Cơ quan an ninh ở Hoa Kỳ rất tự hào về việc truy lùng tội phạm bằng câu nói : Tội phạm có thể trốn, nhưng không thoát. Người Việt mình tin chắc kẻ phạm tội không sao thoát khỏi hình phạt bằng câu ca dao : Lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt. Khoảng ba chục năm về trước, một nhà tỷ phú Úc Alan Bond bị bắt về những phạm pháp rất tinh vi. Nhà tỷ phú này có một đoàn luật sư hùng hậu danh tiếng. Trả lời câu hỏi của báo chí :

- Với đoàn luật sư hùng hậu và danh tiếng, tại sao họ không giúp ông tránh những lỗi lầm trong công việc làm ăn. Nhà tỷ phú thẳng thắn trả lời :

- Đòan luật sư của tôi có bổn phận giúp tôi tránh trả thuế càng nhiều càng tốt, mà không bị truy tố vì tội gian lận thuế (phạm lỗi lầm mà không bị truy tố).

Nhà tỷ phú thuê luật sư không phải để giúp mình tránh lỗi lầm theo luật định, song giúp mình phạm lỗi lầm một cách khôn khéo tinh vi, một loại “khôn khéo về sự làm dữ” (Rô-ma 1:30), hầu không bị truy tố và thoát hình phạt. Nhà tỷ phú này đã thoát hình phạt, qua mặt luật pháp trong một thời gian khá dài, nhưng cuối cùng cũng không thoát và bị vô tù.

Có tội phải chịu hình phạt, đó là quy luật bất di bất dịch trong xã hội loài người và trong tâm thức con người.

Các tôn giáo cũng khôn khéo sáng chế ra nhiều hình phạt tội lỗi nơi hỏa ngục, đồng thời cũng sáng chế ra nhiều phương cách để kẻ có tội có cơ thoát hình.

Luật đời, phạm tội nhẹ bị phạt vài chục giờ làm việc công ích hay phước thiện ở vài cơ quan được chỉ định hoặc đóng một số tiền phạt.

Luật đạo của tôn giáo cũng phân biệt tội nhẹ, tội trọng, rồi theo giáo luật cũng phải “lấy công chuộc tội” hoặc dùng tiền “xin lễ” hầu có được hy vọng thoát hình phạt.

Với người đã chết, thân nhân đều áy náy cảm thấy họ có tội và đang bị hình phạt ở một nơi nào đó. Và một số tôn giáo vẫn cho những linh hồn đang chịu hình phạt có cơ thoát hình phạt bởi thân nhân lấy “công quả” của mình “hồi hướng” cho linh hồn thân nhân đang bị hình phạt, có cơ thoát hình phạt. “Công quả” không đủ, thôi thì dùng tiền xin “công quả” của quý “thầy” bù đắp thế nào cũng đủ, thoát khỏi hình phạt. Để chứng minh sự việc này, trong Phật Giáo có sự tích mẹ của Mục Kiều Liên thoát hình phạt ( http://phathocdoisong.com/muc-kien-lien-hieu-thao-cuu-me-minh-thoat-dia-nguc.html ).

Theo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ( http://ttmucvusaigon.org:7777/mediaroot/media/userfiles/useruploads/854/files/Pdf/Giao_Ly_GHCG.pdf )  , có “việc đền tội” cho người sống và cả người chết. Người sống và người chết hưởng được ân xá để thoát hình phạt. Ân xá có thể là “một phần hay toàn bộ hình phạt tạm, mà chúng ta gọi là tiểu xá hay đại xá… Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá, hoặc nhường cho người qua đời” (trang 546).

Người sống “Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện, dâng cúng, bố thí, phục vụ tha nhân, hãm mình, các hy sinh và nhất là kiên trì vác thánh giá của mình” (trang 546).

Người chết nhờ vào “kho tàng của Hội Thánh, đây không phải là tổng số của cải vật chất tích lũy qua bao thế kỷ, nhưng là công đức vô giá và vô lượng trước nhan Thiên Chúa, do việc Chúa Ki-tô đền tạ và lập công dâng lên Thiên Chúa để nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và được hiệp thông với Chúa Cha. Trong Người, chúng ta có được dư dật sự đền tạ và những công do ơn Người cứu chuộc…Trong sự hiệp thông của các thánh,có một mối liên kết tình yêu vững bền và một sự trao đổi dồi dào của tất cả các ơn ích giữa các tín hữu, những người đã về hưởng quê trời, những người đang được thanh tẩy trong luyện ngục và những người còn trên đường lữ hành nơi dương thế. Trong sự trao đổi kỳ diệu này, sự thánh thiện của một người sinh ích lợi cho các người khác, còn hơn nhiều so với sự thiệt hại mà tội của một người gây nên cho người khác. Như vậy nhờ sự hiệp thông của các thánh, người tội lỗi sám hối sẽ sớm được thanh tẩy có hiệu quả  khỏi các hình phạt tội lỗi.” (trang 552).

Việc quan trọng của người sống đối với thân nhân đã qua đời đang chịu hình phạt “luyện ngục” “Chúng ta hãy giúp họ và hãy nhớ đến họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (G 1,5), tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế của chúng dâng lên Thiên Chúa, để cầu cho người quá cố, lại không đem đến cho họ một phần an ủi nào? Đừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những ngƣời đã qua đời…Chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng cách kiếm được những ân xá cho họ, để họ được giải thoát khỏi những vướng mắc về các hình phạt hữu hạn mà họ đáng phải chịu vì tội lỗi mình” (trang 393). “Kiếm” cách nào để “được những ân xá cho họ”? Phải chăng đó là “cầu nguyện, dâng cúng, bố thí, phục vụ tha nhân, hãm mình, các hy sinh và nhất là kiên trì vác thánh giá của mình” như đã được ghi lại ở trên ? Nếu đúng, tại sao điều này không có ghi trong Kinh Thánh ? Nếu vị nào có câu trả lời cho nghi vấn này, xin chỉ giáo cho người mong được học hỏi.

Trong niềm tin của một con cái Chúa, tôi biết như lời Kinh Thánh đã khẳng định, chỉ có phương pháp duy nhất để thoát hình phạt tội lỗi. Đó là : “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1). Ngay cả người ăn cướp bị đóng đinh với Chúa Jêsus đã tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế qua lời cầu xin : “Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:42-43). Cái lý do “chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” đó là vì “khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8), “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:18). Bởi đó, con cái Chúa chúng ta, trước mặt Đức Chúa Trời “là người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12), thì tất nhiên “chẳng còn có sự đoán phạt nào” cho “ người thánh và rất yêu dấu của Ngài”.

Trong đời này, con cái Chúa chân chính có thể bị “sửa phạt” chớ không còn bị “hình phạt”. Hình phạt dành cho người tội lỗi dựa trên căn bản thánh khiết của Ngài,nhưng sửa phạt  dành cho con cái Chúa chân chính, biết ăn năn khi phạm tội và biết tránh xa tội lỗi, dựa trên căn bản yêu thương của Ngài trong chương trình huấn luyện đời sống hữu dụng. Lời Kinh Thánh dạy rằng : “Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?” (Hê-bơ-rơ 12:5-7).

Nhưng khi qua đời, “đi ở với Đấng Christ” (Phi-líp 1:23) thì không còn bị “sửa phạt”. Lời Kinh Thánh khẳng định : “Phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải-huyền 14:13). “Nghỉ ngơi” thì làm gì có “đoán phạt” hay “sửa phạt” mà cần “ân xá”.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Theo nguyên tri, quý vị cảm nhận mình là người có tội, chắc chắn phải chịu một hình phạt nào đó, mà chúng tôi tin là do sự “đoán phạt”. Quý vị không có cách nào trốn khỏi sự “đoán phạt”. Quý vị cũng vô phương “đền tội” để thoát khỏi sự “đoán phạt”. Chúng tôi thành tâm mời quý vị tin nhận Chúa Jêsus, Đấng đã chịu nhận mọi tội lỗi của quý vị và chúng tôi, và chịu hình phạt thế cho tất cả chúng ta trên thập tự giá. Để mọi tội lỗi được tha, quý vị chỉ cần tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình và thế là ngay lập tức quý vị thoát hình phạt tội lỗi, hưởng được lời bảo đảm “chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ”.

Thưa quý anh chị theo đạo Công Giáo,

Nếu quý anh chị còn lo nghĩ đến hình phạt tội lỗi mình phải chịu và đang lo “việc đền tội” cùng lo “kiếm được những ân xá” với hy vọng mơ hồ “sớm về nước Chúa”, xin hãy nắm lấy lời Kinh Thánh khẳng định “Chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ”, “Ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” chứ không phải “ở trong Giáo Hội”. Mong quý anh chị không phiền lòng tôi, vì tôi chỉ xin có ý kiến dựa vào chân lý đã được Kinh Thánh xác quyết.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy nhìn những người chưa tin nhận Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, mà chúng ta đối diện hằng ngày. Chúng ta biết họ đang ở dưới “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:36) và phải chịu hình phạt tội lỗi vô phương thoát. Hãy nói cho họ biết ngay cách thoát hình phạt tội lỗi mà chúng ta đã tin tưởng và kinh nghiệm.

Giới thiệu thơ của thi sĩ Tường Lưu, một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Nhắn bạn vài lời

Nhớ khi xưa, ngày tôi tin nhận Chúa

Rất vững tâm, không một thoáng nghi ngờ

Thử hỏi xem trên đất có ai giờ

Đem mạng sống tặng người không xứng đáng.

         Tội xấu xa, tội lỗi nhiều, nhiều lắm

         Lẽ tất nhiên sẽ hư mất đời đời

         Chúa vì tôi, chịu hình phạt thay tôi

         Ân điển ấy lòng tôi ghi nhớ mãi.

Tôi nhắn bạn vài lời thân ái

Cuộc đời này, đời tạm, sẽ qua mau

Rồi đời sau cuộc sống bạn về đâu

Hãy tin nhận, bạn ơi, tin nhận Chúa.