Bất cứ ai, không quá mù quáng về đời sống vật chất, không khư khư đóng mộc cuộc đời trong ba vạn sáu ngàn ngày để chỉ biết có một đời để sống, thì chắc chắn quan tâm đến đạo đức. Đạo đức cũng là một trong những nét đặc thù của con người. Người thiếu đạo đức sẽ sống như loài vật. Ngày nay, đạo đức suy đồi quả là một hiểm họa cho loài người. Quá khứ, nhân loại đã tôn thánh những vị đạo cao, đức dày.

Đạo đưa con người lên cao. Đạo là cái gì đó không thể tìm ra căn nguyên, đạo dường như là một sự chyển hóa liên tục để thực sự tạo ra những điều kiện làm cho con người có chiều hướng vươn lên với những lý tưởng vô cùng đẹp đẽ, nhưng lại rất mơ hồ.

Trước thời Quản Tử, một nhà Đạo Học trong thời Xuân-Thu, dân Trung Hoa quan niệm về Đạo chỉ là cái công dụng thực tế. Dầu Đạo bao quát rộng rãi cả Thiên, Địa, Nhân, thì mục đích của Đạo là làm sao dung hòa được Thiên đạo và Địa đạo để Nhân đạo được hoàn toàn phát triển. Theo Đức Khổng Tử, Thiên đạo giúp con người tiến tới hoàn thiện, sống hồn nhiên phối hợp với Trời, Địa đạo giúp con người cải thiện hoàn cảnh vật chất, chu toàn đời sống vật chất của con người, để rồi Nhân đạo hướng dẫn con người ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, đối đãi với nhau hợp tình, hợp lý, có tình, có nghĩa. Người sống như vậy là có đức. Đạo dẫn đến đức, đạo cao thì đức dầy, đạo thấp thì đức mỏng, người vô đạo thì không đức.

Trong xã hội loài người, nếu chúng ta thiếu tri thức, thiếu quyền hành, thiếu tiền bạc thì đời sống hơi buồn tẻ, ít bè bạn, họ hàng cũng chẳng ngó ngàng tới. Nhưng nếu chúng ta lại có tri thức, có quyền hành, có tiền bạc mà thiếu đạo đức thì tai họa cho xã hội khó lường được.

Đức tùy thuộc vào đạo. Trong Thiên Hồng Phạm của Kinh Thư chép : “Vô đảng, vô thiên, vương đạo đãng đãng. Vô phản, vô trắc, vương đạo chính trực” - Không bè đảng, không thiên lệch, cái vương đạo thật bằng phẳng. Không giáo dở, không nghiêng ngửa, cái vương đạo thật ngay thẳng.  Như vậy đạo không ra ngoài nhân luân, nhật dụng của con người. Sau đó con người tiến bộ hơn về đạo. Một quan niệm thuần túy siêu hình về đạo được khai triển. Bộ Đạo Đức Kinh mở đầu bằng câu : “Đạo khả đạo, phi thường đạo” - Đạo mà có thể nói ra không phải là đạo thường. Cũng lại có câu “Chí đạo chí tinh, ảo ảo minh minh, chí đạo chí cực, hôn hôn mặc mặc” - Cái tinh của chí đạo, ảo ảo minh minh. Cái cùng cực của chí đạo, mờ mờ mịt mịt. Thế là đạo đã rời hẳn cõi nhân sinh để bước vào lãnh vực ảo minh huyền bí.

Rẽ sóng thời gian, tìm nghĩa lý     Khơi lòng trời đất, lấy tinh hoa.

Rồi nhân thế suy luận, triển khai. Đạo là đường lối sống sao cho toàn thiện, cố gắng triển khai mầm mống thiện sẵn có tới mức chí thiện để được hòa đồng, phối hợp với Trời, một Đấng tối linh trọn vẹn nào đó.

Đạo - là đường lối khám phá ra được tầng lớp sâu thẳm trong con người, là bàn tính mà triết học ngày nay gọi là bản thể hay vô thức, để con người biết trung hiếu, tiết liệt, nhân hậu, từ nhượng, liêm sỉ, tín thành.

Đạo - là đường lối cải thiện nội tâm để xây dựng người và xã hội loài người trong hòa bình, trật tự trên nền tảng đạo đức với niềm ước mơ một thế giới đại đồng.

Đạo - là đường lối tìm những định luật thiên nhiên chi phối mọi sự biến dịch trong vũ trụ và đời sống con người, để con người sinh động và tồn tại.

Đạo - là đường lối hối thúc con người cố gắng, nỗ lực vươn lên, hướng thượng để đạt tới chí thành, chí thiện, lên địa vị thánh nhân, sống phối hợp với Trời ngay trong cuộc sống này. Ai có đời sống đạo đức vượt chúng thường được người đời tôn thánh, trọng vọng, giá trị lắm.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tất cả đạo đức được người đời đánh giá cao, đối với Đức Chúa Trời chẳng có giá trị gì. Trước mặt Đức Chúa Trời, tất cả nhân loại là tội nhân, “ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng thế ký 6:5), “chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không” (Thi-thiên 14:3), nên “mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp” (Ê-sai 64:6), trước mặt Đức Chúa Trời chẳng có giá trị gì.

Đạo từ xưa tới nay, cao cho mấy cũng không cao đủ để con người được đến với Đức Chúa Trời, nên đức nơi con người làm sao đủ để xã hội loài người sống trong hòa bình và trật tự. Hòa bình và trật tự của xã hội ngày nay đều dựa vào luật pháp. Như vậy đạo đức có giá trị cao, nhưng đạo đức đã mất cái giá trị thực tiễn.

Đạo phát xuất từ tâm trí và tư tưởng của con người thì chỉ có thể là nhân đạo, thiếu năng lực để hành đức, Thánh Phao lô đã phải thốt lên “bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Rô-ma 7:18). Hơn thế nữa, đạo phát xuất từ tâm trí và tư tưởng con người sẽ dẫn đến những đạo lý khác biệt, nên mỗi vị sáng lập đạo đã tạo ra một lực lượng tinh thần có đường hướng riêng, không còn mang tính chất dung hòa để gần gũi với nhau hơn, đãi nhau trong khoan dung, từ bi và bác ái. Ngày nay trên thực tế, đạo là mầm mống của chia rẽ, đố kỵ và có khi đi đến bạo động. Triết gia Pháp Quốc, ông André Malraux đã nghi ngờ giá trị của đạo : “ Thử hỏi đạo thực sự đã tạo ra những điều kiện làm cho con người hiểu biết và khoan dung đối với người khác không ?”, triết gia Anh Quốc ông Adam Swift đã mỉa mai “Họ mới đủ đạo để ghét nhau, chứ chưa đủ đạo để yêu nhau”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thiên đạo thì chắc chắn phát xuất từ Trời, “Đạo chi đại nguyên xuất ư Thiên”. Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã đến thế gian, Ngài tuyên bố : “Ta là đường đi (đạo), lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha (Trời)” (Giăng 14:6). Chúa Jêsus không đến thế gian để lập đạo, không chỉ cho nhân thế con đường để đạt đến phối kết với Trời, nhưng cho loài người biết Ngài là con đường, là “đạo”, qua Ngài nhân thế được phối kết với Đức Chúa Trời. “Chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài (Đức Chúa Trời)” (II Cô-rinh-tô 5:18), đạt đến địa vị thánh đồ, có năng lực tình yêu thương để sống với “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Trong đạo Ngài, chúng ta biết ý muốn của Đức Chúa Trời “Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta có Thiên đạo và có năng lực sống đạo đức. Con cái Chúa nào có Thiên đạo mà không sống đạo đức là trái lẽ, đức tin yếu. Cơ Đốc nhân thiếu “đức” vì không nhờ cậy Đức Thánh Linh mà sống. Con cái Chúa nào nương vào Đức Thánh Linh mà sống thì đức đầy. Thánh Linh là năng lực để con cái Chúa biểu lộ “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22), “hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Phi-líp 2:15).

Đạo đức chúng ta có đầy trọn trong Đức Chúa Jêsus. Đạo đức ấy rất có giá trị và giá trị đó đầy đủ trong Cơ Đốc nhân, là những người được cứu chuộc trong Đức Chúa Jêsus để trở nên “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12). Để giữ nguyên giá trị đạo đức “người thánh và rất yêu dấu của Ngài”, con cái Chúa chúng ta phải biết “tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình” (I Phi-e-rơ 3:15).