CHUNG BÓNG CHUNG ĐƯỜNG

images

 

Mẹ sinh em ra đời vào đúng giữa đêm nên chủ đặt tên em là Midnight. Năm ấy chủ em vừa tròn mười sáu tuổi. Vào thế kỷ thứ 19 tổ tiên em được đưa đến Úc Châu, đầu tiên tại tiểu bang New South Wales nên chúng em được gọi  là the Walers. Em là giống ngựa đặc biệt, chạy đường dài, đầy sinh lực. Từ lúc em được ra đời, chủ thương mến em thật đặc biệt. Chính tay chủ chăm sóc cho em từ lúc bé thơ, cho ăn, cho uống, vuốt ve, vỗ về, nói nhỏ nhẹ bên tai em nên không lạ gì giữa chủ và em một tình cảm đặc biệt nẩy nở.

Khi em lớn lên, chủ và em cùng dong ruỗi đường dài, trên vùng đất rộng nhưng khô cằn, đầy sõi đá vì chưa được mở mang. New South Wales rộng lớn kinh hoàng với những vùng hoang dã, người cũng như vật phải đầy sức mạnh và ý chí mới có thể sinh tồn.

Trời mơ có mấy bến mơ em nào biết được,vì những tháng năm cùng chủ dong ruỗi trên đường, tuy đầy mặn nồng, đầy yêu thương, nhưng thiếu ý nghĩa. Cho đến năm 1915 khi chủ em xin gia nhập quân đội, đặc biệt là gia nhập đoàn Kỵ Binh của Australia, em được bước vào một bến mơ mới với chủ. Số là Anh Quốc tuyên chiến với Đức khi Đức tấn công Pháp qua ngã Belgium, đã mở đầu cho Thế Chiến Thứ Nhứt. Đáp lời kêu gọi của Anh Quốc, Australia kêu gọi thanh niên tình nguyện vào quân đội, và chỉ trong vài ngày, đã có trên hai mươi ngàn người đáp ứng. Chủ và em được đưa đến một vùng đặc biệt để chịu huấn luyện. Cũng giống như chúng em, nhiều thanh niên gia nhập quân đội mang theo ngựa của mình, và chủ và ngựa trở thành một đơn vị trong đoàn Kỵ Binh.

Rồi tất cả chúng em được đưa lên những thương thuyền lớn để đến Anh Quốc. Trên những chiếc tàu khổng lồ này, người chủ chăm sóc cho ngựa mình, mỗi ngày cho ăn uống, chăm sóc, vỗ về. Khó cho người bên ngoài có thể tin được rằng ngựa nhận ra được chủ của nó, những tiếng hí vang trời khi chủ đến gần là bằng chứng của những tình cảm đặc biệt của chủ và ngựa trong cùng một đơn vị. Những thương thuyền đưa chúng em đến một bến bờ mới về hướng Bắc, là nơi nóng nhất trong năm. Giữa trời nắng gay gắt, giữa sông nước muôn trùng, nhiều bạn em bị ngã bệnh. Ngựa cũng như người, chết phải thả xuống biển và số ngựa tử vong là 12%.

Chúng em chưa được cặp bến thì cấp chỉ huy thay đổi chương trình: 30.000 người và 15.000 ngựa được lệnh chuyển hướng về Egypt. Chúng em những tưởng rằng sẽ sang Anh quốc để tranh chiến với Đức, không ngờ chúng em được sang Egypt để tiếp tục chương trình huấn luyện. Nơi đây chủ em được tham quan nhiều thắng cảnh, được nhìn ngắm Cairo và được tham quan những Kim Tự Tháp Ai Cập như một du khách, nhưng mọi tổn phí lại được chánh quyền Úc đài thọ.

Nhưng Thế Chiến Thứ Nhứt đang chuyển về Trung Đông và ngay trong đế quốc của người Thổ Nhĩ Kỳ. Vì những quyền lợi chính trị, thương mãi và nhất là vấn đề dầu xăng, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công kinh đào Suez, là đường tiếp viện của Anh Quốc, chọn đứng với Đức và Anh Quốc phải tranh chiến với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoàn quân Úc và New Zeland được đưa đến một vùng biển thật nhỏ bé, gọi là Gallipoli với mục đích là đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Đức ra khỏi trận chiến. Tại đây, số tử vong của đoàn quân Úc không thể tưởng được vì họ là những kỵ binh, được huấn luyện chiến đấu trên lưng ngựa, nhưng tại Gallipoli họ trở thành lính bộ vì cấp chỉ huy tuyên bố không mang ngựa đến Gallipoli được. Chỉ mới vài tháng, đoàn quân đã mất 50.000 người và bộ chỉ huy phải nhận rằng đã thất trận, tuyên bố rút quân trở về Ai Cập. Chỉ có 10% sống sót trở về, trong số đó có chủ em.

Được tương phùng, chủ với em như cá với nước, như chim trên trời, khắng khít bên nhau, quấn quít nhau như không thể rời nhau một bước. Mọi người đều cương quyết sẽ tận sức để trả thù cho những chiến sĩ đã ngã gục. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đó, vẫn chờ đợi họ trở lại tấn công. Nhưng lần này sẽ khác. Cuộc tấn công lần thứ nhì được dành cho đoàn Kỵ Binh của Úc, những chiến sĩ trên lưng ngựa.

Một hung tin lại đến. Cấp chỉ huy quân đội có những quyết định khó hiểu và người lính chỉ phải cúi đầu chấp nhận. Đoàn Kỵ Binh sẽ ra trận, nhưng mỗi chiến sĩ phải nhận một ngựa khác, không phải ngựa của mình. Chủ và em chia tay nhau một lần nữa và em tạm thời thuộc về một người khác. Nhưng chủ em không chịu thua. Trong điên cuồng, trong tuyệt vọng, chủ tìm kiếm em. Nhưng tìm một con ngựa mang tên Midnight trong vòng 15.000 ngàn con là chuyện không tưởng, một công tác không thể thực hiện. May sao thư từ quê nhà gởi ra chiến trường, nhắc chủ nhớ rằng một bên hông em có đóng dấu chữ  H. Và chủ tìm được em. Lần tương phùng thứ nhì ai có thể diễn tả được niềm vui của chúng em.

Mùa Giáng Sinh 1915 năm ấy chúng em cùng hưởng nơi đất lạ quê người giữa những ngày của Thế Chiến Thứ Nhứt, giữa cảnh máu đổ thịt rơi, giữa những đổ nát, hoang tàn trên nhiều nơi trên thế giới.

Người Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chiếm Egypt và cố gắng cắt đường tiếp viện của Anh Quốc bằng cách tấn công kinh đào Suez. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, một số người Ai Cập phản bội, cộng tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Người Anh hoảng sợ. Một lực lượng 20.000 lính Thổ Nhĩ Kỳ tiến về kinh đào Suez. Sư đoàn kỵ binh của Úc vừa có một vị chỉ huy mới, một người cả đời là lính kỵ và biết cách dùng ngựa và người trên chiến trường. Một trong những điều khôn ngoan vị chỉ huy đã làm đầu tiên là người nào, ngựa nấy. Chủ và em được gần nhau trong niềm bảo đảm rằng chúng em sẽ cùng vào sinh ra tử với nhau.

Trong một sự trùng hợp tình cờ, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ và đoàn kỵ binh Úc đụng độ nhau vào đúng giữa đêm, đúng như tên Midnight của em. Trận chiến khốc liệt này gây số tử vong thật thê thảm cho cả đôi bên. Trong cảnh máu đổ tương tàn, có bốn người kỵ binh Úc bị kẹt giữa lằn đạn, bốn con ngựa của họ ngã chết trên chiến trường, bốn kỵ binh này nằm sát nhau, cùng chiến đấu để bảo vệ mình và bảo vệ cho nhau. Họ không đường thoát.

Và một huyền thoại được ra đời. Trong những cảnh nguy hiểm cực kỳ, trong những cảnh đời chỉ có một không hai mới sinh ra huyền thoại. Một người bạn của chủ em và ngựa của anh ấy, cả hai cùng lớn lên với chúng em tại New South Wales, đã xông vào giữa lằn đạn để cứu bạn, không phải cứu một người, nhưng là bốn người. Ngựa và người tiến đến, và tất cả năm người cùng đeo theo ngựa, và trong tiếng hý vang trời, ngựa đã đang được cả năm người về nơi an toàn. Bạn của chủ em đã trở thành một anh hùng của đoàn kỵ binh Úc, tên tuổi anh sống mãi muôn đời. Trong cuộc chiến này, chỉ 2000 kỵ binh Úc đã ngăn chận được đường tiến quân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với con số đông hơn họ rất nhiều lần. Kinh đào Suez được bảo vệ.

Đoàn kỵ binh chiến thắng được trở về. Chúng em phải vượt sa mạc để trở về. Sa mạc là nơi thử thách mọi người và mọi vật. Chưa từng ai chiến thắng được sa mạc, chỉ sống còn thôi đã là một đại chiến thắng. Trên chiến trường mới này, chủ và em phải đối diện với tử thần mỗi ngày. Phải mất năm tháng để vượt sa mạc Sinai. Ngựa và người trên cát nóng trong những cơn khát kinh hoàng. Ngựa và người phải tự chủ đến mức tối đa để có thể sống còn. Đoàn ngựa chúng em chỉ được cho ăn mỗi 48 tiếng đồng hồ,và mỗi 36 giờ đồng hồ mới được cho uống một lần. Và trên lưng chúng em là những gánh nặng người không mang nỗi. Chúng em phải chở thức ăn, nước uống, vũ khí, đạn dược, quần áo, lều, kỵ binh ... Những ngày đối diện tử thần trong sa mạc, ngựa và người thương mến nhau, chăm sóc nhau trong mối khắng khít mặn nồng, thương yêu nhau như tình huynh đệ chi binh. Các kỵ binh phải chăm sóc cho ngựa mình, vì không ngựa, không đường về. Muốn được trở về hậu cứ, muốn được sống để gặp lại gia đình, phải giữ mạng sống của ngựa mình. Chủ em đã sống còn sau trận Gallipoli, đã sống còn sau khi chạm trán quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ Suez, bây giờ chủ và em phải chiến đấu để sống còn trên sa mạc. Chung quanh chúng em, nhiều người và ngựa ngã quỵ. Những kỵ binh nằm bên ngựa mình trên cát nóng, còn lượng nước cuối cùng cũng chia hai, người một nửa, ngựa một nửa. Nhờ lớn lên ở vùng hoang dã New South  Wales là nơi mà nếu thiếu ý chí và sức mạnh thì không thể sinh tồn, chủ và em đã vượt qua được những ngày cực kỳ đen tối. Kinh nghiệm sống vùng hoang dã đã giúp một số kỵ binh cách tìm được nước nơi khô cằn với những kỹ thuật đơn sơ.

Cuối cùng, quân đội Úc và Thổ đối diện nhau trong cuộc chiến lớn nhất, trải dài từ Gaza cho đến Beersheba. Muốn chiếm Palestine, người Úc phải chiếm Gaza. Trong những ngày vừa qua, quân đội Úc đã bị  thiệt hại nặng nề và Anh Quốc lo lắng rằng trận chiến này sẽ bị hậu quả giống như những trận chiến tại Âu Châu.

Vị chỉ huy mới của đoàn kỵ binh thay đổi chiến thuật. Ông cho chúng em đi vòng sau Gaza và chiếm Beersheba, là nơi có nhiều nước. Trên đường vòng ấy, dù còn ba ngày nữa thì đến Beersheba, đoàn kỵ binh phải chứng kiến thảm cảnh. Quá  mệt mõi và quá khát, nhiều ngựa chết đứng ngay trên chân. Đầu năm 1917 khi cuộc chiến sắp sửa bắt đầu, quân đội khám phá ra rằng người Đức đã gài chất nổ tại những nơi có nước gần Beersheba. Giải pháp cuối cùng là phải tấn công và chiếm Beersheba bằng mọi giá trước khi người và ngựa đều chết.

Đoàn kỵ binh chúng em đối diện với đoàn quân Thổ, hai bên chỉ cách nhau vài dặm. Người Thổ núp dưới những mương đào và chờ đợi chúng em với súng máy. Chủ và em và tất cả những người trong đoàn kỵ binh biết mình thật sự đối diện với tử thần. Không tấn công thì sẽ chết khát, tấn công thì sẽ chết dưới lằn đạn của quân thù. Chúng em không có giải pháp nào khác.

Vị chỉ huy ra lệnh cho đoàn kỵ binh bắt đầu tiến bước. Chúng em chỉ bước đi chầm chậm theo sự chỉ huy của chủ. Nhưng khi vừa nghe tiếng súng máy, ngựa và người đồng cất tiếng. Tiếng ngựa hý vang trời cộng với tiếng la của những chiến sĩ biết mình đối diện với giây phút cuối cùng tạo thành âm thanh chỉ có một trong đời. Người Thổ dùng súng máy và nấp dưới mương, nhưng viễn ảnh bị ngựa đạp trên đầu trên chiến trường là điều họ chưa bao giờ biết, nên họ rất sợ hãi. Họ được cấp chỉ huy họ trấn an, bảo đừng lo, mấy tên Úc không đến được gần bạn đâu.

Chủ và em được vinh dự có mặt trong trận chiến này, cùng nhau chiến đấu trong một trận chiến người ta gọi là không thể thắng được. Và đoạn cuối cùng của đời chinh chiến đã đến với chúng em. Khi em nhảy qua một hố đào, một viên đạn bắn xuyên qua bụng em và đâm thẳng vào chân trái của chủ. Cả hai chúng em đồng ngã quỵ. Chủ em chỉ bất tỉnh, được đưa về hậu cứ, nhưng đến khi gặp được bác sĩ thì vết thương ở chân đã nhiểm độc. Chân trái của chủ em bị cưa, người kỵ binh trở về với gia đình trên đôi nạn gỗ. Các bác sĩ nói với chủ em rằng nhờ Midnight chịu viên đạn này cho anh, anh mới được sống, nếu không thì ...

Đoàn kỵ binh chiếm được Beersheba trong trận chiến người ta đã gọi là không thể thắng được. Sau khi Beersheba thất thủ, người Thổ Nhĩ Kỳ thất trận tại Gaza, và rồi Jerusalem sa vào tay quân đội Anh Quốc. Cuộc chiến tại Trung Đông chấm dứt.

Dù được làm vua thua làm giặc, nhưng kẻ chiến thắng cũng như kẻ bại đều phải tính sổ mình. Quân đội Úc xem xét lại đoàn kỵ binh. Những con ngựa trẻ và khỏe mạnh được bán cho Anh Quốc mang về. Những con ngựa già và yếu phải bị bắn và lột da tại một vùng thung lũng Trung Đông vì da ngựa là một món hàng đắt giá. Lịnh trên đưa xuống rằng dù người và ngựa là một đơn vị, kỵ binh phải nộp ngựa mình để quân đội xử trí. Người ta ghi nhận rằng có những quân nhân cãi lịnh cấp trên, mang ngựa mình ra bờ biển, cưỡi ngựa mình trong bóng hoàng hôn lần cuối rồi chính tay bắn ngựa, không để cho người khác bắn. Khi được hỏi ngựa anh đâu, họ chỉ trả lời rằng nó chạy mất rồi. Thế giới luôn luôn có những kẻ ác, đầy tham vọng, gây đau thương cho biết bao người, nhưng cũng trong chính thế giới đau thương đó, những hình ảnh đẹp tuyệt vời nổi lên với những người chiến đấu cho lẽ phải, cho tự do, cho quê hương mang lại cho con người những giá trị chân thật đầy ý nghĩa cho cuộc sống. Họ là những vì sao sáng trong đêm tối.

Hơn 130.000 ngàn ngựa chiến đã rời Úc Châu để tham chiến, không một con ngựa nào được trở lại Úc. Một số lớn chết trên chiến trường, một số được bán cho Anh Quốc và một số bị giết tại nơi đất khách. Em là Midnight, thân phận em cũng nằm trong con số này. Em đã ngã chết trên chiến trường tại Beersheba nhưng chủ em được sống. Từ khi được sinh ra, em đã cùng chủ chung bóng, chung đường, cho đến ngày định mạng ấy. Nhưng những ngày chung bóng chung đường của chúng em vẫn còn mãi mãi trong tâm trí chủ em.

 

Đoàn Thu Cúc