BIẾT NGƯỜI BIẾT TA

 

 

Sau khi đã vượt một chặng đường xa giữa vùng đồi núi chập chùng, nhóm sĩ quan SS tạm dừng chân để thở, bên cạnh cây cầu nhỏ bắt ngang qua một con rạch nhỏ, trên một con đường nhỏ trong vùng du lịch của Austria. Thế giới đại chiến thứ hai mới vừa chấm dứt một tuần. Hai sĩ quan SS của Đức quốc xã tách riêng ra, đứng cạnh nhau trên cây cầu, mỗi người chìm đắm trong suy nghĩ miên man về giải pháp cho mình. Phía bên dưới, cả hai nhìn thấy những giòng suối nhỏ chảy quanh quẹo theo núi đồi với làn nước trong vắt nổi bật bên những hàng cây xanh biếc của núi rừng. Bây giờ là cuối mùa xuân nhưng nắng xuân vẫn còn rực rỡ trong không khí, nắng xuân vẫn sưởi ấm lòng chiến sĩ sau một cuộc thế chiến tàn khốc. Gần bên họ là những căn nhà bằng gỗ được xây thật đẹp, thật khéo, thật quyến rũ, dành cho những thành phần giàu có hoặc sĩ quan cao cấp của Đức làm chỗ nghỉ mát. Phần trang trí sang trọng bên trong những căn nhà gỗ này với những ánh đèn nhẹ, lò sưởi gỗ để làm ấm lòng người đã chơi trượt tuyết suốt ban ngày hoặc đã mệt nhọc sau nhiều giờ bơi trong giòng nước lạnh của các hồ đặc sắc giữa cảnh núi rừng.

Vị sĩ quan trẻ hơn, với chức vụ Thiếu Tá SS, có ý định ở lại. Gia nhập đảng Nazi từ năm 16 tuổi, anh đã bỏ ra 15 năm hoạt động tình báo cho SS và đã từng phục vụ Đức Quốc Xã tại Vienna, Berlin và Budapest. Mặc dù sự nghiệp của anh trải qua chỉ 15 năm, anh đã chẳng thiếu kẻ ghét mình. Một trong những người chỉ huy của anh đã diễn tả anh là “kẻ gian dối, một tên gây lộn xộn, tham lam, kẻ bợ đỡ, nịnh hót, kẻ mưu lược, kẻ lắm mồm, khoe khoang.” Tuy nhiên, những đặc điểm này rất hữu ích cho ngành tình báo và anh đã khôn ngoan xử dụng đặc điểm của mình. Với kinh nghiệm tạo những cuộc chiến nho nhỏ giữa những nhóm Cộng Sản, anh tin rằng người Mỹ khôn ngoan sẽ biết xử dụng anh đích đáng, thay vì xem anh như là một tội phạm chiến tranh.

Con người mưu lược của anh đã giúp anh biết tìm cách liên lạc với Phòng Đặc Biệt của Mỹ (trước khi cơ quan CIA thành hình) kể từ tháng 2 năm 1945, ba tháng trước khi chiến tranh chấm dứt. Anh muốn dàn xếp một cuộc trao đổi có lợi cho anh và cho Austria, quê hương anh.  Được vinh dự đại diện cho sĩ quan cao cấp của anh, một vị tướng trong quân đội, trưởng cơ quan an ninh của chế độ, anh đã nhiều lần đến Switzerland, nói chuyện với nhân viên tình báo Hoa Kỳ, vừa điều đình, vừa cung cấp cho người Mỹ những mật tin về cách người Đức sẽ tử thủ tại Berlin và nhất là về những chuyến tàu lửa chở vàng cho chế độ sẽ được chôn sâu trong lòng đất tại những vùng núi đồi của Austria. Rất tiếc rằng không ai học được chữ ngờ, các biến cố xảy ra quá nhanh, ngoài sự dự tính của anh, và Austria đã được tuyên bố là một quốc gia “độc lập” vào ngày 27.4.1945

Anh cố gắng hết sức để vượt qua biên giới Switzerland khoảng đầu tháng 5 khi mùa xuân đang dần qua, nhưng đã muộn. Quân đội Pháp đóng tại biên giới giữa quốc gia này và Austria khiến anh không vượt qua được. Anh đành phải dừng chân nơi Austria, giữa vùng đồi núi đầy thung lũng với ngàn cây xanh, cố gắng tìm một nơi ẩn náu trong tuyệt vọng. Điều anh không ngờ là người Mỹ đã chuẩn bị chương trình “tận dụng” anh, biết rằng anh là nhân viên tình báo cao cấp, người nắm giữ nhiều dữ kiện về Cộng Sản tại Đông Âu. Chính người Mỹ cũng biết rằng, nếu sau chiến tranh mà họ dùng anh, sẽ là điều không hay cho họ, vì theo thành tích, anh là một tội phạm chiến tranh, phải được đưa ra tòa án chiến tranh để chịu tội. Và cũng vì biết rằng nếu ra tòa, bản án của anh đương nhiên rất nặng, hình phạt sẽ đi đôi với bản án nặng nề và anh có thể không thoát được tử thần; vì vậy, người Mỹ tin rằng, để cứu mạng, anh sẽ hết lòng cộng tác với họ. Tuy nhiên, để cứu vãn danh tiếng của Mỹ trong việc dùng một tội phạm chiến tranh, phòng tình báo Mỹ luôn luôn liên lạc với anh một cách gián tiếp, luôn luôn qua một người trung gian, không bao giờ nói chuyện trực tiếp với anh cả.

Vị sĩ quan SS đang đứng bên cạnh anh lớn hơn anh đến 9 tuổi, chức cao cấp hơn, Trung Tá trong quân đội, và mặc dù cũng suy nghĩ miên man để tìm một giải pháp cho chính mình trong những ngày nguy ngập, anh không cùng một quan điểm với bạn. Anh tin rằng cuộc chiến này có thể tiếp tục được. Anh tâm sự với người bạn bên cạnh rằng anh sẽ trốn trong vùng đồi núi quen thuộc của quê hương với một nhóm sĩ quan SS và tin rằng khả năng để sống còn trong rừng sẽ giúp anh sống sót. Anh tin nơi lời tâm sự của bạn, vì anh đã thấy rõ chiều sâu của lòng tin tưởng nơi chế độ Đức Quốc Xã của bạn, đang khi hai người làm việc chung tại Hungary sau khi quốc gia này bị Đức chiếm đóng, anh lo phần tình báo, còn bạn anh miệt mài trong công tác đưa bốn trăm ngàn người Do Thái sống tại Hungary vào lò hơi ngạt tại Birkenau.

Đang khi hai người cùng đứng trên cầu, anh bỗng nhớ lại cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai người vào mùa thu 1944 tại Budapest. Anh đang ngồi thật thoải mái trong phòng thì bạn anh bước vào. Một chiến sĩ SS trong y phục chiến trận nhưng với gương mặt run sợ, mệt mỏi như rã rời, tất cả chỉ vì cuộc đảo chánh vừa qua tại Romania. Dĩ nhiên sau cuộc đảo chánh, Romania sẽ gia nhập lực lượng Đồng Minh và Đức Quốc phải đối diện với một kẻ thù đáng kể. Anh rót rượu mạnh cho bạn uống liên tục, nhưng lần này, dường như rượu không làm vơi được nỗi sợ hãi một tương lai đen tối gần kề. Khi hai người từ giã nhau, bạn anh nói “Chắc chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau”. Anh ngạc nhiên hỏi tại sao và bạn anh trả lời rằng quân đội Đồng Minh biết anh chịu trách nhiệm việc đưa người Do Thái đến những trại tập trung “đặc biệt” và do đó, chắc chắn họ xem anh là một trong những tội phạm chiến tranh hàng đầu danh sách. Thình lình, giữa cơn xúc cảm của bạn, anh hỏi con số người Do Thái bị vào trại tập trung là bao nhiêu.

Anh vô cùng ngạc nhiên khi bạn anh trả lời câu hỏi này, bắt đầu bằng sự nhấn mạnh rằng con số này là bí mật của chế độ. Tổng cộng là sáu triệu người Do Thái đã bỏ mạng, bốn triệu chết trong các trại tập trung với lò hơi ngạt và hai triệu còn lại chết vì bị xử bắn và những lý do khác như bệnh hoạn … Rồi bạn anh lại nói thêm rằng cấp chỉ huy của bạn anh tin con số thật cao hơn con số anh nói, nhưng anh quả quyết con số anh đề cập là con số chính xác nhất.

Bây giờ, chỉ hơn tám tháng sau cuộc gặp gỡ đó, người sĩ quan SS cao cấp đứng bên cạnh anh sao trông xơ xác, gầy còm, gương mặt hốc hác, gò má xương xẩu nhô cao lên, đôi mắt thụt sâu vì mệt mỏi, thiếu ngủ. Vị sĩ quan này lại mang thêm một chứng bệnh mới là bắp thịt trên gương mặt anh co rút, tuy không giựt liên tục nhưng cũng khiến người nhìn thấy phải thương hại cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng, vị sĩ quan SS cao cấp này lại phá lên cười, tiếng cười giả tạo, chói tai, thật khó nghe. Một lần nữa, anh xác nhận với bạn rằng chắc anh phải trốn vào rừng, sống chiến đấu, cầm cự càng lâu càng tốt. Trái với sự suy đoán của anh, nhóm sĩ quan SS không ai muốn cùng trốn với anh cả. Họ đều biết rằng với thành tích của anh, tên anh phải đứng đầu danh sách tội phạm chiến tranh và không ai muốn ở cạnh anh trong giờ sanh tử này. Ngoài việc quân đội Đồng Minh sẽ xử tội anh khi bắt được, nếu anh có khéo léo thoát được tay họ, người Do Thái sống sót sau cuộc chiến này sẽ truy nã anh cho đến tận cùng trái đất. Theo lời anh thuật lại, chính vị sĩ quan chỉ huy của anh đã bảo anh “Cút đi cho khuất mắt.”

Trước khi trốn vào rừng, anh còn một việc rất cá nhân phải làm. Anh phải từ giã gia đình, từ giã người vợ chung thủy và ba con trai còn nhỏ. Anh ôm vợ con mình trong đôi tay, ôm chặc và thật mạnh, biết rằng đây là lần cuối cùng còn được trông thấy nhau. Đứa con trai nhỏ nhất chỉ mới ba tuổi và anh quyết định áp dụng kỷ luật lần cuối với nó. Để đứa bé nằm vắt ngang đùi mình, anh đánh vào mông nó thật mạnh. Tiếng la khóc của nó vang dội khắp nhà, một căn nhà nằm gần một hồ nước mênh mông, thật đẹp và đứa trẻ đã té vào hồ một lần, dù mẹ căn dặn nó không được đến sát bên hồ. Rồi anh trao cho vợ bốn viên độc dược, căn dặn rằng “Nếu quân đội Nga Sô vào, em và các con phải cắn ngay viên thuốc này, không được chần chờ. Nhưng nếu quân đội Mỹ hoặc Anh vào, em không cần phải dùng đến chúng.” Anh ra đi, mang trong người một viên độc dược, mặc dù ý định của anh vẫn là chống cự cho đến chết.

Nhóm sĩ quan SS bắt đầu ra đi. Vùng núi đồi, sông rạch với ngàn cây xanh không phải là trở ngại cho nhóm sĩ quan trẻ, sung sức. Họ vượt qua mấy dặm theo đường dốc và tìm được một địa điểm trú ẩn tương đối an toàn. Họ dừng lại nơi đây và một vị SS đại diện họ nói thẳng thừng với anh: “Chúng tôi đã nói chuyện với nhau nhiều về tình hình hiện nay của chúng ta. Tất cả chúng ta không được nổ súng với người Mỹ hoặc Anh. Quân đội Nga sô không vào vùng này. Thật ra, chúng tôi biết họ đi tìm anh, vì anh là một tội phạm chiến tranh đứng đầu danh sách. Họ không đi tìm chúng tôi, chúng tôi chỉ cần đầu hàng khi gặp họ mà thôi. Nên nếu anh rời chúng tôi ngay bây giờ và tự tìm đường thoát thân riêng, anh thật sự sẽ giúp đồng đội anh nhiều lắm.”

Không còn cách nào khác hơn, anh cùng sĩ quan tùy tùng thân cận nhất ra đi, hướng về phía bắc. Thay đổi bộ quân phục SS bằng một bộ quân phục hạ sĩ quan tầm thường, hai người vượt qua bao khe suối, bao trũng, đồi, bao ngàn cây xanh mướt. Họ được dịp ngắm các loại thú sống nơi vùng rừng sâu và thèm thuồng sự tự do những con thú này đang có. Những con chồn, những con nai, những con linh dương nho nhỏ, xinh xắn, những con thỏ rừng với bộ lông trắng và đôi mắt to tròn, chỉ một chút tiếng động cũng khiến chúng sợ hãi, trốn mất. Anh yêu mến các con thú này và khao khát được tung tăng chạy khắp nơi trong vùng núi đồi, vùng đất quen thuộc của chúng và của anh, hưởng bầu không khí trong lành của cuộc đời được tự do trên đất. Anh đã viết lại trong nhật ký rằng anh không thể tưởng tượng làm sao con người có thể cầm súng bắn những con vật vô tội này, cướp lấy sự sống của chúng nó và anh tạ ơn Đức Chúa Trời rằng trong chiến tranh, anh đã không là công cụ trực tiếp trong những vụ giết người.

Những năm người Do Thái bị săn đuổi tại các quốc gia Đông Âu, họ là những con vật đã đến đường cùng, vì những quốc gia ấy không cứu giúp họ. Số người thoát được tay Đức Quốc Xã là một con số khiêm nhượng. Riêng anh, hoàn cảnh của anh khác và anh biết điều đó. Cuộc chiến đã tàn, anh hiện nay là một con vật đang bị săn đuổi, nhưng anh biết nhiều quốc gia Nam Mỹ có thiện cảm với chế độ mà anh đã phục vụ, nên anh biết điều mình cần làm. Anh cần phải vượt sang biên giới.

 

Đoàn Thu Cúc