kia chúng con suy nghĩ như con trẻ, ăn nói như con trẻ, hành động như con trẻ, phát biểu như con trẻ, vì chúng con biết Chúa cách ấu trĩ. Nhưng ngày nay, thời gian mang lại sự trưởng thành, chúng con hiểu biết Chúa cách sâu đậm hơn. Và đây là điều duy nhất đi ngược với thời gian: con người bên ngoài càng lúc càng phai tàn trong khi con người bên trong càng lúc càng trưởng thành, lòng yêu kính Chúa càng lúc càng tăng theo thời gian và lòng tha thiết muốn phục vụ Chúa qua việc phục vụ người thể hiện rõ trong nhiều đời sống. Gánh nặng của thế giới vật chất càng lúc càng nhẹ dần trong sự hiểu biết rằng rồi chúng con sẽ chẳng đem theo được gì, nhường lại cho lòng yêu và muốn phục vụ Chúa, tăng dần theo thời gian, vì biết rằng đây là cơ hội ngàn vàng cuối cùng của những người hiểu chiều dài của cuộc hành trình trên đất sắp đến lúc kết thúc, người ấy vẫn còn cơ hội. Chúa của chúng con luôn luôn có những người chung thủy với Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù đời họ ngắn hay dài.

Sự trưởng thành theo với thời gian giúp chúng con hiểu điều căn bản nhất cũng là then chốt để định giá trị những ngày dài trên đất của chúng con; lòng kính Chúa-yêu người. Đức Chúa Trời của chúng con ơi, sao yêu Chúa quá dễ mà yêu người quá khó. Và sao Chúa lại buộc chúng con rằng toàn thể Kinh Thánh, toàn thể luật pháp của Chúa chỉ gồm tóm trong hai điều: kính Chúa-yêu người. Thời gian cho chúng con kinh nghiệm rằng phải cực kỳ cẩn thận trong sự liên hệ với người vì đây là đầu mối của nhiều đau thương trong cuộc đời. Và dù cẩn thận cho đến mực nào, chuyện đụng chạm, đổ vỡ cũng xảy ra. Chuyện gia đình tan vỡ, chuyện anh em xích mích, chuyện nhà thờ lủng củng, gây gổ nhau, chuyện xầm xì, chuyện chia tay, chuyện ra đi trong cay đắng... Tất cả những điều này, một số do chính chúng con gây ra, một số vì chúng con là nạn nhân của người khác, những vết thương lòng, có khi được phai dần theo thời gian, nhưng cũng có những vết thương, thời gian dài chừng nào càng lỡ lói chừng nấy. Những vết thương này mang lại kinh nghiệm để sống cẩn thận ở đời và càng giúp chúng con trông ngóng về thiên quốc, nơi không có nước mắt, nơi con người thật sự được giải phóng khỏi bản chất tội lỗi và thật sự tìm được hòa bình.

Trong nét đẹp của ngàn hoa tưng bừng đua nở trên đất Úc, không gì đẹp bằng những nụ hoa vừa hé nở, những nụ hồng tuyệt vời được chưng bày trong nhà Chúa cũng như những nụ hoa, dù là hoa dại bên đường. Chúa mặc cho chúng nó nét đẹp tuyệt vời không chi sánh được. Những người trong chúng con mà đã đi trọn được bốn mươi năm qua với Hội Thánh Tin Lành Kingsgrove, chúng con biết mình để lại hai điều quý nhất trên trần gian tạm bợ này; một dòng dõi thánh cho Chúa được ra đời và gương đức tin. Theo với thời gian, chúng con càng hiểu rõ vì sao Chúa muốn chúng con chọn người phối ngẫu cùng niềm tin, để một dòng dõi thánh được ra đời, nối tiếp bước đường đức tin của cha mẹ. Chúng con ngậm ngùi cho những anh em đặt người tình bên trên Chúa và dòng dõi thánh của họ bị chấm dứt ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân. Thế hệ chúng con sắp sửa qua đi và một thế hệ trẻ xuất hiện. Cũng như những người trưng bày hoa cho Chúa trong nhà thờ, như những người dâng của lễ cho Chúa trong nhà Chúa qua những công việc nhỏ cũng như lớn, lo việc văn phòng, nấu ăn, giử trẻ, dọn dẹp vệ sinh, đàn, hát ... với đầy lòng trân trọng và vui mừng, chúng con chân thành, trân trọng dâng lên Ngài dòng dõi thánh, thế hệ trẻ  đã và đang tiếp tục nối bước chúng con trong con đường kính Chúa-yêu người. Dù chúng con đầy vấp phạm, lỗi lầm, nhưng chúng con biết dâng cho Ngài điều quý nhất chúng con có trên đời, cơ nghiệp tuyệt vời Chúa ban, điều duy nhất trong thế giới hửu hình chúng con có thể mang lên thiên đàng cùng với mình, đó là con cái của chúng con. Những lần được dự lễ dâng con trẻ cho Chúa trong nhà thờ, nhìn những bậc cha mẹ trân trọng dâng con mình cho Chúa, giống như họ, chúng con rưng rưng nước mắt và không mường tượng được Chúa vui đến mực nào. Nguyện đây là của lễ dâng tốt nhất của đời chúng con, của lễ đẹp lòng Chúa của chúng con. Những điều chúng con phục vụ Chúa trong lúc còn sống rồi sẽ phai dần đi theo thời gian, dần dần người ta chẳng còn nhớ chúng con là ai nữa, nhưng dòng dõi thánh này, sẽ hàng hàng lớp lớp tiếp tục công tác, theo với thời gian, gây dựng nhà của Chúa trên đất trên nền đã lập đời đời là sự chết đền tội của Chúa vì chúng con và cho chúng con.

Sydney của chúng con cũng như nhiều nơi khác trên thế giới phải đối diện với vấn đề phế thải. Càng xài  nhiều chừng nào đồ phế thải càng nhiều chừng nấy. Những đống rác khổng lồ, những lò thiêu rác khổng lồ, những chuyến tàu khổng lồ đi đổ rác giữa biển... nhưng vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn vấn đề phế thải. Bất cứ vật gì thì cũng phải đến ngày “hết hạn.” Thân xác chúng con cũng theo định luật này. Mỗi một ngày qua là ngày hết hạn gần kề hơn. Những người đã trên 40 tuổi  năm nay dự lễ kỷ niệm 40 năm, sẽ có bao nhiêu người được dự lễ 80 năm? Con số này chắc sẽ rất ít. Theo thời gian, chúng con đi dần đến cuối đường, theo luật đào thải của xã hội, của cuộc đời. Một ngày kia, chúng con sẽ trở nên hết xài. Nhưng Chúa dạy chúng con  một định luật mới đi ngược lại với luật phế thải của thế giới. Và định luật ngược lại với thời gian chỉ có bên kia thế giới, trong vương quốc của Ngài. Nơi đây là tạm bợ, trong vương quốc của Ngài là vĩnh cửu. Nơi đây tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười, bên kia, trong vương quốc Ngài không còn nước mắt. Nơi đây có ngày, có đêm, có nhiều mùa, có tháng, có năm, bên kia, trong vương quốc Ngài, thời gian dừng lại trong cõi đời đời. Nơi đây, chúng con bị ngập chìm trong tội lỗi trong thân xác giới hạn, bên kia, trong vương quốc Ngài, chúng con có được một thân thể mới, một con người mới để có thể sống được trong vương quốc không có tội lỗi của Ngài.

Cuối tháng 8 mùa đông chấm dứt tại Úc Châu. Mùa đông năm 2018 này chúng con đã phải trải qua những ngày buồn, những ngày khô hạn, thiếu nước. Con dân Ngài khắp nơi trên đất Úc dâng lên lời cầu xin Cha ban mưa thuận gió hòa. Và trước khi mùa đông chấm dứt, Chúa đã ban. Những trận mưa lớn đổ nước trên tiểu bang New South Wales của chúng con đem lại niềm vui và sức sống mới cho mọi người. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa vì sự chăm sóc của Ngài, từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngàn hoa bắt đầu đua nở trên đất, nhưng vẫn không bằng ngàn hoa trong lòng chúng con đâu Chúa ơi. Những tà áo dài thướt tha, vàng rực rỡ của ban hát lễ trong ánh nắng xuân, những ánh mắt, những nụ cười  phản ảnh được phần nào niềm vui của người được biết Chúa. Già, trẻ, lớn, bé.... chúng con cùng nhau hân hoan đến nhà Chúa để dâng lời tạ ơn và chúc tụng.  Bốn mươi năm trôi qua nhanh thật, nhưng đã mang lại cho chúng con những điều quý nhất trên cõi đời tạm này. Chúng con sẽ còn bốn mươi năm nữa không?  Câu trả lời là của Chúa, sự sống của chúng con thuộc về Chúa, Hội Thánh chúng con là của Chúa, tương lai nằm trong tay Chúa vì thời gian là của Chúa.

 

Đoàn Thu Cúc